Du học sinh nên về hay ở lại nước làm việc? Chia sẻ thực tế của các du học sinh

Du học sinh nên về hay ở lại nước làm việc? – đây là điều băn khoăn mà không ít của du học sinh. Thật ra đây cũng là không dễ trả lời. Du học xong có nên về nước? Du học sinh trở về hay ở lại? Du học tự túc xong có nên về không? Mình cùng nhau phân tích nhé.

Du học sinh nên về hay ở lại nước làm việc? Chia sẻ thực tế của các du học sinh
Du học sinh nên về hay ở lại nước làm việc? Chia sẻ thực tế của các du học sinh

1. Sống ở trên đời nên biết mình là ai

Trước hết, các bạn lưu học sinh nên xác định xem mình là ai, mình muốn làm gì, mình muốn trở thành người như thế nào? Chỉ khi những điều này đã rõ ràng rồi, thì các bạn mới có thể quyết định được việc ở hay về cho bản thân.

Du học sinh, các bạn là ai? Thế nào cũng có người bảo: “Hỏi gì mà lạ thế?”. Du học sinh là những người đi học nước ngoài, theo nhiều cách: được mời đi do tài năng, do có “cách” xin học bổng, do cơ quan nhà nước hay trường Đại học có suất cử đi, hoặc do hoàn cảnh gia đình khá giả.

Nhưng dù đi theo bất kỳ dạng nào, học bất kỳ ngành gì, và lấy bất kỳ bằng cấp nào, các bạn cũng nên xác định một cách rõ ràng, rằng mình chỉ là người đi học. Học ở trường là bước đầu tiên nhằm cung cấp kiến thức, khả năng tư duy và phương pháp luận để sau này các bạn ra trường đi làm. Chứ không phải cứ tốt nghiệp, có cái bằng là các bạn đã thành nhân tài xuất chúng, phải được yêu thương, kính trọng và lễ phép.

Giữa học ở trường và thực tế là… khoảng cách

Giữa việc học hành ở trong trường với nghiên cứu khoa học trong thực tế và làm việc trong công nghiệp là cả khoảng cách… một trời một vực.

Các bạn phải xác định được rằng, không phải ta có cái bằng đẹp, có kiến thức tốt mà ra trường cái chúng ta có công việc ngon và có sự thăng tiếng trong công việc nhờ có kiến thức vững chắc. Đó là một ý nghĩ sai lầm, tôi biết rất nhiều sinh viên ra trường có rất nhiều nhiệt huyết trong công việc. Nhưng một phần so môi trường công việc của mình không hợp, một phần là do bản thân chưa đủ kinh nghiệm thực chiến làm cho các bạn bị sock và dẫn đến stress. Và không phải môi trường nào cũng có thể hợp với bạn được.

Ví dụ điển hình:

Có một bạn đoạt giải Toán quốc tế, anh được mời đi học Toán tại trường Lomonosov ở Nga, rồi được Harvard mời sang Mỹ học Ph.D Kinh tế. Ngày đặt chân vào Harvard, anh tuyên bố một câu xanh rờn “H. đi học ở Harvard là vinh dự cho Harvard, chứ không phải vinh dự cho H.”. Quả thật kết quả học tập của anh “trên mức tuyệt vời”. Luận văn ra trường của anh làm cho không chỉ giáo sư Harvard mà giáo sư nhiều trường khác nữa thán phục.

Rất tự tin, anh ôm hồ sơ lên một công ty Thị trường chứng khoán của người Do thái ở New York để xin việc. Hôm phỏng vấn, anh được đưa một model – mà hàng ngày công ty vẫn dùng dự báo Chứng khoán – để phân tích. Lúc đó anh chưa nghĩ ra, ba ngày sau lên gặp họ lại vẫn nghĩ chưa ra. Tuy thế, công ty vẫn nhận với lý do “Dù anh nghĩ không ra, nhưng thấy anh có khả năng tư duy, nên chúng tôi tuyển vào làm”. Làm một vài năm, thấy không lại được với những người kinh doanh trong thực tế, anh bỏ về Việt Nam kinh doanh, bây giờ là một triệu phú tiền “đôla” khá nổi tiếng.

Có một ví dụ khác:

Một số bạn du học sinh có lực học rất tốt khi đi du học. Rồi quyết định trở về nước vì do là muốn được gần với gia đình bạn bè và một phần cứ nghĩ là mình sẽ đóng góp được rất nhiều cho công ty với lượng kiến thức của mình. Nhưng rồi trong một thời gian đi làm. Các bạn bị sock. Thứ nhất, do quen với cách sống bên trời Tây, cách làm việc và môi trường bên đó nên về Việt Nam các bạn kì vọng quá cao về công việc khởi đầu và đến khi bắt đầu làm cảm thấy gò bó và khó chịu vì môi trường làm việc. Thứ hai, lương ở Việt Nam chắc chắn là không được cao như lương bên đó rồi và có nhiều cái trong quá trình đi làm bạn sẽ gặp phải mà không lường trước được sự việc và đâm ra chán nản và muốn bỏ việc.

2. Quan điểm của bạn về cuộc sống

Bạn phải có quan điểm rõ ràng về cuộc sống sau này của bạn. Bạn mong muốn có một cuộc sống mới (new life) hay quay trở lại cuộc sống như trước đây ở quê nhà (old life)? Theo tôi, nếu như bạn chỉ thích ăn những món thuần Việt, không thể sống xa gia đình, họ hàng, bạn bè … thì bạn sẽ rất khó để hòa nhập với cuộc sống ở xứ người sau khi tốt nghiệp.

Mặt khác, cuộc sống ở nước ngoài có thể sẽ rất phù hợp với bạn nếu bạn thực sự có khả năng thích ứng cao về văn hóa, hài lòng về chế độ an sinh, xã hội, đánh giá cao chất lượng giáo dục … đôi khi chỉ là có được cảm giác tự do ở trời Tây. Như vậy, quan điểm “old life” hay “new life” hoàn toàn phụ thuộc vào cảm nhận của mỗi người.

Mỗi nơi đều có áp lực riêng và mỗi nơi đều có thuận lợi riêng, bạn phải biết được mình muốn cái gì, muốn sau này như thế nào. Phải vạch rõ trong quá trình du học.

3. Du học xong về nước hay ở lại ?

Chúng ta lại quay về chủ đề chính. Mình sẽ phân tích rõ ràng hơn để cho các bạn hiểu:
Vì sao du học sinh không về nước ?

Những người vay mượn để đi du học tự túc: Có một số bạn không phải gia đình khá giả, vì lý do này khác không xin được học bổng, nhưng có ý chí phấn đấu, nên vay tiền đi du học tự túc. Số tiền có thể khá lớn, nếu về ngay mà không có việc làm tốt để trả nợ thì cũng… kẹt. Các bạn này nên ở lại đi làm kiếm tiền trả nợ, tích lũy lấy một số vốn rồi hãy về.

Những người học những ngành quá “cao siêu”: Những ngành như Vật lý nguyên tử hay Vật lý lý thuyết, PLM/PDM software for enterprise, Super Computing, Robotics… thì có lẽ chưa nên về vội. Hiện nay máy móc ở Việt nam chưa có, chưa biết bao giờ mới có, những người này về sẽ không có đất để “dụng võ”. Chưa kể, về một thời gian thì kiến thức sẽ bị mai một. Nếu đến lúc Việt Nam có nhu cầu phóng tên lửa, hoặc muốn làm máy bay… thì kiến thức của các bạn đã lạc hậu, sẽ không cống hiến được nữa.

Những người không đủ khả năng: Nhiều người “kém cỏi” mà do may mắn, hoặc có “bí quyết riêng” nên được cử đi học thì nếu không thích có thể… ở lại, vì có về cũng chưa chắc đã đóng góp được gì cho đất nước.

