Câu chuyện chưa kể về VAPEC – Trung tâm Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Vào nửa sau những năm 1980, khi Việt Nam bước vào giai đoạn đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, GS. Trần Văn Thọ sau khi đi thăm và làm việc tại một số nước trên thế giới đã chú ý đến các trung tâm nghiên cứu chính sách giúp chính phủ ở một số nước trong khu vực hoạch định đường lối phát triển quốc gia cũng như xu hướng và không gian phát triển, thị trường, hợp tác của khu vực Châu Á –Thái Bình Dương, điều mà khi đó trong nước ít người nhìn thấy.

Ảnh Ban điều hành VAPEC chúc mừng GS Trần Văn Thọ nhân dịp GS nhận Huân chương Thuỵ Bảo Tia vàng của Nhật Hoàng, tháng 8.2018 và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam. (có anh Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Bí thư Quảng Nam, quê anh Trần Văn Thọ.

Ông đã suy nghĩ và tích cực vận động tài chính, học hỏi kinh nghiệm để Việt Nam cũng có một tổ chức nghiên cứu về kinh tế như vậy. Vì thế, ông đã gặp và làm việc với GS Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và GS Võ Đại Lược – Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới để bàn bạc và thống nhất kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách. Một trong những người tích cực tư vấn và hậu thuẫn về mặt tài chính là cố GS. Saburo Okita – nhà kinh tế, nhà ngoại giao kiệt xuất và là cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản (1979-1980), nhân tố quyết định để VAPEC ra đời.

* VAPEC – Tổ chức phi chính phủ đầu tiên do Thủ tướng trực tiếp ký quyết định thành lập

Ngày 26/2/1993, Ban Tổ chức cán bộ của Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) đã công nhận Điều lệ của Trung tâm kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, tên tiếng Anh: Vietnam Asia – Pacific Economic Center, viết tắt là VAPEC (QĐ số 98/TC-TCCB). Ngày 20/4/1993, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký quyết định số 175/TTg chính thức thành lập Trung tâm kinh tế châu Á – Thái Bình Dương. Trong quyết định này, Phó thủ tướng Phan Văn Khải kí nhưng người ủng hộ mạnh mẽ chính là Thủ tướngVõ Văn Kiệt với bút phê của Tổng Bí Thư Đỗ Mười trên tờ trình. Đây là tổ chức phi chính phủ duy nhất của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp ký quyết định thành lập.

Với sự ủng hộ tích cực của ông Hà Nghiệp, nguyên trợ lý TBT Trường Chinh nên Hội đồng Quản lý của VAPEC ban đầu gồm những nhân vật rất cao cấp: 2 ủy viên Bộ Chính trị, 2 Bộ trưởng (GS Đặng Hữu, Bộ trưởng Bộ Khoa học & GS Trần Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ giáo dục & Trung học chuyên nghiệp) & Bí thư Thành ủy Hà Nội Lê Xuân Tùng..

* Những nhà sáng lập.

Giáo sư Trần Văn Thọ là người đề xướng ra thành lập VAPEC. Ông là một người có tư duy cải cách mạnh mẽ và từng tham gia các Tổ Tư vấn Cải cách Kinh tế và trong Ban Nghiên cứu chính sách của các Thủ tướng Việt Nam như Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Ông còn làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật trong gần 10 năm, qua nhiều đời thủ tướng. Hiện nay ông làm Giáo sư kinh tế Đại học Waseda (Tokyo) và là là 1 trong 15 thành viên tổ tư vấn Kinh tế của Chính Phủ Việt Nam nhiệm kì 2016-2021. Bên cạnh GS Trần Văn Thọ, ban trù bị sáng lập ra VAPEC còn có những nhân vật sau đây:

– Ông Trần Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Ông Võ Đại Lược – Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới;

– Ông Hà Nghiệp – Trợ lý Tổng Bí thư Trường Chinh;

– Ông Lê Văn Sang – PhóViện trưởng Viện Kinh tế Thế giới;

– Ông Phạm Khắc Chi – TGĐCông ty Tư vấn và Đầu tư- Bộ Thương nghiệp;

– Ông Võ Như Lanh – Tổng biên tập Tạp chí Thời báo Kinh tế Sài Gòn;

Với tầm nhìn và sứ mệnh là đơn vị cung cấp thông tin, tổ chức nghiên cứu, đào tạo và giao lưu về kinh tế với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong hơn 20 năm hoạt động và phát triển, VAPEC đã tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận, giao lưu, nghiên cứu kinh nghiệm phát triển kinh tế – xã hội của các nước trong khu vực, từ đó góp phần vào việc hình thành chiến lược đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

* Ban lãnh đạo VAPEC hiện nay:

– Nhà sáng lập, cố vấn cao cấp: GS. Trần Văn Thọ.

– Chủ Tịch: Võ Đại Lược

– Phó Chủ tịch: Lê Văn Sang, Mai Đức Lộc, Trần Thị Ngọc Huệ, Nguyễn Cảnh Bình.

– Tổng thư kí: Nguyễn Bá Ngọ;

Nguồn : Facebook Nguyễn Cảnh Bình

Tags: