HỌC BỔNG TOÀN PHẦN “ASEAN” VÀ “A*STAR” CỦA SINGAPORE mới nhất 2018
Nội dung chính
Thông tin :
Thông tin chung về học bổng
– Học bổng A*STAR do tổ chức Nghiên cứu Khoa học, Công nghệ Singapore tài trợ dành cho HS bậc trung học. Còn học bổng ASEAN là học bổng nằm trong khuôn khổ hợp tác của Bộ giáo dục Singapore với các nước Asean.
Đối tượng học sinh:
– Học sinh trong độ tuồi từ 13 – 16 tuổi, học lớp 9, 10 tại Việt Nam.
– Có kết quả học tập, khả năng tiếng Anh tốt
Giá trị học bổng
– Cả hai loại học bổng A*STAR và ASEAN đều có giá trị tài chính tương đương nhau là 100% học phí trong 4 năm học, không kèm theo ràng buộc nào.
– Trợ cấp S$ 2200 / năm ( cho 2 năm đầu ) và S$ 2400 / năm ( cho 2 năm cuối ) với phòng ở tại ký túc xá.
– Trợ cấp 200- 400 đô Sing để ổn định khi mới sang Sing.
– Vé máy bay hạng kinh tế khi sang Singapore học và trở lại Việt Nam, sau khi hoàn thành chương trình học.
– Trợ cấp y tế và bảo hiểm tai nạn.
Điều kiện nhận học bổng
– Học sinh sẽ tham dự kì thi viết và phỏng vấn trực tiếp. Thi viết là các bài thi trắc nghiệm chỉ số IQ, thi Toán và thi Anh ngữ. Những em đạt tiêu chuẩn sẽ đươc mời để phỏng vấn.
Cấu trúc đề thi
– Đề thi của cả A*STAR và ASEAN do Bộ Giáo dục Singapore thiết kế nên có “format” giống nhau, bao gồm phần thi viết (test IQ, thi tiếng Anh, toán bằng tiếng Anh) và phần phỏng vấn.
Hướng đi sau tốt nghiệp
– Tốt nghiệp trung học, nếu kết quả trung bình, các em sẽ được nhận vào ĐH Singapore (xét tuyển) với ít nhất 80% học phí vay từ chính phủ. Nếu như kết quả khá giỏi, HS có thể sẽ được nhận học bổng ASEAN ở ba trường ĐH công lập Singapore: NUS, NTU và Học viện Nangyang.
– Ngoài ra, học sinh có thể thi lấy chứng chỉ A level hoặc IB để vào các trường Đại học của Singapore hoặc ở Mỹ, Anh…Có thể nói, bốn năm học bổng trung học ở đảo quốc Sư tử như là “bàn đạp” giúp du HS Việt Nam sẽ có cơ hội xin học bổng ở các trường ĐH công lập của Singapore hay các ĐH danh tiếng ở các nước phương Tây.
Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần ASEAN và A*STAR
a. Nghiên cứu (Research)
Có hai điều cần nghiên cứu: Nghiên cứu về môi trường mình sẽ học, và quan trọng nhất, nghiên cứu về bản thân mình.
Nghiên cứu về môi trường sẽ học, trái với suy nghĩ nhiều người, không chỉ nhằm mục đích để gây ấn tượng với người phỏng vấn, mặc dù việc này đương nhiên là rất quan trọng. Thực ra, nghiên cứu kỹ lưỡng về môi trường là đánh giá cuối xem nó có hợp với mình không. Đừng quên là bạn sẽ gắn bó với môi trường sắp tới ít nhất 4 năm (trung học) hoặc ít nhất 7 năm (đại học+bond). Người tuyển bạn không chỉ tìm người đạt tiêu chuẩn mà còn phải phù hợp nữa, và chỉ qua nghiên cứu kỹ bạn mới biết được điểm nào của trường/Singapore thật sự phù hợp với bạn. Hãy vượt lên khỏi những nghiên cứu kiếu “mắt thường” rằng Singapore rất xanh, rất đẹp, giáo dục rất tốt mà hãy dùng “kính hiển vi” để nhìn vào những điểm nhỏ nhất mà mọi người tưởng chừng sẽ bỏ qua. Mình nhớ một câu trả lời của học sinh mình, khi được hỏi bạn đến Singapore rồi thì ấn tượng lớn nhất của bạn về Singapore là gì. Bạn trả lời, “Mình bước ra khỏi MRT (tàu điện ngầm) sau khi ngồi trên đó 1 tiếng đồng hồ, ngồi xuống, nhìn xung quanh và nghĩ. Mình nghĩ đến bao giờ nước của mình mới có được một thứ như thế này.” Câu trả lời ngắn, đơn giản, có phần khó hiểu vì tiếng Anh của bạn chưa tốt, nhưng rất… khác và nổi trội so với những câu trả lời của các bạn khác, thường ca tụng Singapore lên tận mây xanh, với nội dung thì giống hệt như trang Wikipedia hay tờ rơi du lịch Singapore.
Tương tự như vậy với việc nghiên cứu về trường, hãy tìm ra điều hay ho mà sẽ làm bạn khác biệt với những bạn khác.
Nhiều người nghĩ: “Bản thân mình thì có gì mà cần nghiên cứu?” Vậy mà phần lớn học sinh được phỏng vấn không thể, hoặc cần rất lâu để trả lời những câu hỏi cội nguồn về bản thân mình như, mô tả bản thân mình, bạn mơ ước gì và đã làm gì để thực hiện ước mơ ấy v.v. Hay phần lớn học sinh khi được hỏi mô tả bản thân mình đã không nói được gì nhiều hơn là liệt kê các thành tích mà mình đã đạt được. Nên nhớ, bạn cần tìm cách market bản thân mình để người ta đồng ý “mua”. Nếu bản thân bạn không hiểu rõ về bản thân mình, không thấy gì thú vị về cuộc sống, tính cách, quan điểm của mình ngoại trừ điểm số trên lớp, thì hãy chắc rằng người phỏng vấn bạn cũng sẽ không thấy gì đáng “mua” ở bạn, vì chính bạn còn không thấy mình thú vị cơ mà.
Vậy thì câu hỏi là nghiên cứu về bản thân như thế nào? Hãy tìm các sample interview questions(Google it!) và viết câu trả lời ra giấy. Khi bạn trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ tự tìm hiểu bản thân. Đừng chỉ trả lời đơn thuần, hãy trả lời tiếp các câu hỏi mà sẽ thực sự thể hiện rõ cá tính của bạn như tại sao (bạn lại thích quyển sách này) hay (bạn đã vượt qua nỗi sợ) như thế nào và ví dụ. Ôn lại những kỷ niệm, những ký ức, những sở thích lạ lùng, lục lại niềm đam mê của mình. Tạo quan điểm của mình về tất cả mọi thứ và bảo vệ được nó. Kể cả khi người phỏng vấn không hỏi bạn những câu đã chuẩn bị, bạn vẫn có thể lái câu chuyện theo hướng những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị sẵn.
b. Tập luyện
Hãy tập trả lời những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị trước gương, theo những chỉ dẫn về ngôn ngữ cơ thể sẽ nói ở phần 2. Nếu đặt vị trí là người phỏng vấn, và bạn thấy con người trong gương đáng được nhận vào vì con người ấy tự tin, thoải mái, chân thành thì là được. Việc tập luyện cũng sẽ giúp bạn trả lời bằng tiếng Anh trôi chảy hơn. Tuy nhiên, tuyệt đối không được học thuộc lòng câu trả lời – người phỏng vấn sẽ thấy rất rõ là bạn đang trả bài, chứ không phải trả lời.
Trong ngày phỏng vấn
a. Hỏi
Người phỏng vấn ASEAN/ASTAR và cho các cuộc thi Singapore nói chung, sẽ không được…uhm… nice cho lắm đâu, khác với phỏng vấn ở một số nước khác. Ngược lại, người ta sẽ tìm cách xoáy vào những nhược điểm trong câu trả lời của bạn, để thử thách bản lĩnh và tìm hiểu được con người thật của bạn, vì ai đi phỏng vấn chẳng chuẩn bị kỹ các câu trả lời sao cho có lợi nhất. Điều này cũng để xem bạn trả lời có đúng sự thật không? Thế nên lúc bạn chuẩn bị, phải chuẩn bị một câu đến đầu đến đũa, đoán được người ta sẽ hỏi câu gì. Kinh nghiệm từ chính bài phỏng vấn của mình, mình chuẩn bị trước câu: “Bạn thích quyển sách gì tại sao?” Thế nên khi người phỏng vấn mình hỏi câu “Sở thích của bạn là gì?”, mình trả lời ngay “Đọc sách,” biết chắc người ta sẽ hỏi tiếp câu mình đã chuẩn bị để xem mình có thích đọc sách thật hay không hay bịa ra cho nghe có tính bác học. Y như rằng…
Đừng đưa câu trả lời sẽ đưa bạn vào thế bí, trừ phi bạn biết cách thoát ra khỏi thế bí ấy thì sẽ gây ấn tượng mạnh. Người Việt, do học văn học ở trường nhiều, hay có thói quen trả lời gây xúc động mà bỏ qua mọi lý lẽ. Ví dụ, câu trả lời mà các bạn rất hay đưa ra về ước mơ của mình là làm bác sĩ để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Ngay lập tức bạn sẽ bị hỏi những câu rất thực tế như, “Một mình em chữa bệnh liệu có làm thay đổi cục diện hay chỉ là giải pháp tạm thời?” “Em định lấy đâu ra tiền để mua trang thiết bị, dụng cụ cho ước mơ ấy, trong khi em chữa bệnh miễn phí cơ mà?” “Nếu như hàng nghìn người bệnh nhân nghèo đến chỗ em, vì là miễn phí cơ mà, thì em định chữa xuể như thế nào? Đặt bệnh nhân nào trước?” v.v. Trừ phi bạn đã suy nghĩ kỹ lưỡng, đừng đưa ra những câu trả lời đầy sơ hở, vì đó sẽ chỉ là miếng mồi ngon cho những người phỏng vấn xoáy vào và chứng minh là bạn chỉ nói vậy để tạo ấn tượng là bạn cao cả thôi.
b.Trả lời
Có một bí mật bạn nên biết: Chẳng người phỏng vấn nào nhớ vào đầu nội dung câu trả lời. Chân thành xin lỗi bạn rằng bạn đã mất công chau chuốt câu chuyện vượt khó của mình, nhưng không ai nhớ cả đâu. Quan trọng là ở cách trả lời và thái độ thể hiện được con người và cách suy nghĩ logic hay tình cảm, lạc quan hay đầy nghi ngờ về cuộc sống v.v. Không có gì là đúng hay sai, chỉ có bản thân bạn là quan trọng. Bạn thể hiện được bản thân mình là thành công. Chính vì vậy, bạn phải chân thành, vì người phỏng vấn muốn mua bạn chứ không phải người nào đó bạn vẽ nên. Chưa kể chuyện những người phỏng vấn đều là những người đã phỏng vấn lâu năm hàng nghìn người, và “mưu đồ” lừa dối của bạn trong mắt họ sẽ chỉ là trò trẻ con. Trong bao nhiêu lớp phỏng vấn, câu trả lời ấn tượng nhất với mình đến từ một em học sinh không phải là nằm trong những học sinh có nhiều cơ hội. Trước câu hỏi, “nếu so mình với các bạn cùng lứa, em có nghĩ mình nên được chọn?” bạn nam đã trả lời không do dự, “không.” “Sao em biết là không?” “I know it, I know it for sure and I just know it.” Đương nhiên câu hỏi mình hỏi kế tiếp sẽ là “Nếu như em còn không thấy mình nên được chọn, sao em lại nghĩ chúng tôi sẽ chọn em? Thậm chí còn đi thi làm gì làm mất thời gian của em và của chúng tôi?” (Vâng, mình rất quá đáng Nhưng người phỏng vấn sẽ quá đáng như vậy đấy). Những tưởng bạn ý sẽ lúng túng và thấy xấu hổ, nhưng bạn đã nhìn thẳng vào bọn mình, với sự chân thành tràn đầy trong mắt trả lời, “I just want to try my best and I will know that I have tried my best.” Bammmm, tất cả những người phỏng vấn đều chết gục. Tại sao ư? Vì nó thể hiện rõ con người bạn ấy, có phần tự ti nhưng rất chân thành, rất khác với những con người khác. Là kính hàng độc, có thể sẽ không được mua nhưng chắc chắn là khác hẳn với kính sản xuất hàng loạt.
Một cái nữa là cách bạn tư duy và sắp xếp câu trả lời là rất quan trọng. Trước những câu hỏi chung chung như kiểu nói về “vấn đề mà em cho là đáng ngại nhất ở nước em?”, chẳng ai sẽ nhớ câu trả lời của bạn cả, vì phần lớn mọi người sẽ cho là tham nhũng, giao thông, hoặc hot girl ngực lớn thôi. Nhưng cách bạn sắp xếp câu trả lời, bảo vệ quan điểm, dẫn chứng ví dụ sẽ nói lên rất nhiều về cách tư duy, chính kiến và hiểu biết của bạn. Và đấy là cái người phỏng vấn muốn biết.
c. Ngôn ngữ cơ thể (Body language) và các lưu ý khác
Phần này đã quá quan trọng, tất cả các bài tips cho interview đều đã nói về phần này. Có lẽ bạn nên tự nghiên cứu thì hơn. Tóm lại sẽ có mấy điều:
Cười
Eye Contact: nên nhìn vào giữa hai mắt nếu như bạn chưa quen. Không nhìn lên trần nhà khi nghĩ hoặc khi lúng túng. Nghĩ khi đang nhìn vào mắt người khác.
Không uhm, ohm, ah
Ngồi thẳng lưng, di chuyển cơ thể theo từng idea mà mình nêu ra.
Bàn tay là rất quan trọng. Tay luôn mở, và phải làm chủ bản thân không cho tay sờ lên đầu, gáy, vạt áo, mũi khi lúng túng – đừng tưởng dễ.
Không dùng quá 5 giây để nghĩ giữa câu hỏi và câu trả lời. Chưa nghĩ ra? Nói thẳng với người phỏng vấn là em cần thời gian sắp xếp idea hoặc câu giờ bằng cách hỏi lại câu hỏi.
Tập luyện với người nhà/bạn bè để làm được những điều trên. Nói mọi người cho nhận xét về impression mà bạn tạo ra.
Mặc đồ thoải mái-nghiêm chỉnh-gọn gàng. Ý kiến của bản thân mình là, bạn nam bạn nữ không nên mặc đồ quá formal như veston, áo dài vì sẽ tạo cảm giác bạn cứng nhắc/già, và bạn cũng dễ bị phân tán vì trang phục. Đặc biệt là trong trời mùa hè, không gì kinh khủng hơn là nhìn bạn mồ hôi mướt mát, áo dài trong suốt vì mồ hôi. Kiểm tra lại trang phục, đầu tóc, giày dép trước khi ra khỏi nhà và khi đến nơi.
Sau ngày phỏng vấn
Bạn thấy tồi tệ về bản thân? Tin vui cho bạn là, bất kỳ ai cũng sẽ thấy hối hận sau một cuộc phỏng vấn, ngồi ôn lại từng câu trả lời và ước mình đã trả lời thế này thế kia. Đấy là chuyện bình thường. Nhưng đừng quên sự thật là người phỏng vấn không ai nhớ nội dung câu trả lời của bạn nhu bạn đâu. Quan trọng là ấn tượng bạn đã tạo ra trong cuộc phỏng vấn, và giờ hãy cứ rung đùi ngồi chờ kết quả đi thôi. Chúc kết quả ấy sẽ như bạn mong đợi.
– Bài này được viết bởi bạn Hạnh – nhận học bổng ASTAR sang Singapore học trường National Junior College – trường nằm trong top 5 junior colleges ở Singapore và đang tiếp tục nhận học bổng ASEAN để theo học Communication tại Nanyang Technology University. Bạn ấy viết về các kinh nghiệm phỏng vấn xin học bổng của Singapore. Kinh nghiệm ở đây bao gồm những vấn đề về cách tư duy và hiểu biết mà bạn cần có trước mỗi buổi phỏng vấn, những gì cần kiểm soát trong buổi phỏng vấn, và một vài cách giải quyết những khó khăn tâm lý sau đó.