Kinh nghiệm về xin visa du học Canada. Mình chia sẻ dưới đây với các bạn một ít kinh nghiệm về xin visa đi học Canada. Nói chính xác là xin Study Permit, sẽ viết tắt là SP cho tiện. Sẽ trình bày theo dạng Câu hỏi – Trả lời để tiện theo dõi. Hi vọng là có ích cho mọi người.
Nội dung chính
Kinh nghiệm xin visa du học Canada thành công
Bạn nên xây dựng kế hoạch học tập khoa học
Kế hoạch học tập là phần quan trọng nhất cho hồ sơ xin visa. Và càng quan trọng trong suốt quá trình học tập của bạn. Xây dựng kế hoạch học tập bạn cần xác định rõ:
Lý do bạn chọn du học Canada? Trường học và ngành học nào bạn xác định điểm đến và theo đuổi trong suốt quá trình học tập? Tại sao bạn chọn nó và có phù hợp với thế mạnh của bạn?
Xác định rõ mục tiêu phát triển sự nghiệp của bạn trong 5 năm tới? Sau khi kết thúc khoá học bạn sẽ nhận được gì và sẽ làm gì?
Bạn và gia đình đã chuẩn bị gì để thực hiện kế hoạch đó?
Chuẩn bị hồ sơ xin visa du học Canada thật hoàn hảo
Hồ sơ xin visa được xem là hoàn hảo khi nó đáp ứng tốt và đầy đủ tất cả các yêu cầu của Lãnh sự quán. Hồ sơ phải thật rõ ràng thì việc xét hồ sơ của bạn sẽ được xét nhanh
Hồ sơ của bạn chuẩn bị hoàn hảo và rõ ràng. Thì chắc chắn bạn sẽ được cấp visa ngay mà không cần phỏng vấn.
Chính vì vậy để xin visa du học Canada thành công và nhanh nhất thì bạn hãy chuẩn bị hồ sơ thật hoàn hảo nhé!
Các câu hỏi thường gặp
Câu hỏi đầu tiên: có tự làm hồ sơ SP được không?
Hoàn toàn có thể tự làm.
Tự làm hồ sơ SP có khó không?
Câu trả lời là không khó, với ai có những kỹ năng sau: đã từng làm quen việc giấy tờ, tiếng Anh đọc viết tốt tương đối, tìm hiểu tương đối kỹ về kinh nghiệm làm hồ sơ đi Canada, tỉ mỉ, cẩn thận
Nếu thấy mình không làm tốt các việc trên, có thể cân nhắc nhờ một cố vấn di trú hợp pháp chuyên nghiệp để giúp đỡ.
Hồ sơ SP Canada có phỏng vấn không?
Không. Một số trường hợp phía Canada gọi điện thoại cho người nộp hồ sơ để xác minh thông tin, nhưng cũng ít gặp.
Tôi đã đi làm nhiều năm rồi, có xin được SP không?
Không thành vấn đề. Tuy nhiên, cần phải rất rõ ràng và thuyết phục cho Canada thấy kế hoạch đi học giúp ích gì cho nghề nghiệp cá nhân của mình.
Những phần nào then chốt trong hồ sơ SP?
Một thư giải trình (hay gọi là study plan) nêu rõ tình hình hiện tại về nghề nghiệp và việc làm, dự định học gì, học cái đó để làm gì, học xong rồi làm gì tiếp… Tưởng tượng mình là người xét hồ sơ để đặt câu hỏi, rồi tìm cách trình bày trong thư. Không có công thức ở chỗ này đâu nhé; tất cả phụ thuộc vào sự đánh giá, kỹ lưỡng và kinh nghiệm của người lập hồ sơ
Chi phí: ai lo chi phí cho đi học, và nguồn tiền đó ở đâu ra. Lưu ý: không có yêu cầu phải chứng minh nguồn gốc số tiền, nhưng cần trình bày để họ hình dung được đó là tiền hợp pháp và hợp lý. Khi cần, phía Canada vẫn xác minh đấy, ví dụ họ gọi ngân hàng để xác minh tài khoản do người nộp hồ sơ cung cấp
Quay về: có lẽ hơn 90% người đi học sẽ muốn định cư tại Canada. Tuy nhiên, đó là Tập 2, sau khi đã học tốt và kiếm được một việc làm phù hợp. Ở Tập 1 – lúc nộp hồ sơ SP, họ cần được thuyết phục là người đó sẽ quay về sau khi học xong. Nếu nghi ngờ khả năng quay về, có thể nói chắc chắc hồ sơ đó sẽ tị từ chối.
Đã từng rớt rồi có nộp lại được không?
Việc đậu/rớt hoàn toàn do phía Canada quyết định, nên không may mắn rớt thì cứ nộp lại, miễn là thư từ chối không cấm nộp lại. Khi nộp lại, cần bổ sung thông tin chi tiết trả lời vào đúng các quan ngại của viên chức xét hồ sơ dẫn đến việc từ chối. Hãy liên hệ Cố vấn Di trú (RCIC) hoặc người có năng lực để trích xuất thông tin từ chối chi tiết và nghiên cứu kỹ cách giải thích trước khi nộp lại
Việc có những hồ sơ đến lần thứ 3 hoặc 4 mới thành công là bình thường.
Thông tin không đúng sẽ gây ảnh hưởng như thế nào?
Một trong những điều cấm kỵ khi nộp hồ sơ cho phía Canada là kê khai không đúng sự thật. Nhà nước họ dùng chữ tiếng Anh là mis-representation, nói tắt là misrep cho nhanh. Mình chưa có dịp tìm hiểu về tỷ lệ misrep họ có thể phát hiện là bao nhiêu, tạm ước chừng đó là 1%, tức là 100 hồ sơ nộp lên họ phát hiện ra 01 hồ sơ misrep. Lúc đó người vi phạm sẽ bị cấm nộp hồ sơ trong vòng 5 năm. Nghe đâu hình phạt bên Mỹ còn nặng hơn, cấm nộp vĩnh viễn (mình chưa kiểm chứng)
Ví dụ misrep tiêu biểu: một người khi nộp hồ sơ Canada trả lời là NO cho câu hỏi “Có từng bị từ chối visa nước nào không?”, mặc dù thực tế đã từng bị từ chối visa Mỹ. Câu trả lời có thể là vô tình. Kết quả là hồ sơ Canada bị từ chối, đồng thời người đó bị cấm nộp các loại hồ sơ visa Canada trong 5 năm.
Canada cho phép ai được tư vấn di trú hợp pháp?
Tư vấn không thu phí: người thân, bạn bè, nói chung là ai cũng được, miễn không thu phí
Tư vấn có thu phí: chỉ có các đối tượng sau được tư vấn có thu phí khi có giấy phép hành nghề tại Canada, gồm Luật sư, Paralegals, Notaries, và Cố vấn Di trú (viết tắt là RCIC)
Lưu ý quan trọng: nếu có trả phí cho dịch vụ nào đó làm và nộp hồ sơ cho mình nhưng kê khai là tự làm, nếu Canada phát hiện được (dù tỷ lệ nhỏ) cũng sẽ bị xem là misrep và có thể bị cấm nộp hồ sơ 5 năm.
Hi vọng các chia sẻ trên có ích cho mọi người.
Nguồn : Quang Vo Rcic Canada