Một số điều bạn nên chú ý khi tự làm hồ sơ du học Đức [updated: 13.01.2017]

Một số điều bạn nên chú ý khi tự làm hồ sơ du học Đức
[1] Nếu sức học chỉ ở mức trung bình và bạn vẫn muốn đi du học Đức, hãy bắt đầu học tiếng Đức (tiếng Anh) ngay khi vừa vô học Đại học, thẩm tra APS và thi TestAS ngay khi vừa có bảng điểm 4 học kì, xin học bên Đức ngay sau khi đã có trong tay APS và TestAS, xin Visa du học ngay sau khi đã có Zulassung bên Đức. Nói chung, bạn cần đi du học Đức ngay sau khi đã học xong 4 học kì (bảo lưu kết quả học ở Đại học sau 4 học kì, không học tiếp kì thứ 5).

[2] Kết quả học (bảng điểm) tại Đại học ở Việt Nam không tốt cũng có thể ảnh hưởng đến việc xét cấp Visa của ĐSQ, TLS Đức cho dù bạn đã có Zulassung trường đại học bên Đức và điểm Goethe-Zertifikat B1 cao. Đã có bạn sau 1 tháng chờ kết quả, bị bắt bổ sung bảng điểm Đại học và sau đó bị từ chối Visa vì lí do này. Do đó, nếu bạn cảm thấy vừa học cấp tốc tiếng Đức vừa học đại học ở VN không tốt được thì nên ngay từ đầu sớm xin bảo lưu kết quả tại trường đại học, chỉ tập trung học tiếng Đức. Rất nhiều bạn đã qua Đức du học được cho dù ở Việt Nam chưa học xong 1 học kì đại học nào.

[3] Nếu tiếng Anh của bạn tốt hơn tiếng Đức, bạn chỉ nên thi TestAS bằng tiếng Anh, không nên thi bằng tiếng Đức. Điều này sẽ có ảnh hưởng nhiều đến kết quả của TestAS. Một số bạn nói kết quả TestAS không ảnh hưởng cũng không đúng, vì nếu ĐSQ hay TLS yêu cầu bạn nộp TestAS và kết quả thấp thì cũng có thể bị từ chối Visa (đã có bạn từng bị). Ngoài ra, các trường đại học ở Đức ngày càng có huynh hướng tuyển sinh dựa trên điểm của TestAS hoặc cộng điểm Bonus nếu có điểm TestAS tốt. Hiện tại, các bạn chưa học xong 4 học kì ĐH ở Việt Nam có thể học thẳng Studium tại Universität Wuppertal mà không cần qua Dự bị đại học, trường tuyển sinh dựa trên kết quả thi TestAS, thông tin các bạn có thể xem ở đây http://www.vietstudent.org/threads/339/.

[4] Nên có trình độ tiếng Đức tối thiểu B1 trước khi qua Đức để có thể hòa nhập tốt vào cuộc sống mới bên Đức cũng như có thể theo học tốt các lớp tiếng Đức tiếp theo ở bên Đức. Đây cũng là yêu cầu hiện tại của đa số các trường bên Đức và của ĐSQ, TLS Đức tại Việt Nam khi xét cấp Visa du học Studium.

[5] Nếu sức học của bạn không thật sự tốt, không nên đi theo con đường học Dự bị đại học, mà hãy nên đi theo con đường học tiếng Đức để thi DSH-2. Việc học dự bị sẽ tiêu tốn thời gian và tiền bạc của bạn nhiều hơn trong quá trình chuẩn bị trước khi vô Đại học bên Đức so với việc chỉ học tiếng Đức và thi DSH-2. Nhiều bạn qua Đức học tiếng Đức hơn 1 năm vẫn chưa có thể thi đậu được đầu vào dự bị Đại học và gặp nhiều khó khăn khi đi gia hạn thẻ cư trú ở Sở ngoại kiều, vì bạn phải hoàn thành khóa dự bị trong vòng 2 năm từ khi đến Đức và khóa dự bị thường là kéo dài gần 1 năm. Có thể nhiều bạn sẽ cho là học dự bị thì kiến thức sẽ tốt và vững hơn khi vô học Đại học, mình nghĩ điều này là đúng, nhưng cũng chỉ thích hợp cho các bạn sinh viên trước khi qua Đức đã có học lực tốt sẵn rồi, nếu không, để thi đậu và vô học được dự bị cũng là một vấn đề nan giải. Ngoài ra, học tiếng Đức để thi DSH thì bạn học ở đâu cũng có, còn học dự bị thì chỉ giới hạn một số nơi, do đó việc bạn không thể ở gần hay cùng người thân quen bên Đức hoặc phải di chuyển chỗ ở nhiều lần trước khi vô học Đại học là điều khó tránh khỏi nếu bạn đi theo con đường học dự bị Đại học. Có thể nhiều bạn sẽ nói là không thi được dự bị và không học được dự bị thì qua Đức du học làm gì, nhưng thực tế là không phải gia đình nào cũng đặt 100% mục đích cho con em mình qua Đức du học là chỉ để học thực sự.

[6] Chỉ nên mở tài khoản tại Vietinbank để chứng minh tài chính khi xin visa du học Đức. Thủ tục, yêu cầu & phí mở tài khoản của Deutsche Bank hiện tại không thích hợp & không khả thi cho các bạn du học sinh Việt Nam mở tài khoản Deutsche Bank để chứng minh tài chính khi xin Visa du học Đức nữa. Trước giờ QV đều ủng hộ việc nên mở tài khoản Deutsche Bank thay vì Vietinbank, nhưng gần đây Deutsche Bank đòi hỏi phải có Zulassung nộp kèm đơn mở tài khoản DB nữa mới cho mở, mà để chứng thực đơn mở tài khoản bank cũng mất thời gian đặt Termin ở ĐSQ Đức, rồi DB cũng tăng phí mở tài khoản lên 150€, bắt khai kê nguồn gốc tiền chuyển vô tài khoản DB. Cho nên nếu mở bên Deutsche Bank có thể bạn sẽ không kịp Termin nộp hồ sơ xin Visa ở ĐSQ Đức, sẽ rất bị động. Các bạn có thể tạm thời mở tài khoản Vietinbank để kịp có xác nhận tài chính để nộp cho ĐSQ Đức, qua Đức rồi mọi người đều có thể dễ dàng mở thêm tài khoản Bank ở Sparkasse, Deutsche Bank, Norisbank …. rồi làm Dauerauftrag tự động mỗi tháng chuyển 720€ từ Vietinbank qua tài khoản của Bank mới tại Đức.

[7] Nộp hồ sơ xin học càng sớm càng tốt, không nên đợi đến gần hết hạn nộp hồ sơ, vì nhiều trường Đại học bên Đức vẫn xét và cấp Zulassung cho các bạn sinh viên trước khi hết hạn nộp hồ sơ hoặc nếu hồ sơ bạn nộp cần bổ sung thêm giấy tờ thì bạn vẫn còn thời gian để bổ sung. Do đó, nếu bạn nộp quá trễ sẽ là một sự thiệt thòi cho chính mình.

[8] Các chương trình học bằng tiếng Anh bên Đức của đại học công lập cũng đa phần là miễn phí, bao gồm cả Bachelor và Master.

[9] Để đảm bảo khả năng thành công của đơn xin Visa du học ở ĐSQ & TLS Đức tại Việt Nam, bạn nên có tối thiểu chứng chỉ tiếng Đức Goethe-Zertifikat B1 (mỗi kĩ năng trong 4 kĩ năng đều phải đạt mức đánh giá „befriedigend“ từ 70 điểm trở lên) nếu bạn qua học chương trình bằng tiếng Đức. Đây chỉ là điểm mốc để các bạn hướng đến khi học thi chứng chỉ B1, nhiều bạn vẫn nhận được Visa với 2 kĩ năng B1 dưới 70 điểm.

[10] Khi nộp đơn xin Visa, bạn cần phải có bản Motivation trình bày kế hoạch cụ thể du học Đức, trong đó ghi rõ bạn đã học gì ở Việt Nam, bạn sẽ học gì ở bên Đức, các mốc thời gian cụ thể, dự định nghề nghiệp sau khi học xong, mối tương quan hay liên hệ giữa ngành đã học ở Việt Nam và ngành dự định sẽ học ở bên Đức.

[11] Đối với các bạn vừa thi tuyển sinh đại học xong và đã nhận được giấy báo trúng tuyển đại học, các bạn cần giữ lại cẩn thận giấy báo trúng tuyển đại học này. Giấy báo trúng tuyển Đại học (die bestandene Hochschulaufnahmeprüfung) là tờ giấy rất quan trọng cho các bạn nào có ý định sau này làm hồ sơ du học Đức. Các bạn cần chú ý và tìm hiểu xem khi làm hồ sơ nhập học ở trường đại học sắp tới, các bạn có phải nộp lại bản gốc của giấy trúng tuyển này không, nếu có, các bạn hãy tìm các năn nỉ cho được giữ lại bản gốc này bằng mọi cách, nếu không còn cách nào khác, trước khi nộp bản gốc lại cho trường đại học thì các bạn có thể đem đi copy công chứng và dịch qua tiếng Anh giấy trúng tuyển đại học này làm nhiều bản (trên 10 bản) để dành sau này sử dụng khi xin học bên Đức.

[12] Toàn bộ giấy tờ du học không nên dịch qua tiếng Đức, chỉ nên dịch qua tiếng Anh, lí do là vì trình độ dịch tiếng Đức ở Việt Nam bây giờ còn rất nhiều hạn chế, Quách Vũ đã từng đọc rất nhiều bản dịch qua tiếng Đức ở Việt Nam và thấy ở Việt Nam dịch tiếng Đức sai rất là nhiều, cả về chính tả, văn phạm cũng như cách dùng câu, trong khi khả năng dịch qua tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay cũng rất tốt và giấy tờ bằng tiếng Anh cũng được chấp nhận trong quá trình làm hồ sơ du học. Đã có nhiều bạn bị trường bên Đức từ chối Zulassung chỉ vì văn phòng dịch và công chứng qua tiếng Đức ở Việt Nam đã dịch sai đúng ngay những nội dung quan trọng nhất, và khả năng về tiếng Đức của các bạn sinh viên này ở thời điểm đó không thể tự phát hiện ra được các lỗi sai về tiếng Đức này. Do đó, Quách Vũ khuyên các bạn sinh viên cần kiểm tra kĩ lại toàn bộ bản dịch của mình xem có sai sót gì không (nhất là các bản dịch qua tiếng Đức), đừng nên quá tin vào nội dung dịch của các văn phòng công chứng và dịch thuật ở Việt Nam. Nếu các bạn không có khả năng tự kiểm tra thì cũng có thể nhờ người khác có trình độ về ngôn ngữ kiểm tra lại giùm.

[13] Các bạn nào dự định học xong Đại học ở Việt Nam, sau đó muốn qua Đức du học bậc cao học, cần nhất thiết đăng kí làm luận văn tốt nghiệp nếu điều kiện cho phép. Theo qui định chính thức của Đức thì sinh viên Việt Nam muốn học Master ở Đức thì trước đó học Đại học ở Việt Nam phải có làm luận văn tốt nghiệp. Cũng có trường bên Đức không để ý chuyện này và vẫn chấp nhận cho học Master mà trước đó không có làm luận văn tốt nghiệp ở Bachelor, nhưng cơ hội như thế này ở Đức là không nhiều.

[14] Khi đến nhận Visa ở Đại sứ quán Đức tại Hà Nội, bạn cần đứng tại chỗ kiểm tra lại ngày bắt đầu có hiệu lực của Visa, xem nó có trước ngày hết hạn đăng kí nhập học theo thông báo của trường bên Đức hay không. Vì ĐSQ Đức luôn đóng sẵn ngày bắt đầu có hiệu lực của Visa chứ không có hỏi ý kiến của sinh viên trước khi đóng Visa như ở TLS Đức tại Sài Gòn, cho nên có một số bạn đã bị đóng Visa có hiệu lực bắt đầu sau ngày hạn chót đăng kí nhập học bên Đức. Nếu sau khi xem bạn thấy có vấn đề, thì ngay lúc đó, bạn cần báo lại với nhân viên ở ĐSQ Đức để họ xem xét lại ngày trên Visa cho bạn.

[15] Chỉ nên dùng địa chỉ ở bên Đức để nhận kết quả Zulassung khi nộp hồ sơ xin học (Bewerbung, Antrag). Việc để địa chỉ nhận thư ở Việt Nam có thể sẽ gây nhiều bất lợi cho các bạn vì thư từ gửi bình thường qua bưu điện từ Đức về Việt Nam khá lâu, có khi 2-3 tuần hoặc là không bao giờ nhận được. Nhiều bạn ở VN đã bị chậm trễ hoặc mất cơ hội nhập học bên Đức chỉ vì thư từ gửi về Việt Nam bị chậm trễ hoặc thất lạc.

Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung của bài viết này, xin các bạn chỉ viết (reply) trực tiếp ở ngay bên dưới bài viết tại đây.
Nội dung của bài viết này sẽ được Quách Vũ cập nhật liên tục dựa trên tình hình thay đổi của luật hoặc các qui định liên quan. Nếu các bạn đăng lại bài viết này trên các trang web hay mạng xã hội khác, xin ghi kèm “Nguồn trích dẫn: Quách Vũ – http://www.vietstudent.org/threads/388/

————-

Các qui định pháp lý cơ bản liên quan đến toàn bộ quá trình du học, đi làm và định cư tại Đức của du học sinh: https://www.facebook.com/groups/VietStudent.org/permalink/1568822699801139/

Danh sách các trung tâm, gia sư dạy tiếng Đức tại Việt Nam: http://www.vietstudent.org/sinh-vien-duc.30/

Danh sách các trung tâm dạy tiếng Đức tại CHLB Đức: http://www.vietstudent.org/sinh-vien-duc.67/

Danh sách đen, trắng các trường và thành phố tại Đức: https://www.facebook.com/groups/VietStudent.org/permalink/1588224264527649/

Chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn APS: http://www.vietstudent.org/sinh-vien-duc.56/

Tags: