Chia sẻ kinh nghiệm thi GMAT 2020

Chia sẻ kinh nghiệm thi GMAT 2020. Hôm nay tranh thủ một khoảnh khắc bình yên hiếm hoi trong cơn lốc GMAT, TOEFL, Essays, Applications …, tôi ngồi tóm tắt lại những kinh nghiệm mà tôi đã thu được trong thời gian qua. Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ diễn đàn nên muốn đóng góp trở lại một phần nhỏ bé của mình cho cộng đồng. Hi vọng những điều tôi đúc kết được sẽ giúp ích được chút nào cho những người đang và sẽ chiến đấu với GMAT, đối thủ được coi là rách việc nhất (mặc dù không phải là nguy hiểm nhất) trên con đường MBA. Do tôi xuất phát điểm là dân kĩ thuật, cụ thể hơn là CNTT, nên có lẽ những bạn có background giống tôi có thể sẽ tìm thấy những điểm chung nào đó, rút ra kinh nghiệm từ các sai lầm của tôi và đạt được kết quả tốt hơn của tôi.

Tôi có ý định học MBA từ rất lâu rồi, nhưng thật sự trước kia cũng chỉ hiểu rất mơ hồ về GMAT, đại khái nó là một cái test mà ai muốn apply MBA cũng phải thi. Cách đây chừng 10 tháng tôi còn tưởng GMAT là thi về toán (MAT tôi đoán chắc là viết tắt của Mathematics), về sau mới biết là mình nhầm to. Lên forum đọc thì toàn thấy các kí tự lạ như Q49, V30, DS, RC, CR chả hiểu gì cả. Điểm chác scale thế nào thì tôi không rõ, vào forum chỉ thấy mọi người kêu muốn apply trường tốt thì nên tầm 700+. Tới tận cuối năm ngoái tôi mới thật sự có ý định apply MBA. Trước kia cứ nghĩ là học MBA chỉ để làm quản lý, nên có càng nhiều kinh nghiệm càng tốt trước khi học. Sau này tôi cũng lại biết là mình nhầm, tầm tuổi 30 như tôi giờ mà vào lớp là coi như loại già rồi. Anyway, better late than never. Do hồi đó tưởng GMAT là toán nên tôi rất tự tin là nếu dân tình được 700+ thì mình cũng thừa sức 700+ vì tôi học chuyên toán lý gần chục năm ở phổ thông và lại học CNTT nữa, cho nên toán chắc là ổn. Tôi nhớ đúng ngày 30/12/2010 tôi lên VMBA post 1 bài rất ngô nghê như sau, post lại cho bà con đọc cười cho vui:

   Học như nghịch thủy hành châu, bất tiến tất thoái   Tâm tự bình nguyên dã mã, dị phóng nan thu
Học như nghịch thủy hành châu, bất tiến tất thoái Tâm tự bình nguyên dã mã, dị phóng nan thu

Subject: Cần học bao lâu để được 700 GMAT?

Hi cả nhà,

Mình muốn hỏi thời gian học cần thiết (estimation) để đạt 700 GMAT. Giả thiết là có background kĩ thuật, IQ tốt, English đọc hiểu tốt và có thể học 3-4 tiếng/tuần.

Cảm ơn mọi người.

Những câu hỏi kiểu này lên GMATClub thì may ra còn có người trả lời, chứ post vào đây thì tất nhiên là không Thật ra tôi cũng đã đọc một số bài về kinh nghiệm học GMAT trên VMBA rồi nhưng chưa thấy ai đả động gì đến số giờ cần học cả, chỉ áng áng là bao nhiêu tháng nhưng lại không biết mọi người dành trung bình bao nhiêu giờ một tuần để học. Tôi cũng chưa vội vàng gì lắm nên cứ kệ. Tuy nhiên đến tháng 2 năm 2011 thì có một sự kiện xảy ra làm tôi quyết định tăng tốc apply ngay năm nay. Lúc đó tôi mới bắt đầu tìm hiểu thật sự về GMAT và TOEFL. Vào khoảng cuối tháng 2/2011 thì tôi chính thức bắt tay vào học. Target của tôi rất đơn giản: GMAT 700+, TOEFL 100+. Lúc bắt đầu học thì tôi sợ TOEFL hơn là GMAT, vì ngoại ngữ chính của tôi không phải là tiếng Anh. Cho đến thời điểm này thì thực tế chứng minh nỗi sợ của tôi là đúng. GMAT tuy đã được 710 nhưng TOEFL mới được 95. Trước khi bắt đầu học TOEFL tôi có thi thử TOEFL vào tháng 2 thì kết quả là 70, một khoảng cách quá xa so với target của tôi. An ủi duy nhất là điểm Reading được tầm 25, mà để học GMAT thì Reading là quan trọng nhất. Đại khái timeline của tôi nó thế này:

Cuối tháng 2 bắt đầu học GMAT/TOEFL song song và nhâm nhi “How to get into the top MBA programs” – đầu tháng 7 ngừng học TOEFL tập trung GMAT – cuối tháng 7 thi GMAT lần 1 – sau đó tập trung gần như hoàn toàn để bắt đầu viết essays + học TOEFL và thi vào giữa tháng 9 – sau khi thi TOEFL xong chuyển ngay lập tức sang GMAT và đầu tháng 10 re-take GMAT lần 2.
Trong thời gian này tôi học trung bình 15h/tuần. Các ngày trong tuần mỗi ngày khoảng 1h, thứ 7 và CN mỗi ngày trung bình 5h. Tôi duy trì việc học với cường độ cao này trong khoảng 7 tháng liên tiếp, từ cuối tháng 2 tới đầu tháng 10. Trong đó nếu tách riêng ra thì thời gian học TOEFL khoảng 3 tháng, GMAT 4 tháng. Tức là thời gian tôi học GMAT tổng cộng là 4x4x15 = 240h. Trên GMATClub tôi thấy có thống kê là trung bình những người đạt 700+ học khoảng 100-120h, tuy nhiên trong số này có rất nhiều người là native speaker hay gần như thế cho nên thời gian cần để học ngắn hơn nhiều. Tôi nghĩ nếu tôi là native speaker hay giỏi tiếng Anh như dân Ấn Độ thì tôi có thể đạt 750+ sau khoảng 2 tháng. Tất nhiên chỉ là nếu thôi, người Pháp có câu là với một chữ nếu bạn có thể nhét cả Paris vào một cái chai.

Thật sự mà nói học như thế này cực kì mệt, nhất là khi tôi còn phải đi làm nữa. Muốn duy trì đều đặn với cường độ cao như thế này đòi hỏi một kỉ luật sắt thép và tính tự giác cao độ. Gần như toàn bộ ngày phép trong năm nay tôi đã dùng để học 2 cái này. Tôi khuyên thật lòng là đừng bạn nào dại dột giống tôi, nên dành ít nhất 18 tháng để học 2 món này nếu tiếng Anh của bạn không thực sự tốt. Do bắt đầu học quá muộn nên tôi không đủ thời gian để thi TOEFL để apply Fulbright, đây là một điều làm tôi rất tiếc. Tôi vẫn gọi đùa thời gian này là threesome (đùa tí, các mod đừng treo nha ). Công đoạn học của tôi nó như sau:

1) Hai tuần đầu đọc và làm bài tập trong quyển GMAT for Dummies. Tôi thấy quyển này rất hay cho người mới học vì nó cover tất cả các khái niệm cơ bản nhất của GMAT. Nếu aim cỡ 600 thì học hiểu hết quyển này + làm OG12 là đủ rồi. Đọc quyển này là tiền đề rất tốt để đọc những cuốn cao hơn. Sau khi xong bộ này tôi có test thử GMATPrep Test 1 thì được 570 thì phải.

2) Khoảng 5, 6 tuần tiếp theo tôi dành đề đọc hết bộ Manhattan 8 cuốn và CR Bible của Powerscore. Tôi không lao ngay vào OG đơn giản tôi nghĩ học cái gì cũng vậy, phải nắm vững lý thuyết rồi mới thực hành. Cũng như học võ thì nội công phải thâm hậu rồi hãy luyện đến chiêu thức. Manhattan là một bộ sách siêu hay và tôi nghĩ nó cover toàn bộ những gì có trong GMAT. Cái gì không có trong Manhattan thì tôi nghĩ cũng không có trong thi thật. (Nghe giống giống kiểu cái gì không có trong Mahabrahata thì cũng không có ở Ấn Độ ấy nhỉ.) Trong phần Quant tôi chỉ thấy đúng cái phần về tính Percentile là không có trong Manhattan, tuy nhiên tôi cũng mới chỉ thấy 1 bài Quant duy nhất liên quan đến cái này trong quá trình luyện nên cũng không chắc khi thi thật có cái này. Mặc dù phần toán tôi thấy không khó nhưng rất cần đọc để nắm từ vựng, đặc biệt là phần hình học.

3) Sau khi đọc xong Manhattan tôi bắt đầu chuyển sang luyện OG. Tôi làm toàn bộ OG12 trong vòng khoảng 6-8 tuần. Làm hết OG12 thì tôi nhảy sang OG11 và OG10. Trong thời gian này tôi làm thêm practice test của Manhattan, PowerPrep, và Kaplan – mỗi tuần 1 test. Tôi có dùng error log file để ghi lại kết quả của OG12 như sau:

Quant : PS 97%, DS 97%. Verbal : RC 78%, CR 77%, SC 67%

Quant thì không có gì để nói rồi, nhưng phần Verbal thì hơi lạ. Khi tôi làm test của Manhattan thì RC rất thảm hại, chỉ tầm gần 50%. Nhiều bài RC tôi trả lời sai 100%. Tốt nhất là SC khoảng gần 70%, các câu SC thường ở level 700. Rút ra kết luận là SC là phần ổn định nhất. Khi bạn làm practice thế nào thì phong độ khi thi sẽ giống như thế. CR thì số phần trăm đúng kém hơn SC một chút. Anyway, nhờ điểm Quant cao nên kết quả test Manhattan cũng khá tốt, đều khoảng 700, lần cao thì bật lên được 730. Đến tuần cuối cùng trước khi thi thật tôi lôi cái GMATPrep ra làm lần 2 thì được 700 thì phải. Trừ cái test Kaplan thì đúng là siêu nhảm nhí, làm tôi xong xem điểm giật tung người vì thấp quá (dưới 600, trong đó Q40). Tuy nhiên bà con trên GMATClub confirm là cái test này không sát với điểm thật nên tôi kệ nó. Đại khái là cũng yên tâm một chút, khăn gói quả mướp đi thi. Phần AWA tôi sẽ kể ở dưới sau, vì nó không phải phần chính.

4) Thi lần 1 : tôi thi ở SG. Cảm nhận chung là phòng ốc lịch sự yên tĩnh, người trông thi tác phong professional. Phần AWA trôi qua bình thường, Quant cũng bình thường. Cảm nhận chung là Quant GMAT dễ hơn Quant Manhattan nhiều. Tuy nhiên vào phần Verbal thì ngay câu SC đầu tiên đã thấy có vấn đề, không hiểu sao thấy khó lạ. Một phần là số đen, trúng câu toàn từ mới đọc không hiểu gì cả. Mấy câu sau cũng thấy khó khó thế nào ấy. Không giống lúc làm test ở nhà. Mấy bài đọc thì khỏi phải nói, đọc hết sức nặng nhọc. Lúc làm tôi đã có cảm giác quả này không ổn rồi. Hôm đấy tôi phải làm thêm phần experimental phần integrated nữa nên thi lâu hơn bình thường nửa tiếng. Đến lúc xem kết quả thì chán hẳn, tuy Q50 nhưng Verbal hết sức tệ hại làm điểm chỉ ở mức mid-600. Tôi rời khỏi phòng thi mà đầu óc quay cuồng vì không hiểu sao lại thế.

5) Sau khi thi GMAT xong tôi bắt tay ngay vào học TOEFL nước rút trong một tháng rưỡi. Gần như toàn bộ thời gian tôi dành cho Listening và Speaking. Lúc muốn đổi không khí cho đỡ chán thì lôi Verbal GMAT ra luyện. Vừa học TOEFL tôi vừa ngẫm nghĩ tại sao kết quả GMAT thi thật lại kém vậy. Tôi nhẩm lại bài học của những người thi trước như linhnam, TuongNM, và cả superman king_james. Đây là những người có background giống tôi: đều học BK các ngành CNTT/ĐTVT ra, lần một đều ở mức giống tôi (630-670) và đều phải thi 2 lần mới được 700+. Đặc điểm chung của các bạn này và của tôi khi thi lần 1 là điểm Quant đều tốt xấp xỉ 50 nhưng Verbal thì không tốt lắm, dưới ngưỡng V35 là ngưỡng gần như tối thiểu để đạt 700. (Thông thường muốn được 700+ thì Q+V >=85. Do ít khi có Q51 cho nên để đạt 700 thì V phải >=35). Tôi rút ra mấy kết luận sau đây:

Thứ nhất, tôi dành quá nhiều thời gian cho Quant, phải tới 40% tổng thời gian học trong khi thật ra chỉ cần khoảng 25-30% vì toán của tôi đã tốt sẵn rồi, nên để thời gian học Verbal thì tốt hơn. Lẽ ra khi làm Quant Manhattan được cỡ 48 điểm trở lên là có thể stop được rồi thì tôi lại đâm đầu vào luyện những dạng toán cực khó để rồi chẳng để làm gì. Đơn cử là Combination với Probability khi thi thật tương đối dễ chứ không phức tạp như Manhattan với GMATClub, tôi lại màu mè đọc lại những thứ kiểu công thức Bayes hay các hàm phân bố xác suất và luật số lớn học hồi đại học. Quant GMAT khi thi thật cực kì elegant, không bao giờ yêu cầu bạn phải biết những công thức cầu kì phức tạp. Lời giải ít khi yêu cầu tính toán trâu bò. Cái chính nó muốn test là logic của các bạn chứ không phải là kiến thức toán vì kiến thức thì toàn kiến thức hết sức cơ bản, trừ một số topic nâng cao như combination ra thì học hết cấp 2 cũng làm được.

Thứ hai, tôi chưa crack được phần Reading Comprehension của Verbal. Điều này thể hiện rất rõ khi làm test Manhattan, có những bài tôi làm sai 100% vì đọc không hiểu mình vừa đọc cái gì. Lý do là khi tôi đọc thì tôi quá để ý đến chi tiết vụn vặt mà không biết cách lọc ra main idea cho nên khi gặp bài nào mà nhiều từ mới thì đọc một lúc là hoa mắt không hiểu gì nữa. Bài nào may mắn trúng phần quen biết nhiều từ vựng thì mới làm tốt được. Thêm nữa tôi quen đọc tài liệu dính đến kĩ thuật bằng tiếng Anh mà những tài liệu thế này thì từ vựng chỉ quanh quẩn trong chuyên ngành và ngữ pháp câu cú thường hết sức trong sáng dễ hiểu chứ không loằng ngoằng rối rắm như RC của GMAT. Tôi nghĩ các bạn dân kĩ thuật khác chắc cũng giống tôi.

Thứ ba, level của tôi thực sự chưa đạt 700 giống như kết quả làm test Manhattan. Test Manhattan có đặc điểm là Quant thì khó hơn thi thật nhưng Verbal thì lại dễ hơn và hình như chấm điểm thoáng hơn. Có điều Quant thì tôi thi cả Manhattan lẫn thi thật đều sàn sàn như nhau ở mức 49-51 là mức cao nhất rồi nên điểm không dao động nhiều. Còn Verbal thì khác, thi thật và làm test điểm dao động nhiều hơn. OG12 tôi làm cũng không đến nỗi nhưng tôi nghĩ các câu hỏi OG12 chủ yếu là level 600-650 mà thôi. Lần làm test GMATPrep thứ 2 tôi được 700 có thể là do ăn may gặp phải mấy bài Reading dễ.

Sau khi tổng kết xong bài học nói trên, trong thời gian học TOEFL tôi dành phần lớn thời gian luyện Speaking và Listening. Thay vì luyện Reading TOEFL tôi ngẫm nghĩ cách crack phần Reading GMAT và rốt cục thì cũng tìm ra cách đọc hiệu quả cho mình. Sau khi thi xong TOEFL vào giữa tháng 9 thì tôi có 2 tuần học intensive để thi lại GMAT, tôi lấy thêm 4 ngày phép trong 2 tuần này để nghỉ ở nhà học. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này tôi gần như không động tí nào đến Quant nữa mà chỉ học Verbal thôi. Rất cảm ơn bạn king_james đã upload bộ 31 test set lên. Tôi sử dụng bộ này để luyện phần Verbal và thấy nó rất hiệu quả. Ngoài ra trong này còn có một tài liệu vô giá là file excel ghi lại performance của king_james qua từng test. Tôi làm đến test thứ 15 thì thấy mình làm cũng không đến nỗi kém superman king_james nhiều nên yên chí là quả này thi lại chắc sẽ tốt. Tôi còn làm thêm 1 test PowerPrep và 1 test GMATPrep bản cũ thì được 760 và 740, tuy nhiên có mấy câu tôi làm rồi nên đoán chắc level thật của mình khoảng 700-730.

Judgment Day:

Tôi thi lại vào ngày thứ hai 3/10. Thật hết sức đen đủi là tối hôm đấy tôi không ngủ được. Lý do tôi đoán là hôm trước đó tôi quá tham lam, học cả ngày đến tận 11h tối nên đầu óc căng ra như dây đàn nên rất khó ngủ. Mà tôi lại thuộc loại nếu buồn ngủ thì không thể nào thi tốt được, thật chán nản hết cỡ. Tôi chán đến mức 5h sáng mò dậy lên mba.com để reschedule cái lịch thi, chấp nhận mất tiền vì nếu đi thi không tốt thì ngoài vụ 2 lần điểm kém ra còn phải đợi 31 ngày sau mới được thi lại trong khi deadline đến nơi rồi. Đen thay (hoặc may thay) là khi login vào thì nó báo là quá muộn để reschedule rồi. Tôi đánh mò lên giường nằm lại. Đúng lúc đang ngán ngẩm thì tôi nhớ ra 2 bạn là linhnam và hoacucdaihn cũng gặp problem này giống tôi, cả đêm mất ngủ mà vẫn đạt 700+ cho nên tôi nghĩ mình cũng đánh liều xem (chơi forum có cái lợi thế đấy các bạn ạ). Cũng may mắn là sau đó nằm ngủ được hơn 1 tiếng.

Vì thiếu ngủ nên khi đi thi tôi xác định mình sẽ phải tiết kiệm sức hết sức có thể để chiến đấu với phần Verbal. Do vậy tôi làm AWA hết sức đại khái, dùng cái template của chineseburned trên GMATClub. Phần Quant tôi cũng không suy nghĩ kiểm tra chéo nhiều nữa mà cứ ra kết quả là tick luôn. Có điều toán gần như ăn vào máu của tôi rồi cho nên dù buồn ngủ vẫn làm tốt. Quant thi thật có một điểm cực giống Quant Manhattan đấy là các câu đầu tiên dễ, sau đó khó dần nhưng bắt đầu từ khoảng câu 30 đổ đi là lại dễ dần đi, tôi nhớ câu Quant số 37 tôi gặp một bài tính phần trăm dễ một cách tức cười, có lẽ chỉ tầm level 500. Chú ý: cái này đúng với ngưỡng Q49-51 nhưng tôi không biết có đúng với các level khác không. Một cách để biết bạn có làm tốt phần Quant không là để ý xem có xuất hiện các advanced topic kiểu Combination, Probability, Venn diagrams … hay không.
(Important Notice: tôi cảm thấy thế thôi nhé, đừng tin tuyệt đối vào cái này mà nguy hiểm đấy!!!!). Với tôi thì các topic kiểu này xuất hiện từ khoảng câu số 16, 17 gì đó. Xong phần Quant là tiết mục break, tôi ăn chuối và uống nửa lon Red Bull để lấy sức, rửa mặt bằng nước lạnh cho tỉnh táo và tiếp tục chiến đấu. Lần này làm Verbal tôi thấy SC vẫn khó khó thế nào ấy, mặc dù vẫn chưa khó bằng Brutal SC – hình như là tại GMAC đã thay đổi phần SC. Phần CR thì làm khá tốt. RC thì tôi gắp phải 2 bài short và 2 bài long. Thật là kì diệu, tôi làm 2 bài long RC và bài short RC đầu tiên rất tốt. Tôi không phải đoán một câu nào cả. Đến bài short RC thứ tư thì do thấm mệt rồi nên làm cũng không ổn lắm. Thêm một phần nữa là tôi cũng chủ quan vì biết mình đang làm tốt: Ngay từ câu thứ 4, 5 tôi đã gặp phải một câu CR fill in the blank rồi. Cái sự chủ quan + buồn ngủ này dẫn đến việc tôi tập trung kém đi trong mấy câu cuối và phạm phải một sai lầm ngớ ngẩn là quên không trả lời câu Verbal số 41. Các bạn đi thi thì nhớ phải chiến đấu đến cùng, đừng chủ quan vì đôi khi chỉ chênh 1, 2 câu thôi là điểm của bạn sẽ khác. Khi làm Verbal tôi cảm thấy là nếu bạn gặp phải các câu CR fill in the blank thì tức là bạn đang ở mức 35+; còn nếu bạn gặp phải các câu CR boldface questions thì tức là bạn đang ở mức xấp xỉ 40. (Chú ý: cũng như phần Quant, đây là tôi cảm thấy thế thôi nhé, đừng tin tuyệt đối vào cái này mà nguy hiểm!!!!) Tôi không gặp phải câu fill in the blank nào trong lần thi đầu và trong cả 2 lần thi tôi không gặp câu boldface questions nào cả nhưng khi làm test Manhattan thì tôi thấy lần nào tôi gặp câu boldface thì điểm Verbal của tôi phải tầm 36-39. Bạn nào đi thi rồi gặp boldface question thì confirm thêm với nhé.

Sau khi làm xong Verbal, tôi trả lời mấy thông tin và hồi hộp bấm xem kết quả. Khi nhìn thấy 710 (Q50, V36, về sau biết thêm AWA 4.5) tôi reo lên một tiếng vì mừng. Thật sự là tôi không nghĩ mình lại làm tốt thế. Tất nhiên tôi có chút tiếc nuối vì biết nếu mình tỉnh táo không buồn ngủ thì có thể kết quả sẽ tốt hơn nhưng tôi nghĩ cao lắm thì cũng chỉ có thể được 730 là kịch. Mà 710 với 730 cũng không khác nhau nhiều lắm. Do vậy có thể tạm coi là thành công.

Tổng kết chung về cách học:

1) Học kĩ lý thuyết trước khi làm bài tập, thời gian chia ra khoảng 30% lý thuyết, 70% bài tập. Trong khi làm bài tập cần kiểm tra kĩ những phần mình làm sai, nếu sai do ẩu thì cố gắng cẩn thận hơn, còn nếu sai do hổng lý thuyết thì phải đọc lại khi nào kì hiểu lý thuyết thì thôi.

2) Học có trọng tâm. Tập trung vào phần mình yếu nhất mà học đến khi cảm thấy crack được nó thì mới nhảy sang phần khác. Ví dụ như phần CR thì tôi yếu nhất là Draw the Conclusion nên tôi lên GMATClub, vào phần Verbal của nó, chọn các topic có tag là Conclusion mà làm. Bao giờ cảm thấy ổn ổn thì mới nhảy sang phần khác. Nói như cách đánh “tiêu diệt chiến” của Mao Trạch Đông thì là đánh bị thương ba sư đoàn không bằng đánh tiêu diệt một sư đoàn.

3) Tôi học một mình nhưng tôi nghĩ nên học có đôi thì lợi hơn. Đông quá cũng không tốt. Lý tưởng nhất là 1 bạn BK học với 1 bạn FTU/Ngoại Ngữ, khi này Quant và Verbal sẽ bổ sung cho nhau (mà về sau bổ sung thêm được những thứ khác ngoài Quant với Verbal ra thì càng tốt ).

4) Timing thật cẩn thận khi làm test và thi thật: trung bình 5 câu Quant mất 10 phút và 5 câu Verbal mất 9 phút.

Quant:

Phần này tôi chỉ có một kinh nghiệm là các bạn kĩ thuật đừng dành quá nhiều thời gian học Quant như tôi trong giai đoạn đầu. Nếu bạn làm test Manhattan khoảng 48 hay GMATPrep khoảng 50 là dừng được rồi. Để thời gian học Verbal tốt hơn.

Verbal:

Mặc dù nhiều người nói không nên dành nhiều thời gian cho mấy câu đầu nhưng tôi nghĩ khi thi thật thì 4, 5 câu Verbal đầu nên dành nhiều thời gian một chút (thêm khoảng 15-30s cho mỗi câu) làm cho cẩn thận vì khi mới vào làm bài thì bộ não vẫn đang vương vấn với Quant, chưa quen lắm với Verbal nên dễ sai hơn.

SC: Nên học thật tốt phần này vì phần này dễ improve nhất. Đọc nhiều lần Sentence Correction của Manhattan, xem tất cả các video SC Thursday with Ron trên Manhattan (Google là ra), download lab “Splitting and Resplitting” về xem. Mỗi ngày làm ít nhất 10 câu SC trước khi đi ngủ cho vui. Gần đây nghe nói GMAC đã đổi kiểu thi nhưng các bạn đừng lo, chỉ cần mình học chắc kiến thức thì đi thi đề thế nào cũng không sợ. Kiểu như võ công thâm hậu rồi thì đối thủ có biến chiêu đến đâu mình cũng đối phó được thôi.

CR: Phần này chính ra là học ít nhất vì nó liên quan đến khả năng tư duy và suy luận và cái này thì thường fix rồi. Đây chính là điểm mạnh của các bạn học kĩ thuật. Tôi thấy khi làm phần này mà tôi đủ từ vựng đọc hiểu hết được cái argument thì khả năng làm đúng phải đến 90%. Điểm cốt yếu nhất là khi đọc 1 argument thì phải tìm ra được cái nào là fact, claim, conclusion … Mô hình chữ T trong cuốn CR của Manhattan có vẻ hữu ích khi luyện tập vì nó sẽ giúp mình hiểu từng phần một trong argument. (Mặc dù tôi chưa bao giờ luyện theo cái này vì tôi biết đến nó khá muộn, nhưng tôi cảm giác là nó hay, tuy nhiên khi thi thật thì không nên dùng mà chỉ nên nghĩ trong đầu thôi vì vẽ ra sẽ rất mất thời gian.) Nhiều người khen Bible của PowerScore nhưng tôi thấy nó cũng không có gì đột phá được như quyển SC Manhattan, tuy nhiên vẫn nên đọc.

Phần CR thì chỉ có 1 kiểu mà tôi struggle mãi mới tìm ra được cách crack, buồn cái là khi thi thật lại không có dịp dùng. Đó chính là các câu boldface questions. Mới đầu làm các câu kiểu này tôi toàn sai, đơn giản là tôi không nắm rõ định nghĩa thế nào là position, thế nào là objection, thế nào là claim, thế nào là judgment … Chỉ cần hiểu rõ định nghĩa của mấy cái này là OK. Thêm nữa trong 1 argument kiểu này nên làm theo kiểu lọc ra. Ví dụ nếu bạn thấy phần boldface thứ 2 là main conclusion thì bạn lướt qua một lượt 5 câu trả lời, câu nào mà nói boldface 2 không phải là main conclusion thì gạch ngay. Sau đó trong các câu còn lại sẽ đối chiếu với phần boldface thứ nhất. Làm thế sẽ nhanh hơn nhiều là đọc hết cả 5 câu. Có điều là làm loại câu này rất mất thời gian (thường tôi làm ít nhất cũng phải 2 phút rưỡi) nên nếu bạn đang thiếu thời gian mà gặp câu này thì nên bỏ qua ngay và nhảy sang câu khác.

RC: Phần chát chúa nhất và khó improve nhất. Kinh nghiệm mà mình có được là phần này là khi đọc 1 câu dài dài loằng ngoằng mình phải biết cách loại bỏ những chi tiết râu ria rất dễ làm mình lạc hướng. Ví dụ:

According to a recent theory, Archean-age gold-quartz vein systems were formed more than two billion years ago from magmatic fluids that originated from molten granite-like bodies deep beneath the surface of the Earth.

Khi gặp những câu khó khó kiểu này. Nếu mình đủ từ vựng để hiểu toàn bộ thì tốt, còn nếu không thì mình phải diễn dịch nó ra đơn giản như sau để nắm ý chính của nó:

According to a theory, gold-related quartz-related vein systems were formed long long time ago from something beneath the surface of the Earth.

Khi đọc hết 1 câu thì mình cố gắng summarize nó lại trong đầu và take note ra cho dễ hiểu, đại khái note như sau:
Th/ry: bdies under Earth -> mmg fluids -> gld-qrtz vein systems

Trong khi đọc thì nên cố hình dung bằng hình ảnh trong đầu cái đang được đề cập đến, sẽ dễ hiểu hơn nhiều. Theo kinh nghiệm của mình. nếu đọc xong 1 câu hay 1 đoạn mà bạn không summarize lại được thì chứng tỏ là bạn vẫn chưa hiểu câu này hay đoạn này muốn nói gì. Trong trường hợp này nên đọc lại, ít nhất cũng phải hiểu được main idea của nó. Không skim scan gì hết, vì skim vô nghĩa với RC GMAT. Tôi nhớ có lần vào Website của Manuel Blum, computer scientist đoạt giải Turing năm 95, tôi thấy ông ấy khuyên là khi các bạn đang đọc cái gì đó khó khó thì nên vừa đọc vừa viết ra thì sẽ hiểu vấn đề hơn. Blum kể chuyện bạn ông ấy là Professor toán ở MIT, lúc nào mọi người đi qua văn phòng cũng thấy ông này đang viết lách gì đó. Người ta đoán là bác Prof này đang viết ra các công trình nhưng Blum nghĩ là ông này đang viết lại những thứ mà ông ấy đang đọc. Khi đọc 1 technical paper thì sau khi đọc xong tôi thường cố gắng summarize lại trong 1 paragraph các idea chính của paper. Nếu đọc xong mà tôi không summarize lại được thì tức là tôi vẫn chưa hiểu paper đấy.

