Review một số ngành học cho sĩ tử 2k2 chuẩn bị bước chân vào đại học – Phần 2

Review một số ngành học cho sĩ tử 2k2 chuẩn bị bước chân vào đại học – Phần 2. Mùa thi đại học đã gần kề. Với nhiều người, đại học là bước đệm quan trọng cho các bạn vào tương lai. “Đại học không phải con đường duy nhất đến thành công, nhưng nó là con đường ổn định, chắc chắn nhất”  Để các bạn sĩ tử cuối cấp có được đánh giá và lựa chọn tốt nhất, đây là một số thông tin quan trọng về các ngành đào tạo tại Việt Nam.

Review một số ngành học cho sĩ tử 2k2 chuẩn bị bước chân vào đại học – Phần 2
Review một số ngành học cho sĩ tử 2k2 chuẩn bị bước chân vào đại học – Phần 2

Quản trị du lịch dịch vụ và lữ hành

Với sự phát triển kinh tế – xã hội hiện nay, nhu cầu du lịch ngày càng tăng dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của các ngành dịch vụ, tạo cơ hội nghề nghiệp rộng mở trong ngành du lịch. Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành trở thành xu thế lựa chọn của khá nhiều bạn trẻ năng động muốn thỏa mãn đam mê “dịch chuyển” cũng như khám phá những vùng đất và văn hóa mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là gì, ra trường làm gì.

Ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là gì?

Hiểu một cách đơn giản, ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là ngành học bao gồm quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế các chương trình du lịch,… Đây được xem là ngành “công nghiệp không khói” giàu tiềm năng nhất của thế kỷ trong xu hướng toàn cầu hóa.

Theo học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, sinh viên sẽ nghiên cứu và học về địa lý du lịch, văn hóa, tâm lý và tập quán của du khách trong nước và quốc tế, các kỹ năng nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch, thiết kế tour, quản lý và điều hành tour, thiết kế và quản trị sự kiện du lịch… Bên cạnh những giờ học trên lớp, sinh viên còn được tham gia nhiều chuyến tham quan thực tế tại các điểm đến, các công ty lữ hành, các khách sạn lớn, điều này giúp sinh viên được trải nghiệm, được thấy và hiểu thêm về công việc của mình sau khi ra trường.

Học ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ra trường làm gì?

Với hành trang nghề nghiệp vững chắc cùng vốn kỹ năng, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các công ty du lịch, khu du lịch, resort, công ty lữ hành… trong và ngoài nước từ vị trị hướng dẫn viên, đến vai trò trưởng nhóm, quản lý và điều hành các hoạt động du lịch, thiết kế tour, tổ chức hội nghị, sự kiện…

Cụ thể, sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ có thể lựa chọn các vị trí nghề nghiệp cụ thể như:

• Hướng dẫn viên du lịch, thiết kế tour, tổ chức sự kiện, hội nghị;

• Chuyên viên kinh doanh, phát triển các dịch vụ du lịch, khách sạn;

• Giám đốc điều hành, Tổ trưởng bộ phận, quản lý bộ phận lập kế hoạch, điều phối nhân sự;

• Giảng dạy về Quản trị khách sạn, du lịch,…

Sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các cơ quan và tổ chức sau:

• Các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế và nội địa, các đại lý Lữ hành;…

• Các doanh nghiệp tổ chức sự kiện, các doanh nghiệp kinh doanh ngành vận tải du lịch, các khu vui chơi giải trí;…

• Các dự án du lịch cộng đồng, dự án phi chính phủ, các tổ chức phi chính phủ;…

• Các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở lưu trú;

• Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch: Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, các Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch,…

• Các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế về du lịch và khách sạn;

• Các trường đại học, các cơ sở đào tạo, các viện, trung tâm nghiên cứu về du lịch và khách sạn.

Những loại hình du lịch và xu hướng phát triển của ngành du lịch hiện nay

Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều loại hình du lịch tiêu biểu như: Du lịch sinh thái, Du lịch văn hóa, Du lịch xanh, Du lịch MICE, Teambuilding,… Đặc biệt, loại hình du lịch sinh thái, đây là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, có giáo dục môi trường, đóng góp cho nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững, có sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương.

Từ nay đến năm 2020, theo ước tính của Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành du lịch cần thêm gần 40.000 lao động. Tuy nhiên, lượng sinh viên chuyên ngành này ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ có hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Chính nhu cầu cao về nhân lực đã tạo ra cơ hội lựa chọn việc làm phong phú cho các cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với mức lương khởi điểm hấp dẫn, khoảng 8-10 triệu đồng/tháng cùng với chế độ ưu đãi tốt.

Cũng theo nghị quyết của Bộ chính trị, trong những năm tới tiếp tục phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, để hội nhập và phát triển trong xu thế phát triển khoa học công nghệ thế giới với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0), cần nhanh chóng phát triển du lịch thông minh theo hướng số hóa với hỗ trợ của công nghệ, để cung cấp những dịch vụ tốt và thuận tiện nhất cho khách du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động marketing; tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện; nhân rộng các mô hình du lịch hoạt động hiệu quả; quảng bá du lịch Việt Nam thông qua các kênh truyền thông lớn…
Để có thể đáp ứng được những xu hướng mới này, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản là nhân tố quan trọng nhất. Đây chính là nguồn tài nguyên cần được khai thác, “mài giũa” và cũng là cơ hội phát triển tương lai cho những ai có đam mê theo đuổi ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành.

Tư vấn các trường đào tạo ngành này phân theo từng mức điểm:

– Miền Nam:
+ Các trường tầm trung (15 – 21 điểm): ĐH Ngoại ngữ – Tin học, ĐH Kinh tế Tài chính
+ Các trường điểm top ( trên 21 điểm): ĐH Khoa học XH&NV – ĐHQG TPHCM.
– Miền Bắc:
+ Các trường tầm trung (15 – 21 điểm): ĐH Thăng Long, ĐH Tài nguyên và môi trường HN.
+ Các trường điểm top ( trên 21 điểm): ĐH Khoa học XH&NV, ĐH Kinh tế quốc dân

Marketing 

Trong hơn hai thập kỷ vừa qua, nền kinh tế thế giới đã biến đổi rất nhanh, sự khác biệt về địa lý và văn hóa đã bị thu hẹp đáng kể khi các hệ thống nối mạng máy tính, điện thoại toàn cầu, và các chương trình truyền hình qua vệ tinh đi khắp thế giới. Sự thu hẹp khoảng cách đó đã cho phép các công ty mở rộng đáng kể thị trường của mình, người tiêu dùng đứng trước tình trạng mọi sản phẩm đều có rất nhiều nhãn hiệu lựa chọn, những yêu cầu của họ ngày càng cao về chất lượng và dịch vụ. Đứng trước sự lựa chọn vô cùng phong phú như vậy, người tiêu dùng sẽ bị hấp dẫn bởi những hàng hóa nào đáp ứng tốt nhất những nhu cầu và mong đợi cá nhân của họ. Họ sẽ mua hàng căn cứ vào nhận thức về giá trị của mình.

Vì thế, không lấy làm lạ khi một số công ty thành công là những công ty làm thỏa mãn đầy đủ nhất và thực sự làm vui lòng những khách hàng mục tiêu của mình. Những công ty này họ hết sức quan tâm đến chất lượng và dịch vụ nhằm đáp ứng và thậm chí vượt cao hơn sự mong đợi của khách hàng. Họ cạnh tranh rất quyết liệt và quyết không đứng ở vị trí số 3 hay 4 trong phân khúc thị trường mục tiêu, đó là các doanh nghiệp như Vingroup, Vinamilk,Viettel, FPT…

Vậy bí quyết của họ là gì, đó chính là MARKETING, vậy Marketing là làm gì??? các doanh nghiệp thành công họ có một điểm chung là xem marketing như một triết lý của toàn công ty: “Những người làm marketing tham gia vào những quyết định quản lý từ trước khi sản phẩm được thiết kế và tiếp tục công việc của mình ngay cả sau khi đã bán sản phẩm đó. Những người làm marketing phát hiện những nhu cầu của khách hàng là cơ hội đem lại lợi nhuận cho công ty. Họ tham gia vào việc thiết kế sản phẩm và nội dung các dịch vụ. Họ có ảnh hưởng rất lớn đến việc định giá các mặt hàng. Họ tích cực thông tin và truyền thông cho các sản phẩm dịch vụ và hình ảnh công ty. Họ theo dõi sự hài lòng của khách hàng và không ngừng hoàn thiện các sản phẩm và thành tích của công ty căn cứ theo những thông tin phản hồi từ thị trường”. Chính vì vậy, marketing chính là chìa khóa cho sự hình thành, tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Nhu cầu vị trí việc làm ngành marketing (các vị trí Giám đốc, trưởng phòng, chuyên viên marketing, Digital marketing, nhà phân tích marketing, quan hệ công chúng…) ngày lớn, theo trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động, từ năm 2020 ngành marketing cần đến 10.000 lao động trở lên, kết quả khảo sát thông số nhân lực trực tuyến cũng cho thấy, ngành marketing vẫn tiếp tục dẫn đầu trong 6 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân lực cao nhất.

