CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG PHẦN 1- KHI NGUỒN GỐC LÀ TIỀN TỆ

CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ – TRUNG PHẦN 1- KHI NGUỒN GỐC LÀ TIỀN TỆ CỦA TÁC GIẢ Trần Ngọc Báu Đối với các nhà cầm quyền Mỹ và cả Trump cũng không ngoại lệ, họ luôn cho rằng việc Trung Quốc thao túng đồng nhân dân tệ là gốc rễ sâu xa của thâm hụt mậu dịch “kinh niên” giữa Mỹ với Trung Quốc. Họ cũng đổ lỗi cho chính hành động “chơi xấu” này của Trung Quốc đã làm chậm đáng kể tỉ lệ tăng trưởng kinh tế của Mỹ và làm công dân của họ mất việc làm. Chính vì thế việc Trump để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ của mình bằng cách đòi lại “công bằng” cho đất nước của mình vào thời điểm mà Trung Quốc khó chống đỡ nhất cũng có thể nói là một chiêu bài rất thông minh của nhà cầm quyền này.

Trung Quốc thao túng tiền tệ bằng cách cố tình “neo” nhân dân tệ với đô-la Mỹ ở một tỉ giá sâu dưới giá trị thật. Để hiểu tại sao điều này lại phá hoại kinh tế Mỹ, điều cốt yếu cần hiểu là GDP bất kỳ quốc gia nào cũng đều được tính trên 4 yếu tố: mức tiêu dùng, mức đầu tư kinh doanh, chi tiêu chính phủ và cán cân xuất nhập khẩu. Như vậy, khi nước Mỹ lâm vào thâm hụt “mãn tính” với Trung Quốc, một số phần trăm tăng trưởng kinh tế đã bị bào mòn đi. Tỉ lệ tăng trưởng bị chậm đi này đến lượt nó lại kéo giảm số công ăn việc làm được tạo ra.

Vậy thâm hụt mậu dịch của Mỹ với Trung Quốc lớn đến mức nào? Và tại sao thao túng tiền tệ là lý do chính yếu khiến Mỹ gây sức ép với Trung Quốc để đạt mục tiêu cải thiện đáng kể thâm hụt mậu dịch?

Hãy bắt đầu bằng kích cỡ mức thâm hụt của Mỹ. Xét về con số tuyệt đối, Mỹ nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu vào Trung Quốc gần 1 tỷ đô-la mỗi ngày. Trung Quốc chiếm đến khoảng một nửa mức thâm hụt thương mại về hàng hóa của Mỹ và gần 75% khi loại doanh số nhập khẩu dầu mỏ ra khỏi phép tính. Như vậy, không khó để chỉ ra rằng: nếu Mỹ muốn giảm mức thâm hụt mậu dịch, nhằm cải thiện tỉ lệ tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm, nơi tốt nhất để bắt đầu chính là Trung Quốc.

Vậy Trung Quốc đã làm thế nào để thao túng tiền tệ ? Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đã thực hiện điều này bằng chính sách neo cứng đồng nhân dân tệ với đồng đô-la ở một tỷ giá sâu dưới giá trị thực. Đồng tệ siêu rẻ này đến lượt nó lại cung cấp tài trợ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, trong khi lại gây gánh nặng lên doanh nghiệp Mỹ. Kết cục của chính sách thao túng đồng tiền này, song hành cùng các thực thi kinh doanh bất công khác đã gây nên căn bệnh thâm hụt thương mại “mãn tính” của Mỹ. Và hiển nhiên sự bất cân xứng mậu dịch Mỹ-Trung sẽ không bao giờ tồn tại trong thế giới thương mại tự do, khi mà Trung Quốc thả nổi tự do đồng tệ và tôn trọng các điều khoản hiệp định thương mại đã ký kết.

Trong một thế giới tự do mậu dịch khi mà các tỷ giá giá được thả nổi hoàn toàn, sự bất cân xứng thương mại Mỹ-Trung sẽ không bao giờ hiện diện, bởi vì khi mức thâm hụt tăng lên, giá trị đồng đô-la sẽ giảm tương đối với đồng tệ. Khi đô-la rớt giá, hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc sẽ tăng lên, hàng nhập từ Trung Quốc sẽ giảm, và mậu dịch sẽ quay về vị trí cân bằng. Tuy nhiên, bằng cách neo đồng tệ vào đồng đô-la, một Trung Quốc bảo hộ đã làm đảo lộn tiến trình điều chỉnh thương mại tự nhiên này.

Vậy Trung Quốc làm cách gì để neo cứng đồng nội tệ của mình? Quá trình này bắt đầu khi một cư dân của Mỹ mua một sản phẩm của Trung Quốc, đồng nghĩa với việc có một lượng đô là sẽ được chảy vào Trung Quốc. Lúc này, để duy trì chính sách neo chặt đô-la với đồng tệ, Trung Quốc phải nhanh chóng hồi chuyển số đô la đó trở lại Mỹ bằng cách mua tài sản tài chính như trái phiếu chính phủ Mỹ, bất động sản Mỹ, hay các công ty Mỹ.

Bây giờ là đến công đoạn quan trọng nhất trong quá trình neo tỷ giá: Trước khi chính phủ Trung Quốc có thể “hồi chuyển” bất cứ đồng đô-la nào về Mỹ, họ phải giành quyền kiểm soát những đô-la này từ tay những nhà xuất khẩu Trung Quốc. Điều này đòi hỏi một quá trình xoay vòng mà chỉ có chế độ quản lý kiểu Trung Quốc mới làm được.

Chính phủ Trung Quốc ép các nhà xuất khẩu trong nước phải mua trái phiếu chính phủ Trung Quốc định giá bằng đô-la Mỹ để đổi lại việc giao nộp những tờ giấy bạc Mỹ vào tay chính phủ. Kế tiếp, chính phủ Trung Quốc xoay vòng và tái đầu tư những tờ đô-la này vào trái phiếu chính phủ Mỹ.

Mặt khác chính phủ Trung Quốc cũng trợ cấp hoặc thiết lập chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Trung Quốc sẵn sàng chi những khoản tiền kếch xù để thâu tóm những doanh nghiệp Mỹ, đôi khi những khoản đầu tư này mang hơi hướng chính trị hơn hơi hướng kinh tế.

Trên thực tế, quá trình thao túng tiền tệ này đã tích lũy được một quỹ dự trữ ngoại hối đến ba nghìn tỷ đô-la Mỹ do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc nắm giữ (trong đó có 1200 tỷ là trái phiếu chính phủ Mỹ), mà nay đã nghiễm nhiên đưa Trung Quốc trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Với sự tích lũy khổng lồ quỹ dự trữ ngoại hối bằng đô-la Mỹ, Trung Quốc có thể đe dọa “tấn công” hệ thống tài chính Mỹ bất cứ lúc nào. Hãy tưởng tượng rằng nếu Trung Quốc bắt đầu bán tháo đô-la, nguy cơ về sự rớt giá thê thảm của đồng đô-la sẽ xảy ra và giáng đòn chí tử vào lãi suất trái phiếu Mỹ, làm chao đảo thị trường tài chính Mỹ trong nháy mắt. Viễn cảnh này đủ để bất cứ một nhà cầm quyền nào của Mỹ cũng phải e ngại.

Thực tế chúng ra đã thấy, không ít lần Mỹ lên tiếng đòi xóa bỏ các thực thi mậu dịch bất bình đẳng, Trung Quốc liền phản pháo bằng cách đe dọa bán tháo những khoản nợ của Mỹ và trong vài trường hợp có bán tháo thực sự. Thực tế, sự tồn tại của mối “đe dọa tài chính” này giải thích phần lớn hành vi rụt rè kinh niên đối với Trung Quốc của mấy đời tổng thống Mỹ từ Bush cho đến Obama.

Như vậy chỉ với “chiêu trò” neo đồng nội tệ của mình đã giúp Trung Quốc một mũi tên bắn trúng hai mục tiêu khi một mặt tiếp tay cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc, một mặt xây dựng kho “vũ khí tài chính” đủ mạnh để răn đe nếu Mỹ có bất cứ biện pháp thương mại nào phản kháng. Có vẻ thứ vũ khí này đã dọa được Bush, được Obama nhưng với một Trump cứng đầu và táo bạo thì mọi việc đang theo hướng khác. Nếu như Trump thực sự muốn đòi lại sự “bình đẳng”cho Mỹ thì tất cả những gì ông làm vừa qua mới chỉ là những phát sung đầu tiên và những phát súng này đã lựa chọn thời điểm rất hoàn hảo.

Tags: