Tôi thi đại học thế nào?

Gửi tới các bạn bài viết của anh Nguyễn Cảnh Bình- giám đốc nhà sách Alpha Book  : tôi thi đại học thế nào?
Nhân hôm nay, thấy nhiều nơi công bố kết quả thi đại học, nhiều bạn bè và thầy giáo cũng chia sẻ, tự hào về kết quả thi của học trò mình, của lớp/trường mình, bao nhiêu điểm 10, bao nhiêu điểm 9, cao nhất bao nhiêu.. Nên tôi copy/paste lại phần tôi viết về việc tôi thi đại học năm 1989.

Tôi nhớ có nhiều dịp đến thăm vài trường cấp 3 giỏi/chuyên của nhiều tỉnh, thành phố, có dịp đến vào mùa hè, tháng 8, vậy mà cả trường vẫn kín các lớp học, tôi hỏi thầy giáo dẫn tôi đi thì được biết đó là luyện, hè 11 đã học chtr 12 và rồi luyện thi từ rất sớm.. mà không khỏi thấy băn khoăn, lo lắng..
Tôi cũng không phản đối hay ganh tỵ với các em học giỏi, điểm cao, vì dù thế nào cũng rất tốt nhưng học thái quá, luyện và máu điểm cao lan cả đến phụ huynh, giáo viên thì chẳng tốt lắm..
Cuộc đời còn bao nhiêu điều khác hay ho, tuyệt vời hơn nhiều cái điểm cao và việc luyện thi đại học, và ai đó nếu chẳng may điểm thấp thì cũng đừng quá buồn phiền, 🙂
Bình..
Ảnh học bạ tôi năm lớp 12, trường Đống Đa, Hà Nội, năm 1988-1989


Vì thế, tôi không hiểu vì sao tôi lại cần luyện thi đại học, tôi thấy nhiều anh chị họ hàng tôi thất nghiệp, tôi nghĩ mình cần tiền hơn, gia đình tôi cần tiền hơn việc học. Và nói chung, tôi không thấy ý nghĩa nhiều ở việc thi đại học, thậm chí tôi chẳng thích thú gì cánh cổng đại học…
Trong sổ lưu niệm với đám bạn bè, tôi viết mơ ước rằng sau này tôi muốn trở thành Edison, tôi muốn được trở thành nhà phát minh, được sáng chế, được tưởng tượng ra những chiếc máy móc, những thí nghiệm khoa học.. chứ chưa bao giờ tôi mơ đỗ đại học hoặc mơ có một điểm số thực sự cao nào đấy. Những điểm số chẳng có chút gì hay ho, lôi cuốn tôi. Tôi không thấy hấp dẫn gì ở những ngôi trường đại học, không hấp dẫn gì hình ảnh ngồi trên ghế nhà trường, rồi cặm cụi chép bài, rồi làm bài tập… Ngay cả việc học giỏi để được đi Tây (thực ra cũng chỉ là Đông Âu thôi) với tôi cũng thật buồn tẻ, hoặc chí ít tôi không hào hứng với ý tưởng đó. Tôi tâm sự với các bạn của tôi về những mơ ước của mình. Trong cuốn sổ lưu bút của tôi thời cấp 3, nhiều bạn cũng đã biết về những mơ ước của tôi. Có người bạn tôi viết là “Tớ biết Cảnh Bình không có mơ ước vào Đại học, vậy chúc Bình làm được những điều mà cậu mơ ước.” nhiều người bạn chúc tôi có thật nhiều ước mơ và nghị lực…
Nhưng cuối cùng thì tôi vẫn thi đại học như mọi học sinh khác vì xét ra chẳng có một con đường nào khác, hoặc khi đó tôi cũng không đủ mạnh mẽ để đi một con đường nào khác, hay chí ít, tôi vẫn cứ phải thi đại học đã, đỗ hay trượt rồi mới tính tiếp được. Đăng ký thi vào Bách khoa Hà Nội thì là chuyện đương nhiên vì thời đó, những thằng con trai học giỏi toán lý hóa thì nói chung đều mơ ước vào Bách khoa. Thậm chí, khi đã vào đại học, tôi nghe nhiều người bạn cùng lứa tôi kể và đầy tự hào vì được vào trường Bách Khoa, nhiều người bạn tôi rất hãnh diện, rất tự hào, kiêu hãnh lắm ấy!
Do không học luyện thi và cũng chẳng bận tâm gì việc thi cử nên những ngày chuẩn bị thi đó, tôi không thể nào học được cái gì vào đầu. Tôi chỉ học đến 10 giờ tối là đi ngủ vì chẳng thức khuya được, cũng chẳng hứng thú và cũng chẳng có tý kỷ luật nào. Nhưng rồi tôi cũng đỗ đại học dù điểm rất thấp. Thực ra, sau này tôi thấy lẽ ra, tôi hoàn toàn có thể đỗ đại học với điểm số cao hơn kể cả không cần luyện thi gì, chỉ cần tôi chăm chỉ và cẩn thận hơn một chút nhưng quả thực tôi không thể bắt mình học những gì tôi không muốn. Tôi thi DHBK được 13,5 điểm, trong đó Toán chỉ được 2-3 điểm gì đó, và may mắn được đủ điểm vào hệ B.
Cha mẹ tôi cực kỳ thất vọng với kết quả này. Sự thất vọng và nỗi buồn bao trùm lên gia đình tôi. Và có lẽ không chỉ với tôi, có lẽ tất cả những bạn bè tôi thi đại học điểm kém, hoặc thi trượt đều chịu chung một tâm trạng nặng nề như thế. Dường như mọi người đều coi con đường đỗ đại học là vinh quang lớn nhất, là cái đích duy nhất để vươn tới. Có những người bạn học của tôi bị trượt đại học thậm chí còn lẩn tránh bạn bè, thu mình lại trong nhiều tháng. Mọi người đều nhìn vào kết quả thi đại học để đánh giá về giá trị của mọi người. Điểm cao là niềm tự hào của mọi người, của gia đình, của xã hội, và nếu đủ điểm được đi nước ngoài thì sự tự hào đó còn hơn nhiều. Còn thi đại học điểm thấp là nỗi xấu hổ…
#sinhnam72

Tags: