Kinh nghiệm xin thư nhập học LOA cho MA in Econ ở Canada

Kinh nghiệm xin LOA cho MA in Econ ở Canada. Hay kinh nghiệm sống ở canada,  tuyển dụng việc làm tại canada….là những quan tâm của những bạn đang có dự định du học tại Canada.

Bài viết này, là chia sẻ lại những kinh nghiệm xin LOA cho chương trình Master of Art (MA) chuyên ngành kinh tế (Econ) của một anh cựu du học sinh.

Hi vọng, bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho các bạn!

 

Lời chia sẻ:

Hi mọi người,

Trong bài viết này mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm xin LOA cho chương trình Master of Art (MA) chuyên ngành kinh tế (Econ). MA in Econ ở Canada thường kéo dài 1 năm đến 1 năm rưỡi. Nó có thể được coi là chương trình tiền-tiến sĩ và nó là yêu cầu gần như bắt buộc nếu học sinh muốn theo đuổi tiến sĩ kinh tế ở Canada. Canada là một trong những nước có chương trình đạo tạo tiến sĩ theo phong cách Mỹ (5-6 năm). Canada có khá nhiều trường có Faculty of Econ xếp trong 100 thế giới nên đây là lựa chọn rất tốt cho những bạn nào muốn theo đuổi ngành kinh tế mà không muốn sang Mỹ vì các lý do khác nhau.

1. Yêu cầu chung khi đăng ký vào MA in Econ:

Thông thường các trường thường yêu cầu:
– GPA: theo thang điểm 4.0, các trường thường yêu cầu GPA tối thiểu là 3.0 cho các môn đã học hai năm gần đây nhất. Có nghĩa là nếu GPA năm thứ nhất và thứ hai của bạn thấp hơn 3.0 nhưng hai năm cuối của bạn cao hơn 3.0 thì bạn đã đạt được yêu cầu này.
Bằng đại học của bạn có thể là chuyên ngành kinh tế hoặc toán.
Chương trình MA in Econ chỉ nhận học sinh học chương trình đại học 4 năm (mình không chắc có ngoại lệ hay không). Nếu bạn tốt nghiệp đại học 3 năm ở nước ngoài, khả năng rất cao bạn sẽ cần học thêm Honours để đạt đủ yêu cầu này.
– GRE: phần lớn các trường top đều ghi là điểm Quant tối thiểu là 160/170 (80th percentile). Các trường thường không yêu cầu điểm Verbal hoặc Analytical, trừ một số trường như British Columbia v.v.v.
– Reference Letter: các trường thường yêu cầu có 2-4 thư giới thiệu từ giáo sư hoặc những người hiểu rõ khả năng học tập của mình. Thường những người này là những người dậy mình ở trường đại học hoặc là supervisor của mình ở nơi mình làm việc hoặc nghiên cứu.
– Motivation Letter: bức thư nói ra vì sao mình chọn MA in Econ, vì sao mình chọn trường này v.v.
– CV: giới thiệu qua qua về background của bạn.
– IELTS: thông thường yêu cầu tối thiểu là 6.5 và không kỹ năng nào dưới 6.0. Nếu bạn tốt nghiệp đại học ở các nước nói tiếng anh thì bạn không cần phải thi nữa.
– Lệ phí: lệ phí để trường xét duyệt hồ sơ của mình thường vào khoảng 100-130 CND và không được hoàn lại.
Deadline của các trường thường là 15.1 vào hàng năm. Kỳ nhập học khoảng cuối tháng 8 đến đầu tháng 9.
Funding: các trường đều hỗ trợ phần lớn học sinh học MA in Econ thông qua việc trợ giảng. Mức lương trợ giảng dao động từ 4000-6000 CND/kỳ. Việc trợ giảng thường kéo dài từ 2 kỳ đến 3 kỳ. Ngoài ra còn có các học bổng khác nhau, tính cạnh tranh khá cao.
Tuition: học phí MA dao động từ 5000-15000 CND, tùy các trường. Funding thường không cover tuition fee. Bạn phải lấy tiền từ funding đập vào tiền học.

2. Chọn trường:

Trường ranking càng cao thì thường có chương trình đạo tạo chất lượng hơn, danh tiếng hơn, tăng khả năng xin việc nhiều hơn, học phí thấp có thể thấp hơn !?, khó xin vào hơn v.v.v.
Theo lời khuyên của thầy mình, nếu bạn muốn làm giảng viên kinh tế sau khi tốt nghiệp thì nên ưu tiên chọn trường rank cao. Theo tìm hiểu của mình (tham khảo từ nhiều website và hỏi các thầy), các trường có khoa kinh tế tốt nhất ở Canada, theo thứ tự là:
– University of Toronto
– University of British Columbia
– Queen’s University
– University of Western Ontario
– University of Montreal (dậy tiếng Pháp)
– Simon Fraser University
Sau đấy là các trường: (mình hơi lười ở đây một tí):
– Waterloo
– York Toronto
– McGill
– McMaster
– Guelph.
– Carleton
– Alberta
Các trường như Toronto và UBC có quota cho sinh viên quốc tế, theo mình biết, là rất thấp. Ví dụ như Toronto trên trang web của trường có ghi rõ là chỉ nhận 1 sinh viên quốc tế!
Các trường thường nhận 400+ đơn xin nhập học hàng năm và nhận từ 15-50 sinh viên (hoặc hơn). Ví dụ như Simon Fraser nhận khoảng 500 đơn và nhận 20 học sinh hàng năm.
Các bạn có thể chọn trường thông qua ranking của các trang web:
– https://ideas.repec.org/top/top.econdept.html
– https://www.topuniversities.com/university-rankings/university-subject-rankings/2016/economics-econometrics
– http://econphd.econwiki.com/rank/rallec.htm

3. GPA:

GPA tối thiểu là 3.0/4.0 để đăng ký. Tuy nhiên để tăng khả năng được nhận thì tất nhiên GPA càng cao càng tốt. Mình không tin là GPA 3.0 là đủ để xin được các trường top (mình không chắc có ngoại lệ hay không).
Admission Committee rất quan tâm vào các môn học kinh tế và toán, đặc biệt là kinh tế lượng (Econometrics) và giải tích thực (Real analysis). Giải tích thực đặc biệt được ưu ái và là điểm nhấn mạnh trong hồ sơ của bạn. Bạn sẽ muốn học càng nhiều toán và kinh tế lượng càng tốt. Ngoài ra lý thuyết kinh tế vi mô (Microeconomics) và kinh tế vĩ mô (Macroeconomics) cũng rất quan trọng.
Có thể điểm đại học các năm đầu tiên của bạn không cao, nhưng nếu các môn kinh tế và toán được điểm cao, thì GPA thấp một chút cũng không ảnh hưởng xấu nhiều vào hồ sơ của bạn.

4. GRE:

Một trong những cản trở lớn nhất của việc xin vào MA in Econ là GRE. Mình không biết các bạn khác thế nào nhưng mình đặc biệt ghét (và sợ) thi GRE. Áp lực về thời gian và điểm số là rất lớn.
Tuy nhiên, tin vui là phần lớn các trường quan tâm vào điểm Quant của bạn. Điểm Quant càng cao càng tốt. Điểm Quant tối thiểu là 160/170 để nộp được hồ sơ. Tuy nhiên, mình khuyên các bạn nên cố gắng đạt được 164+. Các trường ở Mỹ thường có yêu cầu GRE Quant rất cao. Mình không nhầm thì khoảng 167+. Ở Canada thì có vẻ họ quan tâm đến nhiều mặt khác ngoài GRE.
Điều đó không có nghĩa là bạn có thể hoàn toàn bỏ bê phần Verbal và Writing. Trường UBC có yêu cầu tối thiểu là Writing phải đạt được 4.0/6.0 trở lên.
Khi mình ôn thi GRE, mình dành 90% thời gian để học Quant và 10% còn lại để học 2 kỹ năng khác. Mình có sưu tầm tài liệu chủ yếu là để học Quant. Các bạn có thể tham khảo ở đây:
GRE material.
Các bạn nên đăng ký thi GRE sớm vì một tháng chỉ có một vài kỳ thi. Điểm raw cho Quant và Verbal sẽ có ngay sau khi bạn hoàn thành bài thi. Điểm chính thức sẽ có sau 10-15 ngày thi. Bạn nên đăng ký thi muộn nhất là giữa tháng 12 để kịp nộp hồ sơ cho tháng 1 năm sau.

5. Motivation Letter:

Motivation letter bạn nên viết khoảng 1500 từ. Bạn có thể giới thiệu nhanh về bản thân, kinh nghiệm làm việc hoặc trợ giảng, yếu tố gì làm bạn xuất sắc hơn những người khác, vì sao bạn theo đuổi ngành kinh tế, vì sao bạn chọn trường đó.
Motivation letter không quá quan trọng khi bạn đăng ký MA in Econ. Tuy nhiên viết hay thì càng tốt.

6. Kinh nghiệm bản thân

Mình may mắn là học được học đại học ở New Zealand nên có lẽ hồ sơ mình được ưu ái hơn. Mình học ở trường Victoria, ngành kinh tế và tài chình ở bậc đại học. Sau đó mình học thêm Honours kinh tế. Chương trình đại học là 3 năm và Honours là 1 năm. Nhờ học ở đây nên mình nhờ được các thầy ở trường viết Reference Letter. Reference Letter rất quan trọng khi xin học.
Mình gửi hồ sơ vào 5 trường: British Columbia, Western Ontario, Simon Fraser (SFU), York Toronto và Carleton.
Mình được nhận hai trường là SFU và Carleton. Carleton học phí 18000 CND và funding khoảng 11000 CND thông qua 2 kỳ trợ giảng.  SFU học phí 7000 CND và funding khoảng 19500 CND thông qua 3 kỳ trợ giảng và một học bổng nhỏ. Mình nhận offer từ SFU và sẽ bắt đầu học vào tháng 09.2017.
Điểm GRE mình không cao. Quant: 162/170. Verbal: 147/170. Writing: 4.0/6.0. Có lẽ kinh nghiệm làm trợ giảng và một số học bổng đã giúp mình nhận được admission từ SFU.

Chúc các bạn thành công.

Tags: