Làm thế nào cho trẻ thích thú với tiếng Anh?

Làm thế nào cho trẻ thích thú với tiếng Anh?

Bạn có biết rằng, từ khi chào đời bé đã có khả năng học bất kì một loại ngôn ngữ nào. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cũng tiếp thu rất nhanh từ vựng và cấu trúc câu, trong khi người lớn mất rất nhiều thời gian và công sức để học một ngôn ngữ mới. Tuy nhiên, trẻ chỉ có thể phát huy tối đa khả năng khi người lớn biết cách khơi dậy hứng thú học tiếng Anh của trẻ.

Nhiều bậc cha mẹ nóng lòng muốn giúp con học tiếng Anh từ khi còn nhỏ. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc dạy ngoại ngữ cho trẻ là giúp chúng có nhận thức tích cực về giao tiếp bằng ngoại ngữ.

Khi trẻ tiếp xúc với ngoại ngữ từ khi còn rất nhỏ, trẻ thường có xu hướng tiếp cận ngôn ngữ một cách thoải mái và việc học một ngôn ngữ khác trở thành một điều mà chúng rất hào hứng. Tuy nhiên, đừng cố thúc ép trẻ học nếu chúng không thích. Điều đó sẽ khiến trẻ thấy chán ghét và không muốn tiếp xúc với ngôn ngữ đó nữa.

Vậy làm thế nào để trẻ cảm thấy thích thú với tiếng Anh?

Hãy để con bạn thấy bố mẹ chúng đang sử dụng tiếng Anh một cách thoải mái trong cuộc sống hàng ngày

 

Một số phụ huynh cho rằng sử dụng ngoại ngữ ở nhà là một cách tuyệt vời để giúp trẻ học ngôn ngữ đó. Không thể phủ nhận rằng đây là một ý tưởng hay nhưng trẻ thường có xu hướng muốn giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng mẹ đẻ. Hãy để mọi việc diễn ra tự nhiên và linh hoạt, và nhớ rằng điều cuối cùng bạn muốn là tạo những cảm xúc tích cực về ngôn ngữ cho con mình. Không có gì quan trọng hơn việc giao tiếp tốt với con của bạn. Nên nếu trẻ không thấy hứng thú cố gắng nói chuyện bằng tiếng Anh, hãy dùng tiếng mẹ đẻ để có thể hiểu con bạn hơn.

Một trong những cách tốt nhất để thu hút sự chú ý của trẻ là để chúng tự quan sát hoạt động mọi người xung quanh làm. Bạn chỉ cần để trẻ thấy bạn đọc sách báo hay xem phim, nghe nhạc tiếng Anh hoặc để trẻ thấy bạn nói chuyện bằng tiếng Anh với bạn bè. Trẻ sẽ tự cảm nhận được sự quan tâm đối với tiếng Anh của bố mẹ và cố gắng học theo. Trẻ con thường học theo bố mẹ mà.

Một số ví dụ dành cho bố mẹ khi tạo tình huống tương tác với con bằng tiếng Anh:

  • Bạn thì thầm vào tai bé lời chào buổi sáng với sự phấn khích, tràn đầy yêu thương. Hãy lặp lại nhiều lần đến khi bé thì thầm lại. Sau đó, bạn bắt đầu với các từ khác như “wake up”, “brush teeth”… Như vậy, bạn sẽ giúp bé thấy sự vui vẻ và gần gũi của tiếng Anh.
  • Bạn giả vờ như không biết các từ tiếng Anh về đồ vật trong nhà như: từ “cái ghế” bằng tiếng Anh nói như thế nào và đề nghị bé giúp đỡ. Bé sẽ thích thú vì có lúc mẹ phải “nhờ” đến mình. Với lời khen của bạn, chắc chắn bé sẽ nhiệt tình “giúp đỡ”. Muốn không bị “mất thể diện”, bé sẽ cố gắng học từ mới và cảm thấy hứng thú với vai trò quan trọng của mình.

  • Bạn có thể sử dụng những câu tiếng Anh đơn giản như “Let’s go” – “Đi nào con”, “Give me the apple, please” – “Con lấy giúp bố/ mẹ quả táo với”.

    Hãy sử dụng những lời khen như “Good job!“, “Well done!” – “Con làm tốt lắm!

    Quan sát và nói ra suy nghĩ của bạn: “It’s cold today” – “Hôm nay trời lạnh nhỉ!“, “Look at the brown dog!” – “Nhìn con chó màu nâu kìa con!” Hoặc “This ice cream is yummy” – “Cái kem này ngon quá!“.

    Ngoài ra, bạn có thể hỏi những câu đơn giản để trẻ có thể dễ dàng trả lời như: “Which shirt do you want to wear?” – “Con muốn mặc áo màu nào?” trong khi cầm 2 cái áo cho bé lựa chọn, “Do you like spaghetti?” – “Con có thích ăn spaghetti không?” hoặc “Where are your shoes?” – “Giày của con ở đâu?“.

Cho con bạn tiếp cận tiếng Anh dựa vào sở thích của trẻ

Bạn nên biết được trẻ của bạn thích xem hoặc nghe phim, nhạc tiếng Anh nào để chúng tận hưởng theo cách riêng mà không cảm thấy áp lực. Hãy cố gắng đưa càng nhiều đầu vào thú vị càng tốt, để trẻ của bạn bắt đầu sử dụng tiếng Anh với tốc độ riêng của chúng. Bạn có thể đọc sách báo tiếng Anh có hình ảnh minh họa cho trẻ, và thoải mái trả lời những câu hỏi trẻ đặt ra trong quá trình bạn đọc cho chúng. Khó có thể thay thế hoàn toàn ngôn ngữ mẹ đẻ bằng ngôn ngữ thứ hai, nhưng hãy kiên trì để duy trì thói quen sử dụng tiếng Anh cho trẻ.

  • Bé rất thích xem phim hoạt hình. Hãy để bé có khoảng 15-20 phút để xem những chương trình của hãng Cartoon, Walt Disney. Bạn nên xem cùng bé và hỏi bé. Bé sẽ nói theo ý hiểu và bạn hãy giúp bé phát âm từ đó.
  • Bé thích đọc truyện tranh. Hãy mua cho bé những quyển truyện bằng tiếng Anh đơn giản có hình ngộ nghĩnh… Cách hay nhất là hãy cùng bé tìm những từ mới tương ứng với các đồ vật trong nhà. Sau đó ghi từ mới vào mảnh giấy nhớ dán lên để bé học thuộc.
  • Bé thích nghe nhạc. Thật tuyệt vời khi thấy bé lắc lư theo điệu nhạc. Bạn hãy cho bé nghe những bài hát bằng tiếng Anh, bé cảm thấy phấn chấn hơn, tiếp thu nhanh hơn những gì bạn dạy.
  • Bé thích shopping. Hãy đưa bé dạo quanh phố phường. Trên đường phố, có rất nhiều bảng hiệu tiếng Anh. Hãy giúp bé nhớ bằng cách hỏi nhiều lần.

Kết hợp với môi trường của trẻ ở bên ngoài

Bạn cần đến sự hỗ trợ từ các đĩa dạy tiếng Anh cho trẻ em. Bạn cũng nên tham khảo xem ở trường bé học như thế nào. Có thể trao đổi với thầy cô để học tập kinh nghiệm. Một hoạt động rất bổ ích cho bạn là bạn hãy cho bé tiếp xúc với người nước ngoài. Bạn nên tìm các hoạt động cộng đồng, các chương trình hợp tác nước ngoài dành cho trẻ, vừa giúp ích cho xã hội, vừa có cơ hội gặp gỡ giao lưu với người nước ngoài cho trẻ tham gia phù hợp với từng độ tuổi. Những người nước ngoài rất thân thiện và chắc chắn không ai từ chối nói chuyện với thiên thần đáng yêu của bạn.

Học một ngôn ngữ thứ hai nên là một kinh nghiệm tích cực. Hãy nhớ rằng đây không phải là một cuộc đua. Nếu bạn gây sự chú ý của trẻ với tiếng Anh thường xuyên bằng những cách vui nhộn, chúng sẽ tiến bộ khá nhanh. Tuy nhiên, nếu bạn thúc đẩy quá nhiều, việc này sẽ dẫn đến những kết quả tiêu cực. Hãy để trẻ của bạn thấy những điểm tích cực trong việc học tiếng Anh, đừng để chúng thấy đó là việc quá phi thường và sợ hãi khi tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai này. Chúc các bậc cha mẹ sẽ thành công trong việc hướng con tới sự thích thú với môn học tiếng Anh nhé!