Du học xong nên ở lại hay ra về ? Du học sinh nên về hay ở lại?

Du học xong nên ở lại hay ra về? ✅du học sinh nên về hay ở lại?✅ Chia sẻ với các bạn bài viết được đăng trên trang facebook Lê Chi Nguyễn (Chuột thổ cẩm) về vấn đề đang được nhiều bạn du học sinh trăn trở: Du học xong nên ở lại hay ra về. Hi vọng qua bài viết sẽ giúp các bạn có thêm những kinh nghiệm quý báu.

Du học xong nên ở lại hay ra về ? Du học sinh nên về hay ở lại?
Du học xong nên ở lại hay ra về ? Du học sinh nên về hay ở lại?

Du học xong nên ở lại hay ra về?

Với các bạn muốn trở về thì có thêm những luận điểm củng cố quyết định của mình, với các bạn muốn ở lại thì mình xem như là một góc nhìn khác hơn thôi. Tất cả những gì chúng ta làm ở đây như tên nhóm là nơi bạn được thổ lộ, giải bày những Tâm sự của mình hy vọng tìm được sự an ủi, động viên và đồng cảm để cùng nhau xây dựng một cộng đồng DHS Trẻ – Tri Thức – Nhân Ái.

Các bạn đi du học chắc rất hay bị “làm phiền” bởi câu hỏi trên. Hỏi ít thì cũng có cảm giác được quan tâm đấy, nhưng mà bị hỏi nhiều thì cực kỳ khó chịu đúng không? Nó giống kiểu câu hỏi “Bao giờ lấy vợ/chồng” ấy =)))) Vừa áp lực căng thẳng lại vừa khó trả lời. Có những việc mà người ngoài không thể nào hiểu nổi, nhỉ? Để Chi chia sẻ vài điều với mọi người về câu hỏi trên.

Bước ra được khỏi biên giới Việt Nam, dù du học tự túc hay học bổng thì cũng là cả một hành trình rất dài và cố gắng của chúng mình – những đứa du học sinh. Ra được rồi, để thích nghi được với thế giới lại là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi của những đứa trẻ xa nhà. Thực sự rất vất vả. Nhưng những cái đó nói ra cũng chẳng có ích gì, nên trong khi các bạn ngồi nói ngang nói dọc về những đứa đi du học “phải thế nọ phải thế kia” thì chúng mình đang bò ra học để đảm bảo bài vở, hoặc đi làm bục mặt để có thêm chút tiền trang trải…

Hồi mới sang đây mình cũng đôi lần nghĩ về việc về hay ở, nhưng sau đó cuộc sống cuốn đi bởi những điều có ý nghĩa, mình lao vào học và trải nghiệm. Học và trải nghiệm để trân quý những phút được nghỉ ngơi, sắp xếp, nghĩ ngợi. Học và trải nghiệm để biết chắc chắn một điều là mình sẽ trở về dù mình thích ở nước ngoài hơn.

Trở về bởi vì mình là con người của gia đình. Mình thương bố mẹ. Những người khác nhớ con thì chỉ cần đi vài trăm cây số là gặp được, còn bố mẹ mình thì chịu. Mỗi lần bay về nhà 16 tiếng, rồi lại 16 tiếng bay đi – với mình là khoảng thời gian quá dài. Vì thế gia đình chính là một trong những lý do khiến mình muốn trở về. Sống xa gia đình và phải tự lập, lăn lộn một mình trên đất khách là một cảm giác rất kinh khủng đối với mình. Nghe trẻ con nhỉ, hai mươi sáu tuổi mà vẫn muốn được ở cạnh gia đình

? Nói như thế không có nghĩa là những bạn chọn ở lại là không thương bố mẹ. Mình có quen nhiều người vì công việc và sự nghiệp mà đành chấp nhận phải sống xa gia đình, may mắn lắm thì mỗi năm về nhà một lần ăn Tết.

Trở về bởi vì mình biết mình có nhiều cơ hội hơn khi ở Việt Nam, mình chắc chắn về điều đó. Cho dù thích ở nước ngoài đấy, nhưng mình sẽ quay về vì sự nghiệp của bản thân. Định cư ở nước ngoài nói thật có nhiều cơ hội việc làm lắm, họ chuyên nghiệp, thu nhập cao, phúc lợi tốt, việc đi lại cực kỳ thuận tiện, quản lý xã hội thống nhất… nhưng đương nhiên song song với đó là những thực tế phải đối mặt như môi trường cạnh tranh cao, bạn buộc phải đi lên bằng thực lực, áp lực làm việc thực sự là thứ phải lo lắng chứ không chỉ đơn thuần là một thứ chuyện phiếm trên bàn trà. Rào cản ngôn ngữ và văn hóa cũng là một trở ngại. Ở nhà, việc mình nghĩ một vấn đề gì, là có thể diễn đạt ra điều đó một cách tự nhiên nhất, thậm chí diễn đạt sâu sắc, và chắc chắn người nghe cũng hiểu được điều mình đang nói vì chung bối cảnh văn hóa. Còn lang thang ở trời tây, mình có cố cắp chai rượu theo những buổi tiệc tùng, nói những cụm slang thì cũng luôn có cảm giác đó chưa thực sự là mình, giống như mình đang sống thêm một mình nữa. Phức tạp và khá mệt.

Mình trở về bởi mình biết kiếm tiền ở nước ngoài chưa chắc đã đỡ khổ hơn ở Việt Nam. Mình biết có nhiều bạn học hành không đến mức xuất sắc, nhưng vẫn cố tìm mọi cách để ở lại nước ngoài làm việc mà không biết trước tương lai thế nào. Để rồi tiêu tốn nhiều năm tuổi trẻ vào những rong ruổi bấp bênh, đồng tiền kiếm được cũng cực nhọc và thẫm đẫm mồ hôi nước mắt, chưa kể là tủi nhục. Mình không dám đánh giá các bạn đúng hay sai, nhưng mình nghĩ làm gì cũng phải có tính toán trước.

Mình trở về bởi mình biết thị trường mình còn nhiều thứ chưa chuyên nghiệp, đó chính là cơ hội cho lớp trẻ như mình cố gắng, cố gắng để làm cho lĩnh vực của mình tốt hơn, bền vững hơn. Ra ngoài du học, mình tin rằng chỉ đi ½ chặng đường là các bạn đã hoàn toàn sáng tỏ được là ngành bạn đang học giúp ích gì cho bạn và những người xung quanh trong tương lai? Tiếp tục theo nó thì bạn có đất để diễn ở đây hay không? Khi người ta đã quá chuyên nghiệp rồi? nếu về Việt Nam có tốt hơn không?

Khi đã có quyết định của riêng mình, mình thấy việc học tập và sinh sống ở nước ngoài của mình thời hiện tại trở nên dễ thở hơn nhiều, vì mình biết mình sẽ phải làm những gì. Quay về nhưng cũng đâu có nghĩa là ở yên một chỗ. Biết đâu mình quay về, rồi đến một thời điểm nào đó mình lại còn cơ hội khác để tiếp tục đi làm, hoặc thậm chí là… đi học tiếp haha.

Đi hay ở là quyết định của riêng mỗi người bởi vậy không có câu trả lời đúng hay sai cho câu hỏi này. Mình cũng mất một khoảng thời gian kha khá để đưa ra quyết định của bản thân mình. Như các bạn thấy đó, hãy suy nghĩ thật kỹ, thậm chí là phải trải nghiệm nữa, đặc biệt là về sự nghiệp và tương lai của chính các bạn. Chỉ có bạn mới biết điều gì là tốt nhất cho bạn, không ai có thể phán xét đúng sai nếu họ không ở trong hoàn cảnh của bạn.

Du học sinh nên về hay ở lại? Giang blog chia sẻ

“Chị Giang ơi,
 
Em tên là Như, đang định cư và học đại học năm 3 ở California. Em qua Mĩ gần 8 năm rồi nhưng mỗi lần về Việt Nam em đều thấy rất thích và thấy Việt Nam đang phát triển rất nhanh. Em muốn sau khi tốt nghiệp sẽ về VN một thời gian để làm việc. Em không biết là em có ở lại lâu dài hay không, nhưng em rất muốn thử vì ước mơ từ nhỏ của em là được du lịch và làm việc tại nhiều đất nước khác nhau. Chị thấy em có nên về VN để làm việc ko chị ?
 
Bố mẹ và em trai của em đều ở bên này, ở VN chỉ còn họ hàng và em định cư từ năm lớp 8 nên bạn bè ở VN còn rất ít. Nên nếu về thì ngoài tiếng Việt là em rất rành ra thì những thứ khác em đều rất lạ lẫm. Ngành em đang học là International Business. Nếu em có bằng đại học của ngành này tại Mĩ thì về VN có dễ xin việc với mức lương tương đối ko chị ? Và em nên bắt đầu từ đâu để xin việc ạ ?”
 
Như Nguyễn
Hi Như,
Chia sẻ với em, sau 2 chuyến du học Anh, chị đều quyết định về VN sống vì những lý do chính:
Ba mẹ anh em họ hàng chị ở VN cả, chị muốn ở gần họ
Chị thích khí hậu ấm áp của Sài Gòn, không thích lạnh
Nhịp sống và cái “vibe” của Sài Gòn làm cho chị cảm thấy vui vẻ, tích cực, thoải mái. Trong tất cả những thành phố chị từng đặt chân đến, chưa nơi nào cho chị nguồn năng lượng mà Sài Gòn mang lại.
Đó là những lý do lớn nhất để chị về VN sống. Nhiều người có thể ngạc nhiên khi thấy tiền và công việc không phải yếu tố chính dẫn đến quyết định đó. Đơn giản vì chị thực sự tin rằng ở đâu chị cũng có thể kiếm ra số tiền đủ để phục vụ các nhu cầu của mình một cách thoải mái. Mình có chân tay, có trí óc, có tình yêu với ngành mình làm, mình đâu sợ gì.
Nhưng chị chỉ có thể chia sẻ với em về trải nghiệm của chị như vậy, chứ chị không ở vị trí có thể khuyên em nên ở hay nên về. Bất cứ ai cũng thế. Để chị giải thích cho em vì sao.
Mỗi người đều có một hoàn cảnh riêng, dẫn đến những ưu tiên hàng đầu của họ cũng rất riêng. Vì vậy quyết định nơi sống của họ cần dựa vào chính hoàn cảnh và ưu tiên đó, chứ đây không phải vấn đề đi hỏi số đông để biểu quyết. Nếu có thể khuyên em điều gì, chị khuyên em nên sử dụng quỹ tuổi trẻ và thời gian (có hạn) để khám phá tất cả những nơi và những việc mà em mong muốn. Em hãy đi thật nhiều trước khi xuất hiện những yếu tố buộc em ở một nơi. Giờ em cần trả lời câu hỏi: Điều quan trọng nhất đối với em là gì? Tiền? Sự trọng vọng của người khác? Thời gian dành cho gia đình? Tình yêu?
Trả lời được câu hỏi này rồi, em sẽ biết việc mình phải làm. Nếu em không muốn xa gia đình, thích cảm giác ổn định, em hãy ở lại Mỹ. Nếu em có thể độc lập, có bản lĩnh, muốn tự do khám phá, hãy về Việt Nam. Đừng lo không có bạn bè, ở bất cứ nơi đâu từ một người lạ đến một người bạn chỉ cách nhau một lời chào mà thôi. Rồi đó, giờ mình nói chuyện tiền.
Như em đã nói mơ ước của mình là được du lịch và làm việc ở nhiều nơi, chị gợi ý em nên thử sống ở Sài Gòn. Sài Gòn chào đón tất cả mọi người bất kể màu da, giới tính, tôn giáo, trình độ hay tính cách. Em đừng lo về công việc, sự bùng nổ của thành phố này tuyệt vời hơn em nghĩ. Các công ty nước ngoài liên tục tiến vào thị trường VN bên cạnh các startups trong nước liên tục được ra đời. Tốc độ của cuộc sống Sài Gòn vẫn hàng ngày làm cho chị ngạc nhiên kể cả sau vài năm sống ở đây. Người trẻ Việt Nam giờ giỏi lắm em ạ, hãy trở về, be one of us.
Việc trước mắt là em cần suy nghĩ em muốn làm gì. International Business rất rộng, em cần lựa chọn cho mình một điểm tập trung. Marketing? Finance?Business Development? Vân vân. Xác định được việc mình muốn làm, em lập một tài khoản LinkedIn. Đây là nơi để em kết nối với mạng lưới các công ty và những người làm trong ngành đó. Hãy chịu khó mày mò, đọc bài viết của các anh chị đi trước, những người giỏi nghề, luyện cho tư duy của mình sắc bén. Trong thời gian còn lại ở Mỹ trước khi tốt nghiệp, em hãy đi làm thêm hoặc thực tập ở những công việc liên quan đến nghề em muốn làm. Đây là bước đệm rất quan trọng để về VN em tìm được công việc với mức lương em mong muốn. Vốn tiếng Anh mà em có đã là vũ khí giúp em thắng 50% trận chiến rồi, cái em cần bây giờ là xác định mình muốn làm gì, tập trung rèn luyện kỹ năng và tích luỹ kinh nghiệm. Đừng sợ gì hết.
Nhớ nhé, dù bất cứ ai nói ra nói vào với em, hãy luôn nhớ ở VN không có “công việc kiếm ra tiền”. Nếu em chọn công việc em yêu thích và sẵn sàng bỏ công sức rèn luyện, xông xáo làm ào ào, tiền sẽ đến. Sài Gòn luôn có chỗ dành cho em. Chỉ  cần em yêu lao động và mở lòng ra với thành phố này, mọi điều em mong muốn sẽ thành sự thật.