Người ta ví đời người giống như một vở kịch. Trong vở kịch ấy, mỗi người không thể tự mình lựa chọn vai diễn cho bản thân, chỉ có thể lựa chọn thay đổi những buồn vui trong lòng mình. Có đôi khi, nhìn vào những cảm ngộ và đạo lý nhân sinh của người khác, chúng ta có thể cảm thụ được chúng, ít nhất cũng làm thay đổi cách nhìn cuộc sống của chúng ta.
🔻 1. Không biết khoan dung, bạn bè dù nhiều cũng rời bỏ hết
Cổ ngữ nói: “Nước quá trong thì không có cá, người quá xét nét thì không có người đồng hành”. Người nghiêm khắc quá mức, hay bới móc khuyết điểm của người khác, không thể bỏ qua lỗi lầm của người khác thì bản thân sẽ cô đơn. Người quá so đo tính toán với khuyết điểm hoặc sai phạm của người khác thì cũng không thể nào khoan dung được, cũng không giữ được người thân ở bên mình. Bởi vậy, đối với những vấn đề có thể châm trước thì không nên hà khắc, tránh mất đi bè bạn, người thân.
🔻 2. Không biết cảm ơn, dù ưu tú cũng khó thành tựu
Uống nước không quên người đào giếng, người trước trồng cây, người sau hóng mát. Cá biết ơn nước, chim biết ơn gió trời, biết ơn chính là nền tảng để một người đi đến thành công.
Nếu một người trong lòng không biết cảm kích, không biết ơn những điều người khác làm cho mình, coi mọi việc tốt đẹp mà người khác làm cho mình là tự nhiên, là lẽ thường tình, là nghĩa vụ của người khác, thì người ấy rất vô tâm, nói nặng một chút là người ích kỷ, sống không có tình có nghĩa. Người như vậy sẽ rất khó để được mọi người tiếp tục giúp đỡ, thành tựu của họ dẫu đạt được nhất thời nhưng cũng khó bảo toàn lâu dài, lại càng không thể có được thành tựu lớn hơn.
🔻 3. Không biết hành động, dù thông minh cũng khó đạt được ước mơ
Những tri thức hay kinh nghiệm có được từ sách vở, từ người khác giống như những lời chỉ dẫn, còn hành động mới là điều biến ước mơ thành thực tế. Muốn hoàn toàn hiểu thấu sự vật, hiện tượng thì cần phải đích thân hành động, trải nghiệm. Đọc sách tất nhiên là đáng quý và cần thiết, nhưng hãy nhớ rằng trường đời cho chúng ta những bài học quý báu và đắt giá hơn trải nghiệm của người khác được ghi lại qua sách vở. Một người khi có được ước mơ rồi nhưng không bắt tay vào thực hiện thì dù thông minh cũng mãi không đạt được điều mình mong ngóng.
🔻 4. Không biết hợp tác, dù cố gắng cũng khó thành việc lớn
Xưa nay khi làm việc lớn, người ta đều khó thành công một mình, bởi việc lớn vốn là việc của nhiều người. Người trí tuệ hiểu rằng muốn đạt được thành công thì phải biết hợp tác, dùng người, dựa vào trí tuệ, ưu điểm và sức mạnh của một cộng đồng. Người không biết lắng nghe ý kiến của người khác, luôn khăng khăng bảo thủ ý kiến cá nhân thì thường thường đến cuối cùng sẽ trở thành người cô đơn, thất bại, càng không thể nói đến thành tựu việc lớn.
🔻 5. Không biết tiết kiệm, dù kiếm tiền giỏi cũng khó giàu có
Xã hội hiện đại ngày nay, rất nhiều gia đình dù người chồng hay người vợ có sự nghiệp rất tốt, kiếm tiền rất giỏi nhưng cảnh nhà lục đục, không hòa thuận, thậm chí ly tán bởi vì nửa kia hay con cái tiêu phí xa xỉ vô độ, không biết tiết kiệm. Cũng có không ít trường hợp trúng số độc đắc, tự nhiên có được số tiền mà cả đời làm việc cũng không thể có, nhưng lại tiêu tốn hết toàn bộ trong một thời gian chóng vánh, thậm chí còn trở thành người mắc nợ.
Một quốc gia mà những người đứng đầu xa xỉ thì tất sẽ bị diệt vong, một gia đình cũng lại như thế. Bởi vậy, cho dù là một người đang sống giàu sang phú quý nhưng cũng cần noi theo đạo đức tốt đẹp truyền thống mấy ngàn năm của cổ nhân, phải biết tiết kiệm, không nên tùy tiện phóng túng, hưởng thụ xa xỉ.
🔻 6. Không biết thỏa mãn, dù giàu cũng khó hạnh phúc
Lão Tử giảng: “Tri túc chi túc, hằng túc hĩ”, ý nói rằng biết thế nào là đủ thì sẽ vĩnh viễn không thiếu gì. Người không biết đủ luôn thấy thiếu thốn và sẽ không bao giờ thành công trong việc tìm kiếm hạnh phúc thật sự.
Những tài nguyên vật chất trên thế gian này là hữu hạn, nhưng ham muốn dục vọng của con người lại là vô hạn. Vì vậy một người nếu thực sự muốn hạnh phúc và vui vẻ thì phải biết kiềm chế dục vọng của bản thân, biết đủ và có thiện niệm. Biết đủ thì an vui, không biết đủ thì mãi truy cầu nhọc tâm tổn sức, đoản thọ yểu mệnh, bệnh tật vây quanh. Một người cảm thấy hạnh phúc không phải bởi người ấy có được nhiều, mà là bởi người ấy ít toan tính.
🔻 7. Không hiểu đạo dưỡng sinh, dù chạy chữa nhiều cũng khó trường thọ
Chữa trị khi bệnh còn chưa phát sinh là một tư tưởng lớn của nền y học Đông phương thời cổ đại. Trong “Hoàng Đế Nội Kinh. Tứ khí điều thần đại luận” viết: “Bậc thánh nhân không trị bệnh đã phát mà trị bệnh chưa phát, không trị đã loạn mà trị chưa loạn”. Bệnh đã hình thành mới trị, xã hội đã rối loạn mới lo chấn chỉnh, khác gì khi khát nước mới lo đào giếng, giặc tới nơi mới đúc binh khí, chẳng phải là đã quá muộn sao?
Thay vì bệnh nặng rồi mới lo chạy chữa, chi bằng lúc chưa có bệnh mà tìm hiểu đạo dưỡng sinh. Đạo dưỡng sinh lớn nhất không phải là tẩm bổ, an dưỡng mà chính là tu dưỡng tính tình, tu tâm sửa tính, tích đức hành thiện. Khi an lạc từ trong tâm thì sức khỏe cũng sẽ được vun bồi.
Trong bộ phim “Ngọa hổ tàng long” có câu nói kinh điển: “Khi bạn khép chặt hai bàn tay lại, trong tay bạn sẽ không có gì. Nhưng khi bạn mở hai bàn tay ra thì cả thế giới đều ở trong tay bạn.” Người nào có thể hiểu được “buông” thì trong cuộc đời hữu hạn này, người ấy mới có thể sống được thản nhiên, sung túc và tự tạị.
Kỳ thực, có rất nhiều thời điểm trong cuộc đời, điều mà chúng ta cần học nhất lại chính là “buông bỏ”. “Nước chảy nhỏ thì dòng chảy sẽ dài”, con người ít vướng bận mới có thể thông suốt sáng tỏ mà lĩnh ngộ được đạo lý nhân sinh.