Kinh nghiệm học IELTS rất hay và chi tiết -chia sẻ cho bài thi IELTS Academic trên máy tại IDP

Kinh nghiệm học IELTS hay nhất – chia sẻ cho bài thi IELTS Academic trên máy tại IDP. Trích bài kinh nghiệm học ielts của anh Huy Nguyen

Hello mọi người,

Mình là Huy
Mình xin chia sẻ chút trải nghiệm cho bài thi IELTS Academic trên máy tại IDP vừa qua. Mình thi vào ngày 06.01.2019. Mình xin phép được review và chia sẻ từ những kinh nghiệm có được trong lần thi gần nhất, đôi chút về hành trình luyện tập và các tips nho nhỏ cho kỹ năng Writing.

Quá trình ôn luyện

Trước khi đặt chân đến Úc du học, mình có thời gian 2 năm rưỡi sống và học tập tại Nhật và theo 1 khoá cao học tại Aomori. Trong suốt thời gian 4 năm tại Đại học Ngoại thương và 2 năm rưỡi tại Nhật, mình ít sử dụng tiếng Anh do chuyên môn và ngành học của mình là học về kinh tế, quản trị bằng tiếng Nhật. Do đó, chắc các bạn cũng có thể đoán ngữ điệu và cách sử dụng từ ngữ của mình còn nhiều hạn chế khi mình quyết định chuyển sang Úc học tập và thay đổi môi trường sống. Mình may mắn vừa đủ điểm đầu vào English cho khoá học Cao học tại Úc, và thú thật English không phải là thế mạnh của mình trong những ngày tháng chân ướt chân ráo sang xứ sở chuột túi. Liên tục 2 năm học tại Úc, mình cày IELTS mỗi ngày đều đặn, thi cũng kha khá lần và cũng trải qua bao nhiêu cảm giác hụt hẫng khi chỉ thiếu 0.5 điểm cho 1 band để vượt target. Mình may mắn được học với 1 số examiners tại Úc khi theo học khoá PY tại Monash College nên cũng hiểu hơn về cách mà giám khảo chấm thi cho cả phần Speaking và Writing. Từ đó mình thay đổi chiến lược học cho phù hợp với tiêu chí mà họ đề ra. Mình đạt số điểm cần thiết để nhập cư Úc sau 2.5 năm học tập tại đất nước này. Dù đã có PR Úc nhưng mình vẫn cần điểm IELTS cao để nộp hồ sơ cho các trường Đại học Mỹ. Và đó là lý do mình vẫn đều đều tham khảo các bài tập và các tips IELTS. Lần thi gần đây nhất là để update lại điểm số và nộp xét tuyển cho 1 chương trình cao học tại Mỹ.

Trải nghiệm phòng thi

Do chưa bao giờ thi IELTS kỹ năng Nghe, Đọc, Viết dưới dạng máy tính, mình có hơi bỡ ngỡ một chút trong phòng thi. Tuy nhiên các bước thao tác để thực hiện trên máy khá đơn giản, không cần phải chờ đợi giám thị đọc nội quy, cắt túi đựng bài thi được niêm phong từ trước và phân phát như cách truyền thống. Chỉ cần một cú click là cả phòng có thể bắt đầu làm bài. Mình thấy việc thi trên máy tính tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, phần thi nào cũng có sự lựa chọn về font chữ, màu nền cho những bạn mắt kém như mình, nên việc đọc chữ trên máy tính dễ dàng hơn. Mình không còn phải căng mắt để đọc các chữ trong booklet như ngày xưa nữa khi có thể chọn font chữ to nhất với background màu tương phản, giúp mình tập trung và chọn được câu trả lời nhanh hơn.
Các bài Reading và Listening được phân chia hẳn hoi theo từng bài trên màn hình máy tính, dễ dàng hơn trong việc thí sinh có thể quay lại các câu cũ để thay đổi nội dung hoặc chỉnh sửa những phần còn thiếu. Đối với Listening khi chọn topic cho đoạn văn, mình không phải lia mắt đọc câu hỏi bên phải rồi lật lật đọc lại nội dung bài ở trang bên trái nữa. Mình cảm thấy thật tiện lợi khi có thể drag tên topic và ghép vào đoạn văn còn trống. Việc này giúp bản thân mình link được các key word của tiêu đề với nội dung cần ghép nhanh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, typing trong Writing có chức năng như typing văn bản trên file Word nên mình không cần phải tô đen hay gạch đi khi viết sai, khiến bài viết nhìn mất thẩm mỹ như lúc viết tay trên giấy.
Một yếu tố quan trọng nữa là kết quả thi có nhanh hơn rất nhiều so với bài thi kiểu truyền thống. Chỉ mất 4,5 ngày làm việc là mình nhận tin nhắn thông báo đã có bảng điểm, có thể đến trực tiếp IDP để lấy hoặc đợi gửi về nhà.

Nội dung bài thi

Tuy hình thức thi khá mới (đối với cá nhân mình), nhưng nội dung các phần thi vẫn giống như trước giờ mình hay ôn luyện. Cả 4 kỹ năng đều giữ format cũ với các dạng đề ko thay đổi là mấy. Trước ngày thi mình có ôn lại toàn bộ nội dung cùng với những tips và strategies mà theo quan điểm cá nhân của mình là cực kỳ hữu hiệu, qua platform luyện IELTS của University of Queensland.
Một chút gợi ý nhỏ là các bạn có thể dùng trang edx.org (kênh học online quy mô lớn với những bài giảng và khoá học free của nhiều trường đại học nổi tiếng trên thế giới). Các bạn có thể đăng ký tài khoản và tham gia với khoá IELTS Academic TEST PREPARATION. Mình nghĩ các bạn sẽ có những thông tin về tips cực kỳ hiệu quả cho Listening và Reading. Các modules học đều có bài tập cụ thể, và hướng dẫn chi tiết.
Bạn nào cần thêm thông tin của khoá học hoặc cách đăng ký thì có thể liên hệ mình. Đây là 1 trang web free nên các bạn không phải lo về mặt chi phí.

Nội dung các phần thi cụ thể cho các kỹ năng như sau:

? ? ? Reading:

Bài 1. Nói về bí ẩn con tàu đắm, bằng chứng để truy nguyên nguồn gốc và những bí ẩn khoa học chưa giải thích được
Bài này khá đơn giản khi các từ mới không nhiều, các câu True, False, No Given cũng không khó như bài 2
Bài 2: Sự ra đời của tàu lượn siêu tốc
Bài này mình nghĩ bản thân bị mất điểm do các câu Multiple choice questions mình bị mắc bẫy, mà mãi khi về nhà mới ngộ ra. Trong bài có kể lại các giai đoạn phát triển của tàu lượn siêu tốc ở các nước Pháp, Mỹ, Nga, mỗi nước có sự cải tiến khác nhau, đồng thời các giai đoạn phát triển của tàu lượn siêu tốc cũng rất dễ bị đánh nhầm (1920s, 1930s) nếu không đọc kỹ. True, False và No Given là các câu dễ bị bẫy trong bài này.
Bài 3: Ngôn ngữ thiểu số dần dần bị tuyệt diệt và các giải pháp để phục hồi.
Bài này khó nhất là khi ghép các câu nói của các nhân vật trong bài – rất dễ bị rối nếu không bình tĩnh đọc. Việc chọn topic của từng đoạn cũng rất đau đầu, nhưng mình đã học được cách link nội dung nhanh nên có thể lắp ghép các lựa chọn chính xác. Do mình cũng quen đọc các dạng bài đọc hiểu và phân tích khi chuẩn bị cho bài Test of Critical Reading and Writing skills của Harvard Extension School nên mình cũng có chút kinh nghiệm để tư duy trong việc lựa chọn câu trả lời.

? ? ? Listening:

Bài 1: hội thoại giữa 1 bác gái và 1 trung tâm bệnh viện: các câu hỏi xoay quanh việc nghe hiểu và ghi chép đúng: số thự tự, tên đường, địa chỉ, số điện thoại.
Bài 2: hội thoại giữa 2 bạn sinh viên về môn Accounting và môn Japanese. Bài này khá dễ do các từ vựng quá quen thuộc khi kể về 2 môn học. Các bẫy cho bài này cũng không quá khó. Chủ yếu là phân biệt được nhận xét nào cho môn học nào, cũng như follow được lời thoại của 2 sinh viên.
Bài 3: nói về cách tận dụng không gian sân vườn để trồng các loại cây, rau củ.
Mình nghĩ mình bị mất điểm phần này do chọn sai 1,2 câu vì cách diễn đạt của người nói hơi đánh đố, và mình có phần suy diễn trong cách trả lời.
Bài 4: 1 bài giải thích về cuộc sống của các phi hành gia – giống 1 dạng training cho các phi hành gia để thích nghi với môi trường không gian. Trong bài đa số là điền từ, nên cần nắm được ý của câu để lựa chọn từ phù hợp. Hầu hết các từ cần điền đã có trong bài audio, chỉ là nếu bị miss 1 chỗ, sẽ dễ bị hoang mang và ko biết audio đang đến phần nào. Mình bị mất điểm do hơi lơ đãng ở khúc kể về “Máy điều hoà không khí dành cho các phi hành gia”.