Mức lương ngành marketing như thế nào? Mức lương thấp nhất là 8 triệu đồng và mức cao nhất có thể lên 100 triệu đồng/tháng (theo khảo sát trên website tiepthithegioi.vn).

Trường Đại Học nào đào tạo ngành Marketing?

⛳️ Khu vực Miền Nam:

Tốp 1:
– Đại Học Kinh Tế TPHCM (Mã trường KSA): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07, điểm thi năm 2019- 24.9 (điểm)
– Đại học Tài chính – Marketing (DMS): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D96, điểm thi năm 2019- 24.5 (điểm)
– Đại học Tôn Đức Thắng (DTT): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, điểm thi năm 2019- 32.5/40 (điểm)
Tốp 2:

– Đại học Mở TPHCM (MBS): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07, điểm thi năm 2019- 21.85 (điểm)
– Đại học Công nghệ TP HCM (DKC) ): Tổ hợp xét tuyển A00; A01; C00; D01 điểm thi năm 2019- 19 (điểm)
– Đại Học Kinh tế – Tài chính (UEF): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, C00, D01 điểm thi năm 2019- 18 (điểm)
⛳️ Khu vực Miền Bắc:

Tốp 1:

– Đại Học Kinh Tế Quốc Dân (KHA): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07, điểm thi năm 2019- 25.6 (điểm)
– Đại Học Thương mại (TMA): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, điểm thi năm 2019- 23.3 đến 24 (điểm)
Tốp 2:

– Học viện Bưu chính Viễn thông (BVH): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, điểm thi năm 2019- 22.35 (điểm)
– Đại học Công nghiệp (DCN) ): Tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01 điểm thi năm 2019- 21.65(điểm)
– Đại Học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (DMT): Tổ hợp xét tuyển A01, C00, C07, D01

Kế toán – kiểm toán

Trong hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp nào cũng cần có bộ phận Kế toán – Kiểm toán, và đây cũng là 1 trong những bộ phận quan trọng nhất của doanh nghiệp. Dù đã xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng cho đến hiện nay ngành Kế toán – Kiểm toán vẫn còn nguyên sự hấp dẫn. Lý do nào Kế toán – Kiểm toán lại giữ được vai trò quan trọng và hấp dẫn lâu đến vậy.

Nhu cầu nhân lực không ngừng tăng lên

Kế toán – Kiểm toán luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng để một doanh nghiệp vận hành trơn tru vì sản phẩm của bộ máy này sẽ phản ánh được tình hình tài chính của doanh nghiệp đó, giúp các nhà quản trị đưa ra nhiều quyết định đúng đắn. Trong bối cảnh toàn cầu hoá và các cuộc cách mạng về công nghiệp, nhu cầu về các dịch vụ tài chính như Kế toán hay Kiểm toán đang không ngừng tăng cao. Cuộc cách mạng 4.0 có thể làm giảm nhu cầu về nhân lực ở các ngành lao động khác, nhưng với ngành Kế – Kiểm, điều này càng đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao và có kinh nghiệm, sự hiểu biết về ngành.

Cơ hội việc làm rộng mở

Các bạn sinh viên mới theo học ngành Kế toán – Kiểm toán thường sẽ mường tượng ra công việc của mình sau khi ra trường là Kế toán viên hoặc Kiểm toán viên tại một đơn vị nào đó. Tuy nhiên, Kế toán – Kiểm toán là một trong những ngành đem lại sự đa dạng nhất về lựa chọn nghề nghiệp cho các bạn. Ngoài Kế toán viên, kiểm toán viên độc lập các bạn có thể lựa chọn các hướng đi như kiểm toán nội bộ, kiểm soát viên, kế toán môi trường, thanh tra kinh tế, chuyên gia kế toán quốc tế, thuế, quản lý tài chính… Có rất nhiều những chuyên gia trong các lĩnh vực như tài chính, thuế đều có xuất phát điểm từ Kế toán – Kiểm toán.

Thu nhập tốt

Theo khảo sát của công ty chuyên về giải pháp nhân sự Adeco, năm 2018, mức lương đãi ngộ cho vị trí trưởng phòng kế toán có 5-7 năm kinh nghiệm dao động 40-50 triệu/tháng, mức lương trung bình cho vị trí kiểm toán viên nội bộ có 3-5 năm kinh nghiệm là 18-25 triệu/tháng.

Tư vấn các trường đào tạo ngành này phân theo từng mức điểm:

– Miền Nam:
+ Các trường tầm trung (15 – 21 điểm): ĐH Ngân hàng TP HCM, ĐH Tài chính Marketing.
+ Các trường top (trên 21 điểm): Đại học ngoại thương TPHCM, Đại học Kinh tế HCM
– Miền Bắc:
+ Các trường tầm trung (15 – 21 điểm): ĐH Thuỷ lợi, ĐH Tài nguyên và Môi trường HN, ĐH Công nghiệp.
+ Các trường top (trên 21 điểm): ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện tài chính, ĐH Kinh tế.

Luật

Trong bối cảnh xã hội ngày càng coi trọng pháp luật và các vấn đề xã hội nảy sinh thì ngành Luật càng có cơ hội phát triển. Khi đó, nguồn nhân lực tốt nghiệp từ nhóm ngành Luật liên tục được “săn đón” cũng là chuyện dễ hiểu! Với sức hút lớn này, rất nhiều bạn học sinh 2k2 đã lựa chọn ngành luật là ưu tiên hàng đầu trong các lựa chọn ngành nghề của mình. Tuy nhiên, các bạn biết gì về ngành luật? Muốn trở thành một luật sư cần có những tố chất gì  Ad hy vọng với bài viết dưới đây, các em đã phần nào giải đáp những thắc mắc của mình. Và bài này cũng là bài trả lời chung cho rất nhiều em đã inbox hỏi ad về ngành luật trong những ngày qua nhé 

Luật sư là gì?

Được mệnh danh là những “thầy cãi”, luật sư là người hành nghề liên quan đến lĩnh vực pháp luật khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề theo quy định của pháp luật của mỗi quốc gia.

Thực chất, luật sư là người thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (gọi chung là khách hàng). Họ cung cấp các dịch vụ pháp lý như: tư vấn pháp luật, soạn thảo văn bản, tổ chức đàm phán, thương lượng về các vấn đề pháp luật, và có thể đại diện cho thân chủ hoặc bảo vệ quyền lợi của thân chủ trước tòa án trong quá trình tiến hành tố tụng.

Nghề luật sư làm gì?

Luật sư làm những công việc chính như:

• Tư vấn và đại diện về luật pháp cho khách hàng, trước các cơ quan chính phủ, và các vấn đề cá nhân
• Giao tiếp với khách hàng và những người khác
• Nghiên cứu cách cư xử và phân tích các vấn đề về luật pháp
• Làm sáng tỏ luật, chỉ đạo và điều chỉnh cho cá nhân cũng như doanh nghiệp hành xử cho đúng luật
• Đưa ra sự thật bằng cách viết hoặc thuyết minh với khách hàng hay những đơn vị được đại diện
• Chuẩn bị và nộp văn bản pháp luật ví dụ như vụ kiện, khiếu nại, hợp đồng, công việc…

Luật sư thường giám sát nhân viên hỗ trợ, ví dụ như trợ lý giám đốc. Tùy vào nơi làm việc mà luật sư có những công việc khác nhau.

• Luật sư hình sự còn được gọi là công tố viên hay luật sư bào chữa
• Công tố viên làm việc cho chính phủ để nộp đơn kiện hoặc phụ trách, chống lại cá nhân hay công ty bị cho là vi phạm pháp luật
• Luật sư bào chữa: làm việc cho những cá nhân hoặc chính phủ để bảo vệ các vị cáo
• Người tham mưu của chính phủ: thường làm việc trong các cơ quan chính phủ. Công việc chính là viết và giải thích luật, quy định, thiết lập các thủ tục để thực thi chúng cũng như đánh giá luật dựa trên quyết định của các cơ quan
• Cố vấn của công ty là luật sư làm việc cho một tập đoàn, tư vấn cho giám đốc điều hành của công ty về các vấn đề pháp lý có liên quan tới việc kinh doanh như bằng sáng chế, quy định của chính phủ, hợp đồng với các công ty khác, thuế…

Tùy theo từng lĩnh vực cụ thể, người ta chia luật sư thành các nhóm sau:

• Luật sư môi trường: đối phó với các vấn đề phát sinh liên quan tới môi trường. Họ có thể đại diện cho các nhóm, các cơ quan xử lý rác thải và các cơ quan chính phủ để đảm bảo những đơn vị đó tuân thủ đúng luật.
• Luật sư thuế: xử lý hàng loạt công việc liên quan đến thuế của doanh nghiệp hay cá nhân. Họ giúp khách hàng hướng về những quy định thuế phức tạp như thuế cho các hạng mục như thu nhập, lợi nhuận, tài sản…
• Luật sư sở hữu trí tuệ: bảo vệ trước pháp luật về những vấn đề liên quan đến sáng chế, bằng sáng chế, nhãn hiệu và các công trình trí tuệ như âm nhạc, sách, phim…
• Luật sư gia đình xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan đến gia đình như ly hôn, nuôi con…
• Luật sư chứng khoán: làm việc với các vấn đề liên quan đến việc mua bán chứng khoán.
• Luật sư tranh tụng xử lý các vụ kiện và tranh chấp giữa các cá nhân, cơ quan như tranh tụng hợp đồng, tài sản, thương tích cá nhân… Họ có thể chuyên về một lĩnh vực hoặc kiêm tất cả các lĩnh vực.

Luật sư làm việc ở đâu?

Sinh viên tốt nghiệp có thể làm việc tại các công ty tư vấn luật, phòng tổ chức hành chính, phòng pháp chế tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ngoài ra, còn có thể làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân từ cấp trung ương đến địa phương; nghiên cứu và giảng dạy tại các trường đại học, viện nghiên cứu…

Làm thế nào để trở thành một luật sư?

Để trở thành luật sư, bạn cần có:
1. Bằng cử nhân luật: Bạn phải học để lấy bằng cử nhân luật tại bất kì 1 cơ sở đào tạo về luật.
2. Sau khi có bằng cử nhân luật, bạn phải học tiếp 1 lớp đào tạo nghề luật sư tại học viện Tư pháp. Thời gian đào tạo là 6 tháng.
3. Sau khi trải qua khoảng thời gian tại học viện Tư pháp, bạn sẽ phải trải qua thời gian tập sự tại các văn phòng luật, công ty luật
4. Khi đã tập sự đủ thời gian, bạn cần phải thi kiểm tra kết quả tập sự hành nghề để được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.
5. Sau khi có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp cấp, Bạn cần phải lập bộ hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề. Nếu hồ sơ hợp lệ, trong vòng 30 ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư
6. Sau khi đã có Chứng chỉ hành nghề luật sư, bạn cần phải gia nhập một Đoàn luật sư do mình lựa chọn để hành nghề luật sư.
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu bạn đủ Điều kiện thì sẽ được Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư gia nhập Đoàn luật sư. Người gia nhập Đoàn luật sư được tổ chức luật sư toàn quốc cấp Thẻ luật sư theo đề nghị của Đoàn luật sư.

Học cử nhân luật ở đâu?

– Miền Bắc:
+ Đại học Luật Hà Nội
+ Đại học Quốc gia Hà Nội
+ Đại học Thương mại
+ Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
+ Đại học Công đoàn
– Miền Trung:
+ Đại học luật Huế
+ Đại học Vinh
+ Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
– Miền Nam:
+ Đại học Luật TP HCM
+ Đại học Kinh tế – Luật – Đại học Quốc gia TP HCM
+ Đại học Cần Thơ

Quản trị kinh doanh bất động sản

Trong điều kiện thị trường BẤT ĐỘNG SẢN hiện nay còn quá khan hiếm nguồn nhân lực có chuyên môn vững vàng thì lợi thế nổi bật của sinh viên quản trị kinh doanh bất động sản chính là nền tảng kiến thức bài bản, có tư duy hệ thống và có thể xây dựng các chiến lược để khai thác bất động sản hiệu quả nhất.
Theo số liệu của Trung tâm quốc gia về Dịch vụ việc làm năm 2016, dự báo việc làm trong kinh doanh bất động sản là 1,5 triệu việc làm vào năm 2020 và 7,3 triệu việc làm vào năm 2025 – một con số đầy hứa hẹn cho các bạn sinh viên yêu thích Quản trị kinh doanh bất động sản.

Quản trị kinh doanh bất động sản là gì?

– Kinh doanh bất động sản là hoạt động mua bán, cho thuê đất đai, nhà ở, văn phòng hay các hình thức sử dụng đất khác với mục đích kiếm lợi nhuận, người có mục đích kinh doanh cho người có nhu cầu sử dụng đất mua hoặc thuê. Hay có thể hiểu kinh doanh bất động sản là “việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng”, mua, nhận chuyển nhượng để bán, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản, thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản, dịch vụ sàn giao dịch bất động sản, dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản.

– Quản trị kinh doanh bất động sản Ngoài những nội dung cần nắm được trong lĩnh vực Kinh doanh bất động sản, Quản trị kinh doanh bất động sản được hiểu là việc thực hiện các hành vi quản trị quá trình kinh doanh nhằm duy trì, phát triển các công việc kinh doanh của doanh nghiệp như: cân nhắc, tạo ra hệ thống, quy trình và tối đa hóa hiệu suất, quản lý hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản bằng quá trình tư duy và ra quyết định của nhà quản lý.

Cơ hội nghề nghiệp ra sao?

Sinh viên sau khi ra trường có thể làm ở các vị trí:
– Nhân viên môi giới, nhân viên phòng giao dịch bất động sản, nhân viên phòng dự án – kế hoạch, dịch vụ khách hàng…
– Quản lý, huấn luyện nhân viên bán hàng
– Trợ lý giám đốc dự án
– Quản lý văn phòng giao dịch Bất động sản
– Quản lý dịch vụ hậu mãi, chăm sóc khách hàng
– Chuyên viên quy hoạch và phát triển kinh doanh
– Chuyên viên tư vấn đầu tư bất động sản
– Chuyên viên thẩm định giá trị bất động sản
– Nhà quản lý và phát triển bất động sản
– Nhà đầu tư bất động sản

Mức lương cơ bản thế nào?

– Mức lương cơ bản dành cho sinh viên mới ra trường từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Tùy thuộc vào năng lực, vị trí và kinh nghiệm mà người làm trong lĩnh vực bất động sản sẽ có mức thu nhập cao hơn.
– Tuy nhiên, quản trị kinh doanh Bất động sản là nghề có mức thu nhập không giới hạn, thời gian và không gian làm việc linh hoạt Cơ hội nghề nghiệp trải rộng từ kinh doanh cá nhân đơn lẻ, các công ty môi giới bất động sản đến làm việc trong các tập đoàn bất động sản đa quốc gia. Có thể kết hợp làm việc trong tất cả mọi lĩnh vực, ngành nghề khác.

Các kỹ năng cần thiết?

– Khả năng giao tiếp và đàm phán tốt;
– Kỹ năng lắng nghe, nắm bắt tâm lý khách hàng, khả năng nói trước công chúng;
– Kiên trì, nhẫn nại, chịu được áp lực cao;
– Năng động, tự tin, linh hoạt trong giao tiếp và ứng xử;
– Có khả năng ngoại ngữ và tin học.

Trường nào đào tạo Quản trị kinh doanh bất động sản?

– Tại khu vực phía Bắc:
+ Đại học Kinh tế Quốc dân
+ Đại Học Kinh tế và Quản trị kinh doanh – Đại học Thái Nguyên
+ Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
….
– Tại khu vực phía Nam:
+ Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. HCM
+ Đại học Kinh tế TP.HCM
+ Đại học Nông lâm TP.HCM
+ Đại học Nam Cần Thơ
+ Đại học Tài chính – Marketing

Review một số ngành học cho sĩ tử 2k2 chuẩn bị bước chân vào đại học – Phần 1