Câu chuyện du học Canada và trải lòng du học sinh Canada

Câu chuyện du học Canada và trải lòng du học sinh Canada. Tâm sự du học sinh Canada 2019 – Đi du học chưa bao giờ là dễ dàng. Những câu chuyện du học Canada và trải lòng du học sinh Canada.

Câu chuyện du học Canada và trải lòng du học sinh Canada
Câu chuyện du học Canada và trải lòng du học sinh Canada

Suy nghĩ sai lệch của giới trẻ về du học

Nhiều bạn cứ nghĩ rằng :” Ôi! Chỉ cần thoát ra được cái đất nước Việt Nam này và được ra ngoài du học là tốt lắm rồi. Đi du học vừa mở mang kiến thức lại được thoải mái tự do, gia đình không quản thúc thích làm gì thì làm.” Nhưng đó lại là một sai lầm của tuổi trẻ.

Hầu hết các bạn trẻ hiện nay được cha mẹ bao bọc quá nhiều, rồi đến khi bố mẹ đủ điều kiện để lo cho con đi du học mà con cái thì lại không biết số tiền đó là một đống tiền dành dụm cho con đi du học để mong con được đổi đời được mwor mang kiến thức sau đỡ khổ. Vậy mà các bạn nghĩ rằng chuyện đi du học chỉ cần đi thôi là đã sung sướng lắm rồi nên không coi trọng cơ hội đó. Đi du học có bao giờ là dễ dàng đâu.

Rồi đến khi sang xứ người 1 thân 1 mình thì mới biết khi ở nhà mình sống sướng như thế nào.

Tất cả mọi thứ từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất. Tất cả đều phải tự mình gánh vác và tự mình giải quyết vì lúc này đâu còn bố mẹ người nhà đâu mà lo cho mình. Mình không lo thì ai lo cho ta. Sốc về tinh thần những lúc ốm đau, nhớ nhà kinh khủng nhưng lại không thể về. Buồn khóc và tủi thân.

Rồi bước sang bên đó là cật lực kiếm tiền để lo học phí và cuộc sống hàng ngày, có những ngày đau ốm mệt mỏi. Đâu còn giấc ngủ say nồng đến 8-9h sáng rồi đợi mẹ gọi dậy nũng nịu ” Mẹ ! Vẫn sớm mà, con muốn ngủ thêm chút nữa”. Không, mà ngay lập tức phải dậy thật nhanh và thật sớm để còn kịp chuyến xe buýt/chuyến tàu không muộn mất. Đến cuối tháng, lĩnh lương mà rơi nước mắt. “Ôi mẹ ơi! Cuối cùng thì con mới biết, kiếm tiền nó khổ đến thế nào và con thương ba mẹ biết chừng nào”

Các bạn nên nhớ rằng, cuộc sống này là một sự đánh đổi. Bạn mất cái này thì bạn sẽ được cái kia. Không có gì là cho không bạn, du học không bao giờ là dễ dàng, đừng coi khinh nó.

Câu chuyện của 1 bạn du học sinh Canada

Sau hơn hai tháng kể từ ngày chính thức đặt chân lên xứ sở của những chiếc lá phong tuyệt đẹp và cuộc hành trình du học Canada , một ngày được rảnh rỗi ngắm mưa qua khung cửa sổ phòng khu ký túc xá, nhìn lại cơ duyên và hành trình dẫn dắt mình rẽ ngang vào lại con đường của một du học sinh ở tuổi 40 này. Em gái làm tư vấn du học nhỏ nhẹ:

“Chị kể chuyện đi học của Chị xem nó vui buồn như thế nào, thuận lợi, khó khăn ra sao cho mấy bạn nghe với!”.

Ừ, thì nó kể chuyện đời nó mơ đi du học vậy!

“Du học”, hai chữ đến với mình như là một cái duyên…đeo bám vậy! Với những đứa học sinh 7x đầu cuối, sinh ra tại một thị trấn nhỏ của một tỉnh nghèo miền Trung Việt Nam, ba mẹ lại là những người nông dân chân chính thì cái chữ “du học” như một từ ngữ gì dó rất xa lạ. Ai dè, cái đứa con ở giữa của cả tám anh chị em thời đó cũng được xem là có chút ham học, hay đi mượn mấy tờ báo Áo trắng, Mực tím, Hoa học trò… của một cái cửa tiệm sách nhỏ nơi góc con hẻm trước nhà để đọc về những câu chuyện mơ mộng thời áo trắng, mơ về một thành phố xa hoa, lộng lẫy, và có lẽ…cái chữ “du học” nó có được từ trong những câu chuyện đó.

Rồi một ngày giữa tháng 8 của năm 1997, cái đứa học trò nhà quê tỉnh lẻ này cũng đã vào được chốn Sài thành tráng lệ để học đại học. Và như thế, cái chữ “du học” lại càng trở nên thôi thúc hơn. Nó thật sự chưa biết rõ là mình sẽ du học như thế nào, tới những nước đâu, cuộc sống nó ra sao, nhưng chỉ biết là nó muốn một lần trong đời được đi du học. Đời sinh viên của một đứa học trò nghèo tỉnh lẻ không làm sao thui chột một ước mơ “cỏn con” là…được đi du học. Ngoài những việc làm để lo cơm áo gạo tiền xứ người, nó cứ lân la tìm đến những câu lạc bộ tiếng Anh tại nhà văn hóa Thanh Niên, trên đường Phạm Ngọc Thạch, hay mạnh dạn bước vào những buổi triển lãm giới thiệu giáo dục của các nước tiên tiến như Mỹ, Úc, Anh, Canada… Nó đi hết, tham gia hết những buổi triển lãm ấy với một tư duy rất ư là…nông dân:

“Mình chẳng có gì để mất nên tệ nhất là mình cũng chẳng mất gì, còn cái được thì mình sẽ được rất nhiều thứ hơn cái mình đang có: thông tin, kiến thức, và sự…tự tin”.

Vậy nên, có những hội thảo tổ chức tại các khách sạn rất sang trọng như Intercontinental, loay hoay cả buổi vẫn không thể kiếm ra cái chỗ dựng chiếc xe đạp, mà nó mua hàng thanh lý của cái cửa tiệm cầm đồ, để vào xem vẫn không làm nó nản. Vậy đó, có lẽ du học với nó khởi đầu từ những ngày ấy!

Thế nhưng thời đó cái duyên chưa đủ chín để có thể biến ước mơ du học thành hiện thực từ những năm tháng tuổi còn trẻ. Với tâm lý thoát nông chốn tỉnh nghèo, kiếm việc ổn định sau khi tốt nghiệp đại học, đi làm, giành dụm, tiết kiệm để còn được mua nhà xứ Sài thành, cả một chuỗi việc cuốn nó theo để rồi việc du học như là một ưu tiên sau cùng hay tạm thời cất vào đâu đó trong ngăn tủ và rồi bị lãng quên.

Đôi lúc, có những gợi nhớ để nó lục lọi, tìm về với một giấc mơ tạm thời bị che giấu để rồi ngậm ngùi tặc lưỡi:

“Thôi thì chịu khó động viên đám cháu con đông đúc nhà mình đi du học vậy!”.

Nhưng có lẽ giấc mơ của mỗi người có lý lẽ riêng của nó như kiểu “ai mơ thì người ấy thực hiện”, nên dẫu giấu nhẹm đi nhưng nó cứ vẫn âm ỉ chỉ chờ cơ hội lại bùng phát lên. Cũng có vài lần nó âm thầm đọc quy định của trường người ta, tìm hiểu kỹ cách thức làm hồ sơ xin học bổng để du học mặc dù biết rõ mình chưa đủ thực lực về ngoại ngữ để làm. Vậy nên, ngoài việc mơ mộng, để biến giấc mơ mình thành sự thực thì buộc nó phải nhìn vào thực tế là nó chưa đầu tư đúng hướng để có một nền tảng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu của trường người ta, để rồi nó lại phải đóng ngăn tủ giấc mơ lại.

Một ngày tháng 2 năm 2018, của những tháng ngày nó chuẩn bị chạm ngưỡng của độ tuổi 40, ngăn tủ giấc mơ du học của nó lại bật mở rồi trở nên mạnh mẽ đến lạ. Mặc dù ở tuổi này, ai cũng biết việc bước ra khỏi vùng an toàn, thỏa mái mà mình đã có, để khởi đầu lại những bước đi đầu tiên của cả một quá trình dài là điểu không dễ dàng chút nào. Điều này đòi hỏi bạn phải chuẩn bị một tinh thần thật kỹ, nghiền ngẫm những điều kiện mà mình phải đảm bảo tuân theo, độ dài và tính hiệu quả của kế hoạch thực hiện, mức độ chấp nhận những rủi ro đương nhiên sẽ có, các hướng giải quyết và xử lý cũng như cách thức vượt qua những trở ngại, khó khăn khi sống trên đất nước người ta…Rất rất nhiều thứ mà một khi mình đã khởi động thực hiện kế hoạch thì mỗi ngày mình phải theo sát sự tư vấn hướng dẫn của trung tâm tư vấn hỗ trợ hồ sơ du học, lượt lại, sắp xếp từng chút từng sự việc một để biến nó thành hiện thực.

Từng việc từng việc một đều được nó đưa vào danh sách các việc cần lưu tâm trong cuốn sổ tay nhỏ. Sau mỗi ngày xong việc, nó lại mở ra, nhìn ngắm, đếm lại những việc đã làm, làm đến đâu, và những việc chưa làm. Hơn ai hết nó hiểu rõ chính mình sẽ là người đi đến đất nước người khác, mà nơi đó nó phải dùng một ngôn ngữ khác, sống trong một môi trường văn hóa khác, với xung quanh là những con người lạ khác…mà nó phải bắt đầu lại từng bước một.

Có khác chăng, ở cái ngưỡng tuổi 40, nó có một cái nhìn đủ rộng, đủ sâu để biết rõ nó thuận lợi gì, và bất lợi gì hơn trước đây.

Và với nó, việc bán đi căn hộ mà nó đã cày bừa, dành dụm sắm được hơn mười mấy năm đi làm là đã thể hiện một quyết tâm dứt khoát để dấn thân vào con đường du học.

Và rồi sau rất nhiều nỗ lực tự dàn xếp tinh thần nội tại, sự hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn tận tình chu đáo từ ThinkEDU, đến gần giữa tháng 7 năm 2018, nó đã đến sống trong khuôn viên của Ký túc xá trường Đại học Cape Breton, Nova Scotia, Canada để trải nghiệm những tháng ngày du học tại xứ sở lá phong thơ mộng này.

Hai tháng, thời gian chưa đủ dài để nói về những thuận lợi và khó khăn đã, đang và sẽ gặp phải khi sống xa quê hương. Những cảm xúc mà phần lớn các du học sinh bao giờ cũng chuẩn bị tâm lý để vượt qua là những nỗi nhớ nhà, nhớ những nhóm bạn bè, nhớ những buổi café tám chuyện, nhớ những ly trà sữa đậm vị trân châu đường đen, nhớ vị cay nồng của tô bún bò buổi sớm mai, hay tô hủ tiếu vào lúc chiều muộn, hay cả nỗi nhớ về con hẻm quê nhà chỉ vì một lối mòn hao hao ở xứ này… tất cả những thứ dường như đơn giản ấy cũng làm mình đau đáu, lung lay trong những ngày mưa gió nơi đây. Nhưng nếu với tinh thần thấu hiểu:

“Cuộc sống là chặng đường dài được nối lại bởi những đoạn đường ngắn”

Thì mỗi ngày nơi đây sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn bởi những trải nghiệm xứ người. Hãy cứ mạnh dạn bước ra, dạo bước trên những lối đi bộ, nơi mà người dưng đâu đâu, chưa quen nhau cũng nở một nụ cười tươi chào hỏi. Hay hãy cứ mạnh dạn hỏi đúng người và hỏi đến nơi đến chốn một vấn đề mình chưa rõ, chưa biết quy định ở đâu để thấy rằng người ta làm rất tròn trách nhiệm của vai trò một người hướng dẫn. Và cũng hãy mạnh dạn tìm hiểu, học tập sống theo cách sống, mức sống nơi đây như việc học lái xe hơi, biết lái xe và có khả năng có xe hơi là một điều thiết yếu của cuộc sống để mở rộng phạm vi tầm nhìn của mình với xã hội nơi này, hay mạnh dạn đến chào hỏi những cửa hàng đang trưng bảng tuyển tình nguyện viên để có cơ hội hòa mình với cuộc sống công việc thường nhật của người bản địa bởi văn hóa tình nguyện viên là một trong những văn hóa mà người địa phương xem đó là trách nhiệm của công dân, và để góp sức vào việc chung của cộng đồng.

Và hãy học cách quan sát thật sâu, cảm thấu được môi trường sống của người địa phương quanh mình, tìm hiểu qua các quy định liên quan đến cuộc sống của một du học sinh tại địa phương mình ở, tình hình kinh tế chung để thích nghi bởi mình đã thực sự sống với nơi này mà!

Vậy nhé! Hãy cứ mạnh dạn…gõ cửa và bước qua! Thế giới bao la luôn có những điều đáng để học và trải nghiệm trong cuộc sống hữu hạn của mỗi con người.

(Nguồn: think.edu.com – Tâm sự về cuộc sống du học sinh Canada)