Trải nghiệm chương trình thạc sĩ giáo dục tại Brock – Phần 3: Học ở Brock như thế nào?

Trải nghiệm chương trình thạc sĩ giáo dục tại Brock – Phần 3: Học ở Brock như thế nào?

– Là trường đại học công lập dành cho cả sinh viên Canadian và sinh viên quốc tế, Brock là thế giới đa văn hóa thu nhỏ. Sinh viên, giáo sư, và nhân viên tại Brock đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới nên mình đã học hỏi được rất nhiều điều ngoài kiến thức chuyên ngành.

– Giá trị tự do, khai phóng của nền giáo dục phương Tây là điểm nổi bật của Brock và các trường Canada (tất nhiên là ở nhiều nước khác nữa, nhưng ở đây mình chỉ đề cập đến Canada). Giáo sư không phải là người truyền đạt kiến thức mà là người hướng dẫn và hỗ trợ sinh viên phương pháp lãnh hội và kiến tạo tri thức theo cách của riêng mình. Sinh viên được khuyến khích thảo luận/tranh luận/phản biện với bạn học và giáo sư một cách tự do và văn minh để vấn đề được nêu ra được phân tích một cách đa chiều và độc đáo.

Trải nghiệm chương trình đại học thạc sĩ giáo dục tại Brock - Phần 3: Học ở Brock như thế nào?
Trải nghiệm chương trình thạc sĩ giáo dục tại Brock – Phần 3: Học ở Brock như thế nào?

Ngoài lề chút xíu: Điểm thú vị của các trường học Ở Canada và Mỹ là quyền tự do ngôn luận của học sinh và sinh viên được khuyến khích ở mức tối đa; ngược lại, quyền tự do ngôn luận của thầy cô bị giới hạn rất nhiều để đảm bảo tính trung lập và tránh political indoctrination cũng như các vấn đề liên quan đến định kiến và thiên kiến trong môi trường giáo dục. Vì vậy, học sinh/sinh viên cảm thấy thoải mái khi biểu đạt ý kiến cá nhân. Kỹ năng hùng biện và tranh luận một cách thuyết phục và văn minh cũng được rèn luyện hiệu quả từ … tiểu học.

– Sinh viên quốc tế tại Brock được hỗ trợ tối đa từ việc học đến chuẩn bị cho hồ sơ tìm việc và phỏng vấn.

->> Hầu hết các môn học đều có Advanced Education Tutor (AET). Các bạn này sẽ proofread bài luận trước khi sinh viên nộp bài và góp ý cho bài thuyết trình để chuẩn bị cho seminar. Cho dù bạn có tự tin ở kỹ năng viết và thuyết trình của bạn đến mấy đi nữa thì lỗi kỹ thuật và biểu đạt khi viết bài và thuyết trình là những thứ không thể tránh khỏi. AET sẽ giúp bài viết và seminar của bạn được trau chuốt và thuyết phục hơn.

->> Brock Career Zone là nơi quen thuộc của sinh viên khi chuẩn bị tìm việc. Ngoài job fairs và các workshops hướng dẫn kỹ năng viết CV, cover letters, và tìm việc, sinh viên còn được “trang bị tận răng” ở những buổi hẹn mock interview và revise resume miễn phí từ đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp và thân thiện của Brock để tăng sức cạnh tranh khi tham gia thị trường việc làm khốc liệt.

– Experiential Education là đặc điểm nổi bật của Brock University.

->> Experiential Education là gì? Giáo dục theo trải nghiệm nói nôm na dễ hiểu là học bằng cách thực hành và trải nghiệm nhằm tăng kiến thức, phát triển kỹ năng, thể hiện các giá trị và phát triển năng lực cá nhân để đóng góp cho cộng đồng và nơi làm việc.

->> Tất cả các ngành học của Brock đều theo triết lý Experiential Education với nhiều chương trình thực hành khác nhau tùy theo đặc trưng từng ngành học. Ví dụ: Conference Participation, Consulting Project, Co-op, Creative or Physical Practice, Creative Performance or Exhibit, Creative, Entrepreneurship or Design Project, Events, Experiential Research Project
(Graduate & Undergraduate level), Field Experience, Internship, Lab, Practicum, Project Activities, Simulations & Experimentation, Service-Learning, v.v…

Nguồn: https://brocku.ca/…/Experiential-Education-Report_definitio…

->> Ngành mình học (Master of Education) nếu nhìn bên ngoài thì có vẻ nặng về lý thuyết và không phải là chương trình Co-op, nhưng sinh viên vẫn có cơ hội thực tập khi học đến môn Field Experience:

->>->> Về lý thuyết, môn này tập trung tìm hiểu và nghiên cứu về Experiential Education để sinh viên hiểu sâu và vận dụng triết lý giáo dục này nếu có dự định làm việc trong lãnh vực giáo dục.

->>->> Về nội dung thực tập, môn học này là cơ hội để mình tham gia và dự án của khoa, nghĩa là làm việc và đóng góp thực sự, chứ không phải học để được điểm A cho xong. Nhờ khóa thực tập mà mình được nhận làm part-time Research Assistant cho một dự án giáo dục của khoa. Thực tế là dù rất nhiều sinh viên quốc tế có việc làm part-time ngoài giờ, nhưng không nhiều sinh viên có cơ hội làm việc cho trường. Nếu bạn chọn học ngành M.Ed như mình thì đừng coi thường những cơ hội để cống hiến, dù rất nhỏ, trong kỳ thực tập và trong các việc volunteer nhé. Hãy nỗ lực cống hiến hết mình, cơ hội sẽ đến với bạn.
Mình rất nể những sinh viên làm việc chân tay để có tiền trang trải sinh hoạt phí khi du học. Đó là những kinh nghiệm quý báu để bạn trải nghiệm, dù không liên quan đến chuyên ngành. Tuy nhiên, nếu có thể làm part-time cho trường, dù không được làm nhiều giờ như mong muốn, đó vẫn là “điểm cộng” đáng kể để bạn xây dựng CV khi tìm việc. Và dù làm part-time trong trường hay ngoài trường thì việc học vẫn là ưu tiên hàng đầu, bạn nhé!

– Students’ Mental Health (Sức khỏe Tinh thần của sinh viên, lẽ ra là Sức khỏe Tâm thần, nhưng mình nói tránh để độc giả “nhạy cảm” không hiểu lầm):

Brock cực kỳ quan tâm đến sức khỏe tinh thần của sinh viên. Khái niệm này khá lạ với các bạn sinh viên Việt Nam nhưng, như mình đã đề cập ở phần 1, sức khỏe tinh thần là cực kỳ quan trọng trong cuộc sống. Sinh viên ở Canada đa phần đều vừa học vừa làm để trang trải cuộc sống nên rất dễ căng thẳng, mất phương hướng, hoặc trầm cảm khi cảm thấy quá tải, nhất là trong mùa đông lạnh giá. Sinh viên bị khủng hoảng tâm lý sẽ được khuyến khích gọi đến hotline hoặc đặt lịch hẹn với chuyên gia tư vấn của trường. Nguyên tắc tư vấn của các chuyên gia là tôn trọng, bảo mật, lắng nghe, hỗ trợ, không định kiến, không phán xét để người cần tư vấn có thể tin cậy mà trải lòng về những khó khăn mà họ đang đối mặt.

https://brocku.ca/mental-health/students/….

Sự chú trọng Mental Health của Brock có mặt khắp nơi trong đời sống sinh viên. Ngoài dịch vụ tư vấn Mental Health được tư vấn miễn phí quanh năm suốt tháng, sinh viên ở Brock quá quen thuộc với những “lời nhắc nhở thân thiện” về việc tự chăm sóc sức khỏe tinh thần khi mùa thi/mùa deadlines đến. Deadlines ở Brock quy định rất gắt gao; tuy nhiên, sinh viên thực sự có vấn đề bất khả kháng có thể email giải thích với giáo sư và được gia hạn một lượng thời gian nhất định. Còn trải nghiệm cá nhân của mình là Healing Garden tím mộng mơ và Pond Inlet tươi xanh, nơi xả stress hiệu quả ngay trong khuôn viên của trường (Ảnh minh họa) Ngoài ra, khóa học Mindfulness and Meditation suốt 1 tháng của Tiến sĩ Paula Gardner cũng đã hỗ trợ cho mental health của mình rất nhiều trong thời gian viết MRP đầy căng thẳng.

𝐂𝐚́𝐜𝐡 𝐡𝐨̣𝐜 𝐭𝐚̣𝐢 𝐁𝐫𝐨𝐜𝐤:

Theo mình, điều mới mẻ nhất của sinh viên Việt Nam trong những ngày đầu du học là viết reflections và kỹ năng presentation. Bất kể chương trình của bạn là cao đẳng, đại học, hay sau đại học, bạn đều phải viết reflection đều đặn mỗi tuần 1 bài hoặc 2 bài cho mỗi môn, tùy quy định của từng giáo sư. Còn individual/group presentation là chuyện “cơm bữa” và là kỹ năng không thể thiếu khi học và tìm việc, nên mình sẽ chú trọng vào 2 kỹ năng này nhé:

𝗥𝗘𝗙𝗟𝗘𝗖𝗧𝗜𝗢𝗡𝗦/𝗥𝗘𝗙𝗟𝗘𝗖𝗧𝗜𝗩𝗘 𝗘𝗦𝗦𝗔𝗬𝗦

Reflections hay reflective essays là gì?

Dịch sang tiếng Việt, đây là bài luận suy tưởng – phản tư. Đây là loại bài viết “phản chiếu” sự hiểu biết theo góc nhìn cá nhân và trải nghiệm của độc giả sau khi đọc một nghiên cứu, từ đó nêu bật điểm mạnh và phản biện điểm yếu của vấn đề, và đưa ra đề nghị/giải pháp hoặc bổ sung kiến thức cho bài nghiên cứu.

Để viết được bài viết reflection chất lượng cần phải làm gì?

*** Luôn tâm niệm: Reflection không phải là bản tóm tắt/miêu tả bài nghiên cứu đã đọc, mà là bài suy tưởng – phản tư: Bạn hiểu gì từ bài đọc? Điểm mạnh/ yếu của bài đọc là gì? Trải nghiệm thực tế của bạn liên quan đến bài đọc/ Giải pháp bạn đưa ra/ Kiến thức mới bạn có thể cung cấp cho bài đọc, v.v…

– Đọc và hiểu kỹ article với tư duy phê phán mạnh mẽ: Điều này sẽ giúp bạn tìm ra điểm hay/độc đáo cũng như mức độ áp dụng và hạn chế của bài viết.

– Trang bị thêm kiến thức nền ngoài bài viết, môn học bằng cách đọc thật nhiều ngoài những articles bắt buộc trong chương trình. Thư viện của Brock và các trường đại học/cao đẳng của Canada là kho kiến thức mở khổng lồ dành cho sinh viên đang theo học. Vì vậy, bạn có thể lên trang thư viện của trường và tải bất cứ tài liệu/ sách vở nào bạn thích để nghiền ngẫm. Đừng bỏ phí nguồn tài nguyên quý giá này, vì nếu không phải sinh viên của trường, bạn phải trả số tiền rất lớn nếu muốn tải sách và các bài báo nghiên cứu có giá trị học thuật cao. Ngoài ra, kiến thức phong phú giúp bài viết của bạn có lập luận chặt chẽ và tư duy độc đáo hơn so với bài viết của sinh viên “lười” đọc. Thêm cái lợi ngoài lề từ việc siêng đọc articles: Bạn không cần phải ôn luyện cho kỹ năng đọc hiểu khi cần thi IELTS General cho mục đích làm việc và định cư sau này 😀

– Hệ thống lại tất cả trải nghiệm cuộc sống/ học tập/ công việc tại Việt Nam để liên hệ với bài viết. Bên cạnh đó, bạn hãy tìm các articles/journals đánh giá, phân tích có liên quan để tăng tính thuyết phục cho mối liên hệ trong bài. Bài viết có giá trị tin cậy cao là bài viết được nghiên cứu kỹ lưỡng và có bằng chứng cụ thể, chứ không chỉ nêu khơi khơi rằng “tôi đã từng làm ABC” hoặc “ở DEF có XYZ” mà không có thêm evidence hoặc đánh giá độc lập nào khác.

– Copying, Plagiarism – Sao chép, Đạo văn: Đây là lỗi cực kỳ nặng của sinh viên và giới học giả. Thế nên, bạn phải cực kỳ cẩn trọng khi viết bài và tạo thói quen tốt là kiểm tra kỹ những lỗi đạo văn không cố ý ngay từ khi viết những bài nhẹ nhàng như reflection để có nền tảng tốt cho thesis, major research paper của bạn sau này.

->> Trong quá trình nghiên cứu và viết bài, bạn sẽ nảy ra rất nhiều “big ideas” mà theo bạn là rất mới mẻ, giá trị, và độc đáo. Tuy nhiên, “big ideas” mà bạn nghĩ là của riêng bạn rất có thể đã được một học giả đi trước nghĩ ra, được đưa vào bài nghiên cứu và công bố rộng rãi rồi. Thế nên, khi tự nghĩ ra bất kỳ “big ideas” nào bạn phải tra cứu kỹ trên library của trường và/hoặc Goodle Scholars xem đã từng có bài viết nào có “big ideas” tương tự chưa. Nếu có thì phải phải trích dẫn lại bài viết đó và diễn giải lại theo quan điểm của riêng bạn 

->> Reflective essays mang tính chất informal hơn so với final paper, MRP, hoặc thesis nên không “đáng sợ” đến mức như vậy đối với lỗi plagiarism, chỉ cần bạn không “chôm” ý tưởng của bạn bè hoặc bài viết khác theo khả năng tìm kiếm của bạn thì giáo sư vẫn thông cảm và góp ý thân thiện và gợi mở, xây dựng để bạn có bài viết chất lượng hơn. Tuy nhiên, thói quen cẩn trọng khi viết cần được tạo lập từ những bài viết nhỏ để bạn ít va vấp khi đến những bài viết chuyên sâu hơn.

𝗣𝗥𝗘𝗦𝗘𝗡𝗧𝗔𝗧𝗜𝗢𝗡- 𝗡𝗚𝗛𝗘̣̂ 𝗧𝗛𝗨𝗔̣̂𝗧 𝗧𝗛𝗨𝗬𝗘̂́𝗧 𝗧𝗥𝗜̀𝗡𝗛:

Để đạt kết quả học tập tốt và chuẩn bị cho công việc sau này tại Canada, bạn cần phải chuẩn bị kỹ năng thuyết trình thật tốt và rèn luyện sự tự tin cũng như tư duy phân tích và phản biện sắc bén.

– Mình thấy điểm hạn chế của nhiều sinh viên châu Á là sự rụt rè, kể cả các bạn trẻ ở độ tuổi 20. Mình được nghe nhiều bạn học tâm sự rằng họ rất run khi nói trước công chúng, dù công chúng chỉ là … giáo sư và mười mấy bạn trong phòng học thân thuộc. Lời khuyên của mình dành cho các bạn sinh viên là cố gắng tập sự tự tin, dám thể hiện ý kiến và bản ngã trước đám đông, học tập phong thái và nghệ thuật nói chuyện của các diễn giả trên TED, để bỏ hẳn rào cản tâm lý khi nói trước công chúng.

– Đặc điểm chung thứ hai của nhiều sinh viên khi thuyết trình là … bê toàn bộ nội dung vào slides và đứng đọc tròn vành rõ chữ (có khi là nhỏ xíu) từng câu một. Lệ thuộc quá nhiều vào PowerPoints slides sẽ khiến seminar của bạn chán òm, dù bạn có cố gắng thêm thắt một số hoạt động tương tác để vớt vát đi nữa. Mặc dù bạn học ai cũng có nhiều điểm hay để mình học hỏi, nhưng khi học chung với sinh viên Canadian, mình rất nể kỹ năng thuyết trình của các bạn ấy. Trong các buổi seminar (face-to-face), nhiều bạn có thể thuyết trình rất hay mà không cần dùng đến PowerPoints. Mọi minh họa, giảng giải các bạn đều thực hiện rất đơn giản và ngắn gọn bằng bút lông và bảng. Những vấn đề nêu ra đa phần đều kích thích khán giả tranh luận nên dù lý thuyết liên quan đến giáo dục, triết học, và chánh trị có “khó nhai” đến đâu cũng có thể được hiểu dễ dàng hơn từ các buổi thuyết trình trên lớp. Các diễn giả phương Tây cũng có nghệ thuật thuyết trình tương tự. Nếu có dùng PowerPoints, họ chỉ đưa vào những chi tiết, hình ảnh “đắt” nhất, gợi mở nhất mà thôi.

*** Các bạn lưu ý điểm này để đạt kết quả cao trong phần presentation nhé:

->> Khi thiết kế bài thuyết trình, nếu cẩn thận bạn có thể làm 2 versions: 1 version với đầy đủ kiến thức bạn muốn cover trong seminar để nộp cho giáo sư (tránh bị hiểu làm là làm bài sơ sài, vì không phải giáo sư nào cũng nhớ mọi điều bạn giới thiệu trên lớp), còn version để “biểu diễn” cần súc tích và ngắn gọn hơn, nhường chỗ cho kỹ năng thuyết trình của bạn và sự tương tác, phản biện của khán giả.

->> Thời lượng nói cần vừa phải, không ngắn cũng không dài, vì dù bạn có nói hay đến mấy thì khán giả sẽ mất tập trung khi bạn nói liên tục quá lâu (theo nghiên cứu là hơn 7 phút). Vì vậy, “Mẹo” của mình khi thuyết trình là ngắt giữa nội dung bằng những chia sẻ ngắn, hài hước, và đặt câu hỏi cho khán giả. Cần hiểu rõ bài để nêu bật những nội dung có thể dẫn đến nhiều luồng ý kiến khác nhau để tăng tương tác, làm sôi động không khí, và … bớt nói.

->> Khi tranh luận nên mở lòng tôn trọng mọi ý kiến trái chiều, dù bạn được khuyến khích nêu ý kiến cá nhân của bạn khi kết luận. Nếu có vấn đề nào không hiểu khi đọc bài, cứ thoải mái email hoặc đặt hẹn hỏi giáo sư xem suy luận của mình có đúng không hoặc nên hiểu như thế nào trước khi đến seminar nhé.