Có bao nhiêu nguồn cấp học bổng? Cách phân biệt các loại học bổng

Có bao nhiêu nguồn cấp học bổng? Cách phân biệt các loại học bổng? Đây là kiến thức cơ bản nhất để từ đó các bạn có thể chọn được loại học bổng phù hợp với bản thân mình.

Các loại nguồn học bổng cho học sinh, sinh viên trên thế giới

1. Nguồn học bổng chính phủ (của nước gửi sinh viên):

Ví dụ học bổng 911; học bổng 165 của Việt Nam. Học bổng này thường nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực của nước gửi sinh viên. Các ngành được lựa chọn và đối tượng thụ hưởng thường phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của nước đó. Học bổng thuộc nhóm này thường yêu cầu ứng viên quay trở lại quê hương làm việc sau khi hoàn thành khoá học.

2. Nguồn học bổng chính phủ (của nước nhận sinh viên):

Ví dụ học bổng ALA, Endeavour của Australia; Effeil của Pháp, DAAD của Đức. Học bổng này thường đi kèm với các chính sách hỗ trợ các nước đối tác hoặc các nước đang phát triển của nước cấp học bổng (thường là nước đã phát triển). Mục tiêu ngầm định của các học bổng này thường nhắm đến ảnh hưởng lâu dài (về mặt con người) của nước cấp học bổng tới các nước được nhận học bổng. Phần lớn các học bổng thuộc nhóm này cũng yêu cầu ứng viên quay lại quê hương làm việc trong một số năm nhất định nhưng cũng có trường hợp ngoại lệ (ví dụ như học bổng Endeavour).

3. Nguồn học bổng của các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội, tôn giáo.

Ví dụ học bổng AUF (cộng đồng Pháp ngữ), học bổng Colombo (Khối các nước Commonwealth), học bổng ADB, học bổng World Bank, học bổng Erasmus Mundus (Châu Âu). Học bổng này thường nhắm phục vụ mục tiêu lâu dài, triết lý của tổ chức cấp học bổng.

Ví dụ học bổng World Bank, ADB nhìn chung chỉ cấp cho sinh viên các ngành kinh tế, xã hội, giáo dục, phát triển bền vững, chính sách … vì các ngành này cũng chính là lĩnh vực hoạt động của 2 tổ chức này; hoặc học bổng Erasmus Mundus nhắm đến mục tiêu tăng cường di động của sinh viên quốc tế (vì vậy sinh viên nhận học bổng này thường phải di chuyển giữa nhiều nước trong một chương trình học). Các học bổng thuộc nhóm này không nhất thiết áp đặt việc bắt buộc quay trở lại sau khi kết thúc khoá học nhưng cũng có trường hợp là có yêu cầu.

4. Học bổng trường/học bổng giáo sư.

Gần như trường đại học nghiên cứu nào trên thế giới cũng có học bổng này; các giáo sư cũng có thể trích tiền đề tài để tài trợ học bổng cho sinh viên (chủ yếu bậc PhD). Học bổng này xuất phát từ 1 lý do thuần thuý mang tính kinh tế: sinh viên tại các nước phát triển đang có xu hướng không muốn học cao và các trường đại học nghiên cứu tại các nước phát triển đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Đây là loại học bổng có mức độ tư do cao; người nhận học bổng không bị ép buộc trở lại quê hương sau tốt nghiệp nhưng đổi lại, thường ít được nhận các chính sách hỗ trợ ngoài chuyên môn như các nhóm học bổng khác.

Tags: