Những điều cần biết về ngành Nursing ở Canada

Những điều cần biết về ngành Nursing ở Canada. Ngoài những ngành về kinh tế, ngành xã hội học thì ngành Nursing  ở Canada cũng được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Trong bài viết cùng tìm hiểu về các ngành Nursing, các trường đào tạo, điều kiện học, lương và kinh nghiệm học ngành Nursing tại Canda nhé!

Những điều cần biết về ngành Nursing ở Canada

Ngành  Nursing là gì?

Ngành này, được định nghĩa ngắn gọn theo mình là một ngành chăm sóc sức khỏe người khác, từ khâu phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, tới chăm sóc người già cả, cho tới cuối đời, người bệnh nhận được sự chăm sóc giảm nhẹ, gọi là palliative care hay comfort care. Nhân viên ngành nursing care ra trường sẽ làm việc ở viện dưỡng lão, bệnh viện, các communities (vì ở đây người ta ở chia theo các communities-tức là khu dân cư), các nhóm và cả chăm sóc cá nhân (có hợp đồng).

Ngành nursing care chia theo chức vụ và cấp bậc. Mỗi cấp bậc sẽ có thời gian học khác nhau, nhiệm vụ làm việc khác nhau, chức vụ khác nhau. Hệ thống y tế của Canada hoạt động theo luật của tỉnh và vùng lãnh thổ, tuy rằng vẫn phải tuân thủ theo một số luật chung của liên bang. Thành thử ra mình chỉ viết về sự hiểu biết của mình về tỉnh Alberta của mình thôi. Vd như tỉnh mình gọi Health Care Aide, thì tỉnh Ontario gọi là Personal Support Worker, tỉnh khác gọi là Nursing Attendant… Nhìn chung, tuy khác tên gọi, nhưng nhiệm vụ của những người này là giống nhau.

Các ngành nghề liên quan tới nursing cũng giống như ngành điều dưỡng, y tá ở VN là vừa học vừa phải đi thực tập ở BV, nhà dưỡng lão, homecare, palliative care… Ở đây chia làm 3 ca. Ca 1 từ 7am-3pm, ca 2 từ 3pm-11pm, ca 3 từ 11pm-7am.
Các bạn đi thực tập thì vẫn phải chịu sự quản lý của các nhân viên, gọi là mentors. Gặp người khó khăn thì số phận cũng lao đao chứ không phải giỡn.

Mình viết theo tiêu chí là chỉ chia sẻ những thông tin cơ bản thôi, còn lại mình sẽ gửi kèm links cho các bạn đọc.

Mình sẽ viết về cấp bậc từ thấp đến cao:

1.Health Care Aide (Personal Support Worker, Nursing Attendant, Nurse Aide…)

Ngành này học nhanh, ở Bow Valley College, chỉ đào tạo trong vòng 4 tháng là ra trường. Lúc mình qua thì phải học 8 tháng full-time. Trước đó còn học 1 năm. Thời gian rút ngắn lại, mình đoán có thể vì dân số Canada ngày càng già đi. Thế hệ “Baby boom”, những người được sinh ra sau chiến tranh, khi những người lính trở về, giờ đã già cỗi. Họ cần sự chăm sóc. Học ngành HCA không bao giờ sợ thất nghiệp cả. Lương ra trường khoảng $17/h. Làm lâu thì có khi cũng lên được $25/h.

Công việc bao gồm: chăm sóc, tắm rửa, cho ăn, dùng máy nâng đưa người bệnh từ giường ra toilet, ra xe lăn, sáng dậy giúp người bệnh thay quần áo, đánh răng, rửa mặt, chuẩn bị ra ăn sáng ngoài sảnh, chơi trò chơi, hát múa với họ… Trong communities thì HCA lái xe đi làm homecare, tới nhà chăm sóc người già, trẻ em tàn tật, cho họ uống thuốc, đo huyết áp, thử đường huyết, thậm chí dẫn họ đi nhà thờ… Ngày xưa mình có 1 client homecare, nhiệm vụ của mình là cùng họ vô McDonald’s ngồi ăn, gặp gỡ ông bà sui gia rồi về…

Triển vọng nghề nghiệp: Có thể học lên Practical Nurse và một số ngành khác trong lĩnh vực health care.

Tuy nhiên, không phải trường nào cũng có chương trình cho HCA bridging to Practical Nurse. Các bạn hãy tự tìm hiểu. Như mình mới tìm thì thấy khá bất ngờ vì Bow Valley College đã bỏ chương trình này. Tuy nhiên, Vancouver Community College thì lại có. Chương trình học full-time 13 tháng. Muốn học liên thông lên thì bất cứ ngành nào trong phạm vi Nursing care cũng phải cần kinh nghiệm làm việc. Của HCA là cần 600 giờ làm việc trong vòng 2 năm mới có thể học PN lên được.
Links:
http://www.vcc.ca/…/health-sc…/
https://bowvalleycollege.ca/programs-courses/

2. Practical Nurse (PN)- Licensed Practical Nurse (LPN)

Ngành này học 2 năm, nhưng thông thường học 16 tháng là xong. PN học trong college và nhận bằng diploma.

