Học thạc sỹ, nên hay không nên?

Học thạc sỹ, nên hay không nên?

Sau khi tốt nghiệp đại học, rất nhiều bạn trẻ sẽ đặt câu hỏi: nên tiếp tục học thạc sỹ hay chuyên tâm vào việc bắt đầu công việc tại các công ty, cơ quan mà mình mong muốn? Thật ra việc học thạc sỹ chỉ là một trong số rất nhiều lựa chọn con đường các bạn đi.

Đối với các bạn tiếp tục con đường giảng dạy thì học thạc sỹ là bước đầu để tạo tiền đề học tiếp lên tiến sĩ. Với một số bạn khác, học thạc sỹ lại là một cây cầu kết nối cho công việc sau này các bạn định hướng phát triển dài lâu. Hoặc với một số bạn thì học thạc sỹ là việc sẽ tiếp tục khi mà tốt nghiệp đại học chưa có định hướng công việc gì để làm.

Dù là lý do gì đi chăng nữa thì học thạc sỹ yêu cầu bạn phải đầu tư thời gian, công sức, tài chính. Và những đầu tư này chưa chắc đã liên quan đến công việc sau này của các bạn. Vì vậy để lựa chọn và quyết định, bạn nên tự trả lời các câu hỏi sau để định hướng con đường đúng đắn của bản thân mình.

Bạn có đam mê lĩnh vực mình chuẩn bị học không?

Học thạc sỹ không chỉ yêu cầu bạn yêu thích lĩnh vực mình học mà còn yêu cầu phức tạp hơn khi bạn giải quyết các vấn đề, yêu cầu tư duy và tập trung cao độ. Không những thế còn yêu cầu bạn dành nhiều thời gian để tìm tòi phân tích, nghiên cứu sâu và kỹ về vấn đề đang học. Vì vậy chỉ khi bạn có đủ đam mê thực sự, bạn sẽ theo đuổi việc học tập một cách nghiêm túc, dù gặp khó khăn vất vả, bạn cũng tự đôn đốc mình học và không dễ dàng bỏ cuộc giữa chừng.

Bạn có quyết tâm để sẵn sàng cho việc học tiếp?

Hầu hết tâm lý chung của sinh viên sau khi học xong đại học là đã trải qua một quá trình học tập dài và vất vả mà không muốn tiếp tục học tiếp nữa. Bên cạnh đó trước áp lực của vòng xoáy công việc, tiền bạc, gia đình sẽ cuốn bạn đi, khiến bạn không đủ quyêt tâm để học tiếp. Lựa chọn giữa việc học và việc phấn đấu ngay cho sự nghiệp, khẳng định bản thân, củng cố tài chính là một sự lựa chọn không hề dễ dàng gì cho các bạn trẻ. Bạn có thể lựa chọn đi làm một thời gian rồi quay lại học thạc sỹ tiếp, hoặc học thạc sỹ tiếp ngay sau khi tốt nghiệp đại học và đồng thời làm một công việc tạm thời vừa học vừa làm.

Dù bạn quyết định học ở thời điểm nào, bạn cũng cần phải có quyết tâm sắp xếp thời gian, tài chính và cuộc sống để sẵn sáng cho việc học tiếp như mong muốn của bạn.

Điều kiện kinh tế cho việc học? 

Khi mà hầu hết các bạn tốt nghiệp đại học là đi làm, kiếm tiền tự lập được cuộc sống, nếu bạn có quyết định học tiếp, bạn cần cân nhắc về kinh tế của bản thân. Trong trường hợp bạn có công việc tạm thời, bạn có thể cân đối được kinh tế để chuẩn bị cho việc học như: học phí, chi phí ăn ở, chi phí đi lại… Trong trường hợp khác, bạn chưa có công việc tạm thời mà tập trung hoàn toàn cho việc học, thì bạn cần sự hỗ trợ từ người thân, gia đình. Như vậy, dù ở hoàn cảnh nào, bạn đều phải có sự chuẩn bị kỹ càng từ trước về kinh tế để đảm bảo cho việc học tập thêm 2-3 năm học cho đến khi hoàn thành bảo vệ luận văn tốt nghiệp thạc sỹ.

Chi phí cơ hội là gì?

Đa số mọi người đã ra trường, đi làm rồi mới đi học thì việc học thạc sỹ là cần thiết cho sự nghiệp. Nhưng với người mới tốt nghệp đại học, việc học thạc sỹ có thể cần thiết cho sự nghiệp có thể không. Bạn cần biết rằng, nếu may mắn việc học thạc sỹ đúng với chuyên ngành công việc tương lai bạn chuẩn bị làm thì rất tốt, nhưng nếu không cần thiết cho công việc, thì việc học này đã giúp cho bạn nâng cao trình độ nhận thức, suy nghĩ, đánh giá về công việc bao quát, nâng cao trình độ kiến thức chuyên môn của chính bản thân bạn, sẽ giúp bạn rất nhiều trong cuộc sống và các vấn đề bổ trợ liên quan tới công việc sau này của bạn.

Vì vậy chi phí cơ hội bạn bỏ ra khi xác định học tập tiếp tuỳ vào mức độ sử dụng, vận dụng kiến thức của bạn sau này thì sẽ phát huy được chi phí cơ hội đó một cách có ý nghĩa.

Chúc các bạn luôn tự tin với những quyết định lựa chọn con đường học tập và làm việc của mình !