Những người “chưa thật biết rõ mình”: Có những người đi du học, thậm chí tại những trường top của thế giới, nhưng thật ra năng lực chưa đủ, mà vì “Quỹ học bổng tài trợ cho họ xin + Điểm ưu tiên cho các quốc gia nghèo đói, kém phát triển + điểm khu vực. Ra nước ngoài, họ đã học rất chật vật, hết năm này qua năm khác. Để lâu quá sẽ tốn tiền học bổng nên rồi họ cũng được tốt nghiệp, dù có nhiều điểm phải “vớt”. Nhưng họ lại không biết điều đó, vẫn nghĩ mình thật sự giỏi, vẫn đòi phải được “đãi ngộ” xứng đáng. Họ còn thích nói những chuyện “đao to búa lớn”, chuyện quốc gia đại sự. Như thế, có về cũng thật khó tìm được chỗ làm… tương xứng.

Vì sao du học sinh nên về nước?

Học ngành kinh tế: Đất nước đang thật sự phát triển kinh tế, và cần những chuyên gia giỏi. Đừng lo học kinh tế bên nước ngoài rồi về nhà không áp dụng được. Không áp dụng một cách máy móc, nhưng những nguyên tắc, quy luật, quy trình đều có những nét chung, đều có thể cải biến và ứng dụng một cách sáng tạo được.

Học ngành Văn hóa: Các bạn nên về để giúp đồng bào trong nước có thói quen dừng xe trước đèn đỏ, ra chỗ đông biết xếp hàng, không chen lấn xô đẩy và không xả rác ra đường… Chỉ như thế đã là đóng góp to lớn cho đất nước rồi.

Học ngành kiến trúc và quy hoạch đô thị: Các bạn nhất định nên về để cùng góp phần quy hoạch đất nước ta cho thật sự xứng đáng là “Việt Nam – điểm đến của thiên niên kỷ”. Thật buồn khi quê ta có những kiến trúc kiểu “Em ơi Hà Nội chóp”, dự án trùng tu bằng cách thay cột gỗ của Hoàng cung Huế bằng cột bê tông, hay có những ý kiến đòi thay nước Hồ Gươm, đòi đập khu phố cổ Hà Nội…

Các bạn khá giả và có sẵn cơ sở kinh doanh hay những quan hệ tốt ở nhà: Bây giờ đang giai đoạn phát triển kinh tế, ai có cơ sở và quan hệ sẵn thì có thể kiếm tiền triệu (USD), nên về mà “tiếp bước bố mẹ”, chứ ở lại làm gì?

Vậy nên, câu trả lời phải nằm ở bạn. Bạn phải xét về hoàn cảnh của bản thân xem là mình mong muốn cái gì nhất cho tương lai. Đừng nghe những lời nói hay sự tác động bên ngoài mà đánh mất đi chính kiến riêng của mình. Về hay ở là tất cả phụ thuộc vào bạn. Hãy cho mình thời gian suy nghĩ thật kĩ về nó trước khi quyết định.

Sau khi về, sẽ làm được gì?

Khi đi du học về, những kiến thức mình học được sẽ giúp ích rất nhiều cho quá trình phát triển của đất nước ta. Việt Nam đang rất cần phát triển kinh tế, nên nếu bạn học về kinh tế chắc hẳn sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển tại nước nhà. Hoặc kiến thức bạn học về xã hội thì cơ hội nghề nghiệp của bạn sẽ cao hơn. Vì để Việt Nam phát triển hơn, các ý thức xã hội cần phải cao hơn như: xếp hàng nơi đông người, không xã rác bừa bãi,..

Nhưng, đời không như là mơ, đối với một số nhà tuyển dụng, kiến thức học tập của bạn không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của họ. Vì sao? Vì họ cho rằng, kiến thức của bạn quá “cao siêu”, họ không đáp ứng được điều kiện và nhu cầu của bạn. Bên cạnh đó, vì nơi bạn học là nước ngoài, những kiến thức đó sẽ áp dụng cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn thay vì làm tại công ty Việt Nam.

Một số chia sẻ của các bạn du học sinh trở về hay ở lại

Nguyễn Thu Thảo – Đi rồi cũng sẽ quay về

Mình vừa mới đi du học ở Nhật được hơn 1 năm. Mình sẽ phải học thêm 3 năm nữa để lấy bằng đại học, và 2 năm nữa để học lên thạc sĩ. Mình xác định khi đi du học là để về Việt Nam làm việc tốt hơn, có mức lương cao hơn, học hỏi được nhiều điều hay ở nước ngoài để áp dụng ở nước mình. Hầu hết bạn bè người Việt tại Nhật của mình đa số đều không về nước. Họ đã quen với cuộc sống ở nước ngoài và khi về nước họ biết rằng rất khó tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn của họ. Mình quay về nước, có thể lương thấp hơn, môi trường làm việc chưa chuyên nghiệp bằng ở Nhật, nhưng mình được sống bên bạn bè và gia đình. Mình không có nhiều tham vọng và cũng không bị áp lực bởi tiền bạc, nên mình sẽ trở lại Việt Nam sau khi học xong. Và mình biết vẫn còn rất nhiều bạn du học sinh có tư tưởng giống mình.

Võ Hoàng Thịnh – Nếu được du học, mình sẽ không về nước

Nếu đi du học ở nước ngoài trong nhiều năm, số tiền phải chi ra có khi lên đến hàng tỉ. Với những bạn đi du học tự túc, họ chọn cách ở lại nước ngoài làm việc cũng không khó hiểu. Nếu gia đình mình cho mình đi du học, học xong mình về ngay, chẳng phải lỗ vốn sao? Phải đi làm nhiều năm để “gỡ vốn” rồi sau đó tùy cơ ứng biến. Mình thà sống trong một môi trường cạnh tranh công bằng, được thể hiện khả năng thật sự của mình, với một mức lương tương đối, mức sống cao, còn hơn phải về nước để “chạy việc”, không phát huy được khả năng, mức lương bấp bênh và môi trường sống đầy ô nhiễm, khói bụi, thức ăn hay có chất độc. Mình từng đọc một thống kê ở đâu đó, chưa chính xác lắm, nhưng có thể phản ánh được tình trạng hiện nay: 90% du học sinh không muốn về nước khi học xong. Trước khi phê phán người khác, bạn hãy đặt mình vào hoàn cảnh đó. Nếu bạn được đi du học, chắc gì bạn đã chịu về nước?

Nguyễn Hà My – Mỗi người có một cách cống hiến khác nhau

Bạn phải lo được cho bản thân mới có thể lo được cho người khác, đừng nghĩ tới chuyện gì quá to tát. Khi bạn có lương cao, sống trong môi trường hiện đại, gửi được tiền về cho gia đình, giúp gia đình ở Việt Nam có mức sống tốt hơn, tức là bạn đã cống hiến rồi. Mình ở Mỹ, đi du học tự túc, sau đó nhận được học bổng tại Mỹ, thì mình muốn ra trường được làm việc tại Mỹ như một cách “cống hiến”. Những bạn du học sinh đâu có nhận học bổng từ Việt Nam? Tại sao phải bắt họ về Việt Nam để cống hiến? Nếu nghĩ sâu xa hơn, mình nghĩ việc các bạn trẻ ở lại nước ngoài làm việc cũng có nhiều ưu điểm. Họ là người Việt Nam, làm việc ở nước ngoài, giúp người khác biết nhiều hơn về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam, cũng là một cách quảng bá và cống hiến đấy chứ. Chính họ góp phần làm rạng danh người Việt trên toàn cầu.

Nguyễn Minh Triết – Ở đâu tốt hơn thì sẽ ở đó

Mình có vài người bạn học MBA ở nước ngoài, luôn muốn về Việt Nam làm việc. Bởi vì ở nước ngoài, họ phải đi làm thuê, nhưng về Việt Nam, nếu cố gắng họ sẽ được làm chủ. Việt Nam là đất nước đang phát triển nên có rất nhiều cơ hội cho những người giỏi. Còn khi bạn làm việc ở nước ngoài, rất nhiều người hơn bạn, có thể bạn đạt được mức lương cao nhưng công việc thì sẽ ổn định, đều đều, không đột phá. Tuy nhiên, đó là những bạn thiên về khối ngành kinh doanh. Đối với các bạn chọn những chuyên ngành mang tính học thuật cao, liên quan đến khoa học kĩ thuật, thì nước ngoài mới là môi trường tốt dành cho họ. Nếu về Việt Nam họ sẽ không phát triển được chuyên ngành của mình. Tùy vào hoàn cảnh mà có quyết định phù hợp, không nhất thiết phải về nước mới là yêu nước.