Ngành Kinh doanh quốc tế là gì? Sau ra trường làm gì?

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và kỹ năng phù hợp với môi trường kinh doanh đa quốc gia, ngành Kinh doanh quốc tế được ra đời. Bài viết dưới đây cung cấp cho các bạn đầy đủ thông tin cần thiết liên quan đến ngành Kinh doanh quốc tế, giúp các bạn có được cái nhìn tổng quan và lựa chọn đúng trường đào tạo.

I. Tìm hiểu ngành Kinh doanh quốc tế (IB)

1. Kinh doanh quốc tế là gì?

Học Kinh doanh quốc tế
Học Kinh doanh quốc tế

Kinh doanh quốc tế – International Business là hoạt động kinh doanh xuyên biên giới giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bao gồm tất cả các lĩnh vực đề cập đến thương mại hàng hóa, dịch vụ, công nghệ, vốn và tri thức ở quy mô toàn cầu. Với mục tiêu mang lại lợi ích kinh tế cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức kinh tế nói chung.

2. Ngành Kinh doanh quốc tế là gì?

Thế giới đang phát triển theo xu hướng phẳng, xóa mờ ranh giới của các quốc gia trên tinh thần toàn cầu hoá, nhằm khai thác hết các tiềm năng, lợi thế từ các quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỗi khu vực đều có nền văn hóa riêng, ngôn ngữ, phong cách làm việc khác nhau, do đó cần đội ngũ nhân viên có trình độ cao, nhanh nhạy và có khả năng sáng tạo, thích nghi tốt với môi trường làm việc đa quốc gia.

Sinh viên học ngành Kinh Doanh quốc tế sẽ được trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động kinh doanh, quan hệ kinh tế quốc tế, Marketing, nhân sự cũng như là các hoạt động quản trị, Logistic.

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức tham gia vào các hoạt động kinh tế quốc tế. Cùng với đó là sự phát triển của xuất nhập khẩu, quản lý chuỗi cung ứng, nhu cầu Marketing quảng bá thương hiệu trên các nền tảng số.

Tất cả những vấn đề trên cần nguồn nhân lực có chuyên môn và trình độ cao, bằng cấp chuẩn quốc tế. Tuy nhiên thị trường lao động Việt Nam hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu cho các doanh nghiệp. Ngành kinh doanh quốc tế mang lại triển vọng cơ hội nghề nghiệp cao cho sinh viên khi việc thiếu hụt nhân lực chưa được giải quyết.

II. Kinh doanh quốc tế gồm những chuyên ngành nào?

1. Ngoại thương

Nhắc đến ngoại thương là nhắc đến các nghiệp vụ giao dịch quốc tế, trong chuyên ngành này sinh viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về phân tích hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Các kiến thức về đàm phán, thương lượng, thông lệ cũng như các phương thức để hàng hoá có thể thông quan, đảm bảo đầy đủ thủ tục hải quan.

Từ đó, sinh viên có năng lực, trình độ, kỹ năng cần thiết phục vụ các công ty xuất nhập khẩu, công ty đa quốc gia, bộ phận dịch vụ cảng, vận tải, tín dụng quốc tế.

2. Kinh doanh quốc tế

Kinh doanh quốc tế nghiêng về công tác quản trị, lên kế hoạch, giao thương với các công ty đa quốc gia, nơi có văn hoá doanh nghiệp mang đặc thù riêng. Kiến thức trong chuyên ngành kinh doanh quốc tế đáp ứng yêu cầu để sinh viên có thể quản lý nhân sự, hoạch định chính sách, marketing quốc tế, quản lý chuỗi cung ứng cũng như chiến lược phát triển toàn cầu cho công ty đa quốc gia.

Cử nhân kinh doanh quốc tế có tư duy năng động, sáng tạo, thích nghi tốt với môi trường làm việc, tạo dựng mối quan hệ quốc tế, đảm đương trách nhiệm tại các bộ phận về kinh doanh, dự án, xuất nhập khẩu, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia hay các công ty kinh doanh quốc tế.

3. Kinh doanh thương mại

Kinh doanh thương mại đề cập đến hoạt động buôn bán điển hình tại các chuỗi bán lẻ, cửa hàng, siêu thị và những công ty phân phối sản phẩm thương mại. Sinh viên được đào tạo bài bản đảm bảo kiến thức nền tảng về hoạt động kinh doanh, bán hàng và cả quản trị thương mại xuất nhập khẩu cũng như chuyên môn về marketing, quảng bá thương hiệu.

Cử nhân Kinh doanh thương mại sau khi ra trường có cơ hội làm việc tại các công ty chuyên cung cấp sản phẩm sỉ và lẻ, chuỗi kinh doanh trong và ngoài nước với mức lương hấp dẫn.

4. Logistic và quản lý chuỗi cung ứng

Ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng là một ngành đào tạo mới, chuyên sâu trong lĩnh vực quản lý hàng hóa từ khâu sản xuất đến tay người tiêu dùng. Học chuyên ngành này, sinh viên có cơ hội tiếp xúc, rèn luyện kỹ năng thực hành và năng lực quản lý vận chuyển, phân phối hàng hóa hệ thống giao nhận, kho vận, vật tư, từ đó đưa ra các giải pháp tối ưu hóa chuỗi cung ứng cho lĩnh vực sản xuất, dịch vụ và kinh doanh quốc tế một cách hiệu quả.

Với sự phát triển của toàn cầu hóa, sinh viên chuyên ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng có cơ hội làm việc tại nhiều vị trí, đặc biệt là tại các doanh nghiệp Logistic, Tập đoàn đa quốc gia có bộ phận vận hành, phân phối sản phẩm, các cảng vụ, hàng không cũng như thương mại điện tử và bán lẻ.

5. Marketing

Sự bùng nổ của công nghệ 4.0, hoạt động marketing không chỉ giới hạn trong từng khu vực, mà giờ đây phát triển với quy mô rộng hơn, xuyên biên giới. Sự phát triển của Internet, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube…đòi hỏi sự sáng tạo nhiều hơn đáp ứng nhu cầu quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Sinh viên Marketing được đào tạo kiến thức tổng quát và tư duy phát triển sản phẩm, thực thi các chiến dịch truyền thông, Quan hệ công chúng (PR) đặc biệt là những giải pháp marketing kỹ thuật số.

Chuyên ngành Marketing mang đến cơ hội làm việc cho sinh viên tại nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau. Hầu hết tất cả các công ty, tổ chức đều cần đến chuyên viên Marketing,dịch vụ Marketing…Tuy nhiên công việc này cũng đòi hỏi cao ở tố chất sáng tạo, tư duy của người học Marketing nhạy bén với thị trường thị mới có thể thành công.

Học Kinh doanh quốc tế
Học Kinh doanh quốc tế

III. Học Kinh doanh quốc tế cần những tố chất gì?

Đặc điểm chung của ngành Kinh doanh quốc tế là làm việc trong môi trường quốc tế, đa quốc gia, đa văn hóa, do đó đòi hỏi sinh viên phải có những tố chất riêng, điển hình như:

  • Nhạy bén, thích nghi tốt với môi trường mới: Vì tính chất công việc linh hoạt, thị trường thay đổi liên tục, đào thải cao, sinh viên cần biết thay đổi để theo kịp với nhịp công việc.
  • Có khả năng học ngoại ngữ tốt: Làm việc trong môi trường quốc tế, tiếng Anh là điều kiện cần đối với mỗi sinh viên, ngoài ra hiểu biết nhiều ngôn ngữ sẽ giúp quá trình học tập, làm việc của bạn có ưu thế hơn.
  • Tự tin, sáng tạo, không ngừng học hỏi: Thế giới liên tục phát triển, do đó chúng ta cần phải tự tin với năng lực của bản thân, bên cạnh đó cũng cần phát huy sự sáng tạo, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức đa chiều, đa lĩnh vực.
  • Chịu được áp lực công việc: Hiệu suất làm việc của các công ty quốc tế thường được đánh giá rất cao, chịu được áp lực là kỹ năng để bạn có thể giải phóng năng lượng, chứng tỏ bản thân.
  • Yêu thích và am hiểu nhiều nền văn hóa: Trong môi trường đa văn hóa, đa quốc gia bạn cần có niềm đam mê cũng như thấu hiểu sự khác biệt của từng khu vực để có những chiến lược phù hợp.
  • Khả năng học tập tốt: Điểm chuẩn của hầu hết tất cả các trường đào tạo ngành Kinh doanh quốc tế đều ở ngưỡng cao, các kiến thức chuyên sâu khó, do đó cần khả năng tư duy tốt để theo kịp chương trình.
  • Năng động, tích cực phát huy sự chủ động trong công việc: Vì môi trường mang tính đào thải khốc liệt, bạn cần sự năng động, đặc biệt là chủ động để mang lại chất lượng công việc tốt hơn.
  • Tự tin giao tiếp, vốn từ ngữ linh hoạt, có năng khiếu trong việc đàm phán: Học kinh doanh, không thể thiếu các buổi họp, đàm phán với đối tác cũng như trao đổi với khách hàng, giao tiếp tốt là điều kiện tối thiểu để bạn có thể thành công trong môi trường này.

IV. Học Kinh doanh quốc tế ra trường làm gì?

Với việc được trang bị những kiến thức chung về lĩnh vực kinh tế, sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế có thể ứng tuyển vào nhiều vị trí khác trong các doanh nghiệp, công ty đa quốc gia với mức lương hấp dẫn phụ thuộc vào trình độ và kỹ năng mỗi người.

  • Chuyên viên quản lý thương mại quốc tế: Chịu trách nhiệm quản lý, vận hành, thống kê liên quan đến các hoạt động kinh doanh quốc tế.
  • Chuyên viên đầu tư quốc tế: Tư vấn đầu tư, phân tích rủi ro tài chính, quản lý vốn, đánh giá tiềm năng đầu tư tại các công ty đa quốc gia.
  • Chuyên viên xuất nhập khẩu: Quản lý và hoàn tất các thủ tục và chứng từ xuất nhập khẩu hàng hóa, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu theo chiến lược công ty đã đề ra.
  • Chuyên viên marketing: Nghiên cứu thị trường, tiếp thị và quảng bá sản phẩm, lên chiến lược, tối ưu nội dung đến khách hàng, vận hành sự kiện…
  • Giao dịch viên quốc tế: Nhân viên thực hiện giao dịch với khách hàng, cung cấp thông tin đến các đối tác, tư vấn hướng dẫn tại các công ty đa quốc gia.
  • Đại diện thương mại quốc tế: Là người đại diện cho đại lý, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch, đàm phán thương mại với các đối tác đặc biệt là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Chuyên viên nghiên cứu thị trường: Tiến hành nghiên cứu số liệu, nhu cầu cụ thể và hành vi khách hàng với sản phẩm, dịch vụ từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan, chiến lược phù hợp cho việc Marketing.
  • Quản trị kinh doanh, quản lý chuỗi cung ứng: Quản lý, tham gia các kết nối các hoạt động thu mua và buôn bán, bao gồm tất cả chu trình Logistic. Quản trị hoạt động kinh doanh, đưa ra chiến lược quản trị có hiệu quả.
  • Lập chiến lược kinh doanh trong môi trường quốc tế: Phân tích thị trường quốc tế trên khía cạnh cơ hội tăng trưởng, hỗ trợ họ trong việc thâm nhập và cạnh tranh trên môi trường toàn cầu.
Học Kinh doanh quốc tế
Học Kinh doanh quốc tế

V. Các khối thi ngành Kinh doanh quốc tế

Để xét tuyển vào ngành Kinh doanh quốc tế, các bạn có thể sử dụng các tổ hợp xét tuyển dưới đây.

Các khối xét tuyển ngành Kinh doanh quốc tế bao gồm:

Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)
Khối A01 (Toán, Lý, Anh)
Khối A04 (Toán, Lý, Địa)
Khối A09 (Toán, Địa, GDCD)
Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)
Khối C00 (Văn, Sử, Địa)
Khối C01 (Toán, Lý, Văn)
Khối C02 (Văn, Toán, Hóa)
Khối C04 (Văn, Toán, Địa)
Khối C14 (Văn, Toán, GDCD)
Khối D01 (Văn, Toán, Anh)
Khối D03 (Văn, Toán, tiếng Pháp)
Khối D07 (Toán, Hóa, Anh)
Khối D09 (Toán, Sử, Anh)
Khối D10 (Toán, Địa, Anh)
Khối D15 (Văn, Địa, Anh)
Khối D90 (Toán, KHTN, Anh)
Khối D96 (Toán, KHXH, Anh)