11 năm thành lập Alpha Books và gần 20 năm theo nghề viết lách.

11 năm thành lập Alpha Books và gần 20 năm theo nghề viết lách.- Bài chia sẻ tâm sự của Anh Nguyễn Cảnh Bình- sáng lập và giám đốc Alpha Book  – Nhà sách Alpha Books Địa chỉ: 176 Thái Hà, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Hôm nay là đúng 11 năm ngày Alpha Books có giấy đăng ký kinh doanh, chứ thực ra, có lẽ ngày thành lập phải khoảng tháng 8/2004 hoặc tháng 10/2004, chứ giấy DKKD thì mãi sau này chúng tôi mới làm và một ngày nào đó chúng tôi nhận được bản DKKD từ một văn phòng luật gửi cho nên thực sự đó cũng chỉ là một ngày hình thức trên giấy tờ mà thôi. Còn nghiệp viết lách của tôi có lẽ bắt đầu tư xa hơn thế, từ khoảng 1998-1999 gì đó, khi tôi bắt đầu bập bõm viết bài cho Tia Sáng, cho tờ báo Quốc tế rồi đến 2001 bắt tay viết những dòng đầu tiên của cuốn Hiến pháp Mỹ.. Nhưng thực ra bài báo đầu tiên tôi viết là cho tờ Tiền Phong vào tháng 8/1988. Khi mới 16 tuổi, tôi viết rằng thanh niên không chỉ biết học mà còn phải biết kiếm tiền, Vậy mà mãi gần 30 năm sau, tôi cũng vẫn chưa kiếm được tí tiền nào.

Gần 15 năm làm sách, từ việc là độc giả, rồi tập tọe làm dịch giả, rồi làm tác giả gà, rồi làm người biên tập, hiệu đính rồi cuối cùng làm tay đầu nậu xuất bản và làm chân bán sách dạo vỉa hè đầy những chuyện vui và buồn với sách vở, tôi hiểu những khó khăn của công việc này. Hiểu kỳ vọng của độc giả, hiểu những trở ngại cả tâm lý, tiền bạc và kiến thức của người dịch, hiểu áp lực của biên tập viên & người làm xuất bản và có thể tóm tắt thành một câu: Bọn biết không nói, bọn nói không biết, 😀

Và cũng tiện đây, kể thêm mấy chuyện nho nhỏ về nghề.

Cách đây vài năm, có lần tôi được mời đến nói chuyện cho một lớp học giám đốc của trường DHNT. Buổi nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm cũng bình thường thôi, giống như mọi buổi nói chuyện khác. Đến giờ giải lao, có một chị giám đốc đến làm quen và nói chuyện với tôi. Chị ấy nói đã từng học trường này trường kia, trân trọng tri thức lắm, bây giờ đang kinh doanh BDS.. rồi hỏi tôi rằng doanh số của Alpha Books là bao nhiêu. Tôi thành thật nói mỗi năm, doanh số bán sách của chúng tôi như thế, như thế.. Nghe xong, chị ấy có vẻ xem thường lắm, bảo, ôi thế thì công ty của thầy kém xa công ty em, chỉ bằng em bán mấy cái nhà thôi. Tôi lại hỏi, thế hàng năm, chị mua bao nhiêu cuốn sách và chi bao nhiêu tiền cho sách.. Chị ấy có vẻ bối rối bảo, thầy ạ, bây giờ bận rộn, vất vả làm ăn lắm, lấy đâu thời gian đọc sách hả thầy, nên nói chung em không mua sách đâu ạ. Ôi, doanh số của một NXB, ngoài việc đi bán sách thì đến từ đâu nữa? Nếu đến từ bán sách, bọn sinh viên nghèo ít tiền mua được là bao, bọn ở các tỉnh làm sao tiếp cận đến, nên chỉ trông chờ vào lòng tốt, vào cái sự mua của đám trí thức, đám doanh nhân, đám trung lưu thành thị. Sự thực là trong những lần đi bán sách tại các hội thảo, có hai loại người ít mua sách nhất là doanh nhân & trí thức. Có hai loại hội thảo bán được ít nhất là hội thảo của đám trí thức & hội thảo của đám doanh nhân. Đám trí thức không có tiền mua, còn đám doanh nhân thì chỉ thích xin, hehe. Cũng nên cười/xem thường đám bán sách dạo chúng tôi, nhưng xa hơn, đúng ra chị ấy đang coi thường đám trí thức nước nhà và có lẽ coi thường cả chính mình nữa. Chúng tôi, doanh số chúng tôi, chẳng qua cũng chỉ đại diện cho quy mô và tầm vóc của nền tri thức nước nhà mà thôi. Và theo ước lượng của tôi, quy mô toàn thể tri thức Việt (đo lường theo khía cạnh xuất bản) không quá 1.000 tỷ đồng/năm, thậm chí chỉ chừng 200 tỷ/năm hoặc không quá 10.000 người cho cả nước.

Rất nhiều năm trước, khi ấy đám chúng tôi còn trẻ, háo hức với cuộc đời, lứa đi du học đầu tiên bắt đầu về. Chúng bắt đầu nhìn thấy nhiều vấn đề của xã hội, của đất nước, trong đó có chuyện sách vở, chúng so sánh với tây, so sánh với tàu, so sánh với bển.. và trong những cuộc café chém gió, hầu hết đều than phiền và chỉ trích, la ó nền xuất bản nước nhà, rằng chẳng có sách hay, sách nghèo nàn, kém cỏi, nhà nước phải thế này, nhà nước phải thế kia, ở nước nọ nó thế này, ở nước chai nó thế kia.. Rồi chúng bới móc từng lỗi trong cuốn sách, phải dịch như thế này, dịch như thế kia, y như kiểu phải nói tiếng Anh giọng mũi như tao mới là xịn vậy. Cũng như mọi cuộc luận bàn gần đây, về con ruồi, con muỗi, về chuyên hay chọn, về đi hay ở, tôi né tránh đám trí thức thức thời và giỏi giang đó. Tôi và vài người bạn cùng hiểu rằng, chúng tôi cần chung tay thay đổi nó. Thay cho những cuộc chém gió vô thưởng, vô phạt, chúng tôi nỗ lực lao động theo đuổi giấc mơ của mình, một giấc mơ hão huyền như nhiều người hiểu biết/giỏi giang khuyên bảo khi chúng tôi tìm đến họ xin lời khuyên… Sau nhiều năm, chúng tôi tin rằng những nỗ lực của mình không vô ích, chúng tôi càng tin rằng, chúng tôi có thể thay đổi được thực tế, bằng cách tiếp tục lao động và làm việc chăm chỉ hơn nữa. Cuốn sách hay nhất, vẫn là cuốn sách chúng tôi sắp xuất bản.

Hôm nay, chúng tôi không tổ chức hoạt động gì cả. Ngày thành lập cũng chỉ là một ngày làm việc như mọi ngày, tôi lại ngồi vào bàn làm việc, kỳ cạnh gõ những dòng chữ cho cuốn sách của mình. Sau hơn 10 năm, sau hơn hàng ngàn cuốn sách được Alpha xuất bản, sau hàng chục cuốn sách của người quen, của bạn bè mà tôi từng tham gia góp phàn vào việc xuất bản, tôi mới thời gian quay lại viết cuốn sách cho riêng mình.

Cám ơn tất cả các bạn.

Tags: