Margin trong chứng khoán là gì? Thời gian Call margin của một số công ty chứng khoán hiện nay

Margin trong chứng khoán là gì? Thời gian Call margin của một số công ty chứng khoán hiện nay. Margin hay đòn bẩy tài chính là việc vay tiền của công ty chứng khoán để đầu tư. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về Margin trong đầu tư chứng khoán.

Margin trong chứng khoán là gì?
Margin trong chứng khoán là gì?

Lợi ích của việc dùng margin trong đầu tư chứng khoán

Lợi ích khi dùng dịch vụ margin (đòn bẩy tài chính) là nhà đầu tư có thể mua được số lượng cổ phiếu nhiều hơn so với việc chỉ dùng vốn tự có. Sử dụng margin là cách để tối ưu hiệu suất đầu tư, bởi công cụ này tạo cơ hội để tăng lợi nhuận trong trường hợp thị giá cổ phiếu tăng cao hơn lãi suất vay margin mà nhà đầu tư trả cho công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, nếu dự báo sai xu hướng giá cổ phiếu, việc sử dụng đòn bẩy sẽ tác dụng làm trầm trọng hơn khoản lỗ mà nhà đầu tư phải gánh chịu.

Có bốn vấn đề lớn mà nhà đầu tư cần quan tâm khi sử dụng margin, gồm mã chứng khoán bạn muốn mua có được cấp margin không, tỷ lệ cho vay là bao nhiêu, hạn mức cho vay (room margin) mà công ty chứng khoán cấp cho mã cổ phiếu và lãi suất vay margin.

Số tiền nhà đầu tư đựợc vay tuỳ thuộc vào cổ phiếu đang nắm giữ, vào từng thời điểm, tỷ lệ đòn bẩy với từng mã.

Ví dụ về margin trong chứng khoán

Nếu nhà đầu tư đang có tài sản là 100 triệu, cổ phiếu A được công ty chứng khoán cho vay 50%, khi đó số tiền mà nhà đầu tư có thể sử dụng để mua cổ phiếu A là 150 triệu.

Theo Công ty chứng khoán DNSE, với những cổ phiếu tốt nhất trên thị trường hiện giờ, Ủy ban chứng khoán chỉ cho phép công ty chứng khoán cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ 50%. Tuy nhiên, một số công ty vẫn có những hợp đồng cho phép vay với tỷ lệ cao hơn, tùy theo khẩu vị rủi ro.

Hiện nay, lãi suất cho vay ký quỹ (margin) dao động trong khoảng 9-14% tùy công ty và các chương trình khuyến mãi. Trường hợp cổ phiếu giảm hoặc nếu tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư của nhà đầu tư không lớn hơn tỷ lệ lãi suất vay, nhà đầu tư sẽ bị thua lỗ.

Khi giá trị tài sản ròng bị giảm quá tỷ lệ an toàn, công ty chứng khoán sẽ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện việc bổ sung thêm tài sản đảm bảo là tiền hoặc cổ phiếu. Nếu nhà đầu tư không bổ sung thêm tài sản đảm bảo thì sẽ phải bán bớt cổ phiếu ra để giảm tiền vay, đưa tỉ lệ đòn bảy về đúng quy định. Đây cũng là khái niệm “Margin Call” mà thị trường hay nhắc tới.

Trong trường hợp phải bổ sung, công thức tính như sau:

Giá trị chứng khoán ký quỹ bổ sung = (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì ) / (1 – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường

Hoặc:

Số tiền ký quỹ bổ sung = (Tỷ lệ ký quỹ – Tỷ lệ ký quỹ duy trì) x Tổng giá trị tài sản trên tài khoản giao dịch ký quỹ tính theo giá thị trường.

Trong thực tế, khi ngưỡng margin call xảy ra mà nhà đầu tư không kịp bổ sung tài sản đảm bảo, công ty chứng khoán có thể bắt đầu bán bất kỳ chứng khoán nào trong danh mục đầu tư mà không bắt buộc phải hỏi ý kiến.

Call margin lúc mấy giờ?

Hiện nay các công ty chứng khoán có thời gian xử lý call margin khác nhau. Thời gian Call margin của một số công ty chứng khoán hiện nay như sau:

VNDIRECT: Xử lý từ 13h-13h30 Các tài khoản vi phạm RTT <85%

SSI : – Phiên xử lý từ 9h30-11h00 Các tài khoản dưới RTT <35% – Phiên chiều tập trung xử lý khoảng 2h, nếu nhiều tài khoản thì sẽ bắt đầu sớm hơn, đa số các tài khoản vi phạm buổi sáng đều xin hoãn qua buổi chiều, nên dồn về lúc 2h là chính.

VPS: Tương tự SSI nhưng RTT thấp hơn – Phiên xử lý từ 9h30-11h00 Các tài khoản dưới RTT <25% – Phiên chiều tập trung xử lý khoảng 2h, nếu nhiều tài khoản cũng sẽ bắt đầu sớm hơn, đa số các tài khoản vi phạm buổi sáng đều xin hoãn qua buổi chiều, nên dồn về lúc 2h là chính.

HSC: Xử lý đa phần buổi sáng từ ATO luôn. Các tk RTT <40% Tài khoản RTT thấp xử lý trước, và tập trung xử lý mạnh lúc 11h.

Việc sử dụng margin sẽ giúp nhà đầu tư có cơ hội gia tăng lợi nhuận nhưng cũng đẩy rủi ro trong trường hợp xu hướng giá cổ phiếu không như dự báo. Vì thế, các công ty chứng khoán, chuyên gia thường khuyên nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi sử dụng, đồng thời phải có biện pháp kiểm soát rủi ro.