Hiểu về vai trò của nhạc trưởng trong dàn nhạc.

Hiểu về vai trò của nhạc trưởng trong dàn nhạc. Khi xem hoà nhạc, nhiều lúc bạn nghĩ nhạc trưởng là không cần thiết vì dàn nhạc đã tập với nhau khá kỹ rồi, nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Dàn nhạc đôi khi có thể lên đến 80-100 người và họ không phải cái máy ghi âm có thể tua đi tua lại chuẩn xác cả trăm lần. Dưới dây là đôi lời của bạn Sơn Nguyễn, hiện đang theo học về chỉ huy tại Nhạc Viện Mannheim tại Đức, về nhiệm vụ của nhạc trưởng.

Các nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc luôn nhìn về phía nhạc trưởng lúc quan trọng và cao trào nhất của tác phẩm, họ không nhìn lên thường xuyên, nhưng không có nghĩa là họ không nhìn. Ngay cả việc nghệ sĩ vừa nhìn bản nhạc vừa nhìn nhạc trưởng cũng phải có cách: một mắt ngước lên nhìn nhạc trưởng còn mắt kia liếc xuống nhìn bản nhạc. Nôm na là nhiều khi chỉ cần nhìn thấy bóng chuyển động của nhạc trưởng là họ đủ hiểu mình nên làm gì.

1. Vai trò của nhạc trưởng khi tập luyện với dàn nhạc

Các nhạc trưởng phải là người nắm chắc tác phẩm nhất, thấu hiểu tính năng nhạc cụ, phối khí và tất cả mọi kiến thức liên quan đến tác phẩm. Nhiệm vụ của họ lúc tập luyện là phải phát hiện các lỗi sai của nghệ sĩ trong dàn nhạc, điều chỉnh mức độ thể hiện của nghệ sĩ (nhịp độ sắc thái và âm lượng v.v….) sao cho tất cả hòa hợp với nhau tạo thành khối thống nhất, điều kiện kèm theo đó là phải chơi phù hợp với ý đồ của tác giả, ngoài ra đồng thời phù hợp với ý đồ sáng tạo của nhạc trưởng bởi nhạc trưởng là người duy nhất có quyền áp dụng những ý tưởng riêng của mình lên tác phẩm.

2. Vai trò của nhạc trưởng khi biểu diễn

Sau khi dàn nhạc được tập xong xuôi và kỹ lưỡng thì công việc còn lại vẫn rất nặng đối với nhạc trưởng. Trái ngược với khi tập và dàn dựng, khi mà người chỉ huy phải dùng lời nói để yêu cầu hay giải thích và chữa lỗi sai cho nghệ sĩ, thì khi trình diễn là lúc nhạc trưởng phải sử dụng đến cái gọi là “Kĩ thuật chỉ huy” – Dirigierentechnik. Kỹ thuật này được dạy trong 4 năm đại học, 2 năm cao học và kể cả lên cao nữa vẫn phải học. Chưa kể mỗi nhạc trưởng phải tự hoàn thiện hệ thống kỹ thuật cho mình. Tại sao lại phải học, vì dù có quy chuẩn đến mấy thì nghệ sĩ trong dàn nhạc vẫn không dễ tự trình diễn cùng nhau được, kỹ thuật của nhạc trưởng là đưa ra những cú kiệu (cue) cho nghệ sĩ trình diễn biết nên vào câu nhạc ở đâu, như nào, vẫy nhịp độ để cho nghệ sĩ thấy nhịp độ tại thời điểm đó cần phải ra sao và nên dùng ngôn ngữ cơ thể thế nào để báo hiệu cho họ cách chơi. Nghệ sĩ có tài đến mấy, họ cũng không thể tự thống nhất với nhau hoàn toàn về những vấn đề như vậy.
Ví dụ đơn giản là vấn đề nhịp chẳng hạn. Tại vì mỗi nhạc công là mỗi cá thể người khác nhau, sinh ra với đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, tính cách khác nhau và trình độ cũng như sự giáo dục cũng khác nhau, họ không phải robot được lập trình sẵn. Vì vậy nhiệm vụ của người chỉ huy trong lúc diễn là đóng vai trò một điểm tựa chắc chắn để các nghệ sĩ dựa vào, đồng thời là người thống nhất toàn bộ dàn nhạc. Dù có tập kỹ lưỡng đến mấy, hiểu tác phẩm đến mấy nhưng vị trí của từng nghệ sĩ cũng chỉ là một thành viên chơi trong dàn nhạc, họ không thể bao quát và kiểm soát toàn bộ dàn nhạc, cũng như mỗi người đều có một cảm giác khác nhau về bản nhạc.
Vậy nên chỉ huy là người cần phải có, nhất là với những tác phẩm lớn và phức tạp như các giao hưởng của Mahler, Shostakhovic… hay các opera hoành tráng của Wagner… Quy mô của những tác phẩm này rất là lớn, với số lượng nhạc công đồ sộ có thể lên đến trên 100 người, thậm chí hơn nữa (giao hưởng nghìn người của Mahler chẳng hạn)… Nếu không có nhạc trưởng (hay đôi khi là cả người chỉ huy hợp xướng) thì nguy cơ màn trình diễn bị rối loạn rất là cao.
Bản thân từ Orchesterdirigieren (dịch nôm là chỉ huy dàn nhạc) nếu dịch thô ra có nghĩa là lái dàn nhạc, điều khiển dàn nhạc, hoặc từ Orchesterleitung có nghĩa là dẫn dắt dàn nhạc. Nó đúng với thực tế: nhạc trưởng là người điều khiển dàn nhạc.
Nếu như nói nhạc trưởng chỉ cần thiết khi tập chứ không cần thiết khi diễn cũng y chang nói là trong quân đội sĩ quan chỉ quan trọng lúc huấn luyện lính, còn ra trận thì không cần chỉ huy vì “cả đội đã tập đổ mồ hôi sôi nước mắt ở thao trường rồi, sĩ quan chỉ huy lúc đánh trận chỉ làm màu, núp sau bóng lính mình là chính…”

3. Khi nào cần tới nhạc trưởng

Trên thực tế, đúng là những tác phẩm hòa tấu ở quy mô nhỏ, những tác phẩm có nhịp độ đều, và các tác phẩm âm nhạc đại chúng có thể không cần nhạc trưởng.
Các tác phẩm từ thời kỳ cổ điển đổ về trước (cỡ trước 1750), hoặc các tác phẩm hoà tấu thính phòng có quy mô nhỏ thì không nhất thiết phải có nhạc trưởng cụ thể, nhưng vẫn phải có người làm nhiệm vụ chỉ huy và dẫn dắt. Konzertmeister (trưởng bè violin một hay violin chính) phải đảm nhận việc đó, hay nói cách khác cứ hòa tấu 3 người trở lên là phải cần có sự chỉ huy.
Ví dụ như thời Mozart các tác phẩm hòa tấu cho dàn nhạc nhỏ thường không có nhạc trưởng. Nhưng không có nhạc trưởng thì không có nghĩa là không ai chỉ huy cũng được. Nghệ sĩ solo hoặc Konzertmeister lúc đó là người phải chủ động hướng dẫn cho dàn nhạc.
Trong các đoạn nhạc có nhịp đều, thì không cần sự chỉ huy, các nhạc công giỏi vẫn có thể tự giữ nhịp cho mình và hòa cùng mọi người, nhưng khi có những câu nhạc cần tăng tốc, những đoạn cần chậm đi hay thậm chí là những đoạn đột ngột thay đổi về tốc độ thì khi trình diễn với áp lực và khán giả trước mắt, các nghệ sĩ sẽ rất dễ mắc sai lầm, chính vì vậy mới cần tới sự chỉ huy để kìm họ lại.
Có một số dàn nhạc họ không cần nhạc trưởng, nhưng đó là các dàn nhạc chamber (thính phòng) với lượng thành viên không nhiều, các dàn nhạc như vậy đều là dàn nhạc có quy mô nhỏ (tầm max nhất là 30 người) và kịch mục của họ cũng không có các tác phẩm đồ sộ (cỡ như giao hưởng của Mahler chẳng hạn), họ vẫn có người đứng đầu (Konzertmeister) để chỉ huy cho dàn nhạc lúc cần thiết.
Trên đây là những gạch đầu dòng đơn giản nhất về nhạc trưởng và sự chỉ huy trong dàn nhạc mà mình nghĩ phần lớn mọi người có thể hiểu được. Bài viết không phải để trả lời riêng thành viên nào cả, mà là để mọi người cùng hiểu rõ thêm về vai trò của người nhạc trưởng.
Chào thân ái.

Nguồn : https://www.facebook.com/nhaccodieninfo

Tags: