Du học sinh buồn chán, cảm thấy cô đơn thì nên làm gì? Chắc hẳn khi đến làm việc và học tập tại một đất nước hoàn toàn mới sẽ có một sự xa lạ, bỡ ngỡ nhất định. Rồi khi gặp khó khăn ở nơi xứ người, du học sinh thường dễ bị buồn chán và cảm thấy cô đơn rất nhiều. Vậy, Du học sinh buồn chán, cảm thấy cô đơn thì nên làm gì?
Nội dung chính
Du học sinh buồn chán, cảm thấy cô đơn thì nên làm gì?
Cô đơn, hối tiếc, chán đời, trầm cảm: Bạn đã rơi vào tình trạng này chưa?
Theo wikipedia: “Hội chứng trầm cảm là loại rối loạn khí sắc thường gặp trong tâm thần học. Bệnh do hoạt động của bộ não bị rối loạn gây nên tạo thành những biết đổi thất thường trong suy nghĩ hành vi và tác phong. Có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi nhưng phổ biến nhất là 18-45 tuổi, phụ nữ nhiều hơn nam giới với tỷ lệ giới tính: nam/nữ = 1/2, giá trị này chỉ là ước chừng vì còn tùy vào nền văn hóa và dân tộc. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, bệnh trầm cảm cướp đi trung bình 850 000 mạng người mỗi năm, đến năm 2020 trầm cảm là căn bệnh xếp hạng 2 trong số những căn bệnh phổ biến toàn cầu với 121 triệu người mắc bệnh.Nhưng chỉ khoảng 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp.
Ước tính, có khoảng 3% đến 5% dân số thế giới có rối loạn trầm cảm rõ rệt. Tần suất nguy cơ mắc bệnh trầm cảm trong suốt cuộc đời là 15 – 20%. Hội chứng này có tỷ lệ cao ở những người ly thân, ly dị, thất nghiệp.”
Gần đây, ở các diễn đàn trao đổi thông tin liên quan đến du học sinh tại Canada, chủ đề liên quan đến những mặt trái của cuộc sống và công việc học tập của du học sinh Việt Nam được trao đổi khá sôi nổi. Nội dung các bài trao đổi là cảm nhận và quan sát mang tính cá nhân, nhưng nói lên được nhiều điều mà đa số du học sinh không/chưa dám nói đến vì vài lý do. Những mặt trái, góc khuất của đời sống du học sinh, nếu không được chia sẻ, thì khả năng dẫn đến hội chứng trầm cảm là rất cao.
Vậy khi một mình, khi cô đơn, khi cảm thấy tình hình xấu đi, chúng ta nên làm gì? Mình phải thừa nhận có vài tuần giữa mùa đông này, cảm giác rất tệ, tệ đến mức không chấp nhận được. Có điều, mình biết cân bằng và nhờ biết chia sẻ, chịu chia sẻ với vợ, với những người anh, em, bạn bè mà tạm thời vượt qua. Nhận thấy đây là vấn đề cực kì quan trọng, nên mình muốn chia sẻ với các anh, chị, em và cả phụ huynh, để cùng nhau vượt qua:
Với du học sinh:
– Khi thấy buồn, hãy cứ nói ra, chia sẻ cùng những người xung quanh mình như bạn ở chung nhà, chủ nhà, bạn học, giáo viên, bạn trên Facebook, người thân,…
– Hãy tìm mọi cơ hội để thoát ra khỏi 4 bức tường tồi tệ của căn phòng trọ để đến một nơi đông người hơn, có nhiều thứ để nhìn hơn, có màu sắc hơn,…
– Hãy tìm một việc gì đó để làm như làm tình nguyện, làm thêm (dù không phải dễ có), tham gia câu lạc bộ, nấu ăn cùng bạn bè,…
– Hãy viết ra những suy nghĩ của mình để chia sẻ, ngay cả trên Facebook, hay tâm sự với ai đó.
– Hãy mở lòng, bỏ bớt sĩ diện hão, không có gì phải ngại khi phải nói cho vài người biết rằng mình không mạnh mẽ trong vài tình huống tại vài thời điểm nào đó trong cuộc đời.
Với phụ huynh có con đang du học:
– Hãy thường xuyên hỏi con xem có ổn không, có gì vui không, có gì buồn không, có gì mới không.
– Hãy nhắn với con lời yêu thương và động viên, mỗi ngày, mỗi khi có thể.
– Hãy hiểu tâm lý của con, cảm giác của con khác với lúc ở nhà. Hay chia sẻ hơn là trách con phải nên thế này, nên thế kia.
– Nếu con cảm thấy muốn về nhà, sau một vài lần bày tỏ mong muốn nghiêm túc, hãy đón con về và yêu thương con hơn. Mất tiền có thể kiếm lại được, mất con thì không. Nghiêm túc đó các cha mẹ ạ.
Những ai chưa từng xa nhà để du học, có thể sẽ không tin những điều mình trình bày ở trên, nhưng tất cả là sự thật, cần nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Trải nghiệm để trưởng thành là tốt, để có tương lai (mà nhiều người cho là tốt hơn) là lẽ thường. Tuy nhiên, cái giá của trưởng thành, của tương lai đôi khi quá lớn mà chỉ khi bạn thực sự bắt đầu hành trình hoặc đã đi nửa hành trình mới đánh giá tương đối đầy đủ và chân thật.
Nguồn: Tôn Thất Hòa