Nội dung chính
Thư viện độc đáo ở Đan Mạch, có thể “mượn người” thay vì mượn sách
Gặp gỡ một người để nghe câu chuyện chân thực về cuộc đời họ, cũng giống như được đọc một quyển sách thú vị, có lẽ vì thế mà thư viện Người ở Đan Mạch không phải là nơi mượn sách, mà là nơi cho “mượn người”.
Ở đó, các độc giả có thể “mượn” bất kỳ một người nào để “đọc” những trải nghiệm trong cuộc đời của họ. Bạn có thể mượn được đủ loại người: người dân tị nạn, người vô gia cư, chuyên gia, nhân viên, cảnh sát, cựu quân nhân, góa phụ, giáo viên, người Hồi Giáo… để lắng nghe câu chuyện của họ.
Mô hình này lần đầu xuất hiện ở Đan Mạch vào năm 2000 với tên gọi The Human Library (Thư viện người). Sau đó, dự án đã được nhân rộng ra các nước khác như Nam Phi, Sudan, Chile, Israel. Vào năm 2016, lần đầu tiên, Việt Nam cũng đã tổ chức dự án The Human Library tại Hà Nội.
Những tình nguyện viên với vai trò “đầu sách” sẽ chia sẻ trải nghiệm của mình cho mọi người cùng biết, kể cả những vấn đề tế nhị mà mọi người ngại nói ra. Nếu có thắc mắc, các “độc giả” có thể đặt câu hỏi thoải mái, và họ sẽ nhận được những câu trả lời tận tình từ “đầu sách” họ chọn. Quả là một ý tưởng thú vị.
Vậy bạn có thể ‘mượn’ những loại ‘đầu sách’ nào?
Mượn người mắc bệnh tự kỷ: Ngày nay, cứ 68 đứa trẻ thì có 1 trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Nếu muốn tìm hiểu về căn bệnh này, thư viện Người sẽ cho phép bạn giao lưu với một người mắc hội chứng này.
Mượn người tị nạn: Chắc hẳn bạn đã từng nghe tin tức về những người tị nạn trong cuộc khủng hoảng. Hãy đến thư viện để “mượn” những người tị nạn và thật sự trò chuyện với họ. Từ đó, bạn sẽ hiểu hơn về bản chất của họ.
Mượn người vô gia cư: Có những định kiến cho rằng cuộc sống của những người vô gia cư là do chính họ tự tạo nên, là vì lỗi của họ khi không chăm chỉ làm việc, khi lạm dụng chất kích thích, bia rượu… Phải chăng họ có nỗi khổ riêng nào khác mà bạn chưa từng biết đến? Hãy tự mình gặp gỡ họ để nghe câu chuyện về những mảnh đời này.
Mượn người bị khiếm thị, khiếm thính: Những mảnh đời bất hạnh này đối đãi ra sao với thế giới? Thay vì đau khổ, bất lực, nhiều người trong số họ lại sống rất lạc quan, vui vẻ, và sẵn sàng chia sẻ cho chúng ta nghe những câu chuyện thú vị dưới lăng kính của họ.
Mượn người béo phì: Thay vì buông lời chê bai, chế nhạo những người béo phì, tại sao không hỏi trực tiếp và lắng nghe vấn đề của họ.
Sự tương tác thật sự giữa những con người
Loại hình thư viện này đã giúp kết nối những người chưa bao giờ có cơ hội tương tác với nhau. Đây chính là điều mà nhà sáng lập Ronni Abergel mong muốn kể từ khi thư viện sách “sống” được hình thành vào năm 2000.
Bạn luôn nghĩ rằng mình hiểu rõ ràng tường tận cuộc sống của một ai đó và cách bạn đánh giá họ là đúng, nhưng thật ra bạn chẳng hiểu gì về cuộc sống của họ cả, ông Abergel chia sẻ.
Bằng hình thức thư viện độc đáo này, chúng ta có cơ hội hiểu hơn về nhau. Thay vì chỉ đánh giá chủ quan, ta có thể nghe những trải nghiệm khác nhau, và tôn trọng sự đa dạng của thế giới này.
Không cần biết bạn là ai, bạn từ đâu đến hay bạn sẽ chọn “đầu sách” nào, điều quan trọng nhất bạn sẽ nhận ra chính là: Chúng ta là những cá thể khác biệt, chúng ta nhìn nhận mọi thứ ở góc nhìn khác nhau và sống một cuộc đời riêng biệt. Nhưng chúng ta hãy cùng chia sẻ, hơn là tạo ra sự xa lánh, kỳ thị, xung đột giữa con người với nhau.