Kinh nghiệm thuê trọ tại Nhật Bản cho du học sinh

Kinh nghiệm thuê trọ tại Nhật Bản cho du học sinh. Vấn đề nhà trọ luôn là nỗi lo của các bạn sinh viên khi khi mới bắt đầu con đường du học ở xứ sở măt trời mọc. Nếu bạn nào may mắn được ở kí túc của trường lúc mới sang Nhật thì sẽ đỡ vất vả hơn việc mới sang Nhật đã phải lăn lộn tìm nhà thuê. Không riêng gì ở Việt Nam, việc thuê nhà trọ ở Nhật cũng rất vất vả và lắm nẻo đường gian nan . Dưới đây là kinh nghiệm của du học hoàng kim để bạn có thể tìm được một nơi ở tốt để an tâm học tập:

Thông thường các trường ĐH, CĐ tại Nhật có khu kí túc xá dành cho sinh viên quốc tế. Tuy nhiên số lượng chỗ trong kí túc xá có giới hạn, hơn nữa việc sống tập thể với nhiều người trong cùng một phòng không phải là điều ai cũng thích ứng được. Bởi vậy có rất nhiều du học sinh chọn cách ra ở ngoài và tìm một căn hộ trong khu dân cư để sinh sống. Ở Nhật, nhà trọ thường được thuê qua các công ty bất động sản ( Fudousan ) hơn là thuê trực tiếp từ chủ nhà. Họ cũng quảng cáo trên các phương tiện truyền thông và internet. Bằng việc truy cập vào internet, bạn có thể chọn thuê nhà trọ ở Nhật theo từng khu vực mình muốn sinh sống, kèm theo các điều kiện về giá tiền, cấu trúc căn nhà, vị trí địa lý… Hơn nữa, trên trang web cũng thường cho biết số tiền lễ và tiền đặt cọc để người xem có thể ước lượng tiền phải đặt đầu vào là bao nhiêu.

Kinh nghiệm thuê trọ tại Nhật Bản cho du học sinh
Kinh nghiệm thuê trọ tại Nhật Bản cho du học sinh

Lưu ý khi chọn thuê nhà ở Nhật

Nhà ở Nhật chia làm hai loại: washitsu và youshitsu, washitsu là kiểu nhà truyền thống của Nhật, sàn lát bằng tatami (một loại chiếu Nhật), cửa và vách tường được dán giấy. Youshitsu là kiểu nhà phương Tây, sàn lát gỗ, nói chung là giống nhà bình thường ở Việt Nam. Chọn washitsu hay youshitsu là tùy theo sở thích của mỗi người, tuy nhiên lưu ý đối với washitsu, mùa hè độ ẩm cao, nếu không thường xuyên lau chùi thì tatami dễ ẩm mốc, cửa và vách tường làm bằng giấy nên cách âm không cao, tất nhiên cách nhiệt cũng không tốt, mùa hè có thể mát nhưng mùa đông có thể rất lạnh

Kiểm tra trực tiếp trang thiết bị trong nhà và môi trường xung quanh nhà cần thuê. Bạn đừng nên tin vào những lời quảng cáo hay giới thiệu mà hãy đến xem trực tiếp và kiểm tra thật cẩn thận trong và ngoài ngôi nhà đã rồi hãy quyết định có nên thuê hay không.

Biết chính xác xem chủ nhà là ai và phải ký hợp đồng trực tiếp với chủ nhà, tránh tình trạng khi ký hợp đồng với người đang thuê trong nhà đó, về sau chủ nhà không chấp nhập hợp đồng này và không trả lại tiền đặt cọc. Bạn cũng có thể yêu cầu chủ nhà xem các giấy tờ xác minh quyền sở hữu của họ đối với ngôi nhà để tránh các sự việc rắc rối về sau.

Một điều chú ý nữa khi kí hợp đồng thuê nhà trọ ở Nhật là vấn đề người bão lãnh ( hoshounin) . Bạn có thể liên hệ với trường đang học để nhờ phía trường làm người bảo lãnh, nếu đồng ý được phía trường học làm người bảo lãnh thì bạn còn phải thương thuyết với phía fudousan xem chủ nhà có chấp nhận trường học làm người bảo lãnh hay không. Trong trường hợp không thể tìm được người bảo lãnh thích hợp, hiện nay, các công ty fudousan có dịch vụ đứng ra nhận là người bảo lãnh cho người nước ngoài với giá tiền khoảng bằng 2 đến 3 tháng tiền nhà (giống như một dạng bảo hiểm).
Chi phí, kí kết hợp đồng thuê nhà trọ ở Nhật

Về giá cả, bạn phải biết Nhật là một trong những đất nước đắt đỏ nhất thế giới, và đặc biệt là các thành phố lớn như Tokyo, nên việc giá cả thuê nhà ở đây gấp 5, thậm chí 10 lần so với ở Việt Nam là chuyện hoàn toàn bình thường .

Bạn sẽ phải trả 1 số khoản phí có thể hoặc ko thể hoàn lại thường thì tổng cộng có thể lên đến 3 đến 10 tháng tiền nhà, phụ thuộc vào từng công ty và căn nhà bạn muốn thuê.

Tiền đặt chỗ (Tetsukekin) : Tiền đặt chỗ được trả khi bạn quyết định thuê 1 căn hộ và phải trả trước khi ký hợp đồng thuê nhà. Nó bảo đảm rằng ngôi nhà đã được thuê và ko còn có sẵn nữa. Tiền này sẽ được hoàn lại sau khi hợp đồng thuê nhà được ký và thường là sẽ bằng tiền thuê nhà 1 tháng.

Tiền đặt cọc (Shikikin) :Tiền đặt cọc thường được dùng để chi trả cho các hư hỏng trong quá trình sử dụng. Sau khi trừ đi chi phí tu sửa, số tiền còn lại sẽ được trả lại khi bạn rời đi. Tiền đặt cọc thường sẽ tương đương với vài tháng tiền nhà.

Tiền thù lao (Reikin) : Đây là khoản tiền ko hoàn lại đóng cho chủ nhà thường là vào khoảng vài tháng thuê nhà.

Phí dịch vụ (Chukai tesuryo) : Đây là khoản tiền ko hoàn lại chi cho các công ty bất động sản, có giá trị tương đương với khoảng 1 tháng tiền nhà.

Ngoài ra bạn cũng phải chú ý, theo chế độ hợp đồng thuê nhà hoặc ký túc xá, những người không có tên trong hợp đồng sẽ không được sống chung với bạn. Vì vậy, khi chưa được phép của chủ nhà, bạn không được tự ý đến ở lại nhà của một người bạn hoặc đưa một người bạn về sống chung tại nhà của mình. Bạn phải hỏi ý kiến chủ nhà khi quyết định làm việc này.