Ở trọ một mình ? Ở trọ cùng bạn ? Ở kí túc xá ? Bạn ở đâu khi lên đại học. Tân sinh viên sau khi nhập học phải chuẩn bị rất nhiều cho một môi trường mới tại Đại học. Một trong những điều quan trọng nhất đối với tân sinh viên khi mới “nhà quê ra phố” đó là tìm cho mình một chỗ ở phù hợp. Tuy nhiên, lần đầu tiên đi tìm phòng trọ đối với tân sinh viên chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Dưới đây là một số hình thức ở trọ khi lên đại học nhé.
Nội dung chính
1. Ở trọ một mình
Ưu điểm:
Sự thoải mái, sự tự do hoàn toàn và rất thích hợp cho những ai thích ở một mình. Mình có thể làm gì mình thích, không bị ai cấm cản cũng không phải sợ làm phiền người khác. Ngoài ra, ở một mình giúp trở nên mạnh mẽ hơn, “trưởng thành” hơn, tự giải quyết việc của mình tốt hơn, trình nấu ăn cũng cao hơn )
Nhược điểm:
Ở một mình đồng nghĩa với việc cái gì cũng phải tự làm. Tự nấu ăn, tự chăm sóc bản thân khi ốm, đêm ngủ sợ ma cũng chỉ có thể ngủ 1 mình. Hơn hết là chi phí trọ, điện, nước, mạng…tất tần tật phải tự chi. Chưa kể mấy lúc cô đơn hay tủi thân cũng chỉ có thể khóc 1 mình! Tips dành cho vấn đề này là cố gắng quản lý chi tiêu hợp lí, có thể liên lạc với bạn bè thông qua MXH để bớt cô đơn, nhưng đừng phụ thuộc vào MXH vì nó là con dao hai lưỡi á
2. Ở trọ cùng bạn (thường ở trọ cùng bạn từ 1 – 2 người thôi he)
Ưu điểm:
Có người ở cùng, có người chăm lúc mình ốm, có người chia sẻ việc nhà, không sợ cô đơn lúc đêm tối, đỡ sợ ma vì không phải ngủ một mình. Có người san sẻ phí trọ, điện, nước, mạng… Lâu lâu thì làm bữa nhậu rủ bạn bè tới chơi, không thì cả hai bỏ nhà đi bụi ăn chực chỗ bạn bè nơi khác, nói chung là có bạn, zuiii
Nhược điểm:
Rủi ro của việc “chọn nhầm người ở chung” rất cao. Nếu hợp tính nhau, hợp khẩu vị, hợp sở thích (hoặc ít nhất là không xung khắc) thì mọi việc sẽ rất thuận lợi, những ngày tháng bên nhau sẽ êm đẹp. NHƯNG nếu như chọn nhầm người, thì khi bất đồng quan điểm quá lớn, bất đồng tư tưởng và tính cách, cả hai không biết lắng nghe và nhường nhịn nhau thì sẽ dễ xảy ra xung đột và khả năng chuyển trọ chia 2 rất cao. Tips đó là hãy tìm hiểu người bạn của mình trước khi quyết định sống cùng, và khi ở chung thì HẠ cái tôi xuống, lắng nghe và nhường nhịn lẫn nhau. Nếu muốn ở với bạn thân thì nên ở chung với nhau trước để xem cách sống có phù hợp không, vì mình thấy đa số chơi thân thì được, sống chung sẽ dễ mất bạn lắm.
3. Ở kí túc xá
Ưu điểm:
Nhiều người, không sợ cô đơn, không sợ ma, ktx thường có an ninh cao hơn trọ bên ngoài, chi phí ở, điện, nước chia đầu người nên chi phí bỏ ra không cao. Dễ tụ tập, ăn chơi, nhậu nhẹt, có người chăm sóc khi ốm và có người an ủi khi đau thương. KTX thường gần trường nên có thể tiết kiệm chi phí đi lại.
Nhược điểm:
Một số ktx không cho nấu ăn trong phòng nên mình sẽ phải ăn ngoài. Nhiều người nhiều rắc rối. Việc có thể làm hài lòng tất cả mọi người là rất khó, và vấn đề lớn nhất khi ở chung là bất đồng quan điểm, tính cách. Vì vậy hãy cố gắng lắng nghe, HẠ cái tôi xuống, xử lý vấn đề tập thể linh hoạt và hơn hết là, đừng thể hiện bản thân quá mạnh mẽ hay bộc lộ quá thật con người mình. Vì ktx thường đông (ít nhất cũng 4 người 1 phòng) nên việc làm phiền người khác và bị người khác làm phiền là không thể tránh khỏi, việc hình thành thói quen cũng bị ảnh hưởng nhiều bởi thói quen của người khác (như cả phòng đều thức khuya thì bạn khó mà ngủ sớm được). Tips dành cho vấn đề này là hãy khiến bản thân là người làm thay đổi cả phòng (theo hướng tích cực), thay vì để cả phòng thay đổi bạn (theo hướng tiêu cực), có thể bắt đầu từ 1 người trong phòng và dần dần thay đổi cả phòng. Đừng nghĩ là mình không làm được, hãy bắt đầu từ một người mình thân, rồi có thể cùng nhau đọc sách, cùng nhau đi ngủ sớm, rồi dần dần “lôi kéo” những người khác như thế. Đương nhiên mình không thể bắt ép ai theo mình cả, nhưng nếu xuất phát từ tấm lòng muốn mình và người khác trở nên tốt hơn thì người ta sẽ hiểu ý mình thôi, ít nhất, người ta cũng sẽ hạn chế sự làm phiền của họ tới mình. Nếu như cả phòng có thói quen tích cực thì bản thân nên thay đổi để trở nên tốt hơn. Khi bất đồng quan điểm, hãy thẳng thắn và lắng nghe, có thể sai, có thể đúng, nhưng khi đang bực thì tốt nhất nên nhịn, vì còn trẻ thì chẳng mấy ai có thể quản được miệng mình lúc đang bực tức, mà như thế thì chả có gì tốt cả!