Những điều cần lưu ý khi lựa chọn mua xe cũ.
Mua xe cũ sẽ giúp các bác tiết kiệm được khá nhiều chi phí và được “lên đời” so với số tiền mà mình đang có. Tuy nhiên nếu không có các mối quen biết hay có kinh nghiệm mua xe cũ sẽ thì khả năng mua phải “hàng dựng” sẽ khá cao. Bên cạnh việc nhờ sự hỗ trợ của những người sử dụng xe lâu năm, những người có kinh nghiệm mua xe cũ thì việc trang bị những kiến thức mua xe sẽ giúp các bác tìm được một mẫu xe cũ phù hợp.
Nội dung chính
Kinh nghiệm mua xe ô tô cũ cần biết
1. Xác định khả năng tài chính
Bạn cần tính toán và xác định xem mình có thể bỏ ra bao nhiêu để mua một chiếc xe bao gồm cả đăng ký, bảo hiểm và đặc biệt là chi phí duy tu bảo dưỡng định kỳ, một khoản kha khá nếu đó là chiếc xe cũ. Điều này giúp bạn tránh khỏi việc “vung tay quá trán” để rồi mua xe về sau đó phải bán tháo vì không đủ khả năng “nuôi” xe.
2. Tìm hiểu thông tin về xe
Việc tìm hiểu thông tin về thị trường xe cũ trước khi mua rất quan trọng. Việc này giúp bạn hiểu thêm về mẫu xe bạn mua, giá cả và không bị hớ khi mua xe.
Tuy nhiên cũng nên cẩn thận với những chiếc xe có giá quá thấp so với mặt bằng chung của thị trường. Có thể tình trạng của chiếc xe đó không còn tốt nữa, nên hãy kiểm tra thật cẩn thận trước khi quyết định. Nếu may mắn bạn sẽ có một chiếc xe tốt và dành giụm được một khoản kha khá.
Có thể tìm đến các trung tâm xe đã qua sử dụng chính hãng để yên tâm hơn về mẫu xe lựa chọn cùng chính sách bảo hành. Tuy nhiên giá bán tại đây chênh lệch cao
3. Chọn xe theo nhu cầu
Tìm hiểu về chiếc xe dựa theo các tiêu chí như kiểu xe, hãng sản xuất, mẫu xe, năm sản xuất và giá cả để có được chiếc xe phù hợp với nhu cầu của bạn. Khi đã ưng ý chiếc xe nào đó, hãy tìm đọc những bài đánh giá của các chuyên gia về chiếc xe đó, bạn sẽ tìm thấy đầy đủ những đánh giá về ngoại thất, nội thất, khả năng vận hành, lượng tiêu thụ nhiên liệu và các yếu tố khác để giúp bạn có quyết định cuối cùng. Thêm nữa là hãy cập nhật tin tức về những chiếc xe mới bởi có một quy luật bất thành văn là khi có một mẫu xe mới được ra mắt thì mẫu xe tiền nhiệm ắt sẽ giảm giá, hãy chọn thời điểm thích hợp.
4. Liên lạc với người bán xe
Đừng ngần ngại đặt ra những câu hỏi cho người bán như tuổi đời của chiếc xe, lý do bán xe, xe đã từng gặp tai nạn hay chưa, hiện trạng của chiếc xe ra sao, có mắc phải “bệnh” cố hữu nào không?
5. Kiểm tra xe
Trước khi lái thử xe, bạn hãy đi một vòng xung quanh xe để kiểm tra. Chú ý tới những tới những chi tiết, vị trí có màu sơn không đồng nhất, không khớp với tông màu chính của xe, đây có thể là dấu hiệu của việc xe từng bị va chạm, đâm đụng.
Tiếp theo, cúi xuống gầm xe để kiểm tra tình trạng bị chảy dầu, nhớt. Quan sát tình trạng của lốp xe, nếu lốp xe quá cũ, mòn thì giá trị của xe sẽ bị giảm nhiều. Một bộ lốp xe mới có thể sẽ tiêu tốn của bạn cả chục triệu đồng.
Bước tiếp, bạn hãy khởi động xe, bật đèn pha, đèn khẩn cấp rồi ra ngoài tiếp tục quan sát. Hãy chú ý đến các tiếng động lạ, mùi lạ và các dấu hiệu bất thường. Việc thay thế một bóng đèn xi-nhan không sáng chỉ tốn vài trăm nghìn nhưng đó cũng có thể bắt nguồn do phần điện xe bị hỏng.
Nếu ống xả bị ám màu xanh lam hoặc đen, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ lỗi động cơ hoặc hệ thống kiểm soát khí thải có vấn đề.
Kiểm tra các đèn bên trong khoang lái, nếu đèn sáng yếu cũng có thể bắt nguồn từ nguyên nhân lỗi hệ thống điện.
Khi kiểm tra hệ thống giải trí trên xe, hãy thử khả năng kết nối với điện thoại di động, bật nhạc to để xác định tình trạng loa không bị rè, méo tiếng.
Một việc rất quan trọng là kiểm tra hệ thống điều hòa và sưởi trên xe. Kể cả khi đi kiểm tra xe vào mùa đông, bạn cũng phải bật điều hòa ở chế độ làm mát để đảm bảo mọi thứ hoạt động bình thường, chú ý tới những mùi khó chịu phả ra từ khe gió điều hòa. Tiếp theo, hãy kiểm tra sự vận hành trơn tru của các cửa sổ điện.
Đặc biệt, hãy để ý các vết nước đọng, mùi ẩm mốc ở sàn xe, nội thất, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất của việc xe từng bị ngập nước.
6. Lái thử xe (Nếu có thể)
Trước khi khởi động, hãy thử quay vô lăng hết cỡ sang hai bên để kiểm tra vô lăng có tiếng rít, va đập hay tiếng gõ không.
Để kiểm tra phanh tay, hãy kéo phanh tay lên rồi thử nhấn nhẹ ga, nếu chiếc xe không di chuyển thì phanh tay vẫn hoạt động tốt.
Lắng nghe xem có tiếng động lạ phát ra từ động cơ không. Không nên để người bán làm bạn phân tâm bằng cách nói chuyện hoặc mở đài radio.
Thử lái xe trên nhiều kiểu địa hình.
Sử dụng nhiều cấp số và chú ý xem việc vào số có dễ dàng hay không.
Hãy chắc chắn rằng chân côn hoạt động tốt.
7. Ngã giá
Hãy cố gắng hạ giá bằng các lỗi mà bạn phát hiện ở chiếc xe. Hỏi về giá mà người bán muốn, sau đó hạ giá bán theo ý của bạn. Có thể người bán sẽ chấp nhận cái giá bạn đưa ra hoặc đưa ra mức giá khác gần mức bạn muốn.
8. Thanh toán và giấy tờ
– Làm các thủ tục thanh toán và giấy tờ theo thứ tự. Hãy nhớ giữ bản gốc của giấy đăng ký, chuyển nhượng, lịch sử bảo hành…
– Khi thanh toán hoặc đặt cọc, hãy giữ hóa đơn, biên nhận với đầy đủ chữ kí của người bán