✍✍✍ Writing:

Bài 1: mình gặp dạng biểu đồ cột về số lượng ứng cử viên tham gia các trường University ở UK.
Bài 2: Một số nơi cho rằng việc từ chối thí sinh ứng tuyển khi xin việc do vấn đề tuổi tác là trái pháp luật. Bạn nghĩ điều nay dẫn đến các khuynh hướng tích cực hay tiêu cực? Dùng ví dụ của bản thân để minh hoạ.
???Speaking:
Mình thi Speaking không được tốt lắm ở phần 2. Topic của mình là: Kể lại 1 môn học mà bạn không thích khi còn nhỏ, nhưng lớn lên bạn lại thay đổi suy nghĩ và đam mê trở lại. Nêu lý do và giải thích vì sao.
Do mình không thật sự có môn nào giống như đề bài yêu cầu, nên phải tự chế đại 1 môn (khi về nhà mới nghiệm ra mình có thể nói sự thật là thực tế không có môn nào như vậy, vì Speaking chủ yếu là chấm cách truyền đạt ý tưởng nhiều hơn).
Mình hơi lắp bắp khi đưa ra phần giải thích cho môn Art. Phần thi mở đầu với những câu hỏi đơn giản và phần 3 biện luận cho các câu hỏi hóc buá hơn từ ban giám khảo có lẽ đã giúp mình gỡ lại phần nào.
Mentor của mình tại Monash cũng từng căn dặn cho việc thể hiện độ “rich” trong câu trả lời ở phần 3. Đây là cách cứu điểm nếu phần 2 bị lúng túng (đa phần do đề tài “lạ”). Cách mình luyện tập trả lời interview khi mình còn học Đại học ở Úc cũng giúp mình luyện kỹ năng phản xạ. Nên có lẽ nếu muốn good hơn về phần này thì nhờ ai đó đặt câu hỏi, tập trả lời bằng tiếng Anh. Nếu cảm thấy khó khăn, hãy bình tĩnh đưa ra ý đơn giản trước, thêm thắt các ý bổ sung rồi tập lặp lại câu trả lời cho đến khi lưu loát.

Chia sẻ về Writing:

(do phần chia sẻ khá dài, nên mình xin chỉ tập trung vào Writing trong bài viết này, hy vọng giúp ích phần nào cho mọi người).
Các ví dụ và kinh nghiệm đúc kết dưới đây mang tính chất chủ quan, được tập hợp từ các nguồn: IELTS Ngọc Bách + Writing Academic – Preparedness (Harvard Extension School) + Từ điển Anh Việt – Viện ngôn ngữ học + IELTS Preparation Course (University of Queensland). Tài liệu những nguồn này theo mình là đáng tin cậy, phù hợp với tiêu chí chấm thi của các examiners.
Phải mất kha khá lần đi thi, mình mới có thể nâng từ từ điểm Writing từ 6.5 lên 7.0, và tiếp tục tăng lên số điểm hiện tại. Theo mình Writing là phần khó nhất trong IELTS và dễ mất điểm do các nguyên nhân sau:

☝ ☝ ☝ 1. Viết câu dài, ý lan man khó hiểu:

Theo kinh nghiệm cá nhân, càng viết câu rõ ràng, gãy gọn (clear and concise) thì điểm Writing càng cao. Nội dung đưa ra tranh luận phải bám sát câu hỏi, thể hiện tư duy của người viết. Bên cạnh đó, gãy gọn ở đây không phải chỉ là viết 1 câu có S + V + O, cũng không phải viết 1 câu có quá nhiều MODIFIERS (các từ thêm vào để bổ sung ý cho câu).
Mình xin lấy 1 ví dụ trong chương trình dạy về Academic Writing của Harvard University Extension School – (một chương trình free cho các sinh viên mới hoặc các bạn có hứng thú trong việc chuẩn bị hành trang theo học các khoá học tại trường).
1 câu đơn cần diễn đạt:
Darwin observed finches. (Darwin quan sát những loài chim sẻ)
Cũng diễn đạt ý trên, nhưng 1 số bạn sẽ thể hiện cách viết của mình bằng cách đưa nhiều từ rườm rà, rối ý và cố chèn quá nhiều thông tin trong 1 câu:
The eminent scientist and researcher Charles Darwin, who began his research in the year 1832, scrupulously observed and systematically recorded in his journal the beak shape, colouring, and size of a variety of different types of Galapagos finches.
Ví dụ trên các bạn sẽ thấy rất khó để tìm ra “core sentence” là “Darwin observed finches”. Một examiner tại Úc (Kylie Robison) cũng là IELTS Mentor của mình tại Monash College cũng từng đưa ra lời khuyên: các giám khảo IELTS phải chấm rất nhiều bài, họ sẽ cảm thấy khó khăn khi phải cố gắng hiểu được ý của người viết nếu thí sinh chọn cách viết dông dai, lan man.
Một mẹo nhỏ là các bạn có thể tập viết 1 câu đơn với “core structure”, rồi thêm vào các MODIFIERS hợp lý để tăng điểm vocabulary mà cũng làm câu thú vị hơn. Nếu là Noun có thể add thêm adj để diễn tả về noun đó, nếu là động từ hay tính từ, có thể thêm adv nào phù hợp. Quay trở lại ví dụ trên, mình có thể thêm các MODIFIERS trong chừng mực như sau:
The eminent scientist Charles Darwin scrupulously observed different types of Galapagos finches. (Nhà khoa học nổi tiếng Charles Darwin đã tiến hành quan sát tỉ mỉ các loài khác nhau của giống chim sẻ Galapagos.)
Eminent (adj): xuất chúng, nổi tiếng, nổi bật: an eminent architect: một kiến trúc sư nổi tiếng.
Scrupulously (adv): tỉ mỉ: a scrupulous examiner: một người chấm thi tỉ mỉ, kỹ tính. Ý của chữ scrupulously là sự tỉ mỉ, chính xác từng ly từng tí.

☝ ☝ ☝ 2. Nhầm lẫn vị trí của Modifiers

Ngày xưa khi bắt đầu tập viết, mình rất hay để vị trí của các modifiers lộn xộn do hay dịch từ Việt sang Anh. Các ví dụ về sự nhầm lẫn này cũng được các examiners đưa ra giới thiệu khi nhắc đến các tiêu chí trong việc chấm thi Writing.
Vd:
+ Charles Darwin arrived at the island where the finches lived on a boat.
+ Ornithologists rarely see unusual birds without their field glasses.
Câu đầu tiên, vấn đề ở chỗ là loài chim sẻ finches không sống trên tàu. Để sửa lại câu này cho đúng ý có thể di chuyển vị trí của modifier:
Charles Darwin arrived on a boat at the island where the finches lived.
Câu thứ 2, tương tự, không phải những loài chim có “field glasses” mà phải là những nhà Điểu cầm học (các khoa học gia nghiên cứu về các loài chim). Thế nên câu này cần sửa lại:
Without their field glasses, ornithologists rarely see unusual birds.
Mẹo: nếu bạn cảm thấy dễ bị nhầm lẫn vị trí các MODIFIERS thì có thể đọc câu đó lên và xem nghe có xui tai hay không, hoặc xác định modifiers nào cho chủ thể nào, thường modifier nên đi sát với lại chủ thể cần bổ sung thông tin.

☝ ☝ ☝ 3. Sử dụng sai từ:

Trong tiếng Anh có nhiều từ dễ nhầm lẫn do khá tương tự nhau, ví dụ như:
Accept vs Except
Its vs It’s
Site vs Sight vs Cite
Compliment vs Complement
Principal vs Principle
Việc sử dụng từ sai sẽ ảnh hưởng nghĩa của câu rất nhiều và làm bài Writing bị mất điểm. Các bạn có thể tham khảo thêm list từ vựng thường bị dùng sai dưới đây nhé:
https://www.businessinsider.com.au/harvard-steven-pinker-mi…

☝ ☝ ☝ 4. Dùng từ quá mỹ miều.

