2018 có nên du học Canada hay nên du học Đức

2018 có nên du học Canada. Chia sẻ của một bạn dành mọi tâm huyết dành học bổng danh giá Erasmus Mundus, nhưng chỉ lọt vào Waiting List top 30. Cuối cùng bạn ấy chọn học bổng toàn phần của DAAD để sang Đức học Master ở một trường nằm trong top 9 trường kỹ thuật của Đức (TU9).

Chào bạn, nghe bạn chia sẻ mà thấy xót xa thay, đi kèm với một chút đồng cảm. Mình cũng muốn chia sẻ một chút cách mình nhìn vấn đề và quan điểm của mình trên diện rộng.

Mình đam mê cái ngành mình đang học, mình ham học hỏi và tìm tòi ngay khi còn học phổ thông, vì mình biết được cái mình thích làm từ khi còn niên thiếu. Mình đam mê mãnh liệt tới mức, nghĩ rằng nếu không đứng top ở trường Đại Học hay bậc Cao học thì thực sự đam mê của mình chưa đủ (Cứ như bạn luôn muốn là người xinh đẹp nhất trước mắt người mình yêu vậy). Tốt nghiệp ra trường với bằng thủ khoa, mình muốn dấn thân trở thành một nhà khoa học thay vì một người làm doanh nghiệp. Mình cũng ôn IELTS miệt mài trong 6 tháng, đối với dân khối A chúng mình thì đúng là cực hình vì nền tảng tiếng Anh yếu . Nhưng thành quả của mình tốt hơn một xíu do mình chú trọng vào 3 tính chất khi học một ngôn ngữ mới: tính kỷ luật, tạo đam mê cho mình với việc học ngôn ngữ đó và một phương pháp luyện tập khoa học nhất có thể. 6 tháng từ một người lủng củng về ngữ pháp cơ bản mình gặt hái được nhiều hơn mong đợi so với mục tiêu ban đầu là 7.0.

Khi bắt đầu lập kế hoạch chinh phục ước mơ, mình luôn tự hỏi: Mình đang là ai? Mình muốn trở thành cái gì? Khi trả lời được hai câu hỏi đó, mình tập trung tất cả những gì mình có nhằm chinh phục ước mơ. Mình bỏ hết công việc của mình cho một ước mơ, đi ra biển lớn. Áp lực từ gia đình, áp lực từ dư luận, bạn bè, áp lực về tài chính, mọi thứ áp lực đổ dồn lên mình. (Kiểu như: ôi, thằng đó tốt nghiệp thủ khoa mà giờ thất nghiệp, chắc là …) Nhưng cái ước mơ thôi thúc như con ếch nhảy ra khỏi cái giếng để chiêm ngưỡng bầu trời quang đãng và rộng lớn ấy. Mình giữ cho mình một góc nhìn tích cực nhất có thể và một tâm lý “càng lạnh lùng trước dư luận” càng tốt. Cứ chai lỳ như đá, cứ im lặng, cứ suy nghĩ tích cực, đừng than phiền, đừng chê trách, cứ bám đuổi theo con đường mà mình đã chọn. Đó là điều mình suy nghĩ.

Mình dồn tất cả mọi thứ mình có cho học bổng danh giá Erasmus Mundus, nhưng mình chỉ lọt vào Waiting List top 30. Cảm giác như kiểu bạn đang trong trận bóng chung kết của một giải đấu lớn, và bạn đang sút quả luân lưu cuối cùng, trong khi tỷ số đang là 5-4 nghiêng về đội bạn. Nhưng cú sút ấy ko vào… Dù đau đớn ko tả, nhưng mình cố gắng kiên định để chọn cho mình nhiều lựa chọn hơn. Đơn giản, đường tới ước mơ có rất nhiều, tại sao mình cứ chọn con đường vinh quang nhưng chông gai bậc nhất như vậy. Cuối cùng mình cũng được học bổng toàn phần của DAAD để sang Đức học Master ở một trường nằm trong top 9 trường kỹ thuật của Đức (TU9).

Nhưng như con ếch nhảy lên khỏi miệng giếng, không có gì trong tay, cảm giác đầu tiên là sự run sợ, run sợ trước sự bao la của bầu trời. Đi đâu, làm gì, cũng đều thấy mình thua kém lớp trẻ ở đây rất nhiều. Mình từ từ nhận ra sự khác biệt lớn trong cách giáo dục ở VN và ở Phương Tây. Ở đây trẻ em vui chơi, tham quan tìm hiểu khoa học nhờ vào những chuyến dã ngoại, quan sát thực tế và thực nghiệm trên chính những mô hình trong thực tiễn. Trẻ em vui đùa và đắm mình trong kiến thức, chúng vui vẻ chứ không cày ngày cày đêm như mình thuở bé trong những lớp chọn trường chuyên. Quan điểm về chính trị ở độ tuổi 16-20 của lớp trẻ ở đây minh bạch và có lập trường chính trị rõ ràng. Có đả kich, có ủng hộ, có phê phán, có đóng góp, nhưng tất cả đều minh bạch và rõ ràng. Mình nhận thấy nhiều yếu kém trong hệ thống nước nhà, nhưng mình vẫn giữ quan điểm: học hỏi và xây dựng cho đất nước tốt hơn, mình ko than thở vì biết có than thở cũng ko giải quyết được gì.

Với mục tiêu học hỏi, học hỏi và học hỏi, giữ vững quan điểm tích cực, và theo đuổi ước mơ, mình cũng tốt nghiệp rank 1 ở Đức. Mình với ước mơ đóng góp gì đó xây dựng cho hệ thống của Việt Nam tốt hơn. Mình xin vào trong một viện nghiên cứu có tiếng ở TPHCM làm, nhưng cái hệ thống vốn dĩ đào thải người giỏi này chuộng con cái của các cục (5C) thay vì chọn một thằng tốt nghiệp ở nước ngoài. Mình rơi vào reverse cultural shock và bị khủng hoảng trầm trọng. Hồ sơ mình đóng băng ở đó trong 6 tháng, bắt mình chờ đợi và hứa hẹn với nhiều lý do “rất hợp lý”. Mình biết nhiều bạn giỏi, cũng tốt nghiệp tốt ở nước ngoài apply vào đây, cũng bị tình trạng đóng băng nhiều tháng trời, thậm chí cả năm. Quá thất vọng, nhưng vẫn giữ suy nghĩ tích cực, mình và một vài người bạn nữa đồng sáng lập nên một trung tâm nghiên cứu mới. Qua quá trình điều hành trung tâm nghiên cứu này, mình cũng trải qua thời kỳ reverse cultural shock khi phải làm quen với những thuật ngữ chỉ dân mình mới có. Càng đi sâu, càng dấn thân, mình càng thấy, cái mơ ước đóng góp nhỏ nhoi của mình cho khoa học Việt Nam càng trở nên gắng gượng và thoi thóp. Mình tuyệt vọng dần.

Vừa rồi, mình có trao đổi với một giáo sư ở Harvard, cô cho mình nhiều lời khuyên đắt giá. Trái đất này đang trở nên phẳng dần, khái niệm quê hương giờ cũng trở nên mờ nhạt, khi con người di chuyển khắp mọi nơi. Khái niệm công dân toàn cầu và cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra ở mọi nơi. Vậy chẳng phải, chỉ những nơi đất lành thì chim đâu sao? Chẳng phải đất phải tốt thì hạt giống mới nảy mầm và sinh hoa kết quả sao? Nếu mình muốn có quả ngọt thì không thể gieo hạt ở sa mạc được! Từ đó, mình tìm được một góc nhìn mới, rộng hơn, thoáng đãng hơn và cũng tự do hơn.

Với suy nghĩ như vậy, mình dần dần định hình một kế hoạch mới trên con đường học Tiến Sĩ của mình ở Canada. Sớm thôi, mình sẽ lại đi trên một hành trình mới, một hành trình đi tìm vùng đất nơi mang lại những quả ngọt của ước mơ…

Đôi dòng chia sẻ dù hơi dài của mình. Hy vọng các bạn cũng trả lời được: Các bạn muốn trở thành gì khi ra biển lớn? (Vì nếu không biết mình muốn thành người như thế nào, cũng như không biết đi đâu trên biển, thì ra biển lớn là một cơn ác mộng đấy).

Tags: