Review xe Attrage 2021 chạy thực tế đường đồi núi

Review xe Attrage 2021 chạy thực tế đường đồi núi . Hôm nay mình vừa đi Mộc Châu về, có chút đánh giá:
– leo núi: Xe đi 4 người lớn, cốp đầy đồ, Attrage vẫn leo núi đổ đèo ngon lành, đoạn nào dốc cao dài mà đi số D vẫn lên được, nhưng hơi yếu, nếu về B thì khoẻ hơn chút.
– Đổ đèo: toàn đi số B, cảm thấy rất an toàn, thậm chí ko cần phanh
– vượt : Nói chung nên hạn chế vượt khi đi đèo, mình thấy vượt yếu, nên thực sự rộng mới vượt
– xăng: mình đổ 500K, cả đi lần về tầm 450km đường đồi núi nhưng vẫn còn 2 vạch xăng( ít hơn đi đường Hà Nội, thường phải 7,5l/100km)
P/S: tiện thể cho mình hỏi chuyển số B khi đang đi tầm 40-50Km/h có hại hộp số ko vậy.

Trả lời

Số B là số thấp (Engine Brake), cho phép hãm bằng động cơ khi đổ đèo, nếu các bác đi dốc Cun – Hòa Bình sẽ liên tục có biển báo dốc dài về số thấp. Vì số thấp nên sẽ khỏe khi lên dốc cao. Chế độ này sinh ra để đi đường đèo, xe sẽ ưu tiên đi số thấp, không chuyển sang số cao khi lên dốc, xuống dốc Không hại gì xe và hộp số, thậm chí bắt buộc dùng nếu leo dốc cao (tránh trôi dốc, quá tải số cao) và đổ đèo (mất phanh do phanh lâu nóng)

Những lưu ý khi điều khiển xe trên đèo

Đèo dốc quanh co là một trong những điều kiện giao thông gây nhiều khó khăn nhất, đặc biệt là với những lái xe chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong bài viết này, danhgiaXe sẽ giới thiệu đến độc giả những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để điều khiển xe một cách an toàn qua những cung đường đèo dốc.

Kiểm tra xe và chuẩn bị trước khi lên đường
Trước khi xét đến kinh nghiệm hay khả năng điều khiển của người lái thì bản thân chiếc xe – hay cụ thể hơn là các hệ thống phanh-treo-lái,… là những yếu tố cơ bản đầu tiên cần được chú ý.

Trước mỗi chuyến đi, đặc biệt là những đoạn đường qua những con đèo dài và hiểm trở như Bảo Lộc (Lâm Đồng), Omega (Nha Trang-Đà Lạt), Ô Quý Hồ (Lai Châu) hay Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang)…, hãy đưa xe đến garage để kiểm tra toàn bộ các chi tiết quan trọng như hệ thống phanh (mực dầu phanh, độ mòn má phanh,…), áp suất và tình trạng lốp, dầu trợ lực lái, … Việc này không những đảm bảo cho xe ở trong tình trạng vận hành tốt nhất, mà hơn hết, còn là hành động mang lại cho bạn sự tự tin trước khi lên xe.

Và với hành trình đã định có những con đèo/dốc dài, lên tới hàng chục km, việc bố trí thời gian và địa điểm dừng chân trước khi lên đèo sẽ giúp bạn và chiếc xe nghỉ ngơi trước những cung đường khó.

Khi lên dốc
Nếu là xe số sàn (MT), cần đi ở số thấp (1, 2, 3) để tối ưu lực kéo từ động cơ giúp xe leo dốc dễ dàng hơn.

Còn với xe số tự động (AT, CVT hay DCT), bạn chỉ cần để cần số ở vị trí D là xong, tùy tốc độ và điều kiện vận hành thực tế mà hộp số sẽ chuyển tới số thích hợp. Các nhà sản xuất đã khuyến cáo người lái xe số tự động là không nên và không cần thiết phải chuyển vị trí cần số nhiều – việc này hãy để hộp số tự động làm, bản thân chữ Tự động đã nói lên tất cả.

Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự mình điều khiển xe, bạn vẫn có thể chuyển cần số sang chế độ số tay và gạt cần vào vị trí (-) để giảm số cho phù hợp với điều kiện và tải trọng thực tế của xe.

Khi xuống dốc, đổ đèo
Quá trình đổ đèo lại là một câu chuyện khác. Lúc này, bên cạnh lực kéo từ động cơ thì trọng lực và lực quán tính cũng góp phần làm xe đi nhanh hơn. Do đó, nhiều lái xe có xu hướng rà phanh liên tục khi đổ dốc để ghìm xe lại. Đây cũng là một trong những sai lầm chết người khi đổ đèo.

Rà phanh liên tục có thể gây quá nhiệt trong hệ thống phanh, làm cháy má phanh, sôi dầu phanh khiến hệ thống phanh mất tác dụng tạm thời cực kỳ nguy hiểm. Vậy nên, khi lái xe xuống dốc nên hạn chế tối đa việc dùng phanh, chỉ phanh khi thật sự cần thiết.

Nếu ít phanh thì xe sẽ lao nhanh xuống dốc theo quán tính, vì thế bạn cũng phải biết sử dụng hộp số đúng kỹ thuật, tận dụng chính sức cản từ động cơ để phanh xe một cách an toàn.

Sử dụng hộp số đúng cách khi đi đèo
Về vấn đề sử dụng hộp số đúng cách, rất nhiều tài mới được khuyên là “lên dốc bằng số nào, xuống dốc bằng số đó”. Đây là một lời khuyên hữu ích cho những lái xe chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên cũng không nên hiểu một cách quá máy móc và rập khuôn do rất ít con dốc có độ dốc khi lên và xuống giống nhau.

Vì vậy, để sử dụng hộp số và phanh động cơ hợp lý khi đổ đèo, nên tùy vào độ dốc thực tế, tình trạng địa hình và mặt đường cũng như lượng xe cộ tham gia giao thông mà quyết định sẽ để cần số ở vị nào. Tốc độ an toàn của xe khi xuống dốc là tốc độ mà người lái vẫn làm chủ được khi xuống dốc mà ít phải dùng phanh – xuống dốc bằng ga là chủ yếu. Xuống dốc bằng ga là khi xuống dốc ta vẫn chủ yếu đi bằng ga chứ không phải để xe chạy theo quán tính.

Đối với xe số sàn (MT), người lái cần nhả ga, đệm phanh, đạp côn về số thấp (1, 2, 3) là đã có thể tận dụng phanh động cơ để hãm xe lại một cách hiệu quả. Còn đối với các dòng xe số tự động (AT), ngoài các vị trí truyền thống còn có thêm các vị trí của cần số được đánh số, số lượng các vị trí số này phụ thuộc vào số lượng số của hộp số. Về cơ bản: những vị trí được đánh dấu bằng số này ( …4,3,2, L) thường dùng để phanh động cơ khi lái xe xuống dốc.

Ngoài ra, tuyệt đối không được đi bằng số N ( số mo, số 0). Nhiều tài xế nghĩ đi bằng số 0 sẽ tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, thả trôi xe xuống dốc bằng số 0 mang đến những tác hại khôn lường vì khi không còn lực kéo từ động cơ, lốp xe sẽ giảm độ bám với mặt đường, cộng thêm tốc độ cao sẽ rất khó xử lý khi đến khúc cua hoặc có sự cố bất ngờ.

Trên đây là những kiến thức và kinh nghiệm tối quan trọng mà mọi người lái đều phải biết trước khi tham gia lưu thông trên những cung đường đèo dốc – điều kiện giao thông vốn tiềm ẩn không ít nguy hiểm cho những tài xế non kinh nghiệm hoặc thiếu sự chuẩn bị. Hy vọng qua bài viết trên, danhgiaXe đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình trên những chặng đường xa.