Du học sinh Mỹ làm thêm như thế nào?

Du học sinh Mỹ làm thêm như thế nào? Du học sinh Mỹ đi làm thêm là một cách để giải bài toán áp lực tài chính với nhiều khoản chi tiêu gồm học phí và các khoản chi phí ăn, ở, mua sắm, du lịch, giải trí khác. Bên cạnh đó, nó giúp sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tế để gia tăng cơ hội việc làm, cơ hội lưu lại Mỹ lâu hơn. Đó là những lý do chính khiến sinh viên rất muốn kiếm công việc làm thêm. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ trong đầu rằng bạn đang được Mỹ cấp visa du học nên không thể làm bất cứ việc gì bạn muốn. Có nhiều quy định bạn phải tuân thủ. Mọi sự vượt rào, làm việc “chui”, trái luật sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, trong đó tệ nhất là có thể bị trục xuất và không thể quay lại Mỹ. Hãy cùng cafeduhoc tham khảo kinh nghiệm làm thêm cho du học sinh Mỹ qua bài viết dưới đây.

Du học sinh Mỹ làm thêm như thế nào?
Du học sinh Mỹ làm thêm như thế nào?

Muốn đi làm thêm, bạn nên làm gì trước tiên?

Trước khi bắt đầu tiến trình tìm việc, hãy liên lạc với nhân viên hỗ trợ của bạn, người được nhà trường bổ nhiệm theo dõi, hỗ trợ sinh viên quốc tế (Designated School Official – DSO). Ngay khi vào trường, bạn đã được giới thiệu với DSO (trường hợp không có sự bổ nhiệm này cũng sẽ có một trung tâm, phòng ban chịu trách nhiệm tương tự). DSO sẽ giúp bạn nộp đơn xin số an sinh xã hội (bắt buộc đối với tất cả sinh viên làm việc tại Hoa Kỳ) và hướng dẫn thêm đường đi nước bước cho bạn. Trước khi được DSO thông qua và cơ quan hữu quan cấp giấy phép, tốt nhất bạn không nên bắt đầu công việc làm thêm.

Cơ hội việc làm cho Du học sinh Mỹ làm thêm

Bộ An ninh Nội địa vạch ra 4 cách để sinh viên quốc tế làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ với visa F1:

  1. Việc làm trong học xá (On-Campus Employment)
  2. Việc làm ngoài trường học (Off-Campus Employment)
  3. Chương trình đào tạo thực hành ngoại khóa (CPT)
  4. Chương trình đào tạo thực hành tùy chọn (OPT)

 1. Việc làm trong học xá (On-Campus Employment)

Sinh viên có thị thực F1 đều được làm việc trong khu học xá mình đang theo học hoặc tại một địa điểm “liên kết giáo dục” ngoài trường. Địa điểm “liên kết giáo dục” này phải đáp ứng điều kiện của Bộ An ninh Nội địa (DHS) là: có sự hợp tác với chương trình giảng dạy của trường hoặc liên quan đến các dự án nghiên cứu có tài trợ ở cấp sau đại học. Nói cách khác, bạn có thể làm ở bất cứ đâu trong khuôn viên trường học của bạn, chẳng hạn như hiệu sách, thư viện, ký túc xá hoặc quán ăn tự phục vụ. Hoặc bạn có thể làm việc ở một phòng thí nghiệm có liên kết với trường nhưng nằm ngoài khuôn viên học xá của bạn. Giờ làm việc được giới hạn 20 giờ mỗi tuần trong niên khóa, nhưng bạn có thể làm việc toàn thời gian vào các ngày nghỉ hay dịp lễ.

2. Việc làm ngoài học xá (Off-Campus Employment)

Sinh viên hoàn thành một năm học và có khó khăn tài chính hoặc gặp tình huống khẩn cấp mới được cấp phép làm việc ngoài học xá. Theo DHS, khó khăn tài chính là tình huống ngoài tầm kiểm soát của bạn, có thể là: mất nguồn hỗ trợ tài chính, mất việc làm trong học xá (nếu học sinh không có lỗi), học phí hoặc chi phí sinh hoạt tăng mạnh, các hóa đơn y tế lớn, bất ngờ không được bảo hiểm chi trả. Còn các tình huống khẩn cấp được định nghĩa là “các sự kiện thế giới ảnh hưởng đến một nhóm sinh viên cụ thể có thị thực F1 và gây ra những khó khăn kinh tế nghiêm trọng, bao gồm thiên tai, chiến tranh và xung đột quân sự, khủng hoảng tài chính quốc gia hay quốc tế. Để nộp đơn xin việc ngoài khuôn viên trường, bạn phải liên lạc với DSO và được người này chấp nhận lý do và đề nghị việc làm ngoài khuôn viên học xá. DSO sẽ hướng dẫn bạn đăng ký xin giấy phép lao động từ Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ. Nếu được phê duyệt và cấp phép, bạn có thể làm việc 20 giờ mỗi tuần.

3. Chương trình đào tạo thực hành ngoại khóa (CPT)

Đây là một phần của chương trình giảng dạy của trường, được thiết kế giúp sinh viên có kinh nghiệm thực tế liên quan tới lĩnh vực học tập của mình. Các công việc của CPT được hiểu là một hình thức khác của giáo dục hợp tác hay thực tập bắt buộc. Công việc theo CPT sẽ do các nhà tuyển dụng đối tác của trường cung cấp. Kinh nghiệm học được từ các việc làm này phải là phục vụ cho ngành học của sinh viên. Không giống như các loại công việc khác, CPT có thể là toàn thời gian, không giới hạn giờ hàng tuần. Để được làm việc theo CPT, bạn cũng phải hoàn thành một năm học, được sự thông qua của DSO hay văn phòng sinh viên quốc tế và Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ.

4. Chương trình đào tạo thực hành tùy chọn (OPT)

Đây là chương trình cho phép du học sinh có thị thực F1 làm việc ngoài khuôn viên trường để lấy kinh nghiệm thực hành trong lĩnh vực học tập của họ (chẳng hạn nếu bạn đang học báo chí có thể xin làm thêm ở đài truyền hình). Sinh viên đủ điều kiện tham gia chương trình OPT có thể làm việc tối đa 12 tháng và có thể bắt đầu OPT trước hoặc sau khi hoàn thành khóa học. Nếu bắt đầu trước khi tốt nghiệp, bạn phải thỏa mãn điều kiện hoàn thành một năm học full time tại các cao đẳng đại học Hoa Kỳ. Bạn có thể làm việc tối đa 20 giờ một tuần trong niên học. Vào các ngày nghỉ có thể làm việc toàn thời gian. Nếu bắt đầu OPT sau khi hoàn thành khóa học, bạn có thể làm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian ngay trong khuôn viên trường hay bên ngoài. Yêu cầu của OPT là bạn phải thông qua DSO của mình, người đó sẽ xác nhận đơn đăng ký của bạn và giúp bạn gửi đơn đăng ký cho Sở Nhập tịch và Di trú Hoa Kỳ để được cấp phép. Lưu ý rằng nếu bạn tham gia cả OPT trước và sau khi hoàn thành khóa học thì khoảng thời gian tối đa 12 tháng được chia làm hai. Nếu bạn đã tham gia 9 tháng OPT trong thời gian học thì bạn chỉ có thể tham gia 3 tháng vào OPT sau khi hoàn tất khóa học.

STEM OPT mở rộng – Kéo dài đến 24 tháng thực tập cho sinh viên quốc tế tốt nghiệp ngành STEM

Chương trình áp dụng cho người có bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tốt nghiệp du học Mỹ nhóm ngành STEM (gồm khoa Học, công nghệ, kĩ thuật và Toán). Điều này có nghĩa là thời gian mà sinh viên quốc tế tốt nghiệp các ngành STEM có thể ở lại và làm việc tại Mỹ lên tới 3 năm vì sau khi thực tập chương trình OPT standard 12 tháng, các sinh viên này được làm tiếp chương trình OPT mở rộng 24 tháng. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện tốt cho sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này về mặt thời gian để theo đuổi các dự án vì theo số liệu thống kê của National Science Foundation, các dự án nghiên cứu của STEM thường cần khoảng 2 năm để hoàn tất.

Du học sinh Mỹ đi làm thêm “chui”: Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Việc làm thêm quá nhiều, không theo quy định của chính phủ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và du học sinh tốt nhất không nên làm “chui”. Bởi quá chú trọng làm thêm dễ khiến sinh viên đuối sức khi bắt đầu những môn chuyên ngành năm sau. ngoài ra, dành quá nhiều thời gian, công sức làm thêm đôi khi khiến sinh viên không còn thời gian, sức lực lên lớp, nghỉ học quá nhiều và có thể dẫn đến bị cảnh cáo, học lại môn, thậm chí bị đuổi học. Chưa kể sinh viên có thể gặp sự cố ngoài mong muốn mà không dám tố cáo hay nhờ nhà chức trách can thiệp vì sợ lộ chuyện đi làm trái luật, việc âm thầm chịu đựng ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần và chất lượng học tập. Ngoài những điều trên, sinh viên làm “chui” còn có thể đối mặt nguy cơ bị trục xuất và không thể quay lại Mỹ.

Sinh viên cũng cần lưu ý, thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, lợi thế từ kiến thức và kinh nghiệm, kỹ năng làm việc chuyên ngành sẽ được đánh giá cao. Cho nên, vấn đề tìm công việc làm thêm liên quan chuyên môn cũng rất cần thiết. Đồng thời, dành thời gian cho việc học và tìm hiểu chuyên sâu phải là ưu tiên hàng đầu. Du học sinh chỉ nên làm thêm khi đảm bảo việc học và tốt nhất đừng nên vượt ra ngoài khuôn khổ quy định của chính phủ Mỹ.

Link bài viết liên quan

Young Leaders Fellowship Program 2023 – đi Mỹ miễn phí cho các bạn sinh viên 18 – 26 tuổi