7 “ảo tưởng” của du học sinh.
Ảo tưởng 1: Du học sướng lắm, du học không khó
Nếu bạn có khả năng đi du học thì bạn sẽ nằm ở 1 trong 3 nhóm:
– Nhóm học rất giỏi và được học bổng đi du học
– Nhóm nhà có điều kiện để đi du học tự túc
– Nhóm tự lực từ một số tiền ban đầu nho nhỏ
Tuỳ theo nhóm mà mức độ thoải mái về mặt tài chính của bạn sẽ khác nhau và vì thế những hành hạ về mặt vật chất sẽ khác nhau.
Nhưng vấn đề sướng hay khổ không chỉ nằm ở tiền, mà còn nằm ở tinh thần. Du học sinh nào cũng phải trải qua những khó khăn của cuộc sống ở nước ngoài.
Ảo tưởng 2: Du học là tương lai sáng lạn
Du học sinh hiện nay rất đông, nếu chỉ cầm một tấm bằng đại học bình thường ở nước ngoài về, bạn vẫn phải vật vã tìm việc. Ở đây không nói đến việc bạn tự mở công ty vì ít người khởi nghiệp hơn so với người làm công ăn lương.
Du học sinh sống lâu ở nước ngoài nên hơi xa rời thực tế ở Việt Nam. Thêm vào đó, công ty cũng có vẻ lưỡng lự khi nhận vì sợ đòi hỏi hay nhảy việc nhiều.
Một tấm bằng nước ngoài và ngoại ngữ chỉ có lợi thế phần nào. Ở Việt Nam, có nhiều thứ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn, so với ở nước ngoài thì công cuộc tìm việc gian nan thế nào chắc bạn cũng nghe qua, vì thế đừng ảo tưởng về bằng cấp nước ngoài.
Ảo tưởng 3: Du học là mở mang tri thức
Đây đúng là điều mà chúng ta mong muốn khi đi du học nhưng không phải ai cũng làm được. Có nhiều người đi du học, nhưng nhất định không chịu rời cộng đồng của mình và luôn tìm cách miệt thị những cộng đồng chủng tộc khác.
Đối với họ, đi du học cũng như sống trong một không gian thu nhỏ của đất nước họ và vì thế không mở mang thêm điều gì, thậm chí họ còn tạo thêm định kiến về đất nước, con người khác mình và truyền bá tư tưởng sai lệch cho những người đến sau.
Ảo tưởng 4: Du học là giỏi ngoại ngữ
Nếu bạn đóng mình không chịu giao tiếp, khả năng ngoại ngữ sẽ giảm. Ngoài nghe nói thì kỹ năng viết là thứ vô cùng quan trọng trong môi khi học ở nước ngoài và không phải cứ đủ điểm IELTS hay TOEFL là bạn có thể thành công trong việc học tập.
Muốn viết tốt đòi hỏi bạn phải giỏi cả ngữ pháp, tư duy, từ vựng, phong cách và không hề đơn giản để nắm bắt được tất cả những điều này. Nếu bạn nghĩ rằng nói tiếng Anh trôi chảy bay bổng một tí đồng nghĩa với việc giỏi thì bạn hãy suy nghĩ lại đi nha!
Ở nước ngoài, việc bạn phải sử dụng tiếng Anh để giao tiếp, học tập là hoàn toàn hiển nhiên nhưng biết sử dụng là một chuyện, giỏi tiếng Anh là một chuyện khác. Du học chỉ cho bạn môi trường tốt để rèn luyện khi bạn có khả năng tiếng Anh nhất định để có thể giao tiếp với môi trường, chứ không thể từ xuất phát điểm là con số 0.
Ảo tưởng 5: Chuyên môn giỏi hơn người không du học
Không thể phủ nhận, các nước như Mỹ, Anh, Úc có nền giáo dục tốt hơn Việt Nam. Đặc biệt, họ chú trọng vào thực tiễn hơn là lí thuyết suông như ở Việt Nam. Thế nhưng, không phải du học sinh nào cũng có chuyên môn cao khi ra trường.
Chuyên môn, kỹ năng là yếu tố mà cần tự bản thân rèn luyện, tìm hiểu, nó gồm những vấn đề đơn giản đến phức tạp trong học tập và làm việc.
Hơn nữa, khả năng tiếng Anh hạn chế của đa số du học sinh cũng là trở ngại trong việc tiếp thu đầy đủ và nghiên cứu chuyên sâu các kiến thức được học, so với cả bạn học nước ngoài lẫn sinh viên trong nước.
Ảo tưởng 6: Mức lương “khủng” sau khi ra trường
Bạn đầu tư rất nhiều vào chi phí du học, do đó hiển nhiên bạn mong muốn có mức lương phù hợp với khả năng chuyên môn và đầu tư đã bỏ ra.
Thế nhưng, khi bạn chưa chứng tỏ được giá trị của bản thân thì với nhà tuyển dụng, bằng cấp cũng chỉ là tờ giấy, và mức lương đối với 1 sinh viên mới ra trường dù mới du học về vẫn bằng 1 sinh viên ở Việt Nam.
Một vấn đề đáng lưu ý là liệu bạn có khả năng biến những kiến thức bạn được học trở nên phù hợp để áp dụng được ở Việt Nam hay không?
“Không ai chi trả cho các bạn một khoản khổng lồ nếu các bạn chỉ có tấm bằng tốt nghiệp từ nước ngoài và nói suông”, anh David Nam, nhà tuyển dụng của 1 công ty xây dựng tại TP.HCM cho biết ý kiến.
Ảo tưởng 7: Đi du học rồi xin việc làm ở lại nhập cư
Với hiện trạng thất nghiệp khắp nơi như hiện nay thì đây quả là giấc mơ xa xỉ. Bản thân người bản xứ có lợi thế hơn bạn mà còn chẳng tìm được việc thì đương nhiên người ngoài như bạn làm sao có nhiều cơ hội.
Ở đây không phủ nhận khả năng tìm được việc nhưng nó không hề dễ dàng như nhiều người lầm tưởng. Muốn cạnh tranh thì bản thân bạn phải có nhân tố mà nhà tuyển dụng cần trong khi những đối thủ cạnh tranh của bạn không có.