Ngành này học xong phải thi một kỳ thi lấy license rồi mới được hành nghề. Học thì không dễ, nhưng bù lại học xong ra thì có công việc ổn định, lương ra trường khoảng $25-$30/h. Công việc là thay băng, chích thuốc, cho bệnh nhân uống thuốc…và phải dưới quyền điều hành của Registered Nurse. Khi cần chuyển bệnh, hay bệnh nhân bị trở nặng, PN phải gọi ngay cho RN để tham khảo ý kiến. Khi cần thiết, thì PN vẫn phải hỗ trợ cho HCA.

Triển vọng nghề nghiệp: Có thể học Bridging lên RN hoặc học Bachelor of Health Sciences, Bachelor of Public Health… Tùy từng trường sẽ có chương trình Bridging khác nhau. Tuy nhiên, các bạn mình hay chọn trường Athabasca để học lên RN. Trường có chương trình vừa học online vừa tới lớp học, cho nên các bạn vẫn có thể vừa học vừa làm được.

Đầu vào cũng không dễ, điều kiện để vô học chương trình PN ở Bow Valley College cho các bạn đến từ các nước không nói tiếng Anh khá cao, vd như IELTS 7.0 (Listening 7.5, Reading 6.5, Writing 7.0, Speaking 7.0).
Links:
https://bowvalleycollege.ca/programs-courses/
http://calendar.athabascau.ca/…/2017/program/

3. Registered Nurse (RN)

Ngành RN học 4 năm, học ở trường ĐH, và lấy bằng cấp là Degree. Đầu vào học RN không dễ, ngay cả với các sinh viên người bản xứ, thì điểm cũng phải cao mới được học. RN ra trường không bao giờ sợ bị thất nghiệp, lương cao, khoảng $80.000/năm. Họ là người đứng đầu trong khoa phòng, vì PN và HCA đều phải xin ý kiến RN khi cần thiết.

Ví dụ  như chỗ mình làm hiếm khi mình thấy BS có mặt, chỉ có bạn RN ở đó. Trong tua trực, khi có bệnh trở, RN là người đi khám bệnh, và quyết định sẽ giữ bn ở lại điều trị hay chuyển viện. Là người gọi điện báo cáo tình hình và xin ý kiến của BS. RN có thể cho được 1 số thuốc thông thường, biết đọc điện tim, biết xem X-ray, biết đọc blood test… Cả khoa chỉ cần có 1 bạn RN trực là đủ, còn lại là PN.

Triển vọng nghề nghiệp: Có thể học lên chuyên khoa, vd như làm RN trong phòng mổ, gây mê…Có thể học lên các ngành nghiên cứu, có thể học lên Nurse Practitioner (Master).

Đối với các bạn ngôn ngữ tiếng Anh không phải là tiếng mẹ đẻ, thì muốn học RN cần điểm IELTS Academic khá cao (7.0 đều các môn).

Link: http://www.ucalgary.ca/pubs/calendar/

4. Nurse Practitioner:

Nurse Practitioner là chương trình Master dành cho RN. NP thì rất giỏi. Các NP làm công việc khám chữa bệnh và nghiên cứu…NP giỏi không thua gì BS.

Kinh nghiệm học ngàng Nuring tại Canada

Mình xin chia sẻ những kinh nghiệm của mình và các bạn mình đã trải qua:

-Nếu bạn học ngành nursing chỉ vì mục đích dễ định cư hay lương cao, thì bạn đừng nên học làm gì, vì làm ngành này cực và phải thật sự thương yêu con người bạn mới làm tốt được.

-Ngành nursing (bao gồm PN và RN) nếu siêng học lý thuyết, thì sẽ không thi rớt. Các bạn rớt nhiều ở phần thực hành.

-Trong thời gian thực hành, phải tạo mối quan hệ tốt với thầy cô. Khi đi bệnh viện, thì cũng đừng làm mích lòng các điều dưỡng trong đó. Nói chung là phải siêng. Bạn mình học rất giỏi, đậu hết mà đi thực tập làm mích lòng điều dưỡng khoa, bà đó phê là bạn mình cái gì cũng bình bình, cuối cùng bạn mình xin trở lại khoa cũ ngày xưa bạn làm HCA người ta còn không nhận. Người ta nói thích nhận người học khá hơn.

-Có nhiều bạn siêng năng giỏi giang, người ta thương, sau khi ra trường dù chưa có bằng người ta cũng nhận vào làm như graduate nurse.

-Nhớ ăn mặc chỉnh chu và trang điểm nhẹ nhàng (nếu là nữ).

-Ở đây môi trường làm việc mang tính đồng đội cao. Các RN, LPN, HCA giúp đỡ lẫn nhau. RN và PN cũng làm vệ sinh cho bệnh nhân như HCA khi thiếu người chăm sóc.

Nguồn: Violet V Tran

Tags: