THỰC ĐỊA.-bài viết của tiến sĩ Nguyễn Đức Thành

Chúng tôi đang ở Nagoya, Nhật Bản trong một chuyến đi khảo sát thực địa về hiện tình lao động Việt Nam tại xứ Phù Tang.

Ngoài trời lạnh và mây đen vần vũ. Những hàng cây anh đào gày guộc trơ trụi tối thui lẫn vào nền trời. (Phải ba tuần nữa hoa anh đào mới nở.) Nhưng căn phòng nhỏ chúng tôi ngồi thì ấm áp và đầy ánh đèn sáng.
– Trước khi sang đây em làm gì?
– Em làm công nhân đóng gói ở Đồng Nai – Nàng nhoẻn cười tự tin dù gương mặt có hơi gày gò.
– Trong một khu công nghiệp phải không? Tôi tỏ ra thông thạo.
– Vâng. Khu công nghiệp X.
– Trước đó em làm gì?
– Em học xong Đại học XX thì em vào đó làm. Nàng nói với giọng tự hào vì đã học xong đại học. (Tôi biết rõ Đại học đó, nhưng không tiện nhắc ra đây. Đó là một Đại học công có tiếng, và tôi không muốn đồng nghiệp của tôi biết chuyện này).
Tôi sững người. Và tôi cũng cảm thấy thái độ đó nơi các thành viên trong đoàn, vì tất cả dường như đều thở nhẹ hơn, chờ đợi cuộc đối thoại tiếp diễn. Tôi cố gắng tỏ ra không tăng thêm sự chú ý và hỏi tiếp:
– Em học xong rồi vào đó làm à?
Tôi lập tức hối tiếc vì câu hỏi đó không ích gì mà chỉ cho thấy tôi đang ngạc nhiên. Rất may nàng không nhận ra điều đó, và tiếp tục cởi mở:
– Thực ra em đã đi làm công nhân từ học kỳ cuối cơ.
Tôi chợt nghĩ phải chăng nàng đã bỏ học giữa chừng, hoặc vì lý do nào đó không tốt nghiệp được… Tôi gần như đã phác ra kịch bản đó rất nhanh trong đầu.
– Em tốt nghiệp khoa gì?
Tôi muốn nhấn mạnh đến từ tốt nghiệp, còn khoa gì thực ra chỉ là cái cớ.
– Khoa Đầu tư. Nhận bằng xong thì em vào Đồng Nai.
Dường như nàng bắt đầu nghi ngờ rằng tôi không tin nàng đã tốt nghiệp đại học.
Tôi nở một nụ cười vô hại, và chuyển hướng khỏi tấm bằng đại học của nàng:
– Thế sang đây em làm gì?
– Em làm ở dây chuyền sản xuất bánh bim bim.
Nàng một lần nữa nhoẻn miệng cười. Và tôi chỉ đăm đắm nhìn nàng.
Tags: