Sau bao nhiêu năm du học, trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc và thử thách của những ngày tháng xa nhà, mình cũng thường chỉ cười và không bao giờ trả lời khi ai đó vô tình hỏi: “Đi du học chắc là Sướng lắm anh nhỉ?”.
Đơn giản là vì đó là một câu hỏi sẽ không bao giờ trả lời được. Định nghĩa thế nào là Sướng – Khổ nhân gian biết bao năm nay vẫn đang miệt mài tranh cãi và chưa bao giờ đi đến một đáp án thống nhất. Người ăn chay có sướng vui khi sống giữa xứ sở toàn của ngon vật lạ? Người thích yên tĩnh có vui vẻ khi đứng giữa phố đông người? Người chỉ yêu mặt trời có thoải mái giữa nơi bốn bề tuyết phủ? Vậy du học có Sướng hay không, xin hãy cứ để là một câu hỏi mở cho riêng mỗi người.
Thế nhưng, bằng chính bản thân của những tháng ngày đã qua, mình tin chắc chắn một điều: Du học là… Được.
Đằng sau những thảm cỏ xanh mượt, sau những bầu trời đầy hoa, đằng sau những kỳ ảo, tấp nập của những siêu thành phố như các bạn vẫn thấy đây đó …..lại là những bài học rất lớn mà những người trẻ đặc biệt nên có và trải nghiệm một lần trong đời.
Nội dung chính
Du học: Được gì ngoài một tấm bằng ? Du học là được… Khổ
Nghe thì kỳ cục, người ta thường chỉ nói “được” sướng, và “bị” khổ, chứ không ai nói “được” khổ cả. Nếu như, quyền được mưu cầu hạnh phúc là nhân quyền cơ bản thì quyền được khổ, được trải nghiệm cái khổ để có động lực phát triển cũng vậy.
Tuy nhiên, rất nhiều ông bố bà mẹ Việt thường có xu hướng muốn tước đoạt không báo trước của con cái quyền này. Để cho con khổ là nỗi ám ảnh mà không phụ huynh nào mong muốn, nhất là trong điều kiện cuộc sống ngày một tốt hơn. Nhưng tập cho con khổ để làm quen và tự vượt qua nỗi khổ thì lại ngày càng ít người nghĩ tới.
Những tháng năm du học sẽ làm xuất sắc công việc đó. Không còn bố mẹ ở cạnh bên, không người thân , không quá nhiều bạn bè giữa một miền đất chẳng ai biết mình là ai, những chàng trai cô gái tuổi đôi mươi sẽ tự phải biết bước từng bước đầy trách nhiệm với bản thân trên con đường thô ráp của cuộc sống độc lập nơi xứ người.
Du học là được… Học yêu thương
Hãy tin mình đi, bạn chưa bao giờ cảm nhận được tiếng hồi đáp “Alo, con đấy ah? Con phải không?” của bố mẹ mình lại thân thương biết nhường nào cho đến khi bạn nghe điều đó từ cách xa hàng ngàn km. Khoảng cách làm người ta dửng dưng với những giận hờn, thờ ơ với những lời chê trách… mà chỉ còn đắm đuối với những yêu thương – tình cảm gia đình thiêng liêng mà đôi khi gần nhau quá đã có lần sao lãng.
Có những cậu trai cao lớn, mạnh mẽ, chưa bao giờ biết chịu ở nhà với mẹ cuối tuần nhưng khi đã xa rồi, nhìn mẹ cười trên màn hình skype , facebook mà con oà khóc vô tư như ngày thơ bé. Và cũng có những cô gái dù vẫn bị bố mẹ gắn mác Ms. Đoảng, Ms Vô tâm…..cũng đã biết dành hàng giờ trong cửa hàng để chọn đi chọn lại một màu cà vạt đẹp nhất để tặng bố.
Dù chưa có một kết quả khảo sát chính thức, mình vẫn giữ niềm tin rằng, phần đông du học sinh sẽ biết trân trọng và yêu thương hai tiếng “Gia đình” hơn rất nhiều sau những tháng năm xa xứ.
Du học là được… Độc lập trưởng thành
Phần đông bố mẹ thường nghĩ rằng con mình sau 2 tuổi chắc chắn đã tập đi và bước đi vững chãi nhưng không hẳn vậy. 18-25 tuổi, tự thân mỗi chúng ta lại đều phải tập đi một lần nữa, khó hơn và gian nan hơn, tập bước đi …..trên đường đời. Quá trình ấy sẽ càng khó hơn và dai dẳng hơn khi đằng sau bạn, luôn có ánh mắt của cặp đôi yêu thương bạn nhất trên thế gian nhưng lại luôn muốn giành luôn lượt chơi của bạn trên đường đời bằng “bế”, “cõng”, “ôm”…..và vô số các hành vi yêu thương sai cách khác mà họ có thể nghĩ ra chỉ vì sợ bạn…..ngã.
Khi du học ,Ốm-Một mình,Lạc đường-Một mình! Đói bụng-Một mình,Rắc rối-Một mình…..! Bạn cứ tự nhiên mà khóc mà buồn, rồi thản nhiên mà đứng dậy đi tiếp một cách khôn ngoan và mạnh mẽ hơn như cuộc đời này cần bạn phải thế.
Quỹ tích các điểm “Một mình” đó tạo ra một trường phát triển tuyệt vời để đào luyện ra những công dân mạnh mẽ, trưởng thành và độc lập đúng nghĩa hơn là những “em bé” tuổi 20 đến giờ cơm vẫn cần mẹ gọi.
Du học là được… Thấy
Không phải là thấy quả nho ở bển thì to hơn quả cam ở nhà. Mà là thấy bước chân của những người xung quanh ta luôn nhanh hơn, khẩn trương hơn. Thấy 8 tiếng làm việc là thực sự 8 tiếng làm việc, chứ không phải là tổng của phép cộng vội: 2 tiếng cà phê + 2 tiếng chơi game + 2 tiếng trò chuyện + 1 tiếng tranh cãi với 1 tiếng làm việc ít ỏi.
Thấy mình sẽ vô cùng lạc lõng thế nào nếu trót dại nói hơi to trên xe bus hay thấy ánh mắt lạ kỳ của bạn bè đang đợi chờ khi mình trót đến muộn… Họ coi đó là khác thường trong khi ta đã quen và cho rằng đó là những điều bình thường.
Từng giờ từng phút thấy, ngày ngày thấy, sống để thấy, và thấy để sống… tự thân sẽ có lúc bạn thấy mình đã khác rất nhiều so với ngày mới đến. Thấy trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ của mình đã có chút mùi hương của một xã hội văn minh; thấy được sự lợi hại của giáo dục xã hội. Đó là chính là cái thấy của du học khác du lịch.
Có lẽ, đã đến lúc những người Việt trẻ nên chủ động chọn cách mình lớn lên. Trật tự xưa nay “Con cứ việc học và học, còn thế giới để bố mẹ lo…” nên dần đổi thay thành “Bố mẹ sinh con, còn thế giới, làm ơn, để tự con khám phá”. Và du học là một cơ hội rất lớn để bạn thử sức mình làm điều đó.
Du học là một chuyến bay khứ hồi mà chiều đi là hi vọng và vô vàn gian nan; chiều khứ hồi chưa chắc đã là thành công và hạnh phúc. Không có một tấm vé nào như thế trên đường bay cuộc đời ngoài sự cố gắng không ngừng nghỉ của mỗi chúng ta mọi lúc mọi nơi. Thế nhưng, hãy bay lên để biết rằng: Chúng ta là bé nhỏ giữa cuộc đời lớn rộng và luôn cần vươn cao.
Vậy nên, các bạn trẻ nếu có cơ hội du học
Hãy đi đi, đừng sợ!
Và quan điểm của tôi vẫn sẽ là :
Nếu xuất phát điểm của bạn là số 0, thì không ai có thể trách bạn.
Còn nếu sau này mà bạn vẫn trắng tay, thì lúc đó lỗi là do bạn.
Nguồn: Nguyễn Luân Luân – Cộng đồng du học Việt Nhật
Link bài viết: https://www.facebook.com/noiphuong.xa.509/posts/2384506855110451
Nguyễn Luân Luân