Van Gogh (sưu tầm)
Quãng đời 37 năm ngắn ngủi của Vincent Willem Van Gogh (1853-1890) có thể được miêu tả trong ba từ : nghèo khó, thất bại và tuyệt vọng. Khi còn sống, họa sĩ tài hoa không bán được một bức tranh nào. Chỉ vài ngày sau khi tác phẩm đầu tiên có người mua, Vincent Van Gogh qua đời.
Ngay từ nhỏ, Vincent là một đứa trẻ thất thường, có khiếu ngoại ngữ (nói được ba thứ tiếng Hà Lan, Anh, Pháp) và vô cùng mê hội họa. Đây là cách duy nhất giúp họa sĩ kìm hãm những xáo động trong lòng. Xuất thân trong một gia đình mục sư, Vincent Van Gogh ra đời cùng ngày và mang cùng tên người anh trai chết yểu ngay khi trào đời một năm trước.
Năm 16 tuổi, Vincent Van Gogh học nghề bán tranh cho chi nhánh Galerie nghệ thuật Goupil tại La Haye nhờ giới thiệu của một người chú, đồng thời là nhà đồng sáng lập chi nhánh của Galerie này tại Paris. Năm 1873, ông được cử sang làm việc tại Luân Đôn. Tại đây, chàng thanh niên thương thầm nhớ trộm cô con gái bà chủ nhà trọ, Ursula Loyer, song không được đáp lại.
Thất tình, Vincent chìm trong u uất, tỏ ra bí ẩn và chỉ thổ lộ trong những bức thư gửi về cho người em trai kém họa sĩ bốn tuổi, Theodorus (1857-1891). Théo, tên gọi thân mật của Theodorus, còn là người bạn tâm giao, người thường xuyên hỗ trợ họa sĩ cả về tinh thần lẫn vật chất trong suốt quãng đời ngắn ngủi.
Van Gogh chạy trốn thực tế phũ phàng trong một thời gian ngắn tại Paris trước khi quay lại Luân Đôn và dạy học ở khu phố lao động Isleworth. Thất bại đầu tiên đã khiến Van Gogh không còn tập trung vào công việc và ngày càng đi theo đức tin. Bị các ông chủ khiển trách, Vincent xin nghỉ việc vào tháng 04/1876 sau 7 năm làm nghề bán tranh. Van Gogh truyền đạo cho những người thợ mỏ ở Borinage (Bỉ). Thế nhưng, mong muốn này của Van Gogh lại bị giáo hội phản đối nên buộc phải ngừng việc truyền đạo chỉ một năm sau (1879).
Thêm một thất bại, Van Gogh lang thang cô độc, mất phương hướng cho đến khi hội họa thôi thúc nghệ sĩ từ bỏ việc truyền đức tin. Từ tháng 11/1879 đến tháng 02/1886 là quãng thời gian để Vincent Van Gogh tập trung vào con đường nghệ thuật mà nghệ sĩ đam mê từ nhỏ, từ tự học đến học chung với những người bạn họa sĩ hay học chính quy tại Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật Hoàng Gia ở Anvers. Cũng vì tính cách đặc biệt, Van Gogh bỏ Viện Hàn Lâm sau hai tháng theo học vì chương trình quá gò bó với ông.
Phiêu lưu trong nắng vàng miền nam nước Pháp
Sau khi cha mất, tháng 02/1886, Vincent quyết định rời Bỉ đến Paris nơi người em trai Théo sinh sống. Tại đây, họa sĩ Hà Lan thường xuyên liên lạc với các họa sĩ trường phái Ấn tượng Pháp (Camille Pissaro, Paul Gauguin, Paul Signac). Ngoài ra, Emile Bernard và Henri de Toulouse-Lautrec cũng là những họa sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến tác phẩm của Van Gogh. Cả ba cùng tổ chức một triển lãm chung vào năm 1887, nhưng không ai bán được bức tranh nào. Họ hiểu rằng cơ hội chưa mỉm cười với họ.
Năm 1888, Vincent Van Gogh chuyển xuống thành phố Arles để vẽ những cánh đồng bát ngát chìm trong nắng vàng rực rỡ, đặc trưng của miền nam nước Pháp : Cây cầu Langlois, các bức họa Hoa hướng dương (Tournesols) và Le Jardin du Poète, khu vườn trên quảng trường Lamartine. Sống một mình trong cộng đồng người dân Arles luôn nghi ngờ người đàn ông ngoại quốc kỳ cục này, Van Gogh dần trở nên trầm cảm. Họa sĩ người Hà Lan quyết định mời Gauguin xuống Arles chơi và cùng làm việc. Gauguin đến ngày 23/10/1888. Nhưng chỉ hai tháng sau, tối ngày 23/12, giữa hai người xảy ra một cuộc tranh cãi căng thẳng do bất đồng về tính cách và cách nhìn nhận về nghệ thuật. Giận giữ và bột phát, Van Gogh tự tay cắt tai phải của mình. Hai bức tự họa là bằng chứng cho hành động này.
Được đưa vào bệnh viện, bác sĩ điều trị Félix Rey chuẩn đoán Vincent làm việc quá sức và bị động kinh. Cú sốc, hay lại thêm một thất bại, đã khiến Van Gogh rơi vào tình trạng ảo tưởng. Ông được điều trị nội trú tại Saint-Rémy-de-Provence nhưng vẫn được phép đi vẽ vào ban ngày. Thế nhưng, trước sức ép của người dân địa phương, Vincent bị chuyển sang nhà thương tư nhân Saint-Paul-de-Mausole và bị “giam lỏng” cùng với những bệnh nhân tâm thần thật. Ông hiểu rằng mình sẽ phát điên thật sự nếu còn ở lại miền nam nước Pháp.
Auvers-sur-Oise, nơi chấm dứt chuỗi đau khổ
Ngày 20/05/1890, Van Gogh chuyển đến đến ngôi làng Auvers-sur-Oise ở ngoại ô Paris và được bác sĩ Paul-Ferdinant Gachet chăm sóc, theo lời khuyên của họa sĩ Pissarro với người em trai Théo. Nhà trọ Auberge Ravoux, với giá thuê bèo bọt 3 franc 50 mỗi ngày, là nơi ở cuối cùng của họa sĩ.
Chị Marion André, hướng dẫn viên tại di tích Auberge Ravoux, kể lại những ngày cuối đời của Van Gogh :
« Van Gogh trọ ở phòng trọ số 5, dưới mái nhà của Nhà trọ Ravoux. Vì mê tín nên căn phòng trở thành « phòng của người tự tử » và chưa bao giờ được cho thuê lại. Trong căn phòng chưa đầy 7 m2, không còn gì để xem nhưng mọi người đều có thể cảm nhận được.
Tổng cộng thời gian Van Gogh lưu lại Auvers là 70 ngày. Họa sĩ chọn quán trọ Auvers vì có hàng cà phê nổi tiếng với giá bình dân và hơn nữa, ông chỉ cần một phòng để ngủ qua đêm. Chính vì vậy, căn phòng 7 m2 là đủ cho cách sống của Van Gogh. Vì ông là một người thích làm việc, rất chăm chỉ và vẽ ngoài trời từ 10 đến 12 giờ mỗi ngày. Chính vì vậy, họa sĩ người Hà Lan ở rất ít trong căn phòng nhỏ này.
Căn phòng trọ này là nơi ở thứ 38 của họa sĩ trong vòng 37 năm. Van Gogh đi hết từ nhà trọ này sang nhà trọ khác, từ nước này sang nước khác. Ông nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì vậy, các nước Hà Lan, Anh, Pháp, Bỉ, Van Gogh đều đã đi qua và chưa một nước nào Van Gogh dừng chân lâu cả ».
Thực ra, nhà trọ Ravoux ở Auvers-sur-Oise cũng chỉ là một trạm dừng chân tạm thời để chữa bệnh. Nhưng trong suốt thế kỷ thứ XIX, Auvers-sur-Oise đã nổi tiếng trong giới họa sĩ là một vùng nông thôn đẹp như tranh, thơ mộng, êm đềm và chỉ cách Paris hơn 1 giờ đi xe lửa. Đã có nhiều họa sĩ nổi tiếng sống tại đây như Daubigny cùng với bạn bè như Corot, Daumier. Sau đó là Cézanne, Pissaro là những họa sĩ theo trường phái trừu tượng.
« Đúng là chỉ sống tại Auvers-sur-Oise có 70 ngày, nhưng Van Gogh đã vẽ 80 bức tranh và khoảng 100 bức vẽ. Đây là một khối lượng tác phẩm rất quan trọng và đáng nể phục trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
Cứ đến ngày chủ nhật, Van Gogh tới nhà bác sĩ Gachet ăn cơm. Họa sĩ vẽ khu vườn nhà bác sĩ, vẽ chân dung Maguerite, con gái của bác sĩ. Gia đình chủ nhà trọ Ravoux trở thành những người bạn thân thiết của họa sĩ và ông vẽ hai bức tranh cô con gái chủ nhà trọ.
Van Gogh qua đời trong căn phòng của mình lúc 1 giờ 30 ngày 29/07/1890 khi mới 37 tuổi. Cho đến giờ, người ta vẫn không biết chính xác chuyện gì đã xảy ra. Chỉ biết là Van Gogh về nhà với một vết thương do đạn bắn trúng ngày 27/07. Họa sĩ trình báo với cảnh sát là ông vô tình bắn vào mình. Cuối cùng, ông đã không qua khỏi. Đám tang không được tổ chức theo nghi lễ tôn giáo. Chỉ có lễ truy điệu được tiến hành ngay tại nhà trọ sau đó linh cữu được quàn tại nghĩa trang địa phương ».
Théo để lại cho gia đình Ravoux các bức tranh của Van Gogh vẽ trong thời gian trọ ở đây, trong đó có hai bức chân dung cô con gái, và một số khác cho bác sĩ Gachet, để cảm ơn họ. Vài năm sau, gia đình Ravoux bán lại một số bức tranh của Van Gogh trong « Ngày dọn kho » (vide-grenier) chỉ với giá vài xu cho các họa sĩ Mỹ.
Trước khi rời miền nam Pháp, Van Gogh cũng tặng tranh chân dung vị bác sĩ đã điều trị ông. Sau này, người ta tìm thấy một bức tranh được dùng để bịt chuồng gà nhà bác sĩ, trong tình trạng gần như bị hỏng hoàn toàn, nhưng may mắn là đã được khôi phục. Trong suốt 37 năm, Van Gogh gần như là một họa sĩ vô danh, từng kí tên trên hơn 800 tác phẩm nhưng chỉ bán được một bức tranh duy nhất, “Vườn nho đỏ” (La Vigne Rouge), tại Bruxelles vào năm 1890.
Sáu tháng sau ngày Vincent mất, người em trai Théo, vì bị tổn thương và bệnh nặng, cũng qua đời tại Hà Lan. Năm 1914, Johanna, vợ của Théo, đã mang hài cốt của chồng đến an táng bên cạnh mộ Vincent ở Auvers-sur-Oise.