Review sách – Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh

Viết về những câu chuyện xung quang những vĩ nhân, bao giờ cũng là con dao hai lưỡi. Bởi viết quá nhiều thành ra nhàm chán, viết quá ít lại thành hời hợt, ấy vậy mà điều kì lạ là tất cả những tác phẩm viết về Bác Hồ sau dòng trôi chảy của thời gian, vẫn còn nguyên giá trị và sức hút của độc giả. Chưa kể, các tác phẩm đều có sự khác biệt về nội dung và cách triển khai, thế nên một lần đọc là một lần thấy hứng thú. Bởi cuộc đời của Bác, đã là một bản trường ca không lặp lại. Trong số đó không thể không nhắc tới tác phẩm Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh.

Review sách - Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh
Review sách – Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh

Con đường vạn dặm

Đúng như cái tên gọi của nó, tác phẩm việt về chặng đường gian nan và đầy gian khổ của Bác ra đi tìm đường cứu nước. Mỗi tác phẩm về Bác Hồ thường chọn cho mình một giai đoạn có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với sự lựa chọn của Bác, giai đoạn thời niên thiếu theo cha vào Huế và sau đó là quyết định sang trời Tây để ra đi tìm đường cứu nước được nhiều tác phẩm đề cập đến nhiều nhất. Tuy nhiên, để có cái nhìn toàn cảnh và chi tiết đến từng sự kiện như Mai Văn Bộ đã làm thì quả thật rất hiếm. Sách viết về con đường cứu nước của Bác Hồ từ năm 1911 – khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành lên chiếc tàu viễn dương Pháp đi về phương Tây. Đến nước Pháp, Bác thành lập Hội người Việt Nam yêu nước và thảo Yêu sách 8 điểm, xuất bản tờ báo Le Paria (Người cùng khổ). Người đã tham gia và sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Rời Paris sang Liên Xô, tham dự Đại hội 5 của Quốc tế Cộng sản, Bác đọc tham luận về vấn đề giải phóng dân tộc và thuộc địa… rồi lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vào năm 1945.

Các tình tiết được miêu tả cực kì chi tiết và có tính chân thật cao. Tác phẩm phải sử dụng một khối lượng tư liệu khổng lồ để có thể có người đọc cái nhìn tổng quán và sắc nét nhất về hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác. “Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh” giúp bạn đọc tìm hiểu quãng thời gian 30 năm bôn ba của Nguyễn Ái Quốc, nhưng lại đưa Người đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, gay go nhất của cách mạng Việt Nam trước khi giành thắng lợi cuối cùng. Chặng đường lịch sử từ năm 1911 đến năm 1946 là chặng đường vô cùng gian nan vất vả của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp tìm đường cứu nước và đấu tranh giành chính quyền đem lại cuộc sống độc lập tự do cho dân tộc Việt Nam. Đồng thời cuốn sách khắc họa tài năng ngoại giao, thao lược của Bác Hồ, ý chí kiên định không thể xoay chuyển ngay từ khi bắt đầu ra đi.

Khắc họa những tư duy chính trị sắc bén và khó khăn đặc biệt

“Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh” không hẳn là tác phẩm văn học mà thiên về nghiên cứu nhiều hơn. Bởi vậy, trong khi đa số các tác phẩm về Bác chọn viết về những mẩu chuyện giản dị, gần gũi khắc họa chủ yếu tính cách giản dị, cả đời vì nước vì dân, rất dễ hiều dễ nhớ; thì tác phẩm này lại chọn lọc những sự kiện rất ít được độc giả biết đến, hoặc quan tâm đến để viết. Điển hình như sự kiện Bác Hồ viết bản Yêu sách của nhân dân An Nam, các hoạt động của Bác trong các hội nhóm như hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức, Nguyễn Ái Quốc còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Faubourg (Câu lạc bộ ngoại ô). Dự những buổi sinh hoạt này, có nhiều người thuộc đủ các thành phần, xu hướng chính trị như: Bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà thơ, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Chính ở đây Nguyễn Ái Quốc đã làm quen với những nhân vật nổi danh như chính trị gia Léon Blum (sau này là Thủ tướng Pháp), nhà văn Vaillant Couturier, giáo sư Marcel Cachin, nghị viên Mac Saugnier, nữ văn hào Colette…

Tác phẩm chủ yếu tập trung vào những hoạt động chính trị và các bài viết thể hiện tư duy tiến bộ của Bác. Có thể nói cuốn sách khá nặng tính triết lý, các bài viết của Bác đều chứa đựng những lý luận có tầm ảnh hưởng lớn đến những chính sách của nước ta sau này. Bác sớm giác ngộ được chân lý của cách mạng khi luôn luôn cố gắng kết nối cách mạng tại thuộc địa và các mạng quốc tế. Đồng thời luôn cố gắng để lôi kéo sự chú ý của quốc tế về các vấn đề thuộc địa.

Cuốn sách cho ta cái nhìn khác về chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường, bất khuất, nhạy bén, mang tầm vóc của một vĩ nhân. Tìm hiểu tác phẩm, ta cũng hiểu hơn về cuộc đời cách mạng của Bác, Bác phải chịu những sự khó khăn lớn hơn rất nhiều sự thiếu thốn về mặt vật chất. Ta có thể thấy tâm trạng uất ức khi bị Quốc tế cộng sản làm khó liên tục, đây được coi là giai đoạn khó khăn nhất khi Quốc tế cộng sản đã hiểu lầm những củ trương của Bác. Ta cũng có thể thấy sự khó khăn ở trong ngục tù, nơi Bác viết ra tác phẩm “ Nhật ký trong tù”, cũng thấy được cuộc đời cách mạng phải trốn tránh, di chuyển khó khăn và đặc biệt là giác ngộ tư tưởng cho người dân.

Nhìn chung, Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh là cuốn sách không dễ để đọc, tác phẩm chủ yếu tập trung vào những sự kiện chính trị, mang tính nghiên cứu nhiều hơn là nghệ thuật tuy viết dưới dạng hồi ký. Tuy nhiên, cuộc đời của một vĩ nhân được viết lại trong một cuốn sách, chính là tư liệu đáng được trân trọng và tìm hiểu. Bởi cuộc đời của Bác, vốn là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất.