Người Nhật nổi tiếng nghiêm khắc trong công việc, nhưng chính sự nghiêm khắc đó đã mang đến cho họ những thành công. Vậy chúng ta học được gì từ sự nghiêm khắc của họ, hãy tham khảo những bài học dưới đây để biết văn hoá công sở của người Nhật khác chúng ta như thế nào? Và những bài học đó sẽ giúp ích được gì cho chúng ta trong cuộc sống và công việc nhé.
Nội dung chính
1. Không nói từ “không” dù không thích
Nếu như trong văn hóa phương tây thì việc chúng ta thường từ chối thẳng thừng những điều bản thân không thích là điều thường được khuyến khích thì ở phương Đông, điều đó sẽ dễ làm phật lòng đối tác. Người Nhật không làm vậy, cho dù không thích họ sẽ tìm cách nói giảm, nói tránh, không đi thẳng vào vấn đề. Nếu không thể nói nhẹ nhàng, bóng gió họ sẽ nói rõ ràng hơn nhưng rất thận trọng để không làm đối tác phật ý.
Điều đó thể hiện sự tôn trọng người khác và chứng tỏ rằng họ đã lắng nghe người khác rất cẩn thận trước khi quyết định nói ra.
2. Luôn luôn đúng giờ
Trong các cuộc hẹn, họp hay kể cả gặp gỡ thân mật, người Nhật thường đến sớm vài phút vì không muốn để người khác phải chờ mình. Việc đến sớm hay đến đúng giờ thể hiện sự tôn trọng đối với đối tác hay bạn bè. Nếu bạn nghĩ đơn giản rằng đến muộn một chút cũng không sao, điều đó thậm chí còn làm tăng giá trị bản thân thì thật sự sai lầm. Hãy đặt bản thân vào người đối diện: Bạn có thật sự thoải mái khi phải chờ người khác hay không?
Hãy tập thói quen đúng giờ trong các cuộc hẹn, vì việc này sẽ giúp bạn hình thành thói quen kỷ luật trong công việc và cuộc sống.
3. Luôn giữ “ấm” cho mọi mối quan hệ
Chúng ta thường chỉ liên lạc với nhau khi có việc cần nhờ giúp đỡ, còn những lúc bình thường thì không hề quan tâm. Người Nhật không như vậy, họ coi trọng những mối quan hệ vì vậy họ luôn biết cách giữ “ấm” cho các mối quan hệ này bằng cách thường xuyên gọi điện thoại, gửi thư, fax, email, hẹn gặp trực tiếp nếu có thời gian… Việc làm này được xem là dấu hiệu của sự tôn trọng. Vì vậy, hãy học cách của người Nhật, đừng bỏ quên các mối quan hệ quá lâu, sẽ có một ngày chúng ta cần tới sự giúp đỡ của họ.
4. Tôn trọng danh thiếp
Khi một ai đó đưa danh thiếp của họ cho bạn cũng giống như họ đang giới thiệu bản thân họ với bạn vì vậy đừng hờ hững đưa một tay ra nhận và mắt nhìn đi chỗ khác, hãy nhận danh thiếp bằng hai tay và mỉm cười với họ điều đó thể hiện rằng bạn tôn trọng.
Đối với người Nhật, khi nhận danh thiếp từ một người khác họ sẽ nhận bằng cả hai tay và cuối người thấp xuống tỏ vẻ sự tôn trọng và đọc danh thiếp một cách cẩn thận. Tiếp đến họ sẽ bỏ danh thiếp vào một cái hộp hoặc đặt trước mặt và luôn giữ cho danh thiếp được sạch sẽ.
5. Tôn kính và coi trọng thứ bậc
Truyền thống của người Nhật là cúi đầu trước người khác, nhất là đối với người lớn tuổi và có địa vị cao họ thường cúi thấp hơn để thể hiện sự tôn kính. Họ có thói quen học hỏi từ người đi trước, do vậy khi nêu ra một vấn đề gì đó với cấp trên hoặc những người lớn tuổi thường là mang tính chất xin được tư vấn chứ không phải để chất vấn hay đánh đố.
Việc cúi đầu chào cũng không phải do mình nhỏ bé, thấp kém mà đó là thái độ khiêm nhường. Hãy luôn tôn trọng tất cả mọi người xung quanh bạn, nhất là những người lớn tuổi, bởi họ là những người có thâm niên lâu năm. Khi gặp một vấn đề khó khăn bạn hãy xin ý kiến của họ, sẽ có những lời khuyên hay và thiết thực dành cho bạn.
6. Ý thức được sự quan trọng của hoạt động tập thể
Rất nhiều người cảm thấy không thoải mái khi mỗi buổi sáng, trước khi bắt đầu công việc lại phải xếp hàng hô khẩu hiệu, họ nghĩ đó là một việc làm vô nghĩa và mất thời gian. Đó là do họ không hiểu hết được ý nghĩa của việc hô khẩu hiệu vào đầu giờ mỗi ngày làm việc. Đối với người Nhật đó lại là động lực để họ bắt đầu một ngày làm việc mới tràn đầy năng lượng và nhiều cảm hứng. Đó cũng là một hình thức làm tươi mới các mục tiêu của công ty trong tâm trí từng nhân viên.
Chúng ta hãy học cách làm này của người Nhật, nếu công ty bạn không có truyền thống hô khẩu hiệu thì bạn hãy tự hô khẩu hiệu cho mình. Hãy kiểm tra lại công việc vào mỗi buổi sáng và công việc phải làm của ngày mới. Định hình lại những mục tiêu quan trọng và dài hạn của bản thân và nhận thức rõ sự quan trọng khi làm việc theo nhóm.
7. Không thể hiện tình cảm ra ngoài
Nơi làm việc không phải là nơi để chúng ta thể hiện tình cảm cá nhân. Ở các công ty Nhật bạn sẽ luôn bắt gặp những khuôn mặt lạnh lùng, đặc biệt là trong các cuộc họp. Chuyện thể hiện cảm xúc như ôm vai, bá cổ không bao giờ xuất hiện ở nơi làm việc của họ. Họ nói chuyện với âm điệu thấp, chừng mực và một khi muốn chú ý tới người đối diện, người ta thường nhắm mắt chứ không phải vì chán nản như nhiều người nhầm
Hãy luyện cho mình phong cách làm việc giống như họ, thời gian đầu có thể khiến bạn cảm thấy không được thoải mái, nhưng khi đã quen sẽ thấy nó không hề khắt khe như bạn tưởng, trong khi đó chất lượng công việc sẽ được nâng lên trông thấy.
8. Không để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng
Làm việc nghiêm túc là vậy, nhưng người Nhật luôn ý thức được tầm quan trọng của việc nghỉ ngơi, thư giãn. Sau những giờ căng thẳng họ sẵn sàng kéo nhau đến những điểm vui chơi, giải trí và chơi hết mình, không để những bực bội trong công việc xen vào cuộc vui.
Đây là một điểm mà không phải ai cũng làm được. Thường nếu công việc áp lực hoặc gặp chuyện gì khiến bực tức trong công việc chúng ta sẽ không thể vui vẻ được ngược lại đầu óc luôn căng như dây đàn. Điều này quả thật không nên, cho dù công việc có bận rộn tới đâu, mệt mỏi tới đâu cũng hãy dành cho mình những khoảng thời gian riêng, đừng để công việc chiếm lĩnh cuộc sống riêng của bạn
9. Luôn là “chúng tôi” thay vì “tôi”
Người Nhật luôn tôn trọng những quyết định của cả tập thể, họ không bao giờ áp đặt suy nghĩ cá nhân vào trong công việc. Đây là một cách làm việc khoa học và mang đến thành công cho họ.
Đối với chúng ta cũng vậy, hãy luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết nếu muốn doanh nghiệp tiếp tục tồn tại và pháp triển. Bởi khi quá chú tâm đến lợi ích cá nhân chắc chắn bạn sẽ phải luôn nghĩ cách làm thế nào để khẳng định mình, khi đó vô tình quên đi lợi ích chung của doanh nghiệp, hãy biết cách tạo nên sự hài hòa giữa hai mối quan hệ này.
Nguồn Internet * Ad: Tonynguyen