Cuộc sống du học sinh Canada: chuyện đi làm thêm và những tâm sự của du học sinh khi bước chân sang đây du học, những khó khăn khi đi du học Canada.
Nội dung chính
Câu chuyện của tôi
Xin chú ý trước khi đọc là tất cả những thông tin dưới đây chỉ là trải nghiệm cá nhân, dưới góc nhìn và quan cá nhân. Nó có thể đúng với một số người, nhưng với một số người khác thì ngược lại.
Tôi là một DHS ( du học sinh) Canada, cũng bình thường giống như bao học sinh khác. Hôm nay viết một vài dòng suy nghĩ về việc đi làm của những du học sinh đang sinh sống và học tập ở đây Nói chung cuộc sống của DHS rất đa dạng và phức tạp theo nhiều cấp độ.
Con nhà đại gia thì ăn sung mặc sướng, ngoài việc lên lớp và học tập ra (không biết có bùng hay không) thì những giây phút còn lại là những giờ vui chơi tiệc tùng ăn uống xả láng. Kết quả học tập thì hên xui. Còn một số học sinh khác thì ngoài giờ học ra thì họ chọn cách đi làm thêm kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí (nhà ở và ăn uống). Không biết ở VN ăn sung mặc sướng như thế nào chứ đã qua đến đây và đã dấn thân đi làm thì coi như có thể nếm trải được một phần của cái sự đời.
DHS ở Canada nếu chưa có work permit thì cũng có thể đi làm on-campus (làm việc cho trường) hoặc những việc trả bằng tiền mặt. Những công việc được trả tiền mặt phổ biến thường liên quan đến hoạt động chân tay: bồi bàn, phụ bếp, làm farm, dạy học, làm nail… DHS nữ thường có lợi hơn vì công việc làm nail khá phổ biến. Còn nam thì chủ yếu đi làm bồi bàn, phụ bếp. Nhưng làm ở đâu cũng vậy, nếu gặp được môi trường tốt thì còn an ủi, ngược lại thì ôi thôi, đời chua như trái chanh.
Làm nail tại Canada
Nếu ai đã biết qua công việc làm nail thì có thể nói nó không màu hồng như nhiều người vẫn tưởng. Việc tranh giành khách và việc nhân viên cũ ăn hiếp sinh viên cũng là chuyện thường, bởi vì ngoài tiền lương căn bản, người ta còn sống bằng tiền tip. Không biết có phải ở đâu cũng thế hay không nhưng mà dường như người Việt mình với nhau có thói xấu ghen tị thì phải, mình làm tốt cũng bị ghen tị, được khách hàng khen cũng bị ghen tị. Nhiều bạn cũng lựa chọn cách làm ở một chỗ lấy kinh nghiệm rồi chuyển sang tiệm khác để được lương cao hơn. Ngoài ra, tôi cũng có quen một bạn nam làm nail, thì bạn có tâm sự là bạn ấy chỉ có thể im lặng và làm công việc của mình một cách cẩn thận còn ai muốn giành giật thì giành giật. Nguyên tắt bơ đi mà sống…
Công việc làm farm tại Canada
Công việc làm farm (hái hoa, hái dâu, bắt trùn…), tôi thấy cực hơn rất nhiều so với những công việc khác. Bởi vì những farm thường nằm xa trung tâm nên muốn đi làm thì phải thức dậy từ khoảng 3 giờ sáng để khởi hành, và lúc về tới nhà thì cũng đã gần 8 giờ tối. Mà xe chỉ đưa đón ở một số điểm cố định, nếu ai nhà xa thì hơi khó khăn vì giờ đó không có xe bus. Việc còng lưng ngoài trời 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày để làm công việc như vậy mới biết là ở dưới quê ông bà cha mẹ của mình khổ như thế nào. Nói chung là hơi bị khâm phục khả năng chịu đựng của các bạn nữ mà mình biết đã làm qua công việc này.
Làm thêm bồi bàn ở Canada
Tiếp đến là việc đi làm bồi bàn. Tôi sẽ nói nhiều về công việc này bởi vì tôi cũng đã và đang trải nghiệm qua. Nếu bạn nào đã có kinh nghiệm làm qua nhà hàng khách sạn thì khi làm những công việc như bồi bàn và phụ bếp thì rất dễ. Còn nếu chưa có kinh nghiệm thì có thể xin vào làm những quán Phở ở khu vực trung tâm, vì ở những chỗ như thế thường rất đông đúc và lúc nào cũng cần người. Các bạn làm một khoảng thời gian để lấy kinh nghiệm rồi có thể chuyển sang chỗ khác tiện cho việc đi lại hơn. Không phải chủ nào cũng dễ dãi, nhưng mà nên chọn chỗ nào nhân đạo cho nhân viên lĩnh tiền tip (dù cho lương có thấp) thì tốt hơn. Khi làm việc thì nên mang trong đầu tâm lý rằng mình có thể bị đuổi và bị quỵt tiền lương bất cứ lúc nào thì tốt hơn bởi vì đôi lúc người ta kinh doanh thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận và sinh viên như tụi mình thì không có tiếng nói đáng kể. Một đặc điểm ở những chỗ “nguy hiểm” thì khi mình làm người ta thường không cho tiền tip và luôn trả gối đầu, nghĩa là tuần đầu tiên người ta chưa trả, đến tuần sau người ta mới trả cho tuần trước. Có nghĩa là một khi có chuyện gì xảy ra thì người chủ luôn có lợi và người thiệt thòi luôn là những người làm công như bọn mình.
Một điều đáng buồn khi đi làm là nhân viên đôi khi thường đấu đá chứ ít khi nào đoàn kết bảo vệ nhau. Kết cục là chỉ có chủ là có lợi, còn nhân viên với nhau thì vẫn bị bóc lột như thường.
Những công việc khác
Ngoài những công việc trên thì có một số công việc khác nhàn hạ hơn nếu may mắn kiếm được là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, dạy tiếng Anh và dạy tin học cho bà con người Việt.
Nếu cực chẳng đã, hoặc đang trong tình trạng khó khăn về tài chính thì có thể tôi sẽ đi làm đi làm một trong một khoảng thời gian nhưng vẫn không ngừng tiềm kiếm cơ hội trong lĩnh vực mình yêu thích mà vẫn được trả lương (có thể là paid internship). Còn lại thì nếu có cơ hội về tài chính thì hãy đi làm volunteer ở những lĩnh vực mà mình đang học
Những điều nhận được khi đi làm thêm
Vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa được làm việc trong môi trường sử dụng tiếng bản ngữ và lại có chứng nhận volunteer để sau này nếu có xin việc làm hay có nguyện vọng ở lại thì có nhiều ưu thế hơn. Và quan trọng hơn hết chính là những mối quan hệ hữu ích, có thể mang lại cho bạn nhiều cơ hội một cách bất ngờ.
Một điều lưu ý khác chính là môi trường làm việc và những người xung quanh. Ví dụ làm việc chân tay đôi đi có thể kiếm được nhiều tiền, nhưng thông thường tâm trạng sẽ không được thoải mái vì phải tiếp xúc với quá nhiều hạng người. Từ đó tư tưởng và cách suy nghĩ của bản thân cũng sẽ dần dần thay đổi để phù hợp với môi trường làm việc (có thể tốt hoặc xấu nhưng nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự nghiệp sau này), nếu vẫn còn muốn giữ công việc đó. Suy cho cùng, không ai muốn trở thành hoặc đứng gần một “cục than di động” cả.
Bàn thêm về vấn đề đi làm thì tôi vẫn trung thành với quan điểm là nên làm những việc liên quan đến ngành mình đang học dù có thể không được trả lương nhưng phải được đối xử hợp lý và không có cảm giác bị bóc lột thái quá trong quá trình làm việc. Nhược điểm của sinh viên quốc tế chính là thiếu kinh nghiệm và rào cản ngôn ngữ so với sinh viên bản xứ. Nên nếu đã có kinh nghiệm làm việc và xây được các mối quan hệ, thì sau khi tốt nghiệp cơ hội tìm được việc làm vẫn cao hơn.
Một cái lợi khác là sau khi dấn thân làm việc thực tế, là có thể biết được là bản thân có thích hợp với ngành mình đang chọn hay không. Nếu phát hiện sớm, thì vẫn có thể đổi ngành khác trong khoảng thời gian đầu.
Và hơn hết là kinh nghiệm bản thân cho thấy việc xây dựng những mối quan hệ thông qua những việc như vậy rất quan trọng. Bản thân tôi dù không giỏi bằng những sinh viên khác nhưng quá trình kiếm chỗ để thực tập lại khá dễ dàng so với đa số. Và sau khi đã có kinh nghiệm làm trong lĩnh vực mà mình mong muốn thì con đường xây dựng nghề nghiệp sau khi ra trường cũng rộng mở hơn rất nhiều lần.
Về quan điểm cá nhân thì tôi cố gắng không làm vì tiền, tôi làm chỉ vì tôi thích.
Nguồn: meodibui ( cảm ơn bạn meodibui đã có những chia sẻ rất chân thực)