Review học viện Ngân Hàng của Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy

Review học viện Ngân Hàng của Tiến sĩ Đỗ Thị Thủy  từ 2013. Đây là những lời nhận xét về Học viện Ngân Hàng, tích cực có, tiêu cực có nhưng rất đúng. SV phải cố gắng nhiều trong quá trình học trong trường, SV chúng ta nhiều bạn còn thiếu kiến thức xã hội, kt thực tế, khả năng ngoại ngữ, nhiều kỹ năng cần thiết…

“ĐÀO TẠO VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở HỌC VIỆN NGÂN HÀNG DƯỚI GÓC ĐỘ CỦA DOANH NGHIỆP

 
Đối với hoạt động của một bất kỳ doanh nghiệp (DN), một ngân hàng nào, ngoài yếu tố vốn, công nghệ, phương án sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực là yếu tố được quan tâm hàng đầu. Nền kinh tế ngày càng phát triển, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng mở rộng, thị trường cạnh tranh càng gay gắt, thì nguồn nhân lực trong quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp càng trở thành yếu tố quyết định và cần thiết hơn bao giờ hết.
 
Trong 45 năm xây dựng và phát triển, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức Học viện Ngân hàng (HVNH) đã có những đóng góp to lớn trong việc cung cấp cho nền kinh tế xã hội một nguồn nhân lực đáng kể – một đội ngũ cán bộ được đào tạo có trình độ, năng lực, trong đó có nhiều người uyên thâm về mặt lý luận, đồng thời có khả năng giải quyết các vấn đề mà thực tế cuộc sống kinh tế – xã hội đang đặt ra, hiện đang giữ những cương vị chủ chốt ở Trung ương cũng như ở các doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH) của HVNH trong thời gian tới, dưới giác độ doanh nghiệp – người sử dụng các sản phẩm đào tạo của Học viện, xin được đề cập tới một số vấn đề sau đây.
 

Sản phẩm đào tạo có còn khiếm khuyết?

 
Sản phẩm đào tạo của HVNH khi đưa ra thị trường, được người sử dụng là các doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng xem xét, kiểm tra, đánh giá một cách nghiêm ngặt trong quá trình tuyển dụng, không có châm chước, không có cảm thông vì những lý do khách quan thì chưa thể nói là tuyệt hảo, mà vẫn còn một số kiếm khuyết, bất cập.
Trong nhiều năm qua, DN không có sự lựa chọn nào khác nên phải chấp nhận nhà trường cung cấp gì thì sử dụng nấy. DN đã phải chịu thêm nhiều chi phí để đào tạo lại trong việc sử dụng nguồn nhân lực mới tuyển dụng. Đã đến lúc không thể cung cấp các sản phẩm đào tạo được tạo nên từ “tháp ngà” khoa học, từ những định hướng suy đoán, mà phải có một sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, của ngân hàng để tạo ra một đội ngũ lao động vừa có kiến thức, kỹ năng, vừa có thực tế, đáp ứng nhanh chóng được yêu cầu công việc trong tình hình kinh tế thị trường liên tục biến đổi. Do đó một trong những hoạt động dạy và học có ý nghĩa tích cực của HVNH trong giai đoạn hiện nay là tạo ra những tiền đề, những bứt phá nhằm phát triển mối quan hệ giữa nhà trường và các doanh nghiệp. Phát triển mối quan hệ này sẽ giải quyết những vấn đề then chốt trong nhiệm vụ chuyển giao các kết quả NCKH, phát huy sức mạnh trí tuệ, học vấn của thầy và trò HVNH nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến trước thềm hội nhập.
Trên thực tế, phần nhiều các ý tưởng, các đề tài ứng dụng, luận văn tốt nghiệp của sinh viên đều dựa trên lý thuyết, trên những nền tảng được đào tạo ở trường, thiếu thực tiễn, thiếu kinh nghiệm, tính khả thi không cao. Có những ý tưởng hay, sáng tạo của sinh viên nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng chưa có những biện pháp giúp sinh viên biến ước mơ thành hiện thực.
 
Nhược điểm mà các nhà “săn đầu người” của các DN hay phải than phiền là tư duy sáng tạo, khả năng tự tin, chủ động trong công việc của sinh viên chưa cao. Các kỹ năng rất cần thiết như kỹ năng nghe, khai thác, thuyết trình, đàm phán, chốt hạ, … đều rất yếu. Nhân viên mới ít khi dám đưa ra ý tưởng mới, mà thường thụ động chờ ý kiến cấp trên, chờ đề tài, hướng dẫn và làm theo một cách máy móc, thụ động.
 
Một điểm nữa thể hiện việc sinh viên nói chung tốt nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn đời sống xã hội là khả năng sử dụng thành thạo ngoại ngữ và các công cụ thông tin còn yếu, kiến thức xã hội, kiến thức văn hóa kinh doanh của sinh viên mới ra trường quá ít ỏi. Cứ tưởng rằng điều này không đáng phải quan tâm, nhưng thực chất nếu không có kiến thức trên thì nhân viên mới không thể năng động, hòa nhập nhanh vào môi trường kinh doanh của DN.
 

