Nội dung chính
Trường đại học công lập tại Việt Nam và tại Canada khác nhau như thế nào? Có bao giờ bạn nghĩ tại sao phải chi hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng cho giáo dục tại Canada, vậy nó có đáng không? Và nó có khác gì với việc học đại học tại Việt Nam? Từ trải nghiệm học đại học tại Việt Nam và học cao học ở Canada, mình xin chia sẻ một số ý sau đây:
Trước tiên mình xin lưu ý, dù là chi 10 triệu VND / 1 năm tại trường đại học ở Việt Nam hay chi 300 triệu VND/ 1 năm tại trường đại học ở Canada đều không thay đổi bản chất của việc “đi học”, đó chính là việc người học cần phải rất chủ động trong việc học của mình và là người chịu trách nhiệm chính cho việc thành bại của mình. Nếu không chủ động, siêng năng thì học ở đâu cũng như nhau, nhưng nếu là một người chịu học, cá nhân mình nghĩ mô hình giáo dục ở Canada mang lại nhiều cơ hội phát triển cho sinh viên hơn!
1. Sinh viên ở Canada được chú trọng phát triển toàn diện, theo hướng cá nhân.
Là sinh viên ở Canada, mình gặp bất kì khó khăn gì cũng có phòng ban trợ giúp. Mình bắt nhịp chưa kịp, làm bài không xong thì có academic advisor, mình không biết định hướng nghề nghiệp thì có career consultant, mình cần thực hành phỏng vấn cũng có career consultant ngồi nghe và cho nhận xét để cải thiện. Tất cả các dịch vụ này sinh viên đều có thể đặt hẹn gặp trực tiếp (1-on-1). Các bạn gặp vấn đề cá nhân không thể hoàn thành bài tập đúng hạn thầy cô cũng thực sự lắng nghe và xem xét để cho bạn thi lại (và việc này xảy ra thường xuyên đối với học sinh bản địa, chắc cũng có trường hợp giả vờ do lười biếng). Ở Việt Nam truong mình hoàn toàn không có được những dịch vụ này.
2. Hoạt động của sinh viên trong trường.
Cái này thì trường đại học ở Viêt Nam cũng làm rất tốt trong việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá, tổ chức nhiều câu lạc bộ khác nhau cho sinh viên. Cái khác ở Canada là có thêm workshop về kĩ năng mềm hoặc học thuật do nhân viên trường tổ chức. Trong khi trường ở Việt Nam cung cấp các hoạt động một cách rời rạc, trường ở Canada có hẳn một website để các bạn lựa chọn đăng ký các workshop, events (cá nhân mình thấy đa dạng hơn hẳn ở Việt Nam).
3. Đằng sau thứ hạng của trường đại học tại Canada.
Lúc trước mình cũng thắc mắc tại sao trường đại học ở Việt Nam ranking rất thấp hoặc không có ranking so với các trường đại học trên thế giời, chủ yếu bởi vì đa phần trường ở Việt Nam không đánh mạnh việc nghiên cứu khoa học. Một số trường ở Việt Nam nay cũng muốn bắt nhịp nên thưởng nóng cho nghiên cứu khoa học trên báo quốc tế mỗi bài từ 50 – 100 triệu VND, trong khi đăng bài là việc làm thường xuyên và bắt buộc của thầy cô ở Canada.
Ngày xưa mình có làm luận văn tốt nghiệp ở Ngoại Thương nhưng sau khi qua Canada làm luận văn thấy thực sự lúc trước mình chưa biết cái chi về học thuật cả (bây giờ biết được hơn chút ít thôi). Quan trọng hơn cả là đa phần sinh viên Việt Nam không đc trao quyền truy cập vào kho dữ liệu bài báo khoa học quốc tế. Mỗi năm trường ở Canada chi hàng triệu đô để mua quyền truy cập cho sinh viên, nên mình luôn tranh thủ tải các bài bài hay về đọc.
4. Cơ hội làm việc trong trường ở Canada rất nhiều.
Trường rất hay tạo điều kiện cho sinh viên làm việc bằng cách thuê chính sinh viên trong trường cho các vị trí part time, entry level, dự án nghiên cứu khoa học. Khi mình học ở Việt Nam thì làm gì có cơ hội này. Làm Teaching assistant, research assistant hay administrative staff part time cũng cá kiếm 10,000-20,000 CAD một năm.
5. Cơ hội nhận giải thưởng nhiều vô số kể.
Một đứa như mình ở Ngoại Thương méo có thành thích gì qua Canada được 5 giải thưởng các bạn ạ, một trong số đó là do có một mình mình nộp nên được, haha. Ôi thôi các bạn sinh viên Việt Nam giỏi qua đây thì có mà lấy hết giải thưởng vì đơn giản là tụi bản địa có khi còn không thèm nộp giải thưởng làm gì. Kiếm vài nghìn được cũng đỡ hen.
Bài đến đây cũng khá là dài rồi nên mình xin đóng chủ đề tại đây. Hi vọng lần sau có thêm ý tưởng viết thêm bài viết so sánh giáo dục khác. Các bạn đừng quên để lại bình luận nếu có nhé.
Nguồn: Tô Mai