Thêm nữa, khi làm Long RC thì sống chết gì bạn cũng phải hiểu được cái paragraph đầu tiên nó muốn nói gì, vì cái paragraph này là quan trọng nhất và sẽ nói ý chính của cả bài. Đối với các paragraph khác thì 1, 2 câu đầu thường quan trọng nhất vì nó nêu ý chính của cả đoạn. Với Short RC thì các paragraph quan trọng như nhau. Nhưng vẫn nên tập trung hiểu thật kĩ mấy câu đầu của từng đoạn. Đặc biệt để ý đến transition words (However, On the other hand ….).
Theo như Manhattan RC thì khi đọc bài short bạn nên đọc 2.5-3 phút còn khi đọc bài long nên đọc trong 3.5 – 4 phút. Sau đó mỗi câu hỏi bạn dùng trung bình 1 phút để trả lời. Tôi nghĩ cái này áp dụng với dân native thôi, chứ dân non native thì nên đọc lâu hơn. Bài short có thể đọc từ 3.5 – 4 phút còn bài long đọc trong vòng 4-5 phút. Ngoài ra có nhiều câu nên bạn đọc kĩ bài đọc rồi thì có thể trả lời được liền mà không cần đến một phút, nhất là các câu về main idea của bài hay của paragraph.

Kinh nghiệm cuối cùng là khi đọc thì hãy thả lỏng người ra, đừng lên gân tập trung quá mức. Chỉ tập trung khi gặp câu nào quá khó thôi, còn lại thì nắm main idea của câu quan trọng hơn là hiểu rõ từng tí một. Nếu lên gân tập trung quá cao độ thì rất chóng mệt và nhiều khi làm mình focus vào detail mà quên mất main idea của bài hay đoạn đang đọc.

AWA:

Phần này không phải phần chính nên tôi cũng không focus quá nhiều vào nó. Tôi dùng template của chineseburned trên GMATClub. Tuy nhiên các bạn nên đặc biệt lưu ý là với dân international students thì B-school sẽ soi phần này kĩ hơn dân native để biết trình độ tiếng Anh viết lách của bạn đến đâu. Nếu essays bạn viết quá tốt mà AWA lởm thì sẽ bị nghi ngay là nhờ viết hộ. Cho nên để an toàn thì bạn nên cố gắng đạt 5 – 5.5 phần này, tối thiểu cũng phải từ 4 trở lên. Được 4 trở lên rất dễ, bạn chỉ cần theo đúng template và không hiểu sai câu hỏi là kiểu gì cũng phải 4+.

Có bạn cẩn thận đến mức học cách trả lời toàn bộ các câu hỏi. Tôi nghĩ không cần thiết, mình chỉ cần viết khoảng 3,4 bài cho mỗi phần Argument và Issues là đủ rồi. Argument thì giống giống CR, mình tìm ra điểm sai của nó thôi. Issues thì giống independent writing task của TOEFL. Chủ yếu là làm cho quen template. Tuy nhiên phải đọc qua một lượt các câu hỏi để đảm bảo là bạn hiểu hết các câu hỏi, nếu hiểu nhầm và trả lời sai là bị điểm kém liền. Trên GMATClub đã có tình trạng 750 GMAT mà 2.5 AWA làm khổ chủ khóc dở mếu dở không biết nên thi lại hay không.

Tài liệu học:

1. Manhattan 8 cuốn

2. CR Bible của PowerScore

3. Các video Thursday with Ron (tôi chỉ xem Verbal thôi nhưng có lẽ Quant cũng hay. Manhattan cái gì cũng useful cả.)

4. Lab “Splitting and Resplitting” và “Reading Comprehension” của Manhattan.

5. OG 10, 11, 12

6. Brutal SC, 1000 SC

7. Forum GMATClub (nguồn tài nguyên gần như vô tận)

8. 31 test set.

CAT Tests:

1. GMATPrep (chú ý có 2 version. Ngoài version mới trên Website mba.com còn có version cũ down trên GMATClub. Version mới thì nên dùng hết sức tiết kiệm vì nó là thước đo chính xác nhất trình độ của bạn. Theo tôi nên test lần 1 sau khoảng 1 tháng học và lần 2 khoảng 2 tuần trước khi thi, có gì còn reschedule lại được lịch thi.)

2. PowerPrep (tiền bối của GMATPrep, phát triển bởi ETS)

3. Manhattan (6 CAT Tests). Chú ý là cái này hình như mấy tests đầu khó hơn mấy test tiếp theo cho nên đừng nên thấy điểm tăng lên mà tưởng mình đang improve. Tôi nhớ cái test số 2 sau khi tôi làm xong xem lại phần Quant thì trừ câu số 1 ra còn cả 36 câu còn lại đều ở level 700-800, thật là kinh dị. Tuy nhiên đến cái test số 5, 6 thì các câu Quant lại dễ hẳn đi.

4. Kaplan (cực khó, làm cho vui thôi)

5. Xem thêm ở đây

Một số lưu ý khác:

Dưới đây là một vài lưu ý tưởng nhỏ mà không nhỏ, nó có thể làm bạn tụt từ vài chục tới cả trăm điểm đấy.

1) Ăn no: Thi GMAT cực kì hao mental energy cho nên khi đi thi nên ăn no, nhất là các đồ ăn có chứa glucose. Lần thi thứ nhất tôi ăn sáng hơi ít thì phải nên đến khi làm phần Verbal là thấy đói rồi, làm khoảng 10 câu cuối thì bụng sôi lên sùng sục. Rút kinh nghiệm lần thứ 2 đi thi tôi ăn gấp rưỡi bình thường, trong 2 lần nghỉ giữa giờ ăn thêm 2 quả chuối và uống 2 lon Red Bull (nghe pig quá đi). Tuy nhiên tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, tôi lại gặp problem về ngủ. Do đó mà có thêm bài học nữa.

2) Ngủ kĩ: Bạn nên làm thế nào thì làm nhưng phải đảm bảo đêm trước khi đi thi phải ngủ ngon. Ngày cuối cùng trước khi thi không nên học hành gì mà nên thư giãn cho thoải mái.

3) Chuẩn bị phương án dự phòng nếu làm chậm giờ: Nên chuẩn bị sẵn 1 list các dạng bài mà mình làm kém (cái này tôi học lỏm tử Thursday with Ron). Khi bị chậm giờ thì cứ gặp bài nào dạng đấy là tick ngay và bỏ qua. Theo tôi nghĩ Reading là phần tốn thời gian nhất và khó nhất cho nên nếu thiếu thời gian thì khi gặp bài Reading số 4 bạn có thể bỏ qua ngay. Mất 3 câu trả lời nhưng bạn sẽ có thêm 6-8 phút.

4) Chuẩn bị các phương án dự phòng khi gặp tình huống bất ngờ: Phòng thi quá lạnh, đi đường bị trời mưa ướt người, buổi sáng trước khi thi tự dưng lên cơn sốt, đang thi bị đau bụng, bị ngã vỡ mắt kính … You will never be TOO prepared.

Draw the Conclusion:

Nghĩ lại thì thật ra tất cả những thứ tôi đã viết trên đây người ta đều đã có nói đến rồi. Thậm chí còn ghi thành sách nữa. Ví dụ như cái kinh nghiệm về đọc RC đừng focus quá vào detail mà nên focus vào main idea đã được nói đến rất kĩ trong sách Manhattan (trong sách gọi là Big Picture Readers). Có điều mình đọc sách là một chuyện, còn có thật sự hiểu nó hay không lại phải qua một quá trình luyện tập. Ngay mở đầu cuốn Đạo Đức Kinh thì Lão Tử có nói “Đạo khả đạo phi thường đạo”, tức là đã là đạo thì không thể nói ra được, mà đã nói ra được thì nó lại không phải là đạo nữa. Đạo chỉ có thể ngộ được chứ không thể dễ dàng đọc mà hiểu được. Nhưng như vậy không có nghĩa là Lão Tử viết sách là vô nghĩa, vì ít nhất sách của ông ấy có thể hướng người ta đi theo hướng cần đi để ngộ được đạo. Còn có ngộ được hay không thì còn phải coi ngộ tính của từng người.

Tôi nghĩ thi GMAT tuy không cần phải thông minh xuất chúng gì nhưng để được cỡ 700+ thì bạn cũng cần thuộc top 30% của một trường đại học loại tốt ở VN cùng với vốn tiếng Anh khá cộng với lòng quyết tâm và học có phương pháp. Tôi không tin lắm vào các claim kiểu tôi tư chất rất bình thường hồi đi học toàn đứng gần bét lớp nhưng nhờ cần cù chăm chỉ tôi đã thi được từ 630 lên 730 trong vòng 1 tháng (j/k linhnam, you are my idol ). Tất nhiên nói như vậy không có nghĩa các bạn không thuộc top 30% không thể được 700+. Nothing is impossible nếu bạn có quyết tâm, bây giờ ai hỏi tôi liệu tôi có thể được 780+ không tôi sẽ trả lời là có nếu cho tôi thêm 1-2 năm nữa để luyện. Nó cũng giống như dưới 700 vẫn có thể vào trường tốt vậy. Ngoài ra các “kinh nghiệm” kiểu học Quant 3 tiếng đi thi được 760 hay học TOEFL 1 ngày được 110 thì cũng chỉ nên nghe mà thán phục thôi, nói như Khổng Tử thì là “kinh nhi viễn chi” vì nó áp dụng với người cõi trên chứ không đối với đa số người trần mắt thịt chúng ta. Lời cuối cùng, tôi chúc tất cả các bạn học tốt, thi tốt, biết mình cần gì, và đạt được những gì mình muốn.

Nguồn : VietMBA