Câu chuyện chiếc bát vỡ: những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn

Câu chuyện chiếc bát vỡ:những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn. Ở Nhật Bản, khi một cái bát bị nứt vỡ, họ dùng vàng gắn lại những mảnh vỡ để tạo thành một tác phẩm nghệ thuật mới.

Câu chuyện chiếc bát vỡ


Người Nhật tin rằng, khi một thứ gì đó từng bị tổn thương và mang trong mình một lịch sử, nó sẽ đẹp hơn. Vì thế, thay vì vứt một cái bát vỡ đi, họ sẽ gắn lại những mảnh vỡ bằng vàng. Thay vì tìm cách che dấu đi những vết nứt vỡ, họ dùng vàng để làm chúng nổi bật lên như một cách để ca tụng và biến chúng thành điểm nhấn của cả chiếc bát.

🌼Con người cũng vậy. Tất cả những khó khăn, thương tổn bạn đã hoặc đang phải trải qua không làm cho bạn xấu xí hơn. Bạn có quyền lựa chọn để sơn lên những thương tổn ấy của mình một lớp vàng. Bạn hoàn toàn có thể vực mình dậy và rút ra bài học từ những vấp váp ấy để trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

🌼Bạn hoàn toàn có thể tự hào về những vết sẹo từ những tổn thương của mình và nói rằng: “Hãy nhìn những gì tôi đã trải qua. Nhờ chúng mà tôi trở thành tôi của ngày hôm nay. Giờ không có gì là tôi không thể vượt qua.”


Không ai có một cuộc đời hoàn hảo. Nhưng ai cũng có thể lựa chọn để sơn vàng lên những mảnh vỡ của cuộc đời mình.

 

🌼Đừng hổ thẹn vì những gì đã xảy ra với bạn. Bạn càng phủ nhận và than vãn vì những gì đã xảy ra, chúng càng không giúp ích gì cho bạn.
Ngược lại, khi bạn chấp nhận và rút ra bài học từ những đổ vỡ và gắn lại chúng bằng vàng, bạn đã biến những thứ tưởng như xấu xí, vô dụng thành một một câu chuyện đẹp đẽ và đầy cảm hứng.


🌼Có một câu nói rằng: “Mỗi cấp độ tiếp theo của cuộc đời đòi hỏi một phiên bản mới của bạn.” Và đôi khi, những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn. (ST Đắc Nhân Tâm)

CÂU CHUYỆN CHIẾC BÁT VỠ (II)

 

Ở thành phố kia có một bác thợ rèn, bác có một người con trai duy nhất. Bác rất quý anh vì từ bé tới lớn anh đều là một con người xuất chúng. Anh vừa đẹp trai vừa giỏi giang, làm bố rất tự hào.

Một ngày nọ, không may cậu bị tai nạn xe hơi, tuy giữ được tính mạng nhưng lại bị mất cả hai chân. Tuyệt vọng, hàng ngày anh ngồi ủ rũ trong phòng, im lặng nhìn ra cửa sổ.

Một lần, vì quá đau khổ, anh tìm cách tự tử bằng cách uống thuốc ngủ, nhưng may thay cha anh kịp thời phát hiện đưa anh tới bệnh viện, cứu anh qua cơn nguy kịch.

Một ngày sau người con trai tỉnh, bác thợ rèn mang đồ ăn tới cho con. Anh con trai tức giận hất đổ khay đồ ăn, rồi chỉ chiếc bát vỡ dưới nền, nói:

– Cha à, cha cứu con làm gì, cuộc đời con giờ như chiếc bát vỡ kia rồi, mãi mãi không lấy lại được nữa!

Người cha già tội nghiệp lặng lẽ xoa đầu người con trai, vỗ về rồi giúp anh nằm nghỉ. Xong ông dọn dẹp những thứ dưới đất, đôi mắt ông đỏ hoe.

Một tuần sau anh được đưa trở nhà. Anh thấy trên bàn mình có một chiếc bát sắt. Anh lấy làm lạ lẫm.

– Con có biết nguồn gốc chiếc bát sắt này không, con trai?

– Ưm…ý cha là? – Anh ấp úng nói.

– Chính là chiếc bát sành hôm trước đó con, cha cho nó vào lò nung, cho thêm sắt nữa, rồi đúc, thế là nó trở thành chiếc bát sắt này.

Ông tiếp:

– Con à, cuộc đời chúng ta có lúc sẽ như chiếc bát vỡ. Nhưng chỉ cần ta cho thêm khát vọng sống rồi nung trong ý chí, xong đúc trong tình yêu thì mọi chuyện sẽ lại ổn con à. Thì dù có đập, có ném thế nào ta cũng sẽ không bao giờ vỡ nữa đâu con.

– Vâng, thưa cha, con đã hiểu.

Nói rồi anh vươn người ôm lấy cha mình. Cả hai cha con cùng khóc vì xúc động.

Cuộc sống luôn là những chặng đường thử thách. Sứ mệnh của cuộc sống là tạo ra những thách thức trong hành trình của ta đi. Sứ mệnh của ta là phải vượt qua để thấu hiểu ta, để khám phá ta có những bản năng nào, những điều gì cần trân trọng!

anh chị hiểu thế nào là những mảnh vỡ là thứ cần thiết để bạn trở thành phiên bản mới tốt đẹp hơn?

Triết lý chữa lành tổn thương từ đồ gốm vỡ của người Nhật

Triết lý Kintsuki giúp con người chữa lành những điều không hoàn hảo và tổn thương tâm lý để trở nên đẹp đẽ, mạnh mẽ hơn. 

Kintsugi, có nghĩa “mộc vàng”, là một loại hình nghệ thuật cổ phục chế đồ gốm vỡ của người Nhật Bản. Những mảnh gốm vỡ được gắn lại bằng hỗn hợp sơn mài trộn bột vàng hoặc bột bạc. Đường rãnh sau khi gắn có thể nhìn được bằng mắt thường.

Kintsugi xuất hiện vào thế kỷ 15 khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa làm vỡ chiếc bát uống trà có nguồn gốc từ Trung Quốc mà ông rất thích, phải đem sang Trung Quốc để hàn lại. Tuy nhiên, chiếc bát mà Tướng quân nhận về chỉ được hàn lại một cách thô kệch. Các nghệ nhân Nhật Bản sau đó đã nghĩ ra kỹ thuật Kintsugi, độc đáo và tinh tế hơn.

 

Theo nhà tâm lý học Tomas Navarro (Tây Ban Nha), bên cạnh giá trị gốc là đồ trang trí trong nhà, Kintsugi còn mang ý nghĩa ẩn dụ trong cuộc sống. 

Những món đồ vỡ sau khi được ghép lại không những bền hơn mà còn đẹp hơn ban đầu và trở thành một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, là biểu tượng của sự mong manh, sức mạnh và cái đẹp. Những đường rãnh không phải là thứ cần phải giấu đi, giá trị nghệ thuật của món đồ không hề giảm khi mang trên mình những vết vá đó.

Kintsuki thể hiện triết lý sống hướng con người trân trọng những sai lầm và những điều không hoàn hảo trong cuộc sống. Mỗi vết nứt là một câu chuyện khác nhau. Những món đồ gốm càng đẹp và đáng quý hơn chính bởi những mảnh vỡ được gắn lại. 

“Đồ gốm dễ vỡ nhưng cũng rất bền và đẹp, giống như con người”, Navarro nói. “Đồ gốm và cuộc sống có thể vỡ ra thành nghìn mảnh, nhưng không vì lý do đó mà chúng ta không tiếp tục sống hết mình mỗi ngày.”

Là một nhà cố vấn trong suốt 20 năm, Navarro chứng kiến quá nhiều người cảm thấy “vỡ vụn” sau mỗi lần tổn thương, sốc tâm lý. Ông quan niệm Kintsuki giúp con người chữa lành những tổn thương tâm lý, làm lại cuộc đời và ngày càng mạnh mẽ. Đây cũng là nguồn cảm hứng khiến ông viết cuốn Kintsugi, Embrace Your Imperfections and Find Happiness – The Japanese Way, với thông điệp mọi người hãy áp dụng triết lý của nghệ thuật Kintsugi trong cuộc sống hàng ngày.

Theo Navarro, để thực hành triết lý Kintsugi, trước tiên không được sợ mạo hiểm và tổn thương. “Đừng cố sống một cuộc sống yên bình chẳng có thử thách, bạn sẽ chỉ ép bản thân sống để tồn tại, thay vì được sống hết mình”, nhà tâm lý khuyên. 

Cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, thậm chí dù đã rất cẩn thận thì chiếc cốc bạn thích nhất vẫn có thể sẽ bị vỡ. Tương tự như vậy, con người ai cũng bị bệnh, phải đối mặt với biến cố hay mất đi người thân. Nghịch cảnh luôn tồn tại trong cuộc sống.

Ông Navarro khẳng định “sức mạnh tâm lý có thể học được”. Nếu luôn sẵn sàng đối mặt với biến cố, khi khó khăn xảy ra, con người có thể áp dụng triết lý Kintsugi bằng cách trân trọng những thử thách đó như một phần của cuộc sống, để trở nên mạnh mẽ và tốt đẹp hơn.

Một thân chủ của Navarro đã áp dụng triết lý Kintsugi sau khi điều trị ung thư vú. Cô mặc đồ bơi trên biển và tự tin để lộ vết sẹo mổ của mình.

“Mới đầu cô ấy rất ngại vì những vết sẹo. Nhưng tôi đã động viên cô ấy”, Navarro nói. “Những điểm không hoàn hảo trên cơ thể cô ấy nói lên cuộc đời của cô và cho thấy cô ấy mạnh mẽ như thế nào”.

Đối với nhà tâm lý, bản thân nghệ thuật là một liều thuốc tâm hồn của con người. Ông gợi ý mọi người tham gia những hoạt động kích thích não bộ như viết thơ văn, học cắt dán, đánh đàn, xây lâu đài cát. 

Nhà tâm lý nhắn nhủ: “Trong quá trình não bộ sáng tạo không ngừng, con người học được cách phân tích những nỗi đau mình trải qua và biến những nỗi đau ấy thành điều đẹp đẽ”.

Lê Hằng (Theo Telegraph)