NGOẠI THƯƠNG VÀ KINH TẾ QUỐC DÂN:) – FTU~NEU.

Bạn nào làm việc với mình một thời gian sẽ biết mình rất thích sinh viên Ngoại thương, vừa thông minh, năng động, có hoài bão, mặt mũi lại sáng sủa, đặc biệt thần thái toả ra rất khác biệt.

Processed with VSCO with a6 preset

Lần nào tuyển thực tập sinh hay người làm dự án mình cũng nói với các em là ưu tiên cho t sinh viên Ngoại thương :)).

Nhưng sáng nay ngủ dậy, chợt giật mình nhận ra rằng tất cả những học trò ưng ý nhất của mình hiện tại thì không có ai là sinh viên Ngoại thương cả. Mặc dù dân Ngoại thương đi học lớp nhân sự khá nhiều.

Sinh viên Kinh tế quốc dân thì mặt bằng chung không bằng sinh viên Ngoại thương, cả về sự năng động, ngoại hình, hoài bão… Cái này thì gần như ai cũng nhận thấy.

Nhưng không hiểu sao, trong một số cuộc thi (như ứng viên tài năng chẳng hạn) thì sinh viên Kinh tế quốc dân rất hay đứng giải nhất, cựu sinh viên kinh tế quốc dân thì toàn quan chức chính phủ to rồi doanh nghiệp cỡ bự. Trong khi cựu sinh viên Ngoại thương thì đa số là đi làm thuê cho tập đoàn lớn hoặc khởi nghiệp công ty vừa và nhỏ. Anh bạn mình nói rằng: Anh có mấy đứa bạn Ngoại thương, chúng nó cũng mở doanh nghiệp, làm ăn tốt, nhưng sau khi kiếm được vài triệu đô thì bán công ty, để một mớ tiền trong tài khoản rồi đi du lịch.

Tiếp xúc lâu với sinh viên Ngoại thương, mình hiểu định vị của các bạn ấy luôn cao hơn sinh viên các trường khác một bậc. Một phần lớn là do được kế thừa từ các cựu học viên, họ nhắm đến các môi trường chuyên nghiệp, các tập đoàn đa quốc gia hay đi du học từ rất sớm. Có thể họ cũng không biết tại sao mình hướng đến đó hay hoạch định cho mình một con đường nghề nghiệp dài hạn mà thường là đi theo con đường của những người đi trước để lại. Đương nhiên, rất nhiều người thành công trên con đường đó, lương họ vài ngàn đô, vị trí cao và một hình thức hào nhoáng càng là động lực thúc đẩy thế hệ trước đi theo.

Chính vì hướng đến những môi trường chuyên nghiệp ngay từ đầu mà mình nhận thấy sinh viên Ngoại thương có 2 nhược điểm lớn: 1 là thiếu CĂN BẢN, gốc rễ kiến thức thiếu chắc chắn. Khi nền móng kiến thức không chắc mà lao vào xây nhà cao tầng ngay thì họ sẽ rất nhanh chạm đến giới hạn của bản thân. Mà vì họ xây nhà cũng rất tốt nên đến khi nhà cao quá rồi nên họ không thể quay lại xây móng được nữa (cái tôi đã quá lớn, ngại bắt đầu từ những điều nhỏ). Vì nền móng không vững chắc nên khó có thể xây dựng doanh nghiệp lớn được. Cộng thêm việc thiếu lý tưởng và ham muốn thành công từ sớm (vì đều là những người có tố chất rất cao), nên khi đạt được mức độ nhất định về tiền thì họ dừng lại. Nhược điểm lớn thứ 2 là THIẾU TẬP TRUNG. Có quá nhiều cơ hội tốt trước mắt họ. Mình có cảm giác cơ hội trải nghiệm ở Ngoại thương hơn các trường khác đến 5 lần. Bất cứ sinh viên Ngoại thương nào dù mới chỉ trải qua hết năm nhất thì CV đã đầy trải nghiệm. Họ thích những trải nghiệm ngắn để tìm hiểu bản thân rõ hơn, chứ chưa xác định cho mình con đường nào là dài hạn. Chính vì thế, thường hay bị MẤT ĐỊNH HƯỚNG. Đọc confession FTU sẽ thấy rất rất nhiều thực trạng này.

Liên tưởng lại đưa mình đến trận đấu giữa Âu Dương Khắc và Quách Tĩnh trong Anh hùng xạ điêu. Một bên là chàng trai thông minh, đào hoa, con nhà nòi, võ công rất lợi hại, một bên vừa ngố, vừa đần nhưng được cái chăm chỉ, cần cù và quyết tâm. Lần đầu gặp, Quách Tĩnh thua xa Âu Dương Khắc, 2 đẳng cấp khác hoàn toàn nhau. Nhưng sau 2-3 năm, Quách Tĩnh, nhờ nắm chắc căn bản, có sự chỉ dạy của sư phụ giỏi và tính cách chăm chỉ đã đánh bại được Âu Dương Khắc trong sự ngỡ ngàng không thể đỡ nổi của chàng ta.
Kết quả sau này còn thú vị hơn nữa, Âu Dương Khắc tàn phế, bị Dương Khang hại chết còn Quách Tĩnh trở thành Ngũ Tuyệt, một trong 5 người võ công đệ nhất thiên hạ.

Thế mới biết, cái căn bản, cái nền móng, sự chăm chỉ, không ngại làm từ những việc nhỏ nhất mới khiến con người có thể trở nên thành công thực sự và bền vững

Tags: