[PART 2] NHỮNG THỨ CẦN CÓ ĐỂ VÀO ĐƯỢC THANH HOA!
Chào các bạn, đây là PART 2 về những thứ CẦN CÓ đề vào được Thanh Hoa. Mình đã chia sẻ PART 1 về những thứ KHÔNG CẦN tại đây, mọi người rất nên đọc nhé Phần : https://cafeduhoc.net/nhung-thu-khong-can-co-de-vao-duoc-thanh-hoa-phan-1/
Tóm tắt lại, mình là bạn đã đăng ảnh thông báo được nhận học bổng Full Tuition Scholarship của Đại học Thanh Hoa (hệ Thạc sĩ bằng tiếng Anh). Như lời đề nghị của nhiều bạn, mình viết bài này xin chia sẻ kinh nghiệm quá trình apply của mình từ tháng 11 năm ngoái.
1. Cần một sự phù hợp “hoàn hảo” với khóa học
Nếu không có những thứ trên xuất sắc (các bạn đọc ở PART 1 nhé) thì mình làm cách nào để trở nên nổi bật và được chọn?
Mình giới thiệu qua chút về chương trình mình chọn theo học tại Thanh Hoa là Global Business Journalism (Tạm dịch: Báo chí kinh doanh quốc tế) ra đời từ năm 2007, là khóa chỉ có dạy bằng Tiếng Anh, hợp tác giữa Thanh Hoa và Bloomberg – Một trong những hãng thông tấn về kinh doanh lớn nhất thế giới và Trung tâm báo chí quốc tế International Center for Journalists (ICFJ). Đồng chủ nhiệm khoa là giáo sư người Mỹ (cũng chính là người phỏng vấn mình sau khi apply hồ sơ). Mỗi năm khoa chỉ tuyển khoảng trên 20 sinh viên vào học từ 10-15 quốc gia. Có thể nói là một môi trường lý tưởng cho mình khi số lượng sinh viên ít, đa dạng văn hóa, và có sự tham gia của nhiều chuyên gia quốc tế.
Có thể nói rằng mình đã lựa chọn 1 khóa học khá đặc biệt trong Thanh Hoa và mình tin rằng đây là quyết định thông minh vì nó giúp giảm thiểu mức độ cạnh tranh vào trường và thậm chí còn được ưu tiên vì là sinh viên quốc tế. Thêm nữa, càng chọn ngành hẹp phù hợp sát với background của bạn, bạn càng dễ thuyết phục hội đồng tuyển sinh vì sao họ cần chọn bạn vào học. “Hãy chọn ngành học đặc biệt như sự đặc biệt của con người bạn!”
Nói đến sự phù hợp “hoàn hảo” của mình. Mình là sinh viên ngành Truyền thông quốc tế, thuộc top 15% sinh viên tốt nhất khoa, nên là ít nhất là phù hợp ngành học và năng lực học 100% rồi nhé. Tiếp theo, sau ra trường, mình có 2 năm là cán bộ điều phối truyền thông cho một đề án mà Bộ quản lý, tập trung làm về hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia, do đó, mình hoàn toàn phù hợp với chữ “business” của khóa học (nói thật là tìm được khóa học này như kiểu tìm đc chân mệnh thiên tử ấy các bạn ạ ). Mình đã từng làm việc với trên dưới 50-60 cơ quan báo chí lớn nhỏ trong và ngoài nước cho lĩnh vực này, từng là Phó Trưởng Ban điều hành kiêm Trưởng ban truyền thông một dự án lớn về khuyến khích thanh niên tham gia vào chương trình nghị sự của đất nước. Thêm vào đó là kỹ năng nghề nghiệp khi thành thạo hầu hết các công cụ trong lĩnh vực, có sản phẩm viết, thiết kế, và điều phối truyền thông cho một trong các sự kiện công nghệ lớn nhất nước. Do đó, mình cần phải thể hiện được điểm nổi bật này trên tất cả các giấy tờ và bài luận, thư giới thiệu của mình một cách thống nhất và bổ trợ cho nhau.
Một kinh nghiệm nữa mình mách nhỏ các bạn, đó là, khi các bạn nộp hồ sơ vào những ngôi trường mang tính học thuật cao, hãy cho họ thấy năng lực về nghiên cứu/research của bạn. Có thể thông qua các bài báo khoa học, khóa luận đã dịch, hoặc kinh nghiệm nghiên cứu tại các cơ quan bạn làm. Biết đâu, thầy cô của khoa đang có dự án nghiên cứu liên quan và có thể sẵn sàng chọn bạn vì bạn có thể giúp ích cho họ trong thời gian tới (mình đã được thầy trưởng khoa hỏi về việc tham gia dự án nghiên cứu của thầy trong lúc phỏng vấn vì thầy thấy mình phù hợp với dự án đó sau khi đọc hồ sơ nhé, chắc cùng vì lý do này sau khi nộp hồ sơ 2 ngày mình đã được hẹn lịch phỏng vấn rồi).
2. Kể câu chuyện của bạn giống như một “định mệnh”
Ai chẳng có lúc “lượn lờ” chỗ này chỗ kia trước khi chọn con đường của mình? Nhưng cách bạn lựa chọn kể câu chuyện của mình ra sao mới là quan trọng.
Mình là cựu học sinh chuyên Tin của trường THPT Chuyên Khoa học và Tự nhiên, sau đó lên đại học quyết định chuyển hướng sang học ngành truyền thông và gần như không đụng gì đến các kiến thức tư duy thời trung học, khi đi làm thì lại vào một cơ quan nhà nước và giờ apply cho một khóa về “kinh doanh”. Thế nhưng khi bạn khéo léo dùng sợi dây liên kết câu chuyện của bạn một cách phù hợp, bạn sẽ trở thành người hết sức đặc biệt (và có khi chính là lý do bạn được chọn). Sự đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề, sự nỗ lực để đạt thành tựu trong tất cả những việc bạn làm, là thứ làm nên con người bạn ngày hôm nay. Nên kinh nghiệm là hãy “vận não” của bạn để có 1 bài luận vào Thanh Hoa, Bắc Đại như một câu chuyện định mệnh không thể thay thế khi họ chọn bạn vào trường nhé!
3. Sự phù hợp với đất nước, ngôi trường và khả năng đóng góp cho 02 quốc gia
Nhiều người hỏi tại sao lại chọn Trung Quốc? Đầu tiên dĩ nhiên là vì thích. Cái sự “thích” này thì thôi mình không giải thích nhé (có ai biết lý do của trái tim
). Nhưng quan trọng hơn, bạn hãy thể hiện lý do hết sức thuyết phục trong bài luận của mình về lý do chọn đất nước và ngôi trường này. Như mình là người đã có kinh nghiệm làm việc và ở vị trí đi phỏng vấn nhiều người cho tổ chức, những lời nói rằng mình “thích” làm gì đó mà không có chứng minh bằng hành động của quá khứ thậm chí khiến mình đánh giá thấp ứng viên. Do đó, hãy nêu lên lý do và lý tưởng cho sự lựa chọn của mình.
Lý do của mình đã thể hiện trong bài luận đó là: thứ nhất, Trung Quốc có thị trường lớn, văn hóa kinh doanh và văn hóa truyền thông gần gũi với Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển nghề nghiệp của mình; thứ hai, Bắc Kinh là hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mạnh thứ tư trên thế giới, có số lượng doanh nghiệp kỳ lân lớn nhất thế giới, là địa điểm tuyệt vời nếu muốn học hỏi cho Việt Nam; và thứ ba, Thanh Hoa được mệnh danh là MIT của Châu Á, rất mạnh về khoa học và công nghệ, phù hợp với background học sinh trường chuyên khoa học như mình và cũng như công việc hiện tại.
Như các bạn cũng đã nghe nhiều kinh nghiệm trước đó, việc thể hiện bạn sẽ đóng góp như thế nào cho hai quốc gia sau khi học sẽ là yếu tố làm sáng thêm con người bạn. Và nó nên xuất phát từ sự logic trong những gì bạn đang làm cũng như sự tâm huyết trong trái tim của bạn để thay đổi và đóng góp cho quốc gia quê hương. Mình đã lên kế hoạch cho việc đóng góp cho hoạt động kết nối về kinh doanh của hai quốc gia thông qua những mạng lưới mình đã có trong công việc hiện tại, và mình tin rằng mình có thể làm được việc ấy!
4. Bạn vẫn cần may mắn!
Chốt lại thì dù bạn chuẩn bị kỹ như thế nào, bạn vẫn cần may mắn. Mình nghĩ điều này (không biết có đúng không), nhưng sau khi được nhận vào trường thì giai đoạn xét học bổng là giai đoạn dịch COVID19 làm ảnh hưởng đến hình ảnh TQ nghiêm trọng, do đó chắc chắn ảnh hưởng số lượng sinh viên quốc tế vào các trường ở đây, dù có là trường top thế nào. Do đó mình tin rằng mình đã may mắn khi được chọn là một trong các sinh viên ít ỏi được nhận học bổng của đại học Thanh Hoa – ngôi trường top 20 của thế giới.
Lời kết:
Mình cũng muốn chia sẻ thêm thế này, mình tin rằng nhiều bạn nghĩ rằng do tình hình căng thẳng chính trị giữa nước mình và TQ diễn ra tương đối thường xuyên nên sẽ có sự cân nhắc trong việc xét tuyển cho học bổng cho sinh viên Việt Nam. Điều này đúng phần nào đó. Nhưng mình nghĩ rằng nếu bạn đã chọn apply vào những ngôi trường hàng đầu, thì đó là những ngôi trường đề cao giá trị con người và giá trị của trí tuệ hơn hết mọi thứ, và mình tin mọi sự xét duyệt sẽ rất công bằng với đúng những thứ bạn có.
Do đó, bảo vào Thanh Hoa vừa khó mà lại không khó, quan trọng là bạn biết mình cần gì và không cần gì để chiến thắng nhé!
Chúc các bạn thành công và rất mong gặp mọi người tại Bắc Kinh trong năm tới
P/s: Trả lời một số câu hỏi về lịch học thì đầu mối của khoa có báo mình về việc kỳ đầu tiên sẽ học online từ 1/9 và có thể cuối năm, không thì sang năm mới sang học offline được nhé.