MỘT BUỔI DỰ GIỜ nghe bài giảng từ giáo sư Ngô Bảo Châu. Tâm sự của TS Nguyễn Đức Thành. Câu chuyện hay nổi bật tuần qua
Uống rượu đàn hát ngâm thơ xem tranh với nhau đã lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tôi ngồi ngay ngắn không ngủ gật nghe GS. Ngo Bảo Châu giảng về mối liên hệ giữa số học và hình học. Như hai đại dương có một mạch ngầm vĩ đại thông suốt với nhau, nhưng phải mất ba ngàn năm để con người khám phá ra. Theo cách hiểu đơn sơ của tôi đến nay thì đây cũng là chủ đề chính trong sự nghiệp toán học của Giáo sư.
Bài giảng này như một sự diễn giải chi tiết hơn diễn từ ngắn gọn của Giáo sư khi nhận danh hiệu Viện sĩ danh dự Viện Hàn lâm Pháp gần đây.
Giáo sư lấy một ví dụ về việc chứng minh định lý Euler trong hình học phẳng – cái này dân chuyên toán quen từ hồi lớp 6 – nhưng dùng phương pháp của đại số cao cấp – qua ngôn ngữ ma trận và số phức. Để cho thấy hình học và đại số là một.
Đang đến đoạn tiếp theo rất hay là Công thức Euler nổi tiếng với các hằng số vũ trụ thì hết giờ. Tiếc quá. Tôi nghĩ bài giảng có thể kéo dài cả một ngày nghe cũng không chán. Bản thân Giáo sư Châu trở nên hoạt bát lạ thường khi đắm chìm vào bài giảng.
Cá nhân tôi ngồi nghe thấy cảm xúc thời còn học chuyên toán trỗi dậy nghẹn ngào. Hồi bé mà được nghe các bài giảng đầy cảm hứng và phiêu bồng thế này, dù không hiểu hết, nhưng cũng mơ màng thấy được vẻ đẹp kỳ vĩ và cân đối lạ lùng của toán học, sự bí ẩn sâu thẳm của vũ trụ được chôn kín trong những phương trình, biết đâu tôi cũng đi theo ngành toán hay lý.
Thực sự ngưỡng mộ tri thức và bộ não của anh Châu, dù mới được nhìn thấy một mảnh rất bé nhỏ qua con mắt bé nhỏ, ngoại đạo của tôi.