VĂN MINH TRUNG HOA BẮT NGUỒN TỪ AI CẬP?

Một bài báo rất thú vị trên tạp chí Foreign Policy rất uy tín của Mỹ: VĂN MINH TRUNG HOA BẮT NGUỒN TỪ AI CẬP?. Cảm ơn Tran Kien đã share. (TS. Nguyễn Đức Thành- viện trưởng Verp)

Vì bài dài và có nhiều chi tiết nên xin tóm tắt sơ bộ như sau (tốt nhất là vẫn nên đọc cả bài. Chắc bản dịch tiếng Việt sẽ được một báo nào đó cho ra sớm thôi):

1. Từ lâu các sử gia Trung Quốc đã không rõ nguồn gốc của người Hoa và nguồn gốc nền văn minh của họ đến từ đâu. Chủ nghĩa dân tộc Đại Hán tất nhiên muốn chứng minh văn minh và chủng tộc Hán tiến hoá một cách tự nhiên và liên tục tại Trung Quốc.

2. Tuy nhiên, các học giả TQ từ trước đến nay vẫn nhất trí rằng TQ tiến vào Thời đại Đồ Đồng thông qua quá trình nhập khẩu công nghệ từ phương Tây (Tức là phép luyện kim không được phát triển từ trong TQ). Họ vẫn nghĩ là công nghệ này vào TQ qua nẻo Trung Á, trong một thời gian dài giao lưu văn hoá.

3. Tuy nhiên, một nhà khảo cổ TQ họ Tôn, khi làm luận án tiến sĩ cách đây vài chục năm, phát hiện ra đồ đồng TQ thời Hạ-Thương có công thức thành phần gần như giống hệt với đồ đồng của Bắc Ai Cập, và không liên quan gì đến thành phần của quặng đồng tồn tại ở TQ. Mà nền văn minh đồ Đồng ở Ai Cập ấy thì phát triển mạnh mẽ trước thời Hạ vài thế kỷ. Vì thế, ông cho rằng những người Ai Cập cổ đại đã đổ bộ vào TQ từ bờ biển và sáng lập ra nền văn minh Đồ Đồng tại TQ vào trước nhà Hạ. Giả thuyết này của ông, khi còn là một nghiên cứu sinh, đã gây choáng váng cho vị GS hướng dẫn. Vị GS đó đã không cho ông công bố và bắt ông chuyển hướng đề tài. Sau 20 năm, ông tiến sĩ trẻ đã thành một GS uy tín, liền công bố lại phát hiện năm xưa.

4. Các nhà khoa học TQ từ lâu vẫn bối rối với nguồn gốc của dân tộc mình. Nên cuộc tranh luận nổ ra dữ dội. Lật lại lịch sử, điều này không phải quá mới. Ví dụ nguồn gốc Kinh Dịch là một vấn đề lớn. Nhiều học giả đã từng thấy Kinh Dịch rất giống một cuốn sách của người Babylon cổ.

5. Học giả họ Tôn cũng lưu ý rằng mở đầu Sử Ký, Tư Mã Thiên có nói người TQ là con cháu của một vị vua thống lĩnh 9 dòng sông. Trong khi Hoàng Hà chỉ là một dòng. Còn chính lưu vực Lưỡng Hà có 9 dòng sông. Một số học giả cho rằng, tổ phụ của TQ trong truyền thuyết – Hoàng Đế – chính là một vị vua Ai Cập, người đã lãnh đạo cuộc di dân vĩ đại khoảng 4000 năm trước đây.

6. Bài báo cũng nói việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử TQ, vấn đề nguồn gốc TQ, v.v… đã bị các thể chế chính trị áp đặt thế nào trong suốt TK 20. Và nói chung dưới thời Cộng Sản từ sau 1949 thì rất cực đoan, xoá bỏ mọi yếu tố ngoại vi.

NHẬN XÉT:

N1. Khoa học lịch sử cũng như các khoa học khác, chứa đựng trong nó nhiều điều bất ngờ để con người khám phá. Có nhiều điều rất khác lạ không như niềm tin phổ biến vẫn hằng tồn tại. Và riêng đối với Lịch sử, nội dung của nó luôn bị chi phối bởi ý chí chính trị chủ quan.

N2. Cuộc tranh luận hiện nay về vấn đề rất nhạy cảm này tại TQ cho thấy học giả họ Tôn can đảm và tự tin đến mức nào. Ông dám đương đầu với chủ nghĩa dân tộc mênh mông ở TQ. Qua đó, cũng thấy tinh thần tự do học thuật của TQ là đáng cho Việt Nam học hỏi. (Việt Nam vẫn thua TQ khoản này trong bất cứ giai đoạn nào.)

Tags: