Hồ sơ xin học bổng MBA gồm những gì? Cách thực hiện ra sao? Bài viết chi tiết của chị sẽ giúp các bạn đang có ước mơ săn học bổng MBA hiểu bản chất và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hiệu quả hơn.
Hồ sơ xin học bổng rất phức tạp nên mình sẽ chia làm 2 phần nhỏ. Có 2 dạng học bổng chính là dạng Merit-based (HB dựa trên năng lực, như HB học sinh giỏi) và dạng Need-based (HB cho sinh viên nghèo). Thông thường đối với MBA, HB Need-based chỉ dành cho công dân Mỹ mà gia đình có thu nhập thấp.
Nội dung chính
Hồ sơ xin học bổng MBA gồm những gì? Cách thực hiện ra sao?
Sinh viên quốc tế thường chỉ được nhận học bổng Merit-based. Bộ hồ sơ nộp học bổng có nhiều phần, mình sẽ giải thích từng mục một:
(1) GMAT (cực kỳ quan trọng) hoặc GRE quy đổi sang GMAT
(2) Bảng điểm đại học
(3) IELTS/TOEFL
(4) Thư xin học (bài luận)
(5) Thư giới thiệu
(6) CV
(7) Phỏng vấn
Ngoài ra tuỳ trường sẽ yêu cầu thêm, ví dụ yêu cầu chuyển đổi bảng điểm theo chuẩn quốc tế từ tổ chức độc lập thứ ba, thu sẵn video hoặc làm video sáng tạo, chứng minh tài chính, v.v…
1. GMAT
Đây là phần quan trọng nhất, quyết định sống còn đến hồ sơ của bạn.
Thông tin về kỳ thi GMAT các bạn có thể tìm hiểu trên trang web chính thức https://www.mba.com/. Đây là kỳ thi chung toàn thế giới đánh giá tư duy phục vụ cho việc học sau đại học liên quan đến các ngành quản trị. Lệ phí thi GMAT là 250$ từ năm 2009 đến nay không thay đổi. GMAT khó hơn nhiều so với IELTS vì yêu cầu rất nặng nề về tư duy trong khi bạn phải có nền tảng tiếng Anh vững, từ vựng chuyên ngành phong phú.
GMAT có 4 phần, Quant – Toán trắc nghiệm, Verbal – Tiếng Anh trắc nghiệm, AWA – Bài luận, IR – Toán giải quyết vấn đề (lý luận đa nguồn, giải thích đồ họa, phân tích bảng biểu) và thi liên tục trong gần 5 tiếng trên máy tính, được 1 lần nghỉ giữa giờ 15 phút. Phần quan trọng nhất là Q và V, tổng điểm từ 200-800. AWA và IR chấm độc lập với thang điểm 0-8. Các trường quan tâm nhiều nhất đến Q+V, nhưng thường sẽ yêu cầu AWA và IR của bạn phải đạt một mức nhất định.
Khi thi GMAT xong bạn sẽ biết số điểm của mình, đồng thời biết thêm về “percentile”, là mức độ cao thấp của bạn so với điểm thi chung trên toàn thế giới. Ví dụ bạn thi được Q+V = 700 với percentile là 88%, nghĩa là số điểm của bạn nằm ở mức 12% cao nhất toàn thế giới.
Các bạn lưu ý percentile cũng rất quan trọng, có trường quy định Quant và Verb phải đạt tối thiểu percentile là bao nhiêu, tránh trường hợp “học lệch”.
MBA tại các trường top 10 thường có trung bình GMAT đầu vào trên 720.
Điểm GMAT có thời hạn 5 năm, nghĩa là nó sẽ được lưu trên hệ thống của GMAC trong vòng 5 năm kể từ ngày thi, sau ngày này dù bạn có muốn thì hệ thống cũng không còn lưu lại để gửi cho trường nữa. Bạn có thể thi nhiều lần, khi GMAC gửi điểm cho trường thì trường sẽ nhìn thấy điểm tất cả các lần thi của bạn trong vòng 5 năm trở lại. Phần lớn các trường sẽ lấy kết quả cao nhất để đánh giá, cũng có trường xem xét tất cả kết quả thi.
Một điều thú vị là GMAT cũng là môn thi đắt tiền nhất trong bộ 3 chứng chỉ sau đại học: GRE dành cho khối tự nhiên & xã hội ($220), LSAT dành cho khối luật ($180) và GMAT dành cho khối quản lý ($250).
2. IELTS/TOEFL
Đây là phần rất hay bị hiểu nhầm.
Nhiều bạn nhầm rằng điểm IELTS cao sẽ tăng tính cạnh tranh cho hồ sơ của bạn. Thực tế thì IELTS chỉ phản ánh khả năng ngôn ngữ, không đánh giá được về tư duy. Bạn học ngoại ngữ giỏi không đủ để chứng minh tư duy của bạn tốt.
Các trường top đầu thường yêu cầu IELTS 7.5 trở lên, không có kỹ năng nào dưới 6.5 hoặc 7, còn thông thường mức yêu cầu là 7.0 nhưng ưu tiên 7.5 trở lên.
Kỹ năng quan trọng nhất mà các trường hay quan tâm là Speaking (nói). Một số trường ghi chú hẳn điểm nói vào hồ sơ của bạn, ví dụ: Overall (tổng): 7.5 – Speaking (nói): 7.0, hoặc quy định hẳn trong phần yêu cầu đầu vào về điểm nói. Có trường chỉ nhận sinh viên có Speaking 7.0 trở lên làm trợ giảng. Vì vậy bạn nào muốn nộp hồ sơ xin HB Mỹ cần tập trung nhiều vào kỹ năng nói.
Tuy nhiên, chỉ cần bạn qua mức sàn mà trường yêu cầu tức là bạn đủ năng lực để hiểu và tiếp thu nội dung học. Lúc này kể cả bạn có 9.0 IELTS đi nữa thì cũng không có ý nghĩa nhiều lắm.
Một câu hỏi được các bạn đặt ra rất nhiều là nên thi IELTS ở IDP hay BC. Bản thân mình đã từng thi ở cả 2 nơi, mỗi nơi thi 1 lần. Lần đầu thi ở IDP tháng 11/2012, sau đó 5 năm vì bằng hết hạn nên thi lại ở BC tháng 7/2017. Cả 2 lần thi mình đều được số điểm như nhau, thậm chí 4 điểm thành phần cũng giống hệt nhau nên kết luận là thi ở đâu thì mức độ khó dễ cũng vậy.
Tuy nhiên, tại Hà Nội thì BC có thái độ làm việc tốt và chuyên nghiệp hơn hẳn IDP, đây là kết luận của mình sau khi gọi điện cho cả hai trung tâm để tìm hiểu dịch vụ trước thời điểm đăng ký thi tầm tháng 06/2017 và có vẻ nhiều người cũng cùng quan điểm. Vì vậy, dù đã thi ở IDP rồi mình cũng quyết định sang BC thi.
3. GPA
Giáo dục Mỹ sử dụng thang điểm 4.0. Đến nay hầu hết các trường ĐH ở VN đều có thêm thang điểm 4.0 bên cạnh thang điểm 10.0 truyền thống. Trong trường hợp điểm Đại học của bạn chỉ có điểm 10.0, nếu trường bên Mỹ có bộ phận hỗ trợ chuyển đổi điểm thì bạn chỉ cần nộp bảng điểm 10.0 là trường sẽ tự quy đổi, nếu trường không có chức năng này thì bạn sẽ phải yêu cầu bên thứ 3 độc lập quy đổi, danh sách những dịch vụ được trường chấp nhận sẽ được mô tả trên trang web của trường, phổ biến nhất là WES. Phí dịch vụ là 205$ mỗi lần chuyển đổi, chưa tính chi phí gửi bảng điểm gốc sang cho WES thông qua chuyển phát nhanh DHL/FedEx/UPS/TNT (~55$) và phí gửi điểm đã quy đổi về cho trường (~35$/lần).
Trường hợp bảng điểm không có tiếng Anh, bạn phải gửi bảng điểm dịch công chứng cùng với bảng điểm tiếng Việt. Việc một số trường ĐH ở VN có bảng điểm song ngữ đã hỗ trợ sinh viên tiết kiệm rất nhiều công sức và tiền bạc.
Khi nộp hồ sơ xin học bổng MBA, vì đặc điểm của MBA khá độc lập, không liên quan đến những bằng cấp khác, nên trường sẽ yêu cầu bạn nộp bảng điểm của TẤT CẢ cấp bậc học từ Đại học trở lên, nghĩa là kể cả bạn đã có bằng Tiến Sỹ thì bạn cũng phải nộp kết quả học và nghiên cứu bậc Đại học, Thạc Sỹ, Tiến Sỹ (không cần biết bạn có tốt nghiệp hay không) về cho trường, không được che giấu bảng điểm.
Thông thường các trường sẽ yêu cầu GPA tối thiểu 3.0/4.0 mới được xét hồ sơ, một số trường không có mức nào tối thiểu nhưng khi nhìn vào thống kê sinh viên đầu vào bạn sẽ ngầm hiểu là GPA của mình có đủ điều kiện nộp hay không. GPA rất quan trọng, nhưng trong trường hợp điểm GPA của bạn thấp, bạn đã tốt nghiệp và không thể thay đổi được nữa thì cải thiện hồ sơ bằng GMAT là cách hiệu quả nhất, vì xét cho cùng thì cách chấm điểm và đánh giá mỗi trường một khác nhưng GMAT là chuẩn chung toàn cầu.
4. CV (Résumé) xin học bổng MBA như thế nào?
Mỹ hay sử dụng chữ Résumé hơn là CV, 2 cái này thực chất có một số điểm khác biệt nhưng để đơn giản các bạn cứ coi là một, chính là cái CV mà các bạn hay nộp để đi xin việc. Mục đích yêu cầu nộp CV là để bộ phận tuyển sinh có cái nhìn tổng quan tóm tắt về bạn liên quan đến kinh nghiệm làm việc, kỹ năng, hoạt động ngoại khoá, mục tiêu nghề nghiệp, sở thích, v.v… Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa MBA và thạc sỹ hàn lâm, kinh nghiệm làm việc rất quan trọng. Một số trường sẽ giới hạn bạn chỉ được nộp CV 1 trang, nên bạn lưu ý trình bày CV phải thật sự nghiêm túc, chuyên nghiệp, tránh rườm rà. Nếu bạn nào CV đang từ 3 trang trở lên thì nên lập tức xem lại. Trong vòng đọc lướt hồ sơ xin việc, nhà tuyển dụng trung bình chỉ đọc CV của bạn trong 6 giây, hãy tận dụng 6 giây đó để gây ấn tượng tốt nhất và đừng quên cho ảnh vào CV nhé.
MBA đánh giá rất mạnh vào việc truyền tải thông tin và tính chuyên nghiệp nên bạn hãy hạn chế việc vẽ thêm hoa bướm màu mè vào CV. Trừ khi trường mà bạn nộp đánh giá cao tính sáng tạo thì bạn có thể thoải mái trình bày theo ý của mình.
*Vấn đề nhảy việc nhiều, có nên ghi trong CV không?
Nhà tuyển dụng sẽ lo ngại về việc bạn hay nhảy việc, nhưng các trường bên Mỹ thì ngược lại. Các trường chú trọng nhiều hơn đến việc bạn làm cho công ty nào và làm gì. Công ty lớn, các tập đoàn đa quốc gia (Fortune 500) sẽ được đánh giá cao hơn; quá trình làm việc của bạn cần phải thống nhất với nhau và thống nhất với chuyên ngành bạn định học.
Ngay cả những khoá Early Advantage và Career Change MBA là khoá dành cho sinh viên mới tốt nghiệp hoặc người muốn thay đổi nghề nghiệp đang làm sang lĩnh vực khác, việc bạn kiên trì theo đuổi một mảng công việc nhất định và thể hiện sự thăng tiến trong quá trình làm việc sẽ khiến thầy cô nhận thấy sự kiên định và nghiêm túc trong quyết định của bạn. Các trường rất chú trọng vào vấn đề các công ty mà bạn làm việc có phải công ty lớn hay không, vì bản thân quy trình tuyển dụng vào các công ty lớn thường khá ngặt nghèo.
Bạn nhảy việc nhiều và nhảy vào toàn công ty lớn thì chứng tỏ bạn giỏi, cầu tiến và năng động (đây là điểm cộng), nhưng nếu nhảy quá nhiều, một vài tháng nhảy vài công ty thì chứng tỏ bạn không nghiêm túc.
5. Thư giới thiệu săn học bổng MBA
Trước đây mình từng thử nộp học bổng của trường bên Hà Lan và Phần Lan thì mình nhận thấy các trường châu u thường khá thoải mái về thư giới thiệu, nghĩa là không quy định nội dung hay độ dài thư mà chỉ cần viết ra đúng như một bức thư là được. Tuy nhiên, thư giới thiệu cho hồ sơ MBA của Mỹ có những điểm khác như sau:
– Bạn sẽ được yêu cầu gửi thông tin của khoảng 2 người là sếp trực tiếp hoặc thầy cô từng dạy bạn. MBA yêu cầu BẮT BUỘC 1 hoặc cả 2 người phải là sếp trực tiếp, trong khi MSc và MA thường yêu cầu bắt buộc 1 trong 2 người phải là thầy cô.
– Trong khi điền đơn xin nhập học, bước cuối cùng là điền thông tin của người viết thư giới thiệu. Bạn phải điền địa chỉ email của người đó (nên điền mail công ty vì nếu mail cá nhân như gmail hoặc msn thì trường sẽ phải thêm 1 bước xác thực nữa), sau đó hệ thống sẽ tự động gửi email về hòm thư của họ, trong đó sẽ có đường link để họ bấm vào và trả lời rất nhiều câu hỏi cụ thể mà trường đặt ra, có cả trắc nghiệm và tự luận, vì vậy việc một số bạn sinh viên khi nộp hồ sơ hay “viết sẵn” thư giới thiệu để người đó điền vào sẽ chỉ có tác dụng tham khảo vì bạn không thể biết là trường hỏi cái gì.
– Bạn sẽ được lựa chọn xem hoặc không xem thư giới thiệu, mình thì không xem thư nào vì 100% tin tưởng vào các sếp cũ.
Như vậy, nếu bạn nộp 10 trường thì mỗi sếp sẽ phải làm 10 thư giới thiệu không cái nào giống cái nào và ở đây là trả lời câu hỏi trực tiếp của trường, rất nhiều câu hỏi cả tự luận và trắc nghiệm chứ không phải rập khuôn. Vì vậy trước khi xin học hãy trao đổi rõ ràng với các sếp về việc này, và hãy ghi nhớ rằng để viết thư giới thiệu cho bạn, các sếp đã mất khá nhiều thời gian, tư duy và công sức, đừng quên những đóng góp của họ.
6. Bài luận MBA
Đây là phần được nhắc đến nhiều nhất trong các ví dụ về học bổng mà các bạn vẫn thường đọc trên sách báo. Tuy nhiên, bài luận nộp học của MBA rất khác so với dạng bài luận vào đại học, việc viết bài luận về không khí nồm ẩm của Hà Nội, bố mẹ chia tay, chiếc bàn gãy 1 chân, v.v… để thi vào MBA là không có.
– Về nội dung:
Thường các bạn sẽ phải trả lời những câu hỏi dạng: Vì sao học MBA, vì sao chọn trường này, vì sau thời điểm này đi học MBA, bạn có điểm mạnh/điểm yếu gì, bạn sẽ đóng góp gì cho trường, bạn có đặc điểm gì nổi bật, kế hoạch dài/ngắn hạn của bạn là gì, bạn sẽ làm gì cụ thể để đánh giá và thực hiện những kế hoạch đó, v.v…
Mỗi trường sẽ hỏi 1-8 câu, độ dài do trường quy định. MBA đánh mạnh vào sự hiệu quả trong khả năng truyền đạt nên thường giới hạn độ dài của bài luận, qua mỗi năm độ dài này càng bị cắt đi. Bạn hãy trả lời cụ thể, trực diện, ngắn gọn, dễ hiểu, đúng trọng tâm, thể hiện được tư duy và tố chất lãnh đạo, và lưu ý không được viết sai chính tả.
– Về hình thức
Hầu hết (~100%) các trường sẽ yêu cầu viết bài luận và tải lên dưới dạng PDF. Ngoài ra một số trường sẽ yêu cầu bạn nộp bài luận dạng video, nghĩa là bạn nộp video của bạn trả lời một vài câu hỏi cho trước hoặc trong đơn xin học online sẽ có phần thu video trực tiếp, không dừng lại, không cắt ghép. Bạn cần trả lời nghiêm túc, rành mạch rõ ràng, tác phong chuyên nghiệp và ăn mặc gọn gàng.
7. Phỏng vấn MBA như thế nào?
Sau khi bạn nộp hết đầy đủ hồ sơ và thư giới thiệu, nếu qua vòng đầu tiên trường sẽ mời bạn phỏng vấn. Có trường trên trang web ghi rõ là có phỏng vấn nhưng chỉ 3 ngày sau khi nộp hồ sơ là mình được miễn phỏng vấn và nhận học bổng toàn phần luôn. Như vậy trong trường hợp vì một lý do nào đó mà bộ phận tuyển sinh cảm thấy không cần thiết thì bạn không phải phỏng vấn. Tuy nhiên việc này ít khi xảy ra và đây là một bước vô cùng quan trọng trong quá trình xin học.
Vì lý do chênh lệch múi giờ nên thời gian phỏng vấn rơi vào giờ hành chính ở Mỹ, như vậy thời gian phỏng vấn theo giờ Việt Nam là khoảng từ 8h tối đến 5h sáng (quá tiện cho các bạn vừa đi làm vừa xin học), bạn được quyền lựa chọn thời gian phù hợp với mình trong khoảng này. Có những điểm cần lưu ý như sau:
– Địa điểm phỏng vấn:
Phỏng vấn video trực tuyến qua Skype hoặc qua một phần mềm nào đó, vì vậy cần lưu ý địa điểm ngồi phỏng vấn phải yên tĩnh, ánh sáng tốt và chất lượng internet ổn định. Trong trường hợp vì lý do nào đó không thể phỏng vấn video (như đợt mình phỏng vấn với 1 trường trúng đợt bão bên Mỹ nên chất lượng đường truyền bên đó kém) thì trường sẽ gọi điện vào di động.
Skype là công cụ quan trọng khi làm việc với các trường của Mỹ.
– Nội dung phỏng vấn thường:
Bao gồm những nội dung liên quan đến hồ sơ (nhất là CV) của bạn. Sẽ có thêm một số câu hỏi để đảm bảo tính xác thực của những thông tin mà bạn điền trong hồ sơ. Có trường còn hỏi câu hỏi tư duy và trả lời bằng cách gõ trực tiếp vào cửa sổ chat trong một khoảng thời gian cụ thể, đây là mục mà mình ngán nhất vì vừa phải nghĩ câu trả lời cho một câu hỏi khó, vừa phải chạy đua với thời gian, lại vừa có người đang ngồi nhìn trực diện vào mình.
– Trang phục khi phỏng vấn:
Thường hên xui tuỳ thuộc vào bên trường, có trường cực kỳ thoải mái, thầy phỏng vấn mặc áo hoodie hoặc cô mặc áo phông, cũng có trường thầy cô lớn tuổi mặc vest, nên để an toàn thì bạn hãy mặc vest hoặc mặc đồ công sở lịch sự, điều chỉnh ánh sáng xung quanh để lên hình trông sáng sủa một chút.
– Cuối buổi phỏng vấn bạn sẽ được hỏi lại thầy cô, lưu ý hạn chế tối đa hỏi những câu mà trên web trường có thể tìm được câu trả lời.
– Thời gian báo kết quả:
Phỏng vấn xong, thông thường bạn sẽ được biết kết quả trúng tuyển và học bổng, nhanh hay chậm tuỳ trường, hoặc cũng có thể phải phỏng vấn tiếp vòng 2 hoặc trường sẽ yêu cầu bạn bổ sung thêm cái gì đó.
Bạn hãy nhớ dù phong cách của trường có như thế nào thì một bộ vest là thứ không thể thiếu trong chương trình MBA.
8. Các mục khác
Một số trường có thể yêu cầu thêm các mục như chứng minh tài chính, nghĩa là bạn phải nộp sao kê số dư tài khoản ngân hàng để đảm bảo bạn có thể chi trả cho tất cả học phí, chi phí ăn ở và các chi phí khác tối thiểu cho năm học đầu tiên. Như mình đã nói, học phí MBA rất đắt nên nhiều khi số tiền bạn phải chứng minh lên tới $70,000 (~1.6 tỷ VNĐ) là chuyện rất bình thường. Vì vậy bạn hãy kiểm tra xem trường có yêu cầu không, nếu yêu cầu thì nộp sau khi trừ đi học bổng được không. Nếu là mình, chắc chắn mình không thể nộp vào những trường yêu cầu như vậy vì đơn giản là mình không có đủ tiền.
Nguồn: Nguyen Thi Dieu Xuan