Nguyên nhân nào sinh ra bất cập?

 
Có rất nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan gây ra những khiếm khuyết, bất cập đã nêu ở trên, trong đó những nguyên nhân khách quan có ảnh hưởng không nhỏ như: quản lý vĩ mô về đào tạo chưa thoát khỏi tình trạng quan liêu, sự vụ; quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của nhà trường chưa được phát huy đầy đủ, đúng hướng; nguồn kinh phí dành cho đào tạo và NCKH eo hẹp; cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đồng bộ, còn thiếu thốn, ….. ở đây xin được bàn thêm về một số nguyên nhân chủ quan.
 
Thứ nhất, sự kết hợp giữa HVNH và doanh nghiệp trong công tác đào tạo cũng như NCKH, còn lỏng lẻo, hiệu quả thấp. Thời gian qua, tiếng nói chung của doanh nghiệp và nhà trường nhằm đưa những ý tưởng sáng tạo của sinh viên vào cuộc sống, sản xuất kinh doanh vẫn còn những khoảng cách. Nỗi khát khao đưa những ý tưởng vào thực tế vẫn phải chờ đợi được thực hiện nếu chúng ta không có những giải pháp khả thi. Chúng tôi nhận thấy các nhà doanh nghiệp trong thời gian vừa qua đã hỗ trợ và cùng nhà trường tham gia vào công tác đào tạo như bố trí cho sinh viên HVNH xuống cơ sở thực tập, cùng các thầy cô giáo hướng dẫn sinh viên thực tập, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, tham gia hội đồng chấm tốt nghiệp, … Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thời gian đi thực tập của sinh viên quá ngắn và vẫn chỉ là hình thức. Sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong thời gian vừa qua quá lỏng lẻo, thiếu những thỏa thuận quy định về quyền lợi trách nhiệm của mỗi bên và chưa đủ độ để chúng ta có thể đào tạo được một đội ngũ cán bộ ngân hàng có trình độ cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển đất nước trong quá trình hội nhập.
 
Thứ hai, việc phân bố, tận dụng cơ sở vật chất của HVNH phục vụ đào tạo kiến thức thực tế cho sinh viên chưa hiệu quả.
 
Thứ ba, chưa hình thành được đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng dạy giỏi trong và ngoài HVNH tham gia đào tạo, chưa tạo điều kiện để có chế độ thù lao thoả đáng đối với những cán bộ giảng dạy giỏi. Ngoài ra, chính sách đối với các giảng viên trẻ mới được tuyển dụng về đào tạo thực tế, cập nhật kiến thức định kỳ cho cán bộ giảng dậy về cơ chế chính sách, nghiệp vụ ngân hàng mới còn chưa rõ ràng.
 
Thứ tư, việc xây dựng chương trình, phương pháp, quy trình đào tạo chưa nhất quán, khoa học, chậm đổi mới.
 
Thứ năm, về phía các DN chưa chủ động và thực sự tham gia vào quá trình đào tạo và NCKH của HVNH.
 

Giải pháp nào gắn kết hoạt động đào tạo và NCKH với thực tiễn?

 
Xuất phát từ tình hình thực tế những thực trạng như trên và tìm hiểu những nguyên nhân, để đẩy mạnh ứng dụng các kết quả của hoạt động NCKH phục vụ thực tiễn cho xứng với tiềm năng và vị thế của HVNH, chúng tôi xin nêu một số giải pháp cơ bản nhất để tăng cường hiệu quả phục vụ thực tiễn của các hoạt động đào tạo và NCKH tại Học viện.
 
Để kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo cũng như NCKH, nội dung, chương trình đào tạo đối với từng chuyên ngành phải thường xuyên được rà soát nhằm cập nhật theo yêu cầu của doanh nghiệp và xã hội trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. HVNH cùng các doanh nghiệp lớn, đầu ngành ký các bản thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực đào tạo. Các thỏa thuận hợp tác này sẽ chỉ rõ DN cần gì, nhà trường cần gì, mỗi bên cần làm những gì. Theo đó, sinh viên đi thực tập tại các doanh nghiệp được nâng cao tay nghề, kỹ năng thực hành, tiếp cận với thực tiễn. Cũng qua đó những ý tưởng, những kết quả nghiên cứu khoa học trong HVNH sẽ được mở đường đi vào ứng dụng, kết quả thu được sẽ lớn hơn, ngược lại các nhà doanh nghiệp đặt ra cho nhà trường các bài toán, các vấn đề mà doanh nghiệp cần đến chất xám của thầy và trò HVNH, điều đó thúc đẩy công tác NCKH trong nhà trường cũng như đòi hỏi nhà trường phải có những thay đổi trong việc xây dựng chương trình và cải tiến phương pháp, quy trình đào tạo để phù hợp với yêu cầu của sự phát triển kinh tế – xã hội. Hợp tác đào tạo chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của các DN, bởi vì thỏa thuận hợp tác đào tạo không những giúp DN bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, thu hút sinh viên giỏi về làm việc mà còn là hình thức tiếp thị sản phẩm, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp rất tốt đối với đội ngũ sinh viên – các cán bộ ngân hàng tương lai và cũng là những khách hàng tiềm năng của ngân hàng.
 
