LỜI TỰA
Siêu đội ngũ là cuốn sách rất khác biệt so với nhiều cuốn sách về xây dựng đội ngũ khác. Dựa trên những câu chuyện thực tế trong chiến thuật quân sự sinh động, cuốn sách cuốn hút người đọc trong từng tình huống ly kỳ, hấp dẫn.
Đội đặc nhiệm của Hoa Kỳ do Đại tướng McChrystal chỉ huy phải đối mặt với siêu khủng bố Al Qaeda, chúng có khả năng tấn công nhanh và tái cấu trúc linh hoạt trong thời gian thực diễn ra các đợt khủng bố. Cấu trúc không chính thống của Al Qaeda trong môi trường hoạt động tách biệt có nhiều điểm tương đồng với các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp và gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của xã hội. Để chiến thắng, sự thay đổi về chiến thuật hay công nghệ là chưa đủ, các doanh nghiệp, tổ chức cần tập trung vào tái cấu trúc nội bộ và văn hoá của mình.
Siêu đội ngũ là cuốn cẩm nang giúp các nhà lãnh đạo và quản trị doanh nghiệp hiểu rõ hơn về sự thay đổi nhanh chóng của thế giới hiện tại trong bối cảnh nền tảng công nghệ phát triển mạnh, nhân lực mới thế hệ Gen Y đã chiếm trên 70% lực lượng lao động toàn cầu. Những điều này đã khiến các dự báo và kỹ năng lãnh đạo thành công trong quá khứ không còn phát huy tác dụng.
Từ những câu chuyện thực tế, nhiều phương pháp quản trị mới được rút ra như “nhóm của nhiều nhóm”… – hầu như chưa được đề cập trong các cuốn sách khác. Một lần nữa, cuốn sách dự báo tốc độ đổi thay của thế giới cũng như mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi mà hiệu suất cao là yếu tố nền tảng nhưng chưa đủ để quyết định sự tồn tại và thành công của doanh nghiệp; từ đó giúp các nhà lãnh đạo, các quản trị doanh nghiệp “giác ngộ” về phong cách quản trị hiện đại, linh hoạt và nhanh nhạy hơn trong việc ứng phó với những đổi thay này.
Cuốn sách còn trang bị cho chúng ta tư duy mang tính hệ thống, nhận diện sự đồng bộ trong bộ máy và đánh giá chính xác hiện trạng hệ thống mà doanh nghiệp bạn đang sở hữu. Bạn sẽ tìm ra đáp án có tính logic giữa câu chuyện thực tế, phương pháp và khả năng áp dụng cho câu hỏi: “Những gì đang diễn ra trên thị trường, và tôi phải làm gì để tồn tại và phát triển doanh nghiệp thông qua hành trình xây dựng mạng lưới siêu đội ngũ và cấu trúc bộ máy doanh nghiệp?”
Cuốn sách, với sự đầu tư về nghiên cứu thông qua lăng kính đa chiều, đã tóm lược những khái niệm mới, phương pháp hiện đại nhưng lại rất gần gũi, dễ cảm nhận và khả năng ứng dụng cao. Đây chính là điều tôi tâm đắc khi đọc Siêu đội ngũ. Cảm ơn Alphabook luôn cập nhật thường xuyên và kịp thời các đầu sách mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng.
Với Siêu đội ngũ trong tay, chúc quý độc giả có nhiều thông tin hữu ích và ứng dụng được ngay trong công việc và cuộc sống!
TP. HCM, tháng 11 năm 2017
HOÀNG NGỌC MINH TOÀN
Partner Global Leaders/Crestcom Việt Nam
LỜI GIỚI THIỆU
– Walter Isaacson
Trong lĩnh vực kinh doanh hay trong chiến đấu, khả năng phản ứng nhanh và thích nghi rất quan trọng, và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi mà công nghệ và các động lực khác dẫn tới những thay đổi đáng kể trong xã hội đang phát triển ngày càng nhanh chóng. Thực tế này đòi hỏi phải có những phương thức mới để giao tiếp và hợp tác với nhau. Trong thế giới hiện đại ngày nay, sáng tạo là một nỗ lực tập thể. Sự đổi mới là nỗ lực chung của một nhóm.
Cuốn sách này đã đúc kết những bài học kịp thời dành cho các tổ chức đang tìm kiếm cách thức để thành công trong môi trường mới. Dựa trên những tình huống có thật và sống động mà Đại tướng McChrystal đã từng đối mặt khi còn là chỉ huy trên các chiến trường tại Iraq và Afghanistan, cuốn sách chỉ ra rằng các tổ chức cần phải tái sáng tạo chính mình ra sao. Điều này đòi hỏi các tổ chức phải phá vỡ những tháp ngà đóng kín, thúc đẩy sự hợp tác liên bộ phận và nắm vững khả năng phản ứng linh động vốn xuất phát từ sự hợp tác và làm việc nhóm đích thực.
Tôi đã quan sát hiện tượng này trong một nghiên cứu riêng về sự đổi mới trong kỷ nguyên số. Những cuộc cách tân vĩ đại nhất không xuất phát từ một nhà sáng chế đơn độc hay thông qua lối giải quyết vấn đề theo cung cách chỉ đạo và kiểm soát từ trên xuống. Thực ra, những thành công vĩ đại – từ việc phát minh ra máy tính, bóng bán dẫn, mạch vi xử lý, Internet – đều là thành quả của các “siêu đội ngũ” làm việc cùng nhau vì một mục đích chung.
Tôi đã từng hỏi Steve Jobs, người thường bị hiểu nhầm là một kẻ mơ mộng đơn độc và một lãnh đạo độc đoán, rằng thành quả sáng tạo nào khiến ông cảm thấy tự hào nhất. Tôi nghĩ câu trả lời của ông sẽ là chiếc Macintosh hay iPhone đầu tiên. Nhưng ông nói rằng những sản phẩm đó đều là thành quả của các nỗ lực tập thể. Theo ông, thứ sáng tạo khiến ông cảm thấy tự hào nhất là các nhóm làm việc mà ông đã gây dựng, bắt đầu từ nhóm cùng nhau làm ra chiếc Macintosh đầu tiên, dưới lá cờ của cướp biển, vào đầu những năm 1980 cho tới đội ngũ tuyệt vời mà ông đã xây dựng tính đến thời điểm ông rời khỏi vị trí lãnh đạo Apple vào tháng Tư năm 2011.
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng ngày nay, mà đặc điểm nổi bật là tốc độ ngày càng tăng nhanh và sự xuất hiện dày đặc của các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, các tổ chức ở khắp nơi đang phải đối mặt với những thách thức chóng mặt, từ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu cho tới các dịch bệnh, các đột phá trong chuỗi cung ứng hay sự xuất hiện của những công nghệ làm thay đổi cuộc chơi. Cách duy nhất để giải quyết các vấn đề này là xây dựng khả năng thích ứng bền vững ở cấp độ tổ chức bằng cách tạo ra các nhóm là tập hợp của nhiều nhóm.
Với sự xuất hiện của các mạng lưới tốc độ cao và các phương tiện liên lạc kỹ thuật số, sự hợp tác ngày nay có thể – và bắt buộc – phải diễn ra trong thời gian thực. Cấu trúc phân tán, phân quyền và giống như mạng nhện của Internet đã cho phép mỗi cá nhân đều có thể trở thành người cộng tác. Tương tự như thế, sự cần thiết của quá trình đổi mới và giải quyết vấn đề trong thời gian thực đòi hỏi phải có một phương pháp lãnh đạo hợp nhất và minh bạch, có thể trao quyền cho các cá nhân thành viên trong đội ngũ.
Chính môi trường mới này đã trao cho Al Qaeda một lợi thế đặc biệt, cho phép tổ chức hoạt động theo mạng lưới như chúng tấn công nhanh chóng, có khả năng tái cấu trúc trong thời gian thực, và hợp nhất các hành động phân tán khắp toàn cầu của chúng. Ban đầu, khả năng này của chúng đã gây bối rối cho Lực lượng Đặc nhiệm do Đại tướng McChrystal chỉ huy – một lực lượng quân đội được vận hành theo mô hình phân cấp kiểu truyền thống, hoạt động bí mật và riêng biệt trong các tháp kín – vốn là mô hình được thiết kế để giải quyết các vấn đề của kỷ nguyên cũ.
Thật bất ngờ, họ đã tìm ra giải pháp bằng cách thay đổi cấu trúc quản lý. Quân đội Hoa Kỳ và đồng minh của họ đã phải thay đổi cách thức vận hành của các lực lượng thực thi mệnh lệnh đặc biệt, qua đó thay đổi cách tiến hành cuộc Chiến tranh chống Khủng bố.
Dựa trên kinh nghiệm của Đại tướng McChrystal và đồng nghiệp của ông, cũng như thông qua việc nghiên cứu kinh nghiệm của những người khác, họ rút ra bài học là những hiện tượng phức hợp ở quy mô lớn đã vô hiệu hóa cách quản lý theo tư duy tối giản, lối làm việc truyền thống này giờ đây không thể giải quyết các vấn đề của một thế giới đầy tính liên kết. Hiệu suất rất quan trọng nhưng không đủ để làm nên thành công của một tổ chức. Hiệu suất phát huy tác dụng trong thế kỷ XX, nhưng giờ đây nó đang nhanh chóng bị khuất phục bởi tốc độ và những tác động theo cấp số nhân của các yếu tố như những kẻ khủng bố, các công ty khởi nghiệp và các xu hướng có sức lan tỏa cao.
Các mô hình quản lý dựa trên việc lập kế hoạch và dự báo thay vì dựa trên khả năng thích ứng linh hoạt với các hoàn cảnh thay đổi liên tục đã không còn phù hợp với những thách thức mang tính thời đại. Để thành công, các tổ chức phải hoạt động theo mạng lưới, thay vì vận hành trong các tháp kín. Mục tiêu của họ phải chuyển đổi từ hiệu năng sang khả năng thích nghi bền vững ở cấp độ tổ chức. Điều này đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong lối tư duy và mô thức quản lý, đồng thời đòi hỏi những nỗ lực bền bỉ từ phía các nhà lãnh đạo để tạo ra môi trường hỗ trợ những thay đổi nói trên.
Kinh nghiệm của Đại tướng McChrystal trong việc dẫn dắt Lực lượng Đặc nhiệm là minh chứng cho thấy việc tạo ra những thay đổi đáng kể như vậy là khả thi đối với bất kỳ tổ chức nào. Sau khi nhận diện đúng bản chất về khả năng thích ứng và liên kết của mạng lưới Al Qaeda, Đại tướng đã cùng nhóm của mình tìm hiểu lý do vì sao các mô hình tổ chức truyền thống không thể thích ứng được như vậy. Họ đã đi tới một kết luận rằng sự nhanh nhẹn và khả năng thích ứng thường chỉ giới hạn trong các nhóm nhỏ. Họ nghiên cứu những đặc tính khiến các nhóm nhỏ trở nên dễ thích ứng, ví dụ như niềm tin, mục tiêu chung, nhận thức chung và việc trao quyền cho mỗi cá nhân để họ có thể tự hành động. Đồng thời họ cũng xác định những giới hạn mang tính truyền thống của các nhóm, ví dụ như những “dấu hiệu” cho thấy sự đứt gãy trong quá trình hợp tác giữa các nhóm bắt đầu diễn ra.
Bài học quan trọng nhất được rút ra, và trình bày trong cuốn sách này, là nhu cầu về việc nhân rộng khả năng thích ứng và tính gắn kết của các nhóm nhỏ ở cấp độ tổ chức. Điều này bao gồm việc tạo ra “nhóm của nhiều nhóm” (siêu đội ngũ) để củng cố sự hợp tác giữa các bộ phận riêng biệt. Theo cách này, mỗi tổ chức có thể tăng cường thông tin và hành động của rất nhiều nhóm và cá nhân trong toàn hệ thống. Sự đổi mới và khả năng giải quyết vấn đề trở thành thành quả của cả nhóm, chứ không phải là thành quả của một kiến trúc sư đơn lẻ nào.
Để xây dựng “nhóm của nhiều nhóm”, các tổ chức phải tăng cường tính minh bạch để đảm bảo hiểu biết và nhận thức chung. Đồng thời, họ cũng phải thay đổi không gian vật lý và cách hành xử cá nhân để xây dựng niềm tin và củng cố sự hợp tác. Điều này giúp gia tăng sự chia sẻ để các nhóm có thể thực hiện phân quyền và trao quyền hành động cho mỗi cá nhân. Cấp dưới có thể tự đưa ra quyết định, cho phép các thành viên trong tổ chức có thể hành động nhanh chóng. Cách tiếp cận mới này cũng đòi hỏi phải thay đổi quan niệm truyền thống về người lãnh đạo. Vai trò mới của người lãnh đạo là tạo ra môi trường hỗ trợ rộng lớn hơn thay vì quản lý vi mô theo kiểu ra lệnh và kiểm soát.
Việc củng cố, chia sẻ quyền lực và kinh nghiệm của nhiều nhóm cho phép Lực lượng Đặc nhiệm thích nghi nhanh chóng với tình hình chiến sự thay đổi và đổi mới các giải pháp vốn không thể có được theo cách tiếp cận từ trên xuống dưới.
Những bài học này, như các tác giả đã chỉ ra, có thể áp dụng với cả doanh nghiệp và các tổ chức khác. Dưới sự quản lý của Viện Apsen, Đại tướng McChrystal đã lãnh đạo dự án “Một năm thực hiện nghĩa vụ quốc gia” nhằm đem lại cho tất cả thanh niên Mỹ cơ hội và cả sự kỳ vọng. Họ có thể tham gia nghĩa vụ quân sự hoặc phục vụ tại địa phương. Bằng cách tham gia thực hiện một nghĩa vụ, họ sẽ học cách làm việc nhóm, trao đổi về các mục tiêu và được phân quyền, trao quyền để đưa ra quyết định.
Dù bạn đang làm việc trong lĩnh vực nào, đang ở vị trí nào trên nấc thang lãnh đạo, những đúc kết và kỹ năng trong cuốn sách này đều cần thiết với bạn. Đây không chỉ là một cuốn sách kỳ thú, đầy màu sắc và đáng đọc, nó còn là tài liệu hướng dẫn mà bạn nhất định phải đọc để hiểu ý nghĩa của việc tạo ra các thay đổi ở cấp độ tổ chức và sự ghi nhận sâu sắc về tầm quan trọng của làm việc nhóm – những điều tối cần thiết trong môi trường đang liên tục thay đổi ngày nay.