Kinh nghiện chuẩn bị đồ khi sang Canada định cư hoặc du học. Vậy là nhà mình đã qua Can được hơn 2 tháng rồi. Mọi thứ đã dần tạm ổn, khóa học mình đã bắt đầu và con trai mình cũng đã được đi học. Giờ mình rất bận, nhưng vì hôm giờ có mấy bạn liên hệ hỏi về việc chuẩn bị đồ đạc, mọi thứ trước khi đi và cuộc sống thực tế bên này thế nào, và 1 vài người bạn thân của mình cũng đang trong quá trình chuẩn bị sang Can, nên mình ráng ngồi chia sẻ vài trang cho mọi người có tinh thần. Và lần nữa nhắc lại mình chỉ trả lời câu hỏi cho những ai đã có sự tìm hiểu và chuẩn bị ở 1 mức độ nào đó, và có câu hỏi cụ thể, rõ ràng và hỏi về những thông tin mình chưa đề cập trong bài. Những bài chia sẻ trước đó mình đã rào cẩn thận rồi, vậy mà vẫn có nhiều bạn liên hệ hỏi những câu cà lơ phất phơ, và hỏi kiểu vừa hỏi vừa tự trả lời, rồi khi mình chỉnh lại thì tỏ thái độ luôn, bảo mình chảnh chọe khó chịu hay này nọ kia. Sorry mình chia sẻ free, và mình không có trách nhiệm trả lời những đối tượng hỏi không được khiêm tốn và cầu thị, nên nhắm không hợp tai thì đừng liên hệ làm mình mất mood và động lực để chia sẻ cho người khác nhé. Và kinh nghiệm của mình là cho trường hợp đi cả gia đình và có con nhỏ nhé (vui lòng đọc lại các bài trước của mình để khỏi hỏi những câu về profile nhà mình ntn), các bạn độc thân vui tính thông cảm, mình sẽ cố lồng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình cho trường hợp của bạn trẻ nếu có thể.
Nội dung chính
Lưu ý về timing khi chuẩn bị hồ sơ:
Bạn mình tự làm hồ sơ và bị rối về timing, dẫn đến việc delay kế hoạch 1 thời gian khá dài đối với mình, nên nhân đây mình note thêm về timing của các khâu chuẩn bị để mọi người lên plan tốt hơn, tránh bị rối không cần thiết và miss cơ hội. Thời giờ là vàng bạc mà.
– Lý lịch tư pháp: mình ở HCM, có hộ khẩu, làm lltp mất tầm 3 tuần. Nếu bạn không có hộ khẩu thì phải về lại tp trong hộ khẩu để làm, thư từ qua lại giữa các bên nên dự phòng thêm nửa tháng. lltp chỉ có thời hạn trong 6 tháng, nếu nhắm thấy thời gian hồ sơ của mình bị delay, quá hạn lltp thì nên xin tờ mới và canh timing lại tương ứng. Người trên 18 tuổi mới cần lltp hay sao í, mọi người check lại nhé.
– Renew passport: Nếu thời hạn còn lại của pp chưa đủ thời gian bạn đăng ký học thì nên đi gia hạn. Mình và chồng được cấp visa đến lúc kết thúc khóa học (là 2 năm + 1 tháng so với ngày cuối cùng của khóa học), con mình thì được cấp đến 5 năm. Bạn vẫn được giữ cả pp cũ và mới nhé. Mình quen bạn bên An ninh nên mới biết là cấp mới pp ở đường NTMK mất tầm 3 tuần, còn làm ở đường Nguyễn Trãi chỉ mất hơn 1 tuần thôi. Phí là như nhau. Mình lúc đầu không biết, cứ đinh ninh mất có 1 tuần, tới lúc đi bên NTMK thấy phiếu báo cả tháng nữa mới có thì tá hỏa vì sẽ trễ deadline mình muốn. Nên phải đi rút ra liền, mất toi tiền phí vì họ chỉ cho rút hồ sơ chứ không cho rút lại phí. Qua bên Nguyễn Trãi thì mất 10 ngày vì rơi vào dịp nghỉ lễ.
– Khám sức khỏe: khám sk hình như cũng có giá trị trong 6 tháng thì phải. Sau khi có final LOA thì nên đi khám liền luôn. Phải có đầy đủ các thể loại giấy tờ thì bạn mới nộp visa online được. Nghe nói mất tầm 1 tuần thì có kết quả thì phải, và họ gởi thẳng đến lãnh sự, không có gọi báo mình nên thật ra cũng không nắm timing. Có 1 bạn hỏi mình bị viêm gan B thì có bị cấm đi Can ko. Xin trả lời là vẫn đi như thường nhé. Mình bị VGB từ nhỏ, nhưng nó đã ở dạng ngủ đông. Khi đi khám sk cứ thật thà khai báo. Bạn sẽ mất thêm tầm 2tr nữa để làm xét nghiệm xem virus có active không. Và nếu active thì bạn phải đi chữa cho đến khi nó ngủ đông lại thì mới được. Nên lời khuyên là bạn nào có ý định đi thì nên tái khám VGB asap và chữa liền nếu tái phát. Vụ chữa thường sẽ mất ít nhất là 3 tháng đó. May quá mình không tái phát.
– Dịch công chứng: nên lưu ý kĩ vụ này. Nhà mình tất cả các thể loại giấy tờ cá nhân gì cũng công chứng tất, vì biết đâu sang đây lại cần dùng. Thùng hồ sơ nhà mình mang qua chắc cũng gần chục kg. Và nên làm từ sớm và cuốn chiếu, vì giấy tờ cần nộp không phải bạn có liền 1 lúc mà nó cứ nhỏ giọt, nhất là những giấy tờ cần sự update, ví dụ sổ tiêm chủng của con. Con mình còn nhỏ và lúc đó còn thiếu nhiều mũi, nên mình phải theo dõi lịch để chích cho con. Mình báo trước bên agency và dịch công chứng để dịch trước thôi chứ không công chứng, nhắm gần sát ngày tính nộp hồ sơ thì mới gởi nốt để họ đi công chứng. Vụ này mất cả tháng đấy, nếu làm với agency thì nên hối thúc thường xuyên. Như của mình dù đã đưa rất sớm, nhưng họ đợi đến gần xong hồ sơ hết luôn rồi mới dịch, xong phút cuối chạy nháo nhào cho kịp deadline nên sai tè le luôn. Tốt nhất là không nên gấp cái gì để tránh sai sót không đáng có.
– Scan giấy tờ: vụ này cũng mất thời gian lắm nhé, nếu bạn tự làm. Và phải sắp xếp nó theo thứ tự như bài mình share trước đó, nên cần chuẩn bị trước 1 tuần để có kết quả tốt nhất. Mấy vụ scan này không cẩn thận rất dễ bị miss hoặc lộn thứ tự.
– Chích ngừa: nếu có con nhỏ dưới 2 tuổi thì lên plan vụ này từ sớm nhé, vì bé mỗi tháng chỉ được tiêm có 1 mũi thôi, mà danh sách thì cũng mấy chục mũi. Qua đây nghe nói mấy vụ chích ngừa mắc lắm, và cũng như VN không chích đủ các loại yêu cầu thì cũng không được đi học. Mình không tranh cãi với mấy bạn anti-vaccine nha. Nhà mình là bệnh nào nguy hiểm tính mạng là mình chích hết, cả 2 thằng con đều được chích đầy đủ và toàn loại tốt nhất của nước ngoài, ít biến chứng nhất có thể. Rà lại sổ tiêm chủng, còn thiếu mũi nào đi chích dần đi. Ng lớn thì chích cúm, hoặc có 1 số trường cũng yêu cầu sv chích ngừa 1 số thứ nữa, nên ktra lại theo yêu cầu của trường nhé. Nhà mình trước khi sang đây đã chích cúm nên gặp vụ Corona này cũng bớt được chút lo lắng. Ít nhất tụi nhỏ có đề kháng và loại trừ bớt các loại cúm thông thường, chứ hắt hơi sổ mũi tí cũng dễ tưởng tượng là em Cô Vy lắm.
– Chuẩn bị hồ sơ đi học cho con: báo bên trường trước 1-2 tuần để họ có sự chuẩn bị trong việc rút hồ sơ, và mình cũng phải dịch hồ sơ nữa nên dự phòng thêm 1 tuần.
Khâu chuẩn bị trước khi lên đường
Mua vé máy bay:
Vừa có visa xong là mình book vé máy bay luôn. Đợt đó Covid vừa chớm, chồng mình sợ nó bùng phát ở VN thì lại bị cấm bay và nhập cảnh ở các nước quá cảnh và ở Can nên book vé đi càng sớm càng tốt. Mình reserve nửa tháng để chuẩn bị vụ nhà cửa và đóng gói đồ đạc, mọi thứ rất chi là gấp gáp và căng thẳng. Còn vé thì mình mua ở Katty Nguyen do chị Thuy Vu giới thiệu. Họ recommend chuyến transit ở HQ vì lúc đó các thể loại quá cảnh dính đến TQ là bị banned rồi. Lúc đó chỉ lăn tăn 1 điều thôi là chuyến từ VN-Incheon chỉ transit có 1h. Nhà mình ít du lịch nước ngoài, lại chưa transit bao giờ. Mình thì chỉ đi công tác, nhưng có công ty lo hết rồi, cũng chả transit nên không có kinh nghiệm. Bạn bè mình có kinh nghiệm du lịch nước ngoài tự túc nhiều thì bảo là 1h quá gấp, nhất là có con nhỏ nữa thì cắm đầu chạy cũng không kịp, trễ chuyến thì coi như tiêu. Còn agency thì bảo chỉ cần 1h là dư xăng rồi, vì hành lý của tụi mình sẽ được chuyển thẳng đến Van rồi nên xuống máy bay từ HQ chỉ cần đi qua cổng transit lên máy bay qua Van, ko phải làm thêm thủ tục gì nữa nên không cần lâu làm gì, với lại trúng dịch Covid, vạ vật ở sân bay chỉ tổ dễ lây nhiễm. Mình quyết định tin agency, và thực tế đúng vậy, nhà mình vẫn có đủ thời gian để cho con đi vệ sinh, ăn nhẹ và nghỉ ngơi xíu trước khi lên máy bay, và cũng không gặp khó khăn gì trong việc tìm cửa transit. Chỉ có từ Van đi Kamloops mới cần lâu, vì phải lấy hành lý, check in lại chuyến Kamloops và làm các thủ tục nhập cảnh, xin SP & OWP nên mới cần transit 3h rưỡi. Nên cứ đặt niềm tin nơi agency nhé.
Bảo hiểm:
Mình mua bảo hiểm du lịch từ ngày bắt đầu đặt chân đến Can, hạn 3 tháng vì không muốn có gap timing nào. Chi phí chữa bệnh ở đây đắt đỏ lắm, không dám liều mình, nhất là đợt đó trúng Covid. Và cũng vì chính sách của BC là bạn qua Can 3 tháng mới được mua bảo hiểm của bang (không biết bang khác thế nào nhé). Bảo hiểm này mình nhờ trường mua hộ cho cả nhà luôn, trừ vào tiền học của mình, không nhớ giá nhưng không mắc. Nói chung nghe nói các trường thường rất support dhs, nên có gì cứ mạnh dạn hỏi thử nhé.
Tiền bạc:
Scotiabank limit tiền gửi 50k cad, nhưng chị Thuy Vu bảo là không được gởi đâu, chỉ được gởi đúng mức GIC quy định thôi, mình quên mất lý do chỉ giải thích là gì rồi. Chị í nói chỉ có 1 cách là mang tiền mặt theo, tối đa 7000 cad/ ng (5000 usd). Và ở hải quan họ hỏi thì cứ khai báo thành thật. Mang quá số đó thì bị mấy anh hải quan xin hoặc phạt gì đấy. Còn sau khi sang Canada, ra ngân hàng mở tk, người thân có thể gửi thêm sang dưới dạng hỗ trợ dhs, nhưng chỉ được max 30k/1 năm, và chỉ được cho dhs, người đi theo không được quota nào thêm cả. Ng thân là bố mẹ, anh chị em. Và phí thì như gởi GIC thôi. Còn cách khác là nhờ ai có nhu cầu gởi ngược lại về VN để trao đổi, mà vụ này thì risky vì biết ai với ai đâu.
Tìm và book chỗ ở:
Nên book chỗ ở trước khi qua. Có các options như air bnb hoặc khách sạn. Còn nếu đi 1 mình thì liên hệ trường xem có book kí túc xá trước được không. Nhà mình rồng rắn cả nhà nên trường bảo ko được ở ktx. Air bnb thì được cái nhà rộng rãi, nhiều option, có chỗ nấu ăn, còn khách sạn thì chật chội hơn. Còn giá cả ở tp của mình thì cả 2 gần như tương đương nhau. Case của mình là không có air bnb gần trường nên phải kiếm khách sạn, và ks đó phải có chỗ nấu ăn. Mình nhờ trường cho xin danh sách các khách sạn gần trường rồi email liên hệ họ, nhưng cuối cùng end up là nhờ 1 bạn trong group Can ở cùng tp check và book phòng dùm. Lưu ý nữa là khách sạn có rate giá theo ngày/ tuần/ tháng khác nhau (lấy ks mình làm ví dụ nhé: 75cad/ day, 350cad/ week, 1000cad/ month + tax 50/ month + deposit). Bạn đăng ký ban đầu thế nào thì tính phí theo rate đó. Mình không nghĩ là khó kiếm nhà thế nên chỉ nhắm ở ks có 1 tuần thôi, nhưng bạn giúp mình khuyên là đừng lạc quan thế, thường người khác mất cả tháng trời hoặc thậm chí tới 3 tháng mới kiếm được nhà. Mình nghe theo, đăng ký 1 tháng, và đúng là 1 tháng sau mình mới kiếm được nhà ưng ý thật.
In các hồ sơ quan trọng ra và mang theo.
Agency rất dễ thương, đã chuẩn bị sẵn cho nhà mình mỗi người 1 bộ các hồ sơ quan trọng cần mang theo, tách rõ ra cái nào mang theo xách tay, cái nào kí gởi. Cái để xách tay là phục vụ cho việc check in ở hải quan và lúc xin study permit/ work permit, gồm gần hết các hồ sơ nộp cho lãnh sự, trừ hồ sơ công việc (contract, BHXH…) và hồ sơ đi học của con để kí gởi vì không cần trình ra.
Tìm hiểu cách thức di chuyển từ sân bay về khách sạn/ nơi ở.
Chỗ mình không có uber, chỉ có 2 hãng taxi và nghe nói chờ cũng lâu lắm. Mình nhờ trường book airport shuttle dùm, nhưng lúc đến nơi không biết liên hệ họ thế nào, may mà có người trên cùng chuyến bay họ gọi điện book dùm. Còn Van thì bạn mình nói cũng chưa có Uber, nhưng giá taxi cũng không mắc. Hoặc có thể làm quen với những bạn đi trước hoặc với trường, tìm hiểu các group của trường và cộng đồng ng Việt ở đó, vừa có đồng hương cho đỡ nhớ nhà, hoặc có thể sẽ gặp ng tốt hoặc trường sẽ cử người pick up ở sân bay, hướng dẫn hoặc chở đi shopping trong những ngày đầu còn bỡ ngỡ. Nói chung tùy độ hên xui và tùy độ dễ thương của mình mà có người giúp đỡ.
Sim điện thoại:
Ở Van thì nghe nói có bán sim ở sân bay luôn, còn chỗ mình không có, họ bảo phải đến mấy cái mall lớn, trong đó nó có mấy cửa hàng điện thoại.
Đóng gói đồ đạc:
mỗi người được 2 kiện kí gởi 23kg, 7-10kg xách tay tùy hãng, kể cả con nít cũng vậy nhé. Con mình trên 2 tuổi nên bị tính vé tầm 80-90% rồi. Kích cỡ quy định của từng loại hành lý: kí gởi – tổng của 3 chiều cao dài rộng không quá 158cm, xách tay – tương tự, không quá 118cm. Kí gởi nên chọn thùng dày dặn chắc chắc 1 tí vì sợ người ta quăng quật, và lúc chuyển đồ cũng chồng lên nhau dễ bẹp hỏng đồ. Nếu bạn tính tận dụng hết số kg thì vụ đóng gói đồ đạc này cũng là cả 1 nghệ thuật sắp đặt đó, vì làm sao mỗi thùng vừa đúng tầm số kg đó mà không bị dư chỗ hay thiếu chỗ (dư chỗ thì dễ bị bẹp, thiếu chỗ thì phải lót giấy kĩ càng đúng yêu cầu của máy bay cũng mất công lắm) nên cố gắng sắp xếp trước đó 1-2 tuần, đừng để nước đến chân mới nhảy. Riêng vụ đóng gói đồ này mà vợ chồng mình cãi nhau cả tháng trời và muốn bỏ luôn kế hoạch đi. Vì ổng thì kêu có đồ gì để mà soạn, cứ để cho ổng riêng 1 thùng ổng muốn làm gì thì làm. Người ta là phụ nữ mà cứ suốt ngày bê lên bê xuống 8 thùng đồ, mỗi thùng 23kg. Vì đâu phải chốt được liền đâu, dư kg nên cứ lấy ra lấy vô. Đến tận sát ngày ổng mới chịu bỏ đồ ổng vào, lại dư kg tiếp, phải lôi ra lôi vào mấy bận nữa, lố kí nên dù mua đồ rồi phải bỏ lại quá trời thứ. Không có ba mẹ mình ở đó phụ chắc 2 vợ chồng đến lúc bay cũng làm không xong. Kinh nghiệm là tính mang thứ gì, ghi vào tờ giấy với số cân nặng bên cạnh, để excel nó giúp mình tính toán sắp xếp. Và nên trừ hao 0.5kg chênh lệch giữa cân nhà mình và cân ở sân bay nhé. Rõ ràng là mình toàn trừ hao như thế hoặc đúng số cân vì tiếc đồ, nhưng cuối cùng lên sân bay toàn dư cân, có thùng dư cả hơn 1kg, dù ở nhà mình cân là gần giống nhau. May mình có con nhỏ, và hôm đó là sinh nhật của con trai mình nên em nhân viên check in nói là em du di cho chị lắm đó, nhưng ở đầu bên kia thì em không dám hứa nhé. Chỉ biết vâng dạ cám ơn thôi chứ biết làm sao. Và nên chuẩn bị 1 list danh sách những thứ mang theo, 1 bên tiếng Việt, 1 bên tiếng Anh để có thể trình cho hải quan nếu cần, và biết đồ mình cần tìm nằm ở thùng nào. Đánh số từng thùng và để danh sách rõ ràng theo thùng.
Đồ dùng mang đi:
Mình thấy có nhiều người trên group nói đừng có mang đồ đạc lỉnh kỉnh gì cả, chỉ cần mang tiền theo thôi, bên đây có hết á. Cái đó chỉ đúng 1 phần, và nhất là đúng với những tp lớn như Van & Toronto thôi, chứ các thành phố tỉnh xa thì chưa chắc. Và mình đồng quan điểm với 1 bạn có share trước đây trên group mà sang đây mình mới đọc được, nếu đọc được trước thì đỡ mất công tranh cãi với chồng nên mang cái gì ko nên mang cái gì. Chung quy với quan điểm của mình thì mang gì sang được thì mang, vì sắm lại dù có rẻ thì mỗi thứ mỗi tí gom lại cũng nặng túi lắm, nhất là với gia đình mình, có con nhỏ theo nên không thể xuề xòa như mấy bạn độc thân vui tính được, để dành tiền đó dùng cho những dịp khác quan trọng hơn, hoặc tích tiểu thành đại sau này mua nhà chẳng hạn . Và tuần đầu tiên chưa chắc bạn đã đi siêu thị sắm sửa được, và tháng đầu tiên chưa chắc kiếm nhà được, nên mang theo những gì cần thiết để mình có thể sống sót được trong tuần đầu/ tháng đầu.
Đồ dùng cá nhân:
đồ gì bạn dùng hằng ngày thì mang theo mỗi thứ 1 ít, loại du lịch hoặc chiết ra chai nhỏ dầu gội đầu, xà phòng, dầu xả, nước giặt, băng vệ sinh… sợ bị sót thì cứ ra siêu thị, thấy mình món gì hay dùng trong tháng thì gom, nhớ là mua cỡ mini thôi, vì kiểu gì sang đây bạn cũng phải sắm. Nhớ thủ sẵn mấy chai dưỡng da mặt và tay chân cho mùa đông nhé. Mấy em trai anh trai gì cũng ráng chịu khó dùng, da mình đã dùng rồi mà còn bị khô sần, bị xước nữa, đừng như chồng mình, kêu đẹp quá sợ mấy cô theo, xin lỗi có vợ nó chê trước chứ ma nào theo. Mặt tiền của mình là quan trọng, có khi là cần câu cơm đấy. Con nít cũng cần nhé, con mình cũng có hôm bị nứt da tay thương lắm, may là giờ qua hè rồi, nhưng chưa biết đông sắp đến thì trụ kiểu gì.
Quần áo giày dép:
không cần nhiều, chỉ cần đủ dùng cho 1 tuần không giặt là được. Còn giặt xong bên đây có máy sấy, sấy xong đem ra mặc liền được luôn. Không nên sắm nhiều đồ đông, nhưng cũng nên thủ 1 vài bộ để sống sót trước khi kịp đi mua. Sẽ share ở phần thực tế cuộc sống bên dưới.
Đồ điện gia dụng:
không nên mang vì điện ở đây 110, nếu mang sang thì phải mua thêm cái máy chuyển điện nữa, hết 400k và cũng nặng tầm 1kg, và vấn đề quan trọng hơn là bên đây đồ cũ rẻ hơn nhiều, để dành số kg đó mang đồ khác cần thiết hơn. Nhà mình trước khi qua cũng tiếc bộ làm bánh vì đó là quà sinh nhật của chồng, và lúc mua cũng gần 5 chai, đã mua sẵn cái cục chuyển rồi nhưng vì quá kí nên đành để lại, ủ mưu đợi đợt có dịp về lại VN thì sẽ mang sang. Nhưng trên market place thấy cái kitchen aid xịn hơn (ở VN bán 12 chai, chồng mình lúc đó cũng ngó nghía tính mua nên mới biết giá, mình tiếc ko cho mua), có người bán lại có 80cad thôi, đồ còn mới. Còn nếu có cái nào nhẹ cân và giá trị, nhất là hay dùng và có thể xài được ở điện 110 thì có thể mang sang.
Đồ nấu ăn:
nên thủ sẵn đồ cơ bản đủ dùng trước khi có cơ hội đi mua thêm. Chén bát đũa muỗng (nhất là đũa nhé, giờ nếu đũa mình hỏng hoặc mất thì chưa biết mua ở đâu), ly, nồi niêu soong chảo, dao thớt… Nồi cơm điện thì tùy nhé, nghe nói bên đây có, nhưng là đồ mới và cũng ít lựa chọn vì chỉ có người châu Á mới xài thôi, riêng việc kiếm tô sứ cũ nhà mình cũng đã gian nan rồi vì cộng đồng người Á bên đây ít hay là ít bán đồ cũ nữa, cái này mình không rõ vì mãi gần đây mình mới kiếm được tô. Còn tô sứ mới thì siêu thị bán 10-20cad/ cái. Nhà mình còn mang thêm cái nồi cơm điện biến tầng của Nhật nữa, vì nó điện 110 sẵn, và nó nấu cơm rất ngon. Còn nồi chảo bên đây thì ko thiếu. Nói chung đồ nấu ăn nếu gia đình bạn có sẵn và nhẹ cân thì nên mang sang, vì sắm lại cũng kha khá đấy, ví dụ thôi nhé, cái rổ rửa rau hoặc thau nhựa cỡ nhỏ giá 5cad, cái rây lọc bằng inox giá 15cad (mình tìm cái này để làm bánh flan cho con, nhưng thấy giá nó xong thôi khỏi rây vậy). Còn các bạn trẻ thì hỏi và nhờ mẹ chuẩn bị cho nhé. Nên tập nấu ăn đi vì bên đây ăn ngoài rất mắc, và xui nếu trúng đợt kiểu covid như vừa rồi thì xác định không có ăn ngoài luôn, may ra chỉ có fast food qua ngày thôi.
Đồ ăn:
Không mang theo thịt động vật trên cạn (heo, bò, gà vịt) dưới mọi hình thức, kể cả trong cháo ăn liền cho em bé. Không mang theo rau cỏ cây trái còn có rễ có cành. Tìm hiểu thêm danh sách cấm đồ mang theo nhé, vì nhà mình chỉ quan tâm đến những thứ đó nên nhớ nó thôi. Còn đâu hạt giống (có nhãn mác hoặc hút chân không), nước mắm các thể loại (chỉ cần bọc dán băng keo cẩn thận tránh dây mùi) được mang tất. Chỉ cần mang gia vị nấu ăn, đồ khô, các món đặc sảnmình thích ăn mà bên đây không có thôi. Ví dụ gia vị nấu bún/ phở/ bò kho, bún/ phở/ miến khô, nấm hương, mộc nhĩ, hành phi, tỏi phi, tôm/ cá/ mực khô, các loại ruốc cá/ tôm/ lươn/ ếch, bánh phồng tôm/ chanh ngâm mật ong/ rượu tỏi tùy nhu cầu. 1-2kg gạo, mì tôm (đủ dùng trong tuần đầu thôi), nước mắm/ xì dầu/ dầu ăn chai nhỏ, nói chung là phục vụ cho tuần đầu tiên khi chưa ra khỏi nhà để đi sắm được. Còn rau khô thì theo mình là không cần. Nói sơ giá cả các loại thực phẩm ở đây nhé. Thịt heo bò loại rẻ nhất thì rẻ hơn VN (thịt heo xay 8-10cad/ kg, heo cốt lết 10-12cad, bò nạm/ bắp 12cad/ kg, riêng ba rọi thì lại mắc, tới 17cad) còn muốn mắc tiền hơn nữa thích thì cứ mua, nhưng với mình loại đó ăn còn ngon hơn cả VN rồi, thịt ngọt hơn, ít ra nước và nhất là không lo đồ tăng trọng), cá và hải sản thì hiếm hơn và đắt hơn (đa phần là cái hồi, basa hoặc 1 vài loại cá địa phương khác, tôm mực đều có nhưng đa phần là đồ đông lạnh, và mắc hơn nhiều so với VN, ví dụ cá basa cắt khúc là 12cad/ kg, cá hồi đông lạnh rẻ nhất cũng thế, còn tươi thì 20-30cad/ kg, tôm nguyên con luộc sẵn 24cad/ kg, tôm lột sẵn còn mắc nữa, mực cỡ giá tôm). Chỉ lưu ý là giá trên thường là size lớn, vì mình toàn mua loại sỉ. Bên đây tùy size mà giá chênh lệch, kiểu mua sỉ và lẻ á, và mình phải tự thái chứ ko có sẵn như ở VN. Nên tập thái thịt và kiếm con dao tốt tốt. Rau thì chưa tới hè nên ko biết phong phú đến mức nào, còn rau củ mùa đông như khoai tây cà rốt súp lơ thì giá cũng như VN thôi. Rau mùi rau có lá thì mắc hơn nhiều, nhưng lâu lâu thèm ăn cải thiện cũng ko đến nỗi.