Muốn có trò giỏi không thể không có đội ngũ thầy giỏi, tâm huyết, bởi vậy cần có kế hoạch tuyển chọn đội ngũ chuyên gia, cán bộ giảng dạy giỏi trong và ngoài HVNH tham gia đào tạo; không phân biệt chính sách, chế độ giữa giảng viên trong và ngoài Học viện; khuyến khích các chuyên ngành trực tiếp giảng dạy bằng tiếng Anh; có chế độ thù lao thoả đáng đối với những cán bộ giảng dạy giỏi, tạo điều kiện để họ phát huy tiềm năng và kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đào tạo.
 
Xây dựng mẫu các phòng nghiệp vụ Tín dụng, Kế toán, Thanh toán xuất nhập khẩu, Tiết kiệm, Môi giới chứng khoán, Bảo hiểm,.. sát với hoạt động của một ngân hàng hiện đại, với những hồ sơ, khách hàng giả định, nhưng thủ tục, quy trình nghiệp vụ thật, văn hóa kinh doanh thật để đẩy mạnh việc nghiên cứu, thực tập các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tại chỗ. Qua đó góp phần giúp sinh viên có thể nhanh chóng thích ứng với môi trường công việc sau này. Mỗi một phòng nghiệp vụ mẫu có thể mời một ngân hàng thương mại tài trợ và giúp đỡ về mặt nghiệp vụ.
Hình thành các nhóm nghiên cứu, các khuynh hướng và trường phái lý thuyết trong sinh viên. Theo đó, tạo sự cạnh tranh, có phê phán, có cách nhìn, quan điểm nhiều chiều, một mặt tạo không khí sôi động trong NCKH, mặt khác tạo sự phát triển trong học thuật. Đây phải trở thành một điểm mạnh, một sở trường của HVNH mà ở các Trung tâm đào tạo của DN không thể làm được.
 
Xây dựng bổ sung website của HVNH chuyên mục về cựu sinh viên và có những hoạt động xúc tiến, tạo điều kiện để các cựu sinh viên phát huy khả năng đóng góp xây dựng HVNH. Đây cũng là một kênh thông tin phản hồi quan trọng để đánh giá các sản phẩm sau đào tạo của HVNH có phù hợp với thực tế hay không. Từ đó cải tiến chương trình đào tạo cho gần hơn với yêu cầu thực tiễn.
 
Xây dựng chương trình, quy trình đào tạo theo tiêu chuẩn ISO. Rà soát và sửa đổi lại chương trình các môn học, giảm bớt thời lượng lên lớp của một số môn học chưa cần thiết, tăng thời lượng sinh viên tự học, tự nghiên cứu và thu thập thông tin ở nhà, chuẩn bị seminar, tăng khả năng chủ động, độc lập, sáng tạo của sinh viên khi tiếp thu các vấn đề lý thuyết và vận dụng vào các tình huống thực tế. Tăng số tiết của môn học cho sinh nghe giảng của các cán bộ ở các cơ quan thực tế. Tăng thời lượng thực tập của sinh viên, đồng thời tăng cả thời lượng đi thực tế của các giảng viên trẻ. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ tiên tiến và công nghệ thông tin trong dạy và học. Đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá và thi cử theo hướng nâng cao trách nhiệm của cán bộ giảng dạy, không chỉ kiểm tra kiến thức mà tăng cường kiểm tra đánh giá năng lực tư duy, kỹ năng của sinh viên, kiên quyết chống tiêu cực trong thi cử.
Đẩy mạnh khai thác các quan hệ quốc tế theo hướng liên doanh, liên kết trong đào tạo, nghiên cứu, triển khai các sản phẩm mới. Tăng cường đào tạo ngoại ngữ và các công cụ thông tin về cả thời lượng và chất lượng cho sinh viên. Từ đó nâng cao sức cạnh tranh của HVNH trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Tóm lại, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì công tác đào tạo và NCKH phải được coi là nhiệm vụ hàng đầu, các sinh viên được đào tạo ra là những cán bộ ngân hàng có trình độ, có khả năng giải quyết các vấn đề mà thực tế đời sống sản xuất kinh doanh và xã hội đang đặt ra. Nhằm mục đích này, HVNH cần phải tiến xa hơn nữa trong quá trình thực hiện các chương trình hợp tác với doanh nghiệp, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường đồng thời phát huy sức mạnh trí tuệ vốn có của thầy và trò nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ và công nghệ tiên tiến trước thềm hội nhập. Cần nhấn mạnh là để có sản phẩm đào tạo tốt, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội và của ngành ngân hàng thì sự nỗ lực của riêng Học viện Ngân hàng là chưa đủ mà cần có sự kết hợp chặt chẽ, sự hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan trong Ngành, các doanh nghiệp, của xã hội và của bản thân các sinh viên thì mới có thể xây dựng HVNH trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực ngân hàng chất lượng cao, với các trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ ngân hàng hàng đầu ở Việt Nam và vươn tầm khu vực, quốc tế.”
TS. Đỗ Thị Thủy tại http://www.vietinbank.vn/