Mark Twain đã từng nói: “Don’t use a five-dollar word when a fiffty-cent word will do” và mình cảm thấy hợp lý trong bối cảnh thi viết của IELTS.
Ví dụ như:
Despite suffering badly from seasickness, Darwin made daily notes in his journal. At intervals during the voyage, he sent specimens back to England, along with letters to his family.
Có nhiều bạn sẽ cố thay thế các từ đơn giản “fiffty-cent word” bằng những từ cao siêu “five-dollar word” vì các bạn nghĩ như vậy sẽ làm câu hay hơn, nhưng thực tế có thể mang phản ứng trái ngược.
Ví dụ: Despite suffering grievously from seasickness, Darwin made diurnal notes in his journal. At intervals during the odyssey, he sent specimens back to England, along with epistles to his family.
Ví dụ trên không những làm người đọc khó hiểu, mà còn khiến đoạn văn mất đi tính gãy gọn, khúc chiết. Thế nên khi viết mình chỉ thêm 1 vài từ hay, chứ ko phải từ nào cũng đổi thành từ hàn lâm, sẽ làm bài viết nặng nề, khó hiểu.
Để hiểu cách diễn đạt của từ và học cách chính xác hơn trong việc sử dụng từ loại, mình xin chia sẻ thêm link từ điển mà các thầy cô Harvard hay dùng trong lớp dạy Writing:
Bên cạnh các từ điển hay khác như Oxford hay Cambridge, các bạn có thể tham khảo thêm link ở trên tuỳ theo mục tiêu và nhu cầu của mỗi người.

☝ ☝ ☝ 5. Viết khúc chiết – CIRUMLOCUTIONS:

Viết khúc chiết theo kiến thức hạn hẹp của mình là cách chúng ta sẽ thay thế lối diễn đạt dài dòng bằng cách diễn đạt đơn giản hơn, nhưng vẫn không thay đổi về ý. Ngày xưa lúc mình học IELTS cũng bị bắt phải viết câu dài ra, nhiều từ phức tạp hơn, nhưng mentor của mình khẳng định là không cần thiết phải như vậy. Có thể các bài thi tiếng Anh khác sẽ cần cách diễn đạt dài dòng để đảm bảo số từ đúng quy định, nhưng trong IELTS các bạn chỉ cần viết đơn giản như:
Ví dụ:
Due to the fact that/ In light of the fact that = Because
At the present time = Today
In the process of = While
Have the ability to = be able to
Be of the opinion that = think/ believe
In regard to = about
Along the lines of = like
By means of = by
For the purpose of = for
Ngoài ra các bạn có thể rút ngắn câu bằng những mệnh đề quan hệ rút gọn như:
There is a novel called Don Quixote, which was written in 1605.
Có thể rút gọn lại: A novel called Don Quixote was written in 1605.
In this book, what the protagonist states is that he is a knight.
Có thể rút gọn lại: In this book, the protagonist states that he is a knight.
Đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân, được chia sẻ từ cách học của mình. Mình không nói cách viết dài có vấn đề gì cả, nên nếu các bạn thấy các thầy cô viết như thế, họ sẽ có lý do riêng và dĩ nhiên mình tôn trọng và tiếp thu.

☝ ☝ ☝ 6. Cẩn thận với các từ Redundances

Có nhiều bạn nghĩ có thể thêm “very” trong bài viết IELTS, nhưng theo mentor của mình + các thầy cô ở Harvard Extension School thì nên cẩn thận dùng những từ này trong bài viết.
Ví dụ: The relationship between them is very unique and comical.
The relationship between them is unique and comical.
Do 1 mối quan hệ 1 là unique, 1 là không, thế nên cụm “very unique” sẽ được gọi là Redundant trong văn viết Academic.
Ngoài ra mình cũng tham khảo các bài Writing trên trang luyện IELTS, cũng như học hỏi các tips, từ vựng hay mà các chủ thớt chia sẻ để rút thêm nhiều kinh nghiệm.
Trên đây là một số ít trải nghiệm của việc ôn thi IELTS và các điểm lưu ý trong Writing.
Nếu các bạn cần thêm chia sẻ về IELTS, hoặc cách học thi các bạn có thể để lại lời nhắn comment hoặc gửi inbox cho mình nhé. Nếu may mắn được mọi người quan tâm, Huy sẽ chia sẻ phần tips cho phần thi Speaking trong bài viết tiếp theo.
Chúc mọi người ôn thi IELTS thật tốt ạ!
Tags: