TS. Alan Phan :Làm thế nào để ông có thể đứng dậy sau mỗi lần thất bại?

 TS. Alan Phan :Làm thế nào để ông có thể đứng dậy sau mỗi lần thất bại? : Đừng đổ lỗi cho ai khác, hơn 80% thất bại là do nội lực của mình. Đừng sợ những trận bão, vì nó là bài học tốt giúp tôi can đảm hơn, giống như bạn vừa trải nghiệm qua một khóa học, có thêm kiến thức và động lực để đi tới.

 TS. Alan Phan
TS. Alan Phan

Tôi không xấu hổ vì thất bại, không nhụt chí, sợ sệt. Tôi cũng cảm ơn các đối thủ và kẻ thù, vì họ cũng là ân nhân, dạy tôi rất nhiều bài học thực dụng và giữ tôi không ngã đau khi leo cao… Tôi đã ba lần gần như phá sản, nhưng sau mỗi lần về số không, tôi lại phục hồi với một sức mạnh mới và mức tăng trưởng vượt trội.

 

Lần đầu tiên năm tôi ba mươi tuổi, từng làm chủ đầu tư và đối tác cổ đông của nhiều công ty nổi tiếng Việt Nam như Dona foods, Điện Quang, sữa Foremost, tiền thân của Vinamilk, Mekong Car sản xuất xe La DaLat… với tài sản ước tính 7 triệu đô la. Nhưng sau 1975, thế cờ xoay vần, tôi mất hết. Sang Mỹ chỉ còn 600 đô la trong túi. Năm 1982, khi đang làm địa ốc bên Mỹ rất thành công, kinh tế Mỹ suy thoái, lãi suất ngân hàng lên 18-19%, tôi phải buông tay, mất khoảng trên 10 triệu đô la. Lần thứ ba khi thị giá công ty Hartcourt đạt mức 700 triệu đô la trên sàn chứng khoán Mỹ, tôi bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt.

 

Khi bong bóng dotcom bắt đầu xìu xuống, các đầu tư dàn trải đòi hỏi một nhu cầu về vốn rất cao mà Hartcourt không thể kiếm được khi bong bóng vỡ. Đến năm 2002, thị giá Hartcourt sụt xuống còn 100 triệu đô la, 600 triệu đô la đã không cánh mà bay!
Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất. Thời điểm vàng son của bong bóng dotcom năm 2000, thành công đó không thực sự do tài năng, mà do may mắn. Nhưng tôi bắt đầu trở nên mù quáng và thấy mình là một đại gia tài ba có thể tạo dựng một Microsoft, Cisco System, Yahoo mới của Trung Quốc…

 

Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế. Tôi kiêu căng, liều lĩnh, mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân… Đó là kẻ thù tồi tệ nhất không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều doanh nhân khác khi mới đạt được thành công bước đầu… Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về những mất mát, và luôn tin cái gì chết đi sẽ hồi sinh. Nguy hiểm nhất không phải là sự chết mà là sự sống dật dờ như đã